Chuyển tới nội dung
Trang chủ » Blog » BA TÔI

BA TÔI

Người Mẹ nghiêm từ của Ba tôi

Thành kính thắp nén tâm hương tưởng niệm Cha Già bên kia miền yên nghỉ.

Lúc còn nhỏ tôi thường nghe Ba tôi nói rằng: “Dòng dõi nhà mình có nề nếp văn học”.  Lời nói đó gieo vào tâm thức trẻ thơ một niềm tự hào về Dòng họ và đã ảnh hưởng sâu sắc đến cả cuộc đời tôi. Nay đối chiếu với Gia phổ, lời nói của Tiên Nghiêm ngày xưa quả nhiên là có căn cứ.

Họ Trần Duy chúng tôi phát xuất từ Thanh Hóa, đến xứ Thuận Hóa vào khoảng đời Chúa Nguyễn Hoàng, cách nay trên 400 năm.  Ngài Khai Cơ Chấn Thủy Tổ đời thứ Nhất là một bậc anh hùng hào kiệt, cùng người anh em đồng cam cộng khổ họ Nguyễn, đã từ tay không đến vùng đất xa lạ này, khai phá đất hoang, chiêu dân lập ấp, chen vai thích cánh cùng anh hào các làng khác để tạo dựng nên làng Phước Linh (lúc đầu có tên là Mục Linh, hay Mộc Linh). Sau đó hai Ngài lại về huyện Phú Lộc khai thác thêm hằng trăm mẫu đất nữa lập thành Phước Linh hạ phường. Về đời sau do không đủ dân số để lập làng nên phải sáp nhập vào làng Bàn Môn. Do công lao to lớn đó, hai Ngài đã được triều Nguyễn sắc phong tước vị DỰC BẢO TRUNG HƯNG LINH PHÒ CHI THẦN.

Ngài Thủy Tổ đời thứ Hai cũng là bậc nhân kiệt tên là Trần Duy A, làm chức Tướng Thần, tước A Đức Nam. Ngài kế thừa Tổ nghiệp, bảo vệ và phát huy sự nghiệp Tiên Linh ngày thêm rạng rỡ. Trong khi đó em ruột của Ngài tên là Trần Muốn cùng theo cha về lập nghiệp tại Phước Linh hạ phường, truyền thừa nên họ Trần Viết làng Bàn Môn ngày nay.

Qua đến đời thứ Ba, chưa rõ công nghiệp quý Ngài Đầu Phái khác như thế nào, riêng Ngài Đầu Phái Năm chúng tôi đã là một vị khoa cử xuất thân. Ngài thi đậu Hương Cống (sau nầy Vua Minh Mạng đổi là Cử Nhân), làm quan đến chức Tri phủ, tước Thạnh Đức Bá, tại phủ Bình Khương (Khang) là một phủ tân lập từ đất Chiêm Thành, nay là trung tâm thị xã Ninh Hòa thuộc tỉnh Khánh Hòa. Sau thăng chức Quang Lộc Trung Thuận Tự Khanh, tước Thạnh Đức Hầu (Hàm Tam phẩm). 

Bốn trăm năm trước đây, vào khoảng đời Chúa Nguyễn Phúc Chu, xứ Đàng Trong còn chưa ổn định, phía Bắc chiến tranh triền miên với quân Trịnh, phía Nam đấu tranh phức tạp với Chiêm Thành, việc tổ chức học hành vì thế còn nhiều hạn chế. Giữa bối cảnh như vậy mà một làng mới lập chưa được một thế kỷ như Phước Linh đã phát sinh một bậc khoa bảng, chức tước cao trọng là một trường hợp hiếm có. Đó không những là niềm tự hào của Dòng Họ chỉ sau ba đời lập nghiệp, của anh linh tú khí phong thổ un đúc, mà còn là niềm vinh dự, nguồn khích lệ tinh thần lớn lao của cả những vùng đất mới ra khỏi tình trạng hoang vu. “Hổ phụ sinh hổ tử”, “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”, Ngược lại, cũng có thể nhìn vào kết quả mà tìm ra nguyên nhân. Nhìn vào sự nghiệp Ngài Đầu Phái Năm, có thể suy đoán ra tầm vóc thân thế Nội Tổ của Ngài, tức là Ngài Đệ Nhất Khai Canh Làng Phước Linh mà tài liệu ghi chép tìm thấy hiện nay còn rất ít.

Đời thứ tư, kế thừa Ngài Đầu Phái năm là các Ngài Trần Duy Ất, Trần Duy Sĩ, Trần Thị Thiện. Ngài Ất thi đậu Tú Tài. Ngài Sĩ không rõ khoa cử thế nào nhưng Gia Phổ chép Ngài là bậc “Văn học minh danh vu thế” (Học hành nổi tiếng trong đời), được chúa Nguyễn bổ nhiệm vào Hàn Lâm viện, phong tước Sĩ Đức Tử. Bà Thiện lấy chồng họ Bạch trong làng sinh hạ một trai ba gái.

Chi tiết quan trọng trong Gia phổ là Ngài Sĩ sinh tháng Ba năm Tân Tỵ. Điều may mắn nữa là các đời trực hệ kế tiếp sau Ngài Sĩ đều có ghi rõ chi tiết về giờ, ngày, tháng, năm sinh cũng như mất. Nhờ vậy có thể tính ra rằng năm Tân Tỵ nầy là năm 1701, nghĩa là Ngài Sĩ sinh ra cách đây gần 300 năm!  Chi tiết nầy không những rất quý báu cho Dòng Họ mà còn rất có giá trị lịch sử khi tìm hiểu về làng Phước Linh cũng như các làng lân cận.

