Chuyển tới nội dung
Trang chủ » Blog » Tưởng Niệm Cố Đạo Hữu Nguyên Lạc

Tưởng Niệm Cố Đạo Hữu Nguyên Lạc

Đạo hữu Nguyên Lạc (thứ ba từ trái sang) và Nhóm Học Phật Lộc Uyển tại Hội quán HTBQTA

PHÂN ƯU

Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật

Được Tin Buồn

ĐẠO HỮU NGUYỄN VĂN BỒNG

Thọ Tam Quy Ngũ Giới PHÁP DANH NGUYÊN LẠC

Hội Viên Hội Từ Bi Quán Thế Âm

Thành Viên Nhóm Học Phật Lộc Uyển

Sanh Năm 1936 Tại Sài Gòn

Tạ Thế Lúc 11:55 AM, Ngày 27 Tháng 12 Năm 2020

Tại Sacramento, California, USA.

Hưởng Thọ 84 Tuổi

Kính Cầu Siêu Hương Linh Mỗi Tối Cho Đến Lễ Bách Nhật (100 Ngày)

Nhất Tâm Cầu Nguyện Hương Linh Cố Đạo Hữu Nguyên Lạc

SIÊU SANH TỊNH ĐỘ

Thành Kính Phân Ưu Cùng Tang Quyến

Kính Tưởng Niệm Tấm Lòng Cố Đạo Hữu Nguyên Lạc

Thể Hiện Qua Các Bài Viết Của Đạo Hữu Lúc Còn Sức Khỏe

Thân Hữu, Đạo Hữu Tại Sacramento Đồng Niệm Vãng

Đạo hữu Nguyên Lạc thả chim bồ câu về đất trời cao rộng
Thủ bút của đạo hữu Nguyên Lạc, còn có danh hiệu là Nhạc sĩ Phiêu Bồng

Các bài viết của Đạo hữu Nguyên Lạc đăng trên Đặc san Hiểu & Thương

Thư Gửi Các Con

Đặc San Hiểu & Thương 2011 sẽ đến tay các con trong ngày phát hành sắp tới. Các con rất chí hiếu, đã lo hậu sự cho ba đầy đủ. Ngược lại, ba cảm thấy còn thiếu trách nhiệm đối với các con.

Hai năm nay, ba được cơ duyên may mắn tham gia, sinh hoạt với Hội Từ Bi Quán Thế Âm. Nơi đây quy tụ nhiều hội viên đạo hạnh và kiến thức ưu tú, nhất là đạo hữu Nguyên Thành và Chơn Lạc đã giúp ba hiểu được phần nào về lời dạy của đức Phật Thích Ca Mâu Ni.

Mỗi tuần ba được thọ trì Kinh Phổ Môn và đã thấm nhuần được công đức cao dày của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát. Ba đã thấy rằng cõi trần gian nầy là cõi tạm, mà thế giới Tây Phương của Đức Phật A Di Đà mới chính là chốn an lạc để quay về.

Hằng ngày, hằng tuần, hằng tháng, hàng năm … các con đã chi phí cho cuộc sống vô số tài lực. Một buổi nhóm họp bạn bè, một cuộc tiệc mừng v.v… các con không hề tiếc. Nhưng cuộc vui chơi nào rồi cũng trôi qua như nước chảy qua cầu… Cho nên ba mong các con đừng nên bỏ qua những dịp làm việc Thiện. Các con đóng góp với các cơ quan từ thiện (Thí dụ: Hội Từ Bi Quán Thế Âm và v.v…) tuỳ theo khả năng tài chánh. Đó là các con tự tạo phước đức, nhờ vậy hiện tại hưởng được hạnh phúc chân thật ngay trong cuộc sống này và tương lai gieo duyên lành về Tây Phương Tịnh Độ.

Ba tiếc rằng, trong thời trai trẻ ba không được duyên may học hỏi giáo lý nhà Phật!  Cả đời chỉ biết cầm súng lăn lộn trong khói lửa chiến chinh. Khi trở về già, với tuổi đời “ngọn đèn leo lét”, chưa biết cháy tắt lúc nào mới có cơ duyên thấm nhuần được ít nhiều về giáo lý nhà Phật. Rồi muốn tu tập, thực hành cho trọn vẹn thì gặp nhiều khó khăn về sức khoẻ và trí nhớ!

Vậy ba khuyên các con, có dịp nên đến các nơi tôn nghiêm nghe thuyết giảng giáo lý nhà Phật, có dịp nên làm việc Thiện, đừng để quá muộn như ba.

Vài lời tâm huyết, mong được các con tiếp nhận và thực thi, giúp cho ba đuợc nhẹ nhàng thân tâm và cởi mở đôi phần trong trách nhiệm làm cha đối với các con.

Đặc San Hiểu & Thương 2011, trang 109

Cảm Tưởng Về Tu Học

Trong dịp Lễ Vu Lan năm đó tại chùa Viên Chiếu, tình cờ tôi gặp lại anh Nguyên Thành, người bạn học Sacramento City College năm xưa. Tôi được anh tặng quyển “Đặc San Hiểu & Thương”. Đọc “Hiểu & Thương” tôi mới biết bạn của tôi đang sinh hoạt với HTBQTA. “Hiểu & Thương” đã dìu dắt tôi đến với Hội. Nơi đây mỗi tối thứ Sáu đều được các Phật tử trang nghiêm tề tựu đông đủ, lạy Phật, niệm Phật, cùng nhau tụng Kinh A Di Đà, Kinh Phổ Môn, Kinh Dược Sư v.v… Và, cùng nhau làm việc thiện.

Rồi cũng tại nơi đây, mỗi tháng đều có Nhóm Học Phật Lộc Uyển (NHPLU) đến giúp nhau học Phật pháp. Phụ trách chương trình tu học là anh Nguyễn Thanh Xuân, cư dân thành phố Stockton. NHPLU tuy không đông lắm, nhưng quy tụ nhiều anh chị em Phật tử hiểu biết về Phật pháp. Lần đầu tiên tôi đến với NHPLU đang sinh hoạt tại Hội quán HTBQTA, thấy cửa đóng, không khí trang nghiêm im lìm, tôi cứ tưởng là đến sai địa chỉ, quày quả ra xe định trở về. May đâu anh Nguyên Thành đi ra kéo tôi trở lại, tôi mới được biết hàng tháng NHPLU tổ chức học ở phòng bên cạnh Chánh Điện.

Hôm đó anh Nhật Minh Trí là người phụ trách thuyết trình bài học. Anh mặc áo tràng màu lam, gương mặt phương phi đạo mạo, giọng nói thanh thoát lưu loát, đầu hớt trọc, nên tôi cứ ngỡ anh là một nhà sư được mời đến thuyết giảng. Sau buổi học hôm đó, tôi được cô Vui, thư ký lớp học, biên giấy cho biết hai tháng sau nữa, tôi phụ trách tìm hiểu và thuyết trình một bài … trong bộ sách Phật Học Phổ Thông, tác giả là Cố Hoà thượng Thích Thiện Hoa.     

Tôi rất ngỡ ngàng nhưng về nhà mấy tuần liên tục, tôi vẫn cố tham khảo tài liệu Phật học của anh Xuân cung cấp, sưu tầm trên mạng, in hình vào giấy khổ lớn. Tôi nhận thấy rằng trong khi tìm kiếm tài liệu, tôi có cơ hội học hỏi về Phật pháp nhiều hơn là thụ động nghe giảng. Đến ngày thuyết trình, tôi trình bày những gì mình tìm hiểu được. Tôi tự biết kiến thức Phật học của mình rất hạn hẹp, với lời kết luận nhờ anh chị em trong Nhóm bổ túc thêm. Được anh chị em thông cảm góp ý, bổ túc, nên buổi học tương đối suông sẻ thành công. Đây là cách học Phật rất tích cực và hiệu quả. Cá nhân tôi thành thật cám ơn tấm lòng rộng mở của NHPLU.

Vì bị thương tật trong chiến trận, tôi không ngồi xếp bằng được, anh chị em HTBQTA dành cho chiếc ghế ngồi trong góc phòng. Với cái lỗ tai điếc 60-70%, cũng được anh chị em chuyền tay nói vào speaker của hearing-aid wireless giúp cho tôi nghe được những lời tụng niệm và phát biểu. Đôi khi vì sức khoẻ, vì những khuyết điểm không giống ai của mình, tôi muốn xin rút lui, nhưng các anh chị em khuyến khích: “Tu khó, bỏ dễ”. Một ngày đến với Phật, một kiếp được giải thoát. Cho nên tôi vẫn còn có cơ hội hòa nhập tu học với Hội.