Ngài Sĩ cưới Bà họ Phan làng An Lưu, truyền thừa mười ba vị gồm chín nam và bốn nữ, tức là đời thứ năm. Trưởng tử là Ngài Trần Duy Nguyện theo Chúa Nguyễn vào tỉnh Gia Định làm chức Tào Vận, lập nghiệp luôn ở trong đó. Năm Tự Đức thứ 11 (1858), Ngài Thái Y viện Y Chánh Trần Duy Triếp đi điều hộ quân thứ vào Gia Định, có gặp con Ngài Nguyện, hỏi căn do mới biết Ngài Nguyện vào Nam truyền thừa một chi con cháu đông lắm. Trong khi hàn huyên tâm sự thì chiến tranh với Pháp xảy ra nên mất liên lạc. Ngưỡng mong Tiên Tổ phò trì để tìm lại được huyết thống Ngài Nguyện, nối tiếp mạng mạch tông môn. Cũng trong đời thứ Năm này, Ngài Cao Cao Tổ khảo chúng tôi là Trần  Duy Tâm thi đậu Tú Tài, bổ phủ Lễ sanh, tước Tâm Đức Nam.

Qua đời thứ Sáu, Ngài Cao Tổ Trần Duy Trọng làm Thái Y viện Y chánh. Tên của Ngài được nhà vua đổi là Huân, “Châu phê Huân”, có nghĩa là công trạng, sau đó lại phê đổi là Dũ, “hựu phê húy Dũ”, có nghĩa là lành bệnh. Như vậy có phải do Ngài có công trong việc chữa bệnh chăng?

Sau bốn đời liên tiếp làm quan trong triều, đến đời thứ Bảy, Tằng Tổ chúng tôi là Ngài Trần Duy Cương và đời thứ Tám Nội Tổ Trần Duy Kinh mới từ giã triều ca trở về đời sống dân dã làm Thầy thuốc, tức là cũng gắn với nghiệp sách đèn.

Trong tình tự gia môn vào lúc thanh bần nhưng hào khí vẫn còn nóng bỏng, Ba tôi đã sinh trưởng và đứng vững như cây thông trước bao phong ba, thử thách, vinh nhục, đổi thay của lòng người và cuộc đời.

Tiên nghiêm thế hệ thứ Chín, thế danh Trần Duy Uẩn, quy y Hòa Thượng Châu Lâm, Pháp danh Nguyên Tố. Sinh ngày 25 tháng 8 năm Mậu Tuất (1898) tại làng Phước Linh, tổng Ngọc Anh, nay là xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Người là con thứ nhưng đóng vai trưởng. Nguyên Nội Tổ cưới hai Bà Nội. Bà thứ nhất là Nguyễn Thị Lư, làng Tham Khê, tỉnh Quảng Trị, sinh bốn O: Trần Thị Cộng, Trần Thị Kệ, Trần Thị Thử, Trần Thị Liển. Bà Nội thứ hai húy Nguyễn Thị Vung, làng Mỹ Xá, Xã Quảng An, huyện Quảng Điền, sinh năm người: thứ nhất là Bá khảo Hữu Vị Vô Danh, thứ hai là Tiên nghiêm, thứ ba là Chú Bếp Kết, thứ tư là Chú Bộ Luyến, thứ năm là Hiển cô Hữu Vị Vô Danh.

Năm Ba tôi lên mười bốn tuổi, Ôn Nội bất hạnh qua đời sớm (1911). Gia đình phải theo Bà Nội về sinh sống tại quê ngoại là làng Mỹ Xá. Nhà nghèo, Người phải sớm nghỉ học để giúp đỡ việc nhà. Ba tôi kể lúc còn nhỏ, chú Bộ hay vùng vằng: “Bữa ăn mô cũng canh bù (bầu), canh bù”. Bà Nội nói: “Nhà mình nghèo, không ăn canh bù thì ăn chi hở con”!

Thời kỳ gắn bó với quê Ngoại đã gieo vào lòng Người một tình cảm đáng quý: đối với Tổ Tiên và Bà con bên Ngoại, Người trân trọng và cư xử vẹn toàn như bên Nội. Mặc dù sau nầy ở xa đi lại khó khan, nhiều lúc mưa lụt, nhưng năm nào Người cũng về kỵ chạp tại quê Ngoại.

Người bẩm tính thông minh, tâm cơ linh mẫn, ứng biến, học một biết mười. Học vỡ lòng chữ Nho năm năm, chữ quốc ngữ tự học, tiếng Pháp học trên tàu sang Tây. Hoàn cảnh khó khăn như vậy, mà sau nầy Người có thể đọc và nói tiếng Pháp trôi chảy, chữ quốc ngữ viết rất đẹp, chữ ký vừa bay bướm vừa hách, trình độ chữ Nho rất vững, đọc thông kinh sách, viết rành câu đối và văn sớ.

Từ một thanh niên “Annamist” làm nghề lặn cát sạn, chỉ sau ba năm đi lính sang Pháp đã đóng lon Trung sĩ, hàm Chánh Bát phẩm Đội trưởng, trở về làng đóng vai Tiên chỉ, uy tín và oai phong vô cùng. Theo lời kể của chú Cặn, anh Huyên, Lễ ăn khao của Ba tôi tổ chức lớn lắm, có ra trình làng và mời cả làng chung vui. Nhân dịp này Ba tôi hiến cúng một cặp tán vàng rực rỡ thờ trong đình làng. Với nhiệt huyết tuổi xuân và lòng tự hào Dòng Họ, Người đã hiến cúng Nhà Thờ Họ một bộ sườn nhà bằng gỗ kiền làm nhà tăng và hai câu đối đầy khí phách:

         “Danh địa Phước Linh, thế xuất anh hào tiên cập hậu

          Nguyên đường Chánh Khí, gia truyền hương hỏa cổ nhi kim”.

(Đất quý Phước Linh sinh ra các bậc anh hào sau như trước; Khí thiêng tổ đường muôn đời thờ phụng ngày nay chẳng khác xưa).

Năm 1968, Người làm Trưởng họ, đứng ra trùng tu Nhà thờ, Người đã chỉnh lại thật hay câu đối trong tẩm như sau:

                                       “Tổ triệu sơn hà cố

                                       Tôn bồi thổ vũ kiên”

                                      (Tổ tạo non sông vững

                                      Tôn xây cơ nghiệp bền)

Chữ Tôn trên đây là vị “Tổ” đời thứ hai, kế thừa Tổ đời thứ nhất. Bác Liêm thợ nề đã thốt lên: “Kiên đối với cố hay quá, Nhà Thờ này sẽ không bao giờ hư hoại”!