Các anh chị em ở Hội đều là những Phật tử thuần thành, đức độ, tấm lòng rộng mở, cùng dìu dắt nhau tu học. Rất mong anh chị em nào chưa đến với HTBQTA, hãy thử ghé qua Hội quán vào mỗi tối thứ Sáu hằng tuần, từ 7:30 PM đến 9:30 PM, để biết được sinh hoạt của nơi nầy, và nếu có duyên lành, sẽ có dịp thấm nhuần giáo lý nhà Phật. Biết đâu “mê nhất kiếp, ngộ nhất thời”.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Đặc San Hiểu & Thương 2012, trang 71

Xem DVD Của HTBQTA

Anh em chúng tôi, hai cựu quân mũ xanh Lực Lượng Đặc Biệt, vì có tuổi không thích chen chúc, nên chúng tôi chọn buổi chiều ngày chót để rảo bước thưởng thức khung cảnh Hội Chợ Tết Giáp Ngọ (2014), do Cộng đồng Người Việt Sacramento tổ chức.

Chúng tôi ghé lại gian hàng Hội Từ Bi Quán Thế Âm. Sau khi mừng rỡ bắt tay chào hỏi và chúc Tết lẫn nhau, chúng tôi được anh Nguyên Thành tặng cho mỗi người 1 dĩa DVD có tựa đề: Hội Từ Bi Quán Thế Âm giúp nạn nhân bão tại Philippines và Bạn Nghèo tại Việt Nam.

Với sự ngưỡng mộ HTBQTA từ bao nhiêu năm qua, tôi háo hức mong sớm về nhà để được chiêm ngưỡng sinh hoạt từ thiện của Hội. DVD giúp tôi nhìn thấy:

I. Cứu trợ Nạn nhân Bão Hải Yến tại Tacloban, Philippines, từ ngày 8-12-2013 đến ngày 14-12-2013.

Trước khi lên đường đi cứu trợ, Hội đã huy động nhân sự hùng hậu đi đến các cơ sở thương mãi tại Saramento với các thùng Lạc quyên Cứu trợ. Có rất nhiều cư dân Sacramento giàu lòng Từ thiện ủng hộ tịnh tài: 

Tài vật không nệ ít nhiều

Miễn sao cứu trợ triệt tiêu khổ sầu.

Mù loà, Tàn tật, Ốm đau

Khó khăn hoạn nạn gúp nhau chân thành

Từ Bi Hỷ Xả trọn lành

Phước báu vô lượng để dành kiếp sau.

Đoàn cứu trợ HTBQTA đáp phi cơ đến đảo Tacloban. Có thấy cảnh nhà cửa đổ nát hoang tàn qua DVD mới thông cảm được nỗi đau khổ tột cùng của nạn nhân Philippines. Rất nhiều gia đình có người chết, chết không hòm, không đất chôn đến đổi phải vùi thây thân nhân trước sân Nhà Thờ với một tấm ván đơn sơ làm mộ bia ghi nhớ. Có nơi vùi lấp tập thể gia đình với mười mấy người trong một huyệt đạo!

Cư dân bơ phờ hốc hác, trẻ thơ ngơ ngác tiều tuỵ. Một thiên tai tàn khốc làm não lòng người chứng kiến! Phái đoàn cứu trợ tụng kinh Cầu siêu, sau đó biếu tịnh tài cho gia đình người bị nạn, tặng bánh kẹo, trái cây cho trẻ em. Nhiều em bé mới 7, 8 tuổi mất cả cha lẫn mẹ trong cơn bão lụt nầy.

Nhìn cảnh nhận quà có trật tự, mới khâm phục dân trí của Philìppines. Các vị cứu trợ người nào cũng rực rỡ ánh mắt chan hoà tình thương, đã đem đến niềm an ủi to lớn và xoa dịu phần nào nỗi thóng khổ tột cùng cho cư dân Philippines. Hoan hô HTBQTA đã thể hiện được câu châm ngôn “Miếng khi đói bằng gói khi no”.

II. Tiếp theo là hình ảnh HTBQTA thăm viếng bạn nghèo tại VN.

HTBQTA đã đi thăm viếng suốt chặng đường từ Trung vào Nam qua các địa điểm: Vùng núi phía tây thành phố Huế; chùa Diên Bình Quảng Trị; thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam; ngoại ô thành phố Quảng Ngãi; Trại phong Quy Hoà, Quy Nhơn, Bình Định; huyện Ninh Hoà, Khánh Hoà; Ban Mê Thuột, Đắc Lắc; Trung tâm Ung bứu Bình Thạnh, Sài Gòn; (có đến Chùa Hội Phước tỉnh Bến Tre nhưng không thấy ghi hình).

Nhìn thấy cảnh các cụ già neo đơn khốn khổ không nơi nương tựa, những người tàn tật lớn có, bé có, tay chân co quắp, mình mẩy quằn quại vặn vẹo như đỉa phải vôi, miệng trào nước bọt, ú ớ kêu rên không nói được thành tiếng, đến đỗi được tặng quà, tặng tiền, tay cũng không biết đón nhận, đôi mắt thì vô thức ngó dáo dác, đầu quay nhìn chỗ nầy chỗ nọ như đang khiếp hãi cái gì đó. Thật hết sức tội nghiệp!  

Cám cảnh thương tâm nầy, tự dưng tâm thức tôi phát hiện: Hoàn cảnh của mình còn nhiều diễm phúc quá vậy! Hãy còn lành lặn, đủ tay đủ chân, trí óc chưa bị lú lẫn, muốn ở thì có nhà, muốn ăn thì có ăn, muốn đi thì có xe, có đủ tất cả mặc dù không bằng ai! 

Nhờ vào tài năng chuyên nghiệp thu hình của đạo hữu Andy Chương Lê mà tôi mới thấy được tấm lòng Từ thiện bao la của anh chị em trong HTBQTA.  Anh chị em đã bỏ ra nhiều thì giờ quý báu, bỏ ra nhiều công sức, bỏ thêm tài vật riêng tư của mình để xoa dịu nỗi khổ đau triền miên của bá tánh!

Ngưỡng mong Đức Phật từ bi gia hộ cho anh chị em Thân tâm An lạc, Sức khỏe Dồi dào, Lạc quyên Thận lợi để có đủ điều kiện cứu trợ. Hy vọng anh chị em nếm được Pháp vị An vui Tự tại trong Tu học.

Riêng tôi tự nhủ:

Liệu mà tu tâm dưỡng tánh.

Liệu mà ăn ở hiền lành.

Việc Thiện nhỏ không bỏ.

Việc Ác nhỏ không làm.

Lấy gương sáng của HTBQTA mà rọi vào tâm thân Tu học.

Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát.   

Đặc San Hiểu & Thương 2013-2014, trang 77

Cảm Nghĩ Ngày Ghi Hồ Sơ Trợ Giúp Người Khuyết Tật

Nhận được thông báo, chúng tôi hội viên HTBQTA, kẻ trước người sau đến nhà anh Nguyên Thành. Mỗi người nhận vài xấp hồ sơ để ghi chép danh sách người khuyết tật, đang được Hội trợ giúp. Công việc tuy rất nhẹ nhàng, nhưng đòi hỏi thời gian và sự chăm chỉ ghi chép chính xác, vì đây là chứng từ lưu trữ cho việc làm Phước thiện của Hội luôn được minh bạch trong sáng.

Cá nhân tôi, trong khi ghi chép hồ sơ, chăm chú nhìn lý lịch và hình ảnh của những người khuyết tật, nào là mù, câm, điếc, cơ thể quằn quại co rút, tứ chi bại liệt, tâm thần nhiễu loạn, trí não tê liệt… khiến lòng tôi bồi hồi xót xa!

Tôi chợt nghĩ tại sao cũng là Kiếp người mà lại có những cảnh ngộ bất hạnh, đau khổ đến như vậy?! Cảm nghiệm Lời giáo huấn của Đức Phật: Tạo phúc đức được duyên lành – Gây tội ác gặp nghiệp dữ. Đó là căn cơ luân hồi quả báo.