Lá số tử vi ba tôi chắc là có sao Đào hoa tốt. Lúc còn thiếu niên theo Mệ đi buôn gạo tại chợ Tài Ba, có cô gái hò ghẹo người rằng:

                        “Thiên sanh nhơn hà nhơn vô lộc?

                         Địa sanh thảo hà thảo vô căn?

           Một mình em ngồi giữa lòng thuyền dưới nước trên trăng

                      Biết ai trao duyên đổi nợ cho bằng thế gian”?

Có lẽ mảnh tình ấy rất thú vị nên mãi về già vẫn thấy người hay ngâm nga mấy câu hò nầy với nụ cười tủm tỉm trên môi.

Chính thức thì Ba tôi có bốn phòng khuê (còn thời kỳ đi Tây, những cuộc tao ngộ “để nhớ để thương” ra sao thì chưa thống kê được)! Bà thứ nhất húy Nguyễn Thị Muội, cùng quê ngoại Mỹ Xá. Nghe nói dòng dõi Bà thật khá giả, gia môn nghiêm cẩn, thế mà Ba tôi với thân phận mồ côi, làm hàng xáo, vẫn lọt vào mắt xanh của cô tiểu thư họ Nguyễn thì cũng là tay tán gái có tài. Có lẽ nhờ Ba đẹp trai, vui vẻ mà có khí độ nam nhi chăng? Bà sinh hạ anh Luy, anh Tý, nhưng khi các anh còn nhỏ thì Bà đã qua đời lúc mới 26 tuổi (1926).

Bà Thứ Hai là Hồ Thị Chít, cùng làng, sinh anh Lộc và một chị nhưng chị vừa ra đời thì mất. Tuy tôi và em Huế không phải con ruột của Bà nhưng tình thương Bà dành cho chúng tôi sâu đậm lắm. Một lần Bà nằm nhà thương trở về, hai anh em chúng tôi chạy ra đón từ xa reo lên mừng rỡ: “A! Mạ về, Mạ về”. Không ngờ Bà đã cấm khẩu, về nhà ít hôm thì mất. Ngày đưa đám, tôi được mặc bộ đồ dài trắng có tua, đội mũ rơm, tay chống gậy, ngồi trên xe kết hoa thật đẹp. Lần dầu tiên tôi được dự một chuyến đi trang trọng và xa như vậy nên trong lòng rất là thích thú, ai dè từ đó anh em tôi không bao giờ còn được Bà bồng bế nữa.

Khi Ba tôi đổi ra tỉnh Sơn Tây, có cưới một bà thứ Ba là Nguyễn Thị Tý, quê ngoài đó. Bà sinh ra anh Tú, cao ráo, khôi ngô, tráng rộng, nhưng lên ba tuổi thì mất. Mộ anh táng tại chùa Thông, Sơn Tây, có dựng bia. Không biết bây giờ có còn dấu tích gì không vì đã 63 năm rồi. Sau khi anh Tú mất, Ba tôi buồn phiền quá gây gổ với Bà, từ đó hai người xa nhau.

Mẹ sinh ra tôi là Bà thứ tư, tên là Lê Thị Thà, Pháp danh Nguyên Chí. Người làng Lệ Sơn, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam. Quê ngoại tôi đất cát trắng mịn, nước giếng trong lành. Bà Ngoại 94 tuổi vẫn còn lưng thẳng, mắt tỏ, tai thính, đi lại vững vàng, thần trí minh mẫn, vừa mới qua đời đầu năm ngoái. Điều ân hận của mẹ con chúng tôi là không về dự tang lễ Bà Ngoại được, tuy rằng những năm trước, mỗi dịp kỵ Ôn, chúng tôi đều có về thăm và tổ chức Mừng thọ Bà một cách vui nhộn. Mẹ tôi tính hiền lành, chất phác, vất vả khó nhọc vì chồng con nhưng vẫn một lòng cam chịu. 

Tôi còn có ba người em ruột nữa là Trần Thị Huế, Trần Duy Quên và Trần Thị Nhớ. Em Quên hy sinh trên chiến trường Quảng Trị đầu năm 1975, chưa lãnh một đồng tiền tử tuất nào để thắp nén nhang trên nấm mộ tử sĩ. Hai em gái tôi đã lấy chồng, nhà nghèo con đông, quanh năm suốt tháng phải lam lũ với cảnh buôn tảo bán tần. Hai em rễ Nguyễn Quang Hòa, Nguyễn Văn Phúc là người đàng hoàng, biết làm ăn, chăm sóc cho gia đình. Chị dâu trưởng của tôi là Hồ Thị Đị, cùng làng, lớn hơn anh tôi hai tuổi. Chị sống với Ba rất lâu nên có nhiều kỷ niệm về Ba. Chị dâu thứ hai là Nguyễn Thị Hiếm, dòng dõi hoàng phái, chánh quán Nguyệt Biều là nơi có nhiều vườn cây ăn trái. Hiền nội là Ngô Thị Hạnh, quê ở làng Thanh Thủy thượng, xã Thủy Dương, huyện Hương Thủy. Tuy chỉ chăm sóc Ba chưa được ba năm, nhưng là người chia sẻ sâu sắc với tôi những vui buồn vào cuối cuộc đời Ba.

Ba tôi đi lính khố đỏ 17 năm, từ khoảng năm 1925 đến 1942. Sau khi giải ngũ trở về làng, Người đi tiên phong ra làm nhà tại Cồn là nơi đất đai còn bỏ hoang, sinh sống bằng làm ruộng và nấu rượu. Thượng Cồn là nơi biên địa tiếp giáp với làng An Truyền, dân anh chị qua lại rất nhiều. Hiển nhiên, Ba phải là kẻ gan dạ, đởm lược mới ở yên chỗ đó được. Nhiều người ra theo, làm mấy cái trại, hình thành một xóm bảy nóc nhà.