Tôi bước vào ngưỡng cửa Phật pháp quá muộn màng ở tuổi 75, vào cái năm mà anh Nguyên Thành tặng cho tôi quyển Hiểu & Thương 2010. Tôi linh cảm chỉ còn vài năm nữa thôi là bỏ xác. Mình sẽ thấy Đài hoa hay thấy Lửa địa ngục?

Anh Nguyên Thành và chị Quảng Minh là cái gương đáng cho tôi học hỏi. Tất cả thời gian, sức lực, trí tuệ và tài chánh tư hữu, cả hai người đều dồn vào Phật sự và việc làm Phước thiện, theo tôn chỉ của HTBQTA. Anh chị đã đi một bước đường thật dài, mà tôi thì vẫn còn lẹt đẹt, với những bước chập chững đầu tiên. Lại thêm cái bệnh, mình nói ai cũng nghe, nhưng người ta nói thì mình không chịu nghe, thì làm sao thấu đáo được Phật pháp?  Phật pháp mà không thấu đáo thì làm sao đạt được kết quả tu học. 

Đời người chóng qua, vô thường trong từng phút giây. Thôi thì muộn còn hơn không. Do đó tôi tự đề ra cho mình:

Việc Ác nhỏ không làm;

Việc Thiện nhỏ không bỏ.

Hàng ngày, đều đều niệm nhiều biến:

Nam mô A Di Đà Phật.

Đặc San Hiểu & Thương 2015, trang 82

Đạo hữu Nguyên Lạc thực hành Bi Trí Dũng tại Hội chợ Tết Cộng đồng Việt Nam, Sacramento

Từ Lời Phật Dạy Bi Trí Dũng 

Cách đây không lâu, chỉ vài năm truớc đây thôi, một duyên may đã cho tôi đuợc đến với HTBQTA. Anh chị em ở đây rất hoà đồng, không hề có cặp mắt kỳ thị, mặc dù tôi chưa hề biết chút gì về Giáo lý đạo Phật, có nghĩa tôi mới chập chững đứng truớc nguỡng cửa học Phật. Trong khi anh chị em ở đây ai cũng nhiều năm tu học, Kinh Phật thuộc lòng đọc trôi chảy. Anh chị em đã may tặng cho tôi 1 chiếc áo tràng màu xám tro và cung cấp cho tôi rất nhiều kinh sách Phật giáo cùng những lời khuyến khích đầy chân tình.

Chí thú học hỏi Kinh Phật, tìm tòi nghiên cứu thêm ở trên mạng, tôi hiểu ra rằng, muốn trở thành nguời Phật tử chân chính, cần phải có 3 đức tính: Bi Trí Dũng. Kinh sách chỉ dẫn cho tôi biết Bi là Từ bi – Trí là Trí tuệ – Dũng là Dũng mãnh. Ba đức tính nầy phải song song, phải hỗ trợ lẫn nhau, như một xâu chuỗi hạt bồ đề, thiếu một trong ba thì không đạt được chân lý.

Từ bi là đem vui cứu khổ. Người Phật tử sống theo châm ngôn Bi không thể thản nhiên trước nỗi khổ của kẻ khác, kể cả loài vật. Cho dù với hành động nhỏ nhặt tầm thường mà chuyển hóa được khổ đau, đem an vui cho người và vật thì người Phật tử quyết không từ chối. Tôi học được đức tính Từ Bi từ anh chị em trong Hội qua hành sử của Ban Điều Hành HTBQTA.

Ban Điều Hành không hề bỏ sót những mảnh đời bất hạnh từ quê nhà do Chư Tôn đức và anh chị em Cộng tác viên cung cấp. Các em cô nhi, các em tật nguyền, các em học giỏi mà vì cha mẹ quá nghèo túng không thể tiếp tục con đường học vấn, Hội đều lập danh sách trợ giúp trong khả năng của mình. Ngoài sự giúp đỡ cho đồng bào quê cha đất tổ, Hội cũng còn ghé mắt đến các quốc gia bạn như Phi châu, Ấn Độ, Guatemala, Haiti, Phi Luật Tân, Nepal. Hội quyết định cứu trợ nạn nhân Phi Luật Tân qua lần thiên tai tàn khốc do cơn bão Haiyan tại Tacloban vào cuối năm 2013 và nạn nhân hai trận động đất kinh hoàng tại Nepal, quê hương Đức Phật, năm 2015. Lòng Từ bi thì muốn cứu trợ. Nhưng muốn cứu trợ thì phải có tiền. Tiền ở đâu ra?

Trí tuệ là hiểu biết rõ ràng cùng khắp, nhận rõ được chân lý và sự thật. Người Phật tử không cam tâm chịu dốt nát và u mê mà phải tìm tòi học hỏi đúng Chánh pháp và chân lý. Ngoài ra còn phải giúp đỡ cho người khác cùng học hỏi hiểu biết như mình. Cho nên muốn có tiền thì phải có trí lạc quyên bằng cách nào cho hữu hiệu. Phương cách của HTBQTA thật nhẹ nhàng với mục đích từ thiện nhân đạo nhưng trình bày minh bạch, làm cho đồng bào hải ngoại, kể cả người Mỹ đa văn hóa, tin tưởng chấp nhận một cách nhiệt tình, thì sự ủng hộ tài vật mới được liên tục lâu dài, phong phú. 

Dũng mãnh là can đảm tinh tấn, không yếu đuối sợ sệt, ươn hèn, thối chí. Là thành viên của HTBQTA, ai cũng phải vượt qua mọi chướng ngại để vừa tiến đến giác ngộ giải thoát, vừa cứu giúp chúng sanh. Phải luôn luôn cố gắng kiên trì để thắng mọi thử thách gian lao từ bên trong đến bên ngoài, mỉm cười trước nguy hiểm, tự tại trước thất bại để vững chí tiến bước trên đường tu học và từ thiện. Nghĩ cho cùng, không có vinh quang nào mà không qua khổ ải, không có thành công nào mà không qua thất bại. Đó là giai phẩm của cuộc đời và cũng là cái DŨNG của người Phật tử.

Mục đích và phương cách đã đề ra rõ ràng, mọi người trong HTBQTA đã đồng ý nhất trí. Tất cả anh chị em trong Hội đều có tinh thần Dũng cảm chấp nhận mọi khó khăn thử thách để dấn thân thực hiện một cách triệt để. Mỗi năm thường có tối thiểu 1 lần tổ chức Buffet Chay gây quỹ tại Sacramento, San Jose, Hayward, Stockton, Oakland. Nhiều lần anh chị em chịu khó bưng thùng Lạc quyên đến đứng ở các địa điểm công cộng suốt buổi, suốt ngày dưới cơn nắng gay gắt hoặc dưới cái lạnh thấu xương để đón nhận tịnh tài của khách thập phương có lòng Từ bi Bác ái.

Trong việc cứu trợ nạn nhân của cơn bão Haiyan tại Tacloban Phi Luật Tân và động đất Nepal, đã có một số anh chị em tự nguyện bỏ tiền túi chi phí cho phương tiện di chuyển. Cái thể hiện Dũng mãnh là lòng can đảm dám tình nguyện đi đến những nơi xa xôi hẻo lánh, hoang tàn. Theo đài khí tượng cho biết là tàn dư của những cơn bão và động đất hãy còn trong tình trạng hăm dọa tái diễn, chưa biết có thể sẽ xảy ra lúc nào! Ra đi với túi tiền mặt và vật dụng cứu trợ cồng kềnh đến một nơi xa lạ, có thể bị nguy hiểm đến tính mạng nếu bị kẻ xấu rình rập sát hại! Chúng tôi xin miễn nêu tên những anh chị em có thừa đức tính Dũng mãnh này.

Cá nhân tôi không phải cố ý đề cao tinh thần Dũng mãnh của HTBQTA, mà tôi muốn tự mình tìm hiểu, học hỏi tấm gương Bi Trí Dũng của anh chị em HTBQTA để bồi dưỡng cho việc học Phật pháp của tôi được tinh tấn thành thục, áp dụng đúng lời dạy của Đức Phật: Người Phật Tử cần có 3 đức tính BI TRÍ DŨNG.