Cách mạng Mùa Thu 1945, Người làm Đại Đội trưởng huấn luyện dân quân địa phương. Qua năm 1947 có lệnh gọi tái ngũ cựu binh sĩ, Người gia nhập Việt Binh đoàn. Lúc này Ba đã chán ghét sự dối trá của thực dân Pháp nên không muốn cầu thân, mặc dù có nhiều cơ hội: Viên quan Năm người Pháp tại Đà Nẵng là đơn vị trưởng trước kia của Người. Người chỉ cần đến gặp, bắt tay với y là con đường binh nghiệp thênh thang, nhưng lòng tự ái dân tộc đã giữ Người lại.

Lúc tái ngũ, Người mang cấp bậc Thượng sĩ vàng, tức là Chánh quản, làm Đại Đội trưởng đóng đồn tại Điện Bàn, đánh nhau cũng ác liệt lắm, và gặp mẹ tôi tại đó đầu năm 1949. Lúc ấy Ba tôi đã 52 tuổi và Mẹ tôi mới 23. Nếu là ca sĩ chắc mẹ tôi đã cất tiếng ca rằng: “Khi anh 30 em mới sinh ra đời, ngày anh 50 em cũng vừa đôi mươi”! Cuối năm đó tôi chào đời tại thành phố cổ Hội An. Người Pháp gọi Hội An là Faifo, và Ba tôi đã đặt tên tôi là Phô, có lẽ để kỷ niệm nơi chốn một cuộc tình… già thời chinh chiến!                  

Nghĩ cho cùng thì tư tưởng Nho giáo vẫn có ảnh hưởng đậm nét trong suy nghĩ của Ba tôi. Người trân trọng chữ nghĩa Thánh hiền, không xả bừa bãi những trang giấy viết bằng chữ Nho, điều hành gia đình theo lối gia trưởng, hoặc thích con trai nối dõi tông đường.

Anh Tý cưới vợ sớm (19 tuổi) nhưng sinh một loạt con gái, anh Lúa lập gia đình đã lâu mà muộn con, Ba tôi đều “phê” là kém! Ba tôi hay xúi hai ông anh nầy cưới thêm vợ lẻ, nhưng hai anh “hiền” quá nên bị chê hoài. Nhưng không phải vì vậy mà người không thương yêu con cháu gái. Người thích có con cháu đông đúc sum vầy, nội ngoại gì cũng tốt. Ngay cả trẻ con hàng xóm, Người cũng rất yêu mến và hay nói: “Mấy đứa ni là cháu tau hết”. Có bánh in, chuối cúng xong là đem cho, trong số đó có cháu Dìu con anh Lúa, mà nhà thì rất hay cúng. Ba tôi mở gia phổ ra, thấy các Ngài vô tự thì cúng vì không đành lòng bỏ qua.

Hai chú tôi qua đời sớm, chú Bếp bị sốt rét mất lúc 46 tuổi, chú Bộ tử nạn năm 47 tuổi. Ba đã nuôi nấng, đùm bọc con các chú từ khi còn nhỏ đến ngày khôn lớn: chú Hà, o Gái chị, o Gái em, o Khuê, chú La, chú Cấp, ngay cả anh Thìn con cậu Lỡ, Ba tôi đều xem như con. Dạo đó trong nhà chẳng có gì khá giả, mà thật ra cả đời Ba chẳng bao giờ dư dật, thế mà một mình Ba lo toan cho cả đại gia đình, thương yêu độ lượng, có cơm ăn cơm, có sắn ăn sắn, có việc thì làm. Chính trong cảnh nghèo khó đó mới nói lên trọn vẹn tấm lòng nhân hậu và tinh thần trách nhiệm đối với con cháu, với dòng họ, với xã hội, đối với kẻ còn cũng như người mất. Cả đời Ba thật xứng đáng với bốn chữ vàng “Trọng Nghĩa Khinh Tài”.

Nghĩ đến mộ phần Tiên Tổ ở xa, con cháu không biết, sợ lâu ngày thất lạc, năm 1944 Người tự thân hành ra làng An Nhơn, tỉnh Quảng Trị, dời mộ các Ngài Tằng Tổ bá húy Kế, Đường Tổ bá húy Niệm, Đường Tổ cô húy Âu về quy táng tại Châu Sa hạ. Sau đó lại dời mộ Tằng Tổ cô húy Nhơn từ núi Ngự Bình về táng cùng một chỗ dưới chân Bà Trung phối Cao Tổ tỷ Chế Thị Oanh, hình thành khu vực năm ngôi mộ. Năm 1954, Người đứng ra dựng Bia các ngài Hậu phối Cao Tổ tỷ Võ Thị Thao, Tằng Tổ húy Cương, Nguyên phối Tằng Tổ tỷ Bùi Thị Chiếu, Trung phối Tằng Tổ tỷ Trần Thị Hữu tại núi Dạ Lê. Nhờ những tấm bia này nên cách đây ba năm, chú cháu chúng tôi mới tìm ra mộ quý Ngài, tưởng đã thất lạc gần hai mươi năm qua. Nhưng công đức lớn nhất chính là mời thầy khóa Ky làng Vinh Vệ đến nhà ba tháng, lo việc sùng tu Bộ Mục Lục Chính Biên Trần Duy Tộc Đệ Ngũ Chi vào năm 1954. Nhờ vậy, ngày nay chi phái đã lưu giữ được nhiều chi tiết quan trọng, có hệ thống mạch lạc, rõ ràng. Bộ Mục Lục này là một gợi ý quan trọng, và, trở thành nền tảng chính yếu cho công trình Trần Duy Đại Tộc Phổ Nhất Thống Chính Biên của toàn Họ sau này, phụng tu từ năm 1990 đến 1992. Công trình hoàn thành viên mãn với Đại lễ Trai đàn Lạc thành Tộc Phổ, Truy tiến Tiên Linh, Giải oan Bạt độ, Chẩn tế Cô Hồn, Cầu nguyện Âm siêu Dương thái vào ba ngày 16, 17, 18 tháng 6 năm Quý Dậu (1993).

Đối với Dòng Họ đã vậy, đối với việc Làng, Người cũng không xao lãng. Khoảng năm 1970, vào dịp đầu Xuân, Người đứng Chủ bái lễ cúng tại miếu Âm hồn. Cái chiêng của Làng bị bể đánh nghe rè rè, Người đã tức tốc lên Huế thỉnh một cái chiêng về hiến cúng làng cho kịp lễ Cáo Chúc yết. Đó là cái chiêng hiện nay Làng đang sử dụng.

Tuy Ba tôi đến với Đạo chậm nhưng lòng thiết tha đối với Tam Bảo thật đáng trân quý. Cho mãi đến năm 58 tuổi, Người vẫn còn bàng quang với đạo Phật, lại hay chế diễu “Ăn mặn nói ngay, ăn chay nói láo”. Mỗi lần Bà Mẹ thứ hai của chúng tôi muốn ăn chay vào những ngày Rằm, mồng Một, Bà thường đi tránh về nhà anh Tý ở Bãi Dâu để thọ trai. Nhưng sau khi Bà mất vào năm 1955, cảm kích trước sự tận tâm của Khuôn hội Phật giáo Tịnh Bình, Người phát tín tâm hồi đầu Tam Bảo, trở thành một Phật tử thuần thành, tích cực. 

Tuy ở trên phố nhưng Người là Hội viên sáng lập kiêm Khuôn trưởng Khuôn hội Phật giáo Phước Linh. Định kỳ hàng tháng, Người đi xe đạp cọc cạch về Làng tụng kinh hầu Phật. Dạo đó làng Vinh Vệ chưa có Khuôn, đạo hữu cả hai làng cùng đến sinh hoạt tại chùa nên không khí đông vui, tuy mới sơ cơ mà tâm đạo thật thuần thành. Giờ đây hồi tưởng lại, tôi vẫn thấy như in trong tâm khảm ngôi chùa làng cổ kính ngày xưa, cây cối um tùm, bát nhang, tượng thờ ngổn ngang, thiện nam tín nữ đến chùa lễ bái với lòng thành kính, tuy có phần nào còn mơ hồ lẫn lộn giữa Trời, Phật, Thánh của tinh thần Tam giáo Đồng nguyên. Sau này vì việc lên về trở ngại quá, Người có ý định từ chức Khuôn trưởng. Trong thời công phu khuya 30 đó, Người thành tâm lạy sám hối, chợt trên Phật đài chớp lên một tia sáng rực rỡ. Giây phút cảm ứng đó đã rung động sâu xa vào tiềm thức Ba tôi cho đến trọn đời. Quả thật Ba tôi rất tinh tấn ăn chay, tụng kinh, niệm Phật, giúp đỡ đạo hữu, bà con trong việc ma chay, kỵ giỗ, an vị, cầu siêu, viết sớ, tất cả đều miễn phí. Người ít lý luận về Phật pháp nhưng siêng đọc kinh sách, chú trọng thực hành.

Hình ảnh xa xưa nhất còn đọng lại trong ký ức là lúc tôi lên 5 tuổi, Ba đưa tôi đi tắm sông Hương. Lúc ấy người đã 57 tuổi rồi, nhưng hiển nhiên là mạnh khỏe lắm. Tôi mặc bộ đồ thủy thủ áo trắng viền xanh, quần sọt xanh nhưng lại đội mũ bê rê đỏ chói. Ba chở tôi trên chiếc xe đạp dàn màu nhà binh. Trời chiều êm ả, xe chạy êm ru (xe Pháp chính hiệu đấy nha!). Dạo đó bến Phu Văn lâu nhiều người tắm lắm. Có một gốc dừa cụt trồi lên khỏi mặt nước, mà mười năm sau đi học qua đò Thừa phủ, tôi vẫn còn thấy. Ba tôi bồng tôi lội ra sông, tôi khoái chí đập nước bắn tung tóe, nhưng khi ba bịt mũi tôi hô lặn, rồi hụp xuống nước đen thui, tôi ngộp thở sợ hết hồn, khóc thét lên đòi về, hổng thèm tắm nữa. 

Kỷ niệm thứ hai là Ba đưa tôi đi học. Trường học là nhà Thầy Khóa ở cùng xóm. Ba mặc bộ kaki xám, quần sọt, áo tay cánh, chân đi giày đinh lộp cộp, đầu đội mũ calô thật oai vệ. Còn tôi, đúng rồi, vẫn bộ áo quần thủy thủ tôi thích nhất. Tôi tung tăng xách cặp đến trường, lòng vô cùng rạng rỡ mặc dù đấy là một buổi chiều thu mây giăng che kín mặt trời. Vâng, lần đầu tiên tôi đi học thật cực kỳ chững chạc. Thế nhưng khi Thầy Khóa cầm tay tôi và Ba tôi mỉm cười đưa tay vẫy chào hẹn chiều đến đón thì tôi lại òa khóc nức nở đòi về. Nhưng Thầy đã dẫn tôi vào lớp, và mọi sự đã qua đi, lần lượt qua đi như hai mươi năm đèn sách êm đềm kể từ buổi chiều thu ấy. Ôi! Buổi đầu tiên hay buổi thần tiên Ba dắt con đi học?!       

Một vài năm sau đó, trên đường công tác từ Đà Nẵng ra Huế, xe ba tôi bị tai nạn tại đèo Hải Vân. Lúc bấy giờ anh Tý ở thiết đoàn Thiết giáp, được tin cấp báo, tức tốc một mình mượn xe băng đèo giữa đêm khuya đến nơi Ba tôi bị nạn. Anh đưa Ba vào cấp cứu tại Quân y viện Đà Nẵng. Ba bị gãy xương chân, xương vai và xương sườn trầm trọng, xương sườn gãy suýt phạm vào tim! Tôi nghỉ học chăm sóc thường trực bên Ba mấy tháng trời. Mỗi sáng Ba bắt tôi tập thể dục, chạy quanh khu điều trị một vòng, làm các động tác tay chân, hít thở. Lúc đầu tôi không thích vì phải dậy sớm, nhưng riết rồi cũng thành thói quen, tôi tập rất tự giác. 