Tôi tự kết luận, 3 đức tính BI TRÍ DŨNG phải song hành phối hợp chặt chẽ, yểm trợ, nương tựa nhau không thể thiếu một. Nếu có Bi mà thiếu Trí xét đoán, thì Bi ấy sẽ bị sai lầm. Nếu có Trí mà không có Bi thì Trí ấy nguy hiểm. Khi có Bi có Trí mà thiếu Dũng thì Bi Trí cũng thành vô dụng, vì không vượt thoát được khó khăn, trở ngại để thành đạt Bi Trí. Có Dũng mà thiếu Bi Trí thì Dũng ấy dễ bị sai lạc, có thể gây mầm họa, trở thành độc ác như ma vương quỷ sứ!

Tóm lại, sự cứu khổ, đem an vui cho mọi loài, cần có sự hiểu biết sáng suốt, nhận thức đúng đắn, dám can đảm dấn thân vượt mọi hiểm nguy, bền chí trước mọi khó khăn trở ngại để đi đúng đường Chánh pháp.

                                                                   Đặc San Hiểu & Thương 2016, trang 66

Sự Cường Thịnh Của Một Quốc Gia (Sưu tầm tài liệu)

Vua A Xà Thế (Ajatasattu) sai viên đại thần của mình có tên Vassakara đến dò ý kiến Đức Phật về mưu định của nhà vua muốn gây chiến với nước Cộng Hòa Vajjian, thuở ấy rất trù phú. Đức Phật dạy:

1) Ngày nào mà người dân Vajjian còn thường gặp gỡ và tụ họp đông đảo với nhau;

2) Ngày nào mà người dân Vajjian còn tụ họp trong tinh thần đoàn kết, còn vươn mình tiến triển trong tinh thần đoàn kết và làm tròn nhiệm vụ trong tinh thần đoàn kết.

3) Ngày nào mà người dân Vajjian không ban hành những đạo luật mới mẻ chưa từng được ban hành, không hủy bỏ những đạo luật sẵn có, và sống thích hợp với những quy tắc cổ truyền;

4) Ngày nào mà người dân Vajjian còn hộ độ, tôn sùng, kính trọng và đảnh lễ các bậc trưởng thượng trong xứ, và còn nghe những lời dạy thích nghi của các vị này;

5) Ngày nào mà người dân Vajjian không còn một người đàn bà hay con gái nào bị quyến rũ hay cưỡng ép phải sống với kẻ ngoại nhân;

6) Ngày nào mà người dân Vajjian còn bảo trì, tôn trọng, kính nể và làm vẻ vang các tôn miếu của họ, dù ở trong hay ở ngoài tỉnh thành, và không sao lãng những nghi lễ cổ truyền;

7) Ngày nào mà người dân Vajjian còn bảo bọc, bênh vực, và nhiệt thành ủng hộ các vị A La Hán, khiến các vị nào chưa đến sẽ đến trong xứ và vị nào đã đến, được sống an lành.

Ngày nào mà bảy điều kiện trên còn được thực hiện, thì dân tộc Vajjian không thể suy đồi, trái lại còn cường thịnh hơn trước.”

Khi nghe chính Đức Phật giảng dạy bảy điều kiện thịnh suy của người dân Vajjian, vị đại thần Vassakara nhận thức chắc chắn rằng vua xứ Ma Kiệt Đà (Magadha) không thể chiến thắng dân tộc Vajjian.

Cuộc vấn đáp này diễn ra vào lúc Đức Phật đã 80 tuổi, cơ thể Ngài đã suy yếu, cơ hồ như một “chiếc xe đã quá cũ”. Thế nhưng với nghị lực và trí tuệ minh mẫn phi thường, với lòng từ bi, hằng ngày Ngài vẫn tiếp xúc – không từ chối một người nào – từ vua quan đến thứ dân để trả lời những thắc mắc của họ và Ngài luôn giảng giải cặn kẽ.

Trong cuộc đối thoại nói trên, Đức Phật không đứng về phe nào, cũng không hề lên tiếng ngăn cản Vua A Xà Thế tiến hành cuộc chiến tranh. Mà bằng sự phân tích khách quan, mà tự thân sự trình bày khách quan đã có sức thuyết phục, khiến đại thần Vassakara tự tìm thấy câu trả lời. Mẩu đối thoại trên, ngày nay vẫn còn được coi như là những tiêu chuẩn mẫu mực đánh giá sự cường thịnh của một quốc gia cho dù hơn 2500 năm đã qua.

Đặc San Hiểu & Thương 2017, trang 127