Sau khi bình phục, Ba tôi xuất ngũ cuối năm 1956 với sổ Cấp dưỡng Thương Phế binh, cấp độ thương tật 70%. Ba Mẹ tôi đến vỡ hoang đất để canh tác gần sân bay Tây Lộc. Tôi lãnh nhiệm vụ đóng góp lao động bằng cách bới hàng chiều, gồm mấy củ khoai đựng trong cái giỏ mây, với lời hướng dẫn qua cống Vĩnh Lợi, thẳng đến trại canh nông, đi băng ra sau trại một đoạn nữa thì đến. Cống Vĩnh Lợi, trại canh nông không lạ gì với tôi, nhưng một đoạn sau trại canh nông thì hết biết. Có đến hàng chục mẫu đất, cỏ mọc um tùm bên cạnh đường băng sân bay Tây Lộc, mạnh ai nấy cuốc. Rải rác đây đó từng tốp vài ba người, lóng ngóng mãi đến khi Mẹ tôi gọi mới biết. Sau nầy Ba Mẹ tôi cũng chiếm cứ được 5, 6 sào đất trồng khoai, sắn, rau, đậu. 

Thì ra, Ba tôi có cái “nghiệp” tiên phong. Trước khi tái ngũ người đã tiên phong ra ở Cồn, rồi rất nhiều phong trào đóng góp xây dựng ở làng, ở chùa, họ, phái, Người cũng đi đầu. Nghiệp đi đầu thì tiếng có, miếng không, bao nhiêu gian truân thì đứng mũi chịu sào nhưng khi xôi thịt dọn lên mâm thì người khác hưởng. Có người nói triết lý sống ấy là dại, nhưng phải chăng lịch sử đã xây đắp bởi biết bao cái “dại” như vậy của những anh hùng vô danh? Kẻ hậu sinh biết uống nước nhớ nguồn thì cũng đỡ tủi lòng cho những người xông pha lên phía trước, còn nếu không thì chẳng khỏi nỗi buồn bội nghĩa vong ân.

Thú tiêu khiển của Ba tôi là chơi cờ tướng, và là một tay cao cờ, nhưng mê nhất là đánh kiệu. Mỗi khi đã sa vào cuộc chơi là thâm đêm mãn ngày, tiền bạc không thành vấn đề. Mỗi lần thắng cuộc là người cười ha hả, nhịp chân, rung đùi, ngâm nga lấy làm lý thú lắm. Còn khi thua bạc phải cầm đến cả sổ hưu, vợ con không cần biết. Trong khi người khác đến chơi như một nghề cơm áo thì Ba tôi lại xem như một trò đùa may rủi. Như một kẻ tình si “khi cơn đau lên đầy”, như một người nghiện rượu bị ma men sui đẩy, trò chơi cờ bạc của Ba đã gây cho gia đình không ít phiền muộn, khi mà mạch sống đếm từng lon gạo, từng bữa ăn độn, phải hy sinh sự học của em Huế. Tất nhiên nếu Ba không chơi thì chưa hẳn kinh tế gia đình đã giải quyết ổn thỏa, bởi cái nghèo thường dẫn đến cái eo.

Đã mấy ai trong cuộc đời có cái may mắn không rơi vào những giai đoạn khủng hoảng? Mỗi người đều có thể gặp nhiều vận may, vận rủi. Nếu thời cơ bỏ lở đi qua thì âu cũng là cái nghiệp của mình. Vì thế khi nghĩ về những sai lầm trong cuộc đời của Ba, tôi thường nghĩ rằng đó là những giới hạn của thân phận kiếp người. Có ai muốn thế đâu? Ai cũng muốn vươn cao lên chứ, nhưng sự đời vốn thế là thế: C’est la vie.

Có những kẻ thực chất bất tài, vô tướng, nhưng nhờ một cơ may nào đó bỗng trở nên quyền thế làm cha thiên hạ. Lại có những người chỉ biết tư túi, đục khoét của công mà trở nên vinh thân phì gia, rồi lên giọng dạy đời. Những kẻ đó ngoài mặt thì huyênh hoang, khoác lát, nhưng bên trong chỉ là những con rối, không có lấy một góc chiều sâu tâm hồn. Phương ngôn có câu: “Thành bại không phải là cớ để luận anh hùng”. Rất chân thành, tôi nghĩ rằng phương ngôn đó thích ứng với trường hợp Ba tôi.

Thời gian tại ngũ, Ba tôi có làm một ngôi nhà thật lớn gần hồ Ngự Hà và hồ Phong Trạch, sát sở Dụng Cụ nơi Ba tôi làm viêc. Hàng ngày, Người đi làm băng qua ngã sau vườn để đến chỗ làm. Đó là ngôi nhà rường ba căn hai chái, cột gỗ đen tròn, bự hơn cả vòng tay trẻ con, còn kèo, đòn tay thì chạm, khắc hoa văn tinh tế. Phía trên có một tầng tra tránh lụt. Trân lụt lớn 1953, anh em tôi được cõng lên tra nằm thật an toàn ấm áp. Lúc đầu tôi không chịu lên vì cao quá sợ ngợp, anh Tý phải mở máy hát lên dây bằng tay quay tôi mới chịu. Ở hai đầu chái nhà có hai cái kho xây sát vào tường. Tôi, em Huế, em Quên, em Nhớ thường chạy khắp nhà, núp dưới bàn thờ, hoặc trong hai cái kho chơi trò trốn tìm.

Sở Dụng Cụ không có hàng rào, còn sân thì rộng mênh mông tứ phía. Đó là vùng tuổi thơ đầy ắp kỷ niệm với những trò chơi vô cùng độc đáo, tha hồ la hét, chạy nhảy, kết bạn kết bè chia phe đánh giặc, bắn súng, đánh căn cù, ù mọi, chơi cò cò, chơi giựt cờ, chơi ma rà, đá banh và chơi… làm chùa. Lại có đồn Tâm Lý chiến và cách đó không xa là trại Quân dịch, thường xuyên chiếu xi nê, hầu hết là phim đánh nhau. Không ngày nào, đêm nào mà tôi vắng mặt trên chốn địa đàng ấy, thành ra hay bị Ba tôi la rầy luôn. 

Có lần mấy đứa rủ nhau xuống hồ ông Cường (đoạn sông Ngự Hà gần sân bay Tây Lộc) hái gương sen, bóc vỏ ăn sống ngon tuyệt cú mèo. Không may, tôi bị chủ hồ tóm được giao đồn Cảnh sát Chương Đức giam một ngày, còn dọa bỏ tù nữa làm tôi sợ hết hồn. Khi Ba tôi biết, Người trói tay tôi vào chân giường, đánh một trận dữ tợn nhất trong đời, khắp người đều bị vết lằn cả. Từ đó tôi cắt đứt nghiệp “đạo tặc.”

Thật tình mà nói, tôi hơi ớn cái nghiêm nghị của Ba. Khi nào Ba tôi có mặt là tôi xớ rớ trong nhà, hoặc đem bài vở ra ê a gắt gao lắm. Nhưng khi Ba nằm ngủ hoặc vừa ra khỏi nhà là tôi chun hàng rào dọt lẹ. Có lẽ Ba cũng biết tỏng cái chiến thuật ấy nên người hay chận ngọn răn đe luôn. Vì thế tôi thương mẹ tôi hơn. Mẹ ít khi la rầy, lại còn tiếp tế cho tôi đủ thứ. Nhưng một đêm mưa thức giấc giữa khuya, tôi thấy Ba kéo chăn đắp kín cho tôi và em Quên, kẹp chân tôi thật ấm, lại xao đầu, vuốt trán, vỗ vào lưng vào cẳng tôi rồi nói thầm thì: “Mới ngày nào đây mà con đã lớn rồi. Cầu Trời Phật cho con ăn chơi, lưng dài vai rộng”. Tôi nghe Ba cầu cho tôi ăn chơi mà không nói gì chuyện học cả thì mừng thầm như mở cờ trong bụng. À ra Ba thương mình, Ba có la có đánh cũng chỉ mong cho mình nên người thôi.

Ôi! Những ngày thơ dại ấy thật hồn nhiên, thật dễ thương và trọn vẹn quá, tất nhiên cũng quậy hết biết. Sau này vào lớp đệ Thất trường Quốc Học, tôi trở nên trầm tỉnh. Bạn cùng lớp phê là triết gia, lập dị, học gạo, vì tôi không còn hòa vào những cái quậy mới nữa. Có lẽ tôi đã chơi xả láng vào tuổi ấu thơ rồi nên không còn thòm thèm gì nữa chăng?

Ngôi nhà tuổi thơ đẹp như vậy nhưng Ba tôi phải bán đi, đưa gia đình về làng, sống trong một ngôi nhà nhỏ, trơ trụi, nghèo nàn, vào độ hè 1964. Quê hương! Hai tiếng gọi yêu thương mà sâu lắng đã đi vào tiềm thức tôi những ngày thơ ấu. Từ Thành Nội, tôi đã có dịp về đây vào những lần lễ Chùa, những ngày chạp Chi, chạp Họ. Những lần chợt lên chợt về để lại trong ký ức những hoài niệm man mác, khát khao. Có lẽ nhờ những tình cảm e ấp này mà tôi nguôi ngoai được nỗi buồn chia ly với ngôi nhà thân thương, với bạn bè thân ái. Dần dà rồi tôi cũng hội nhập vào môi trường mới, cũng bắt đầu có niềm vui, nỗi buồn trên một miền quê bị chiến tranh rình rập.

Ngay từ những ngày đầu về làng, tôi đã biết lễ độ với nghề làm ruộng. Ba tôi nhận chín sào ruộng ở bốn chỗ khác nhau. Mùa hè nóng bỏng, khô cạn nguồn nước, phải thức đêm mà đạp nước vào ruộng. Nhiều đêm hai cha con phải ngủ lại ngoài đồng xa, chờ đến khuya mới có nước. Vác xe đi hết bốn nơi là trở về chỗ đầu đạp lại. Đạp nước mỗi tuần hết bốn, năm ngày, mỏi cả giò, ê cả đít, rả rời cả chân tay mình mẩy. Có đêm bưng đèn đi xem nước, đạn tiểu liên từ xã Phú An bắn vào rơi lịch bịch trước mặt, tôi hoảng quá, vất cả đèn nằm mọp xuống ruộng ướt mèm.

Tôi đi học sớm nhưng những năm đầu thật ì ạch. Phần vì Ba bị tai nạn tôi phải vào Đà Nẵng chăm sóc, phần vì sau khi Ba về hưu, nhà nghèo không có tiền trả tiền thầy 30 đồng / tháng. Khi trường Phạm Hồng Thái ở ngã tư Anh Danh mở niên khóa đầu tiên, Ba xin cho tôi vào học, vì đó là trường của Hội Cựu Chiến binh nên học phí chỉ có 15 đồng / tháng. Học được hai năm quen bạn quen thầy thì trường không mở bậc tiểu học nữa. Tôi lại phải xin vào trường Bồ Đề Thành Nội đầu năm 1960. Kể từ đó học hành mới hanh thông được. Tính ra tôi phải loay hoay mất năm năm trời từ lớp vỡ lòng cho đến lớp Ba.

Chính cái lận đận ban đầu trong việc học cho tôi thấy rằng được đi học là một diễm phúc, và việc nghỉ học có thể xẩy ra bất cứ lúc nào. Vì thế ý thức học tập đã hình thành rất cao. Một buổi trưa nắng gắt, Ba tôi lao động về ngồi hóng gió trước cửa, dáng vẻ mệt nhọc. Tôi rụt rè đưa Ba tôi xem Bảng Danh Dự “Học sinh Trần Duy Phô được ghi tên vào Bảng Danh Dự lớp Ba vì học lực giỏi và hạnh kiểm tốt trong tháng”. Ba tôi đọc xong, miệng nở nụ cười rạng rỡ, đôi mắt từ hòa âu yếm nhìn tôi khen giỏi, bao nhiêu mệt nhọc dường như tan biến cả. Thấy Ba vui, tôi cảm động vô cùng, tự hứa sẽ cố gắng học tập để Ba vui lòng.

Từ đó tôi học hành rất tấn tới, từ lớp Ba cho đến lớp Mười Một, tháng nào tôi cũng xếp hạng nhất, nhì, cuối năm thường xuyên có phần thưởng từ Ưu hạng đến Danh Dự.  Phần thưởng rất giá trị, nhiều sách vở có thể sử dụng gần đủ cho cả niên khóa sau. Từ năm đệ Lục trở đi, gia đình khỏi lo tiền ăn học cho tôi nữa. Tôi có thể tự xoay xở bằng cách dạy kèm hoặc mượn thêm sách.

Lên lớp Mười Hai, những biến động đất nước không còn để yên cho những học sinh mang nặng mối ưu tư về thân phận quê hương như tôi an tâm học tập. Các cuộc bãi khóa tranh đấu cho tự do, dân chủ, công bằng xã hội liên tiếp xảy ra. Việc học của tôi bị xao lãng rất nhiều. Học bạ chín năm trước luôn luôn và rất nhiều các lời phê đầy khích lệ của Thầy Cô: “Giỏi”, “Ngoan”, “Nhiều triển vọng”… Còn học bạ niên khóa nầy có hai lời phê độc đáo. Một là của Cô Liên dạy Sử Địa. Nguyên kỳ thi lục cá nguyệt thứ nhất, tôi đạt điểm 20/20, làm “sơ mi” của lớp, qua lục cá nguyệt sau, ham bãi khóa không biết ngày thi, tôi phải chịu điểm chót của bạn đồng lớp, thế là đồng đội sổ môn Sử Địa. Cô Liên phê: “Học khá nhưng không chịu học”. Còn thầy Châu dạy Triết, giáo sư hướng dẫn lớp thì phê tổng quát: “Có trí sáng nhưng không chú tâm đúng mức vào việc học”.  Bạn anh Lộc kể rằng khi phê học bạ, cô Liên đưa cho thầy Châu và các thầy cô khác xem và nói: “Tôi phê thằng Phô như ri được không?”.

Chẳng là qua bảy năm học tập và sinh hoạt sôi động ở Trường Quốc Học, tôi là một trong những gương mặt sáng giá của trường, thường làm Trưởng lớp, lại trở nên nổi bật trong cuộc tranh đấu 1970 (Chủ tịch Ban Đại diện Học sinh Tranh đấu trường Quốc Học mà lị!). Ngoài ra, tôi còn hoạt động tích cực với Đặc ủy Xã hội Phật giáo Thừa Thiên và sinh hoạt Học Sinh Phật Tử dài dài. Vậy mà cuối năm đó thi Tú Tài II tôi đậu khá cao, hạng Bình Thứ ban Văn chương và Sinh ngữ, chẳng qua là nhờ sức bật của những năm học trước mà thôi. Ngày có kết quả thi, tôi ở tại chùa Diệu Đế. Sư Bà Thể Quán và Ni Sư Cát Tường khao tôi hai tô chè đậu đỏ thật bự. Là cấp Trưởng của những “tâm hồn ăn uống”, tôi thanh toán trong 30 giây. Ni Sư Cát Tường cười nói: “Thế mà Sư cứ tưởng là cậu sẽ hỏng mất”.

Đầu thập niên 1970 là thời kỳ phong độ của gia đình chúng tôi. Ba mẹ tôi đều khỏe mạnh, Ba tôi làm Tộc trưởng, lương hưu cứ tăng đều đều. Tôi vào Đại học, em Huế là Huynh trưởng Gia Đình Phật Tử Phước Linh, em Quên đã lên Trung học đệ II cấp, em Nhớ là nữ sinh Trung học Gia Hội, anh Tý giải ngũ và con cái đều đi học trường công, xuất sắc nhất là anh Lộc đã đậu Cử nhân. Tôi có thể nói không quá lời rằng sau thời kỳ Ngài Đầu Phái Năm chúng tôi thi đậu Cử nhân đời xưa thì anh Lộc là người đầu tiên của làng Phước Linh hoàn tất chương trình Cử nhân hiện đại. Vì vậy Ba tôi vui lắm, giới thiệu khắp Họ khắp làng: anh Lộc đậu cử nhân 5 bằng (đúng ra là 5 chứng chỉ).

Mùa hè đỏ lửa 1972, chiến tranh lan rộng, tôi với em Quên lần lượt vào lính. Là một quân nhân từng lăn lộn trên chiến trường, Ba tôi nổi tiếng là người gan dạ, kỷ luật sắt. Ba rất ghét việc trốn lính hoặc đào ngũ vì cho là hèn nhát. Mỗi lần em Quên về phép hơi lâu là Người hỏi đã hết phép chưa, nếu trễ là Người bắt trở lại đơn vị ngay. Đầu năm 1975, một cái tang lớn ập đến cho gia đình: em Quên tôi hy sinh trên chiến trường Quảng Trị tại tiền đồn Barbara khi tuổi đời chưa tới hai mươi!

Cố Trung sĩ Nhất QLVNCH Trần Duy Quên

Hôm đó là ngày 23 tháng Chạp năm Giáp Dần, đơn vị tôi đóng quân dưới chân núi động Ông Đô. Một sĩ quan Trung Đội trưởng cùng làng là Huỳnh Anh mời ban Chỉ huy Đại đội ra thăm tiền đồn, cúng 23 Ông Táo về Trời. Đây là dịp tất niên để những người cận kề sinh tử uống ly rượu hàn huyên giữa chiến trường điệp trùng rừng núi. Vào khoảng 9g30 chuẩn bị đi thì có tiếng mìn nổ ở hướng Tây Nam. Gọi máy truyền tin trong Tiểu đoàn không có sự cố gì, chúng tôi yên tâm lên đường.

Mãn cuộc vui trở về ngồi đánh cờ tướng, chợt viên Hạ sĩ Sử truyền tin ra báo: “Trình Phượng Hoàng có tin buồn”. Tôi chợt lặng người đi, da gà nổi khắp mình, tôi liên tưởng ngay đến Ba tôi. Vậy là Ba đã mất, 77 tuổi rồi còn gì nữa! Nhưng Sử đã nói tiếp, khô khốc, lạnh lùng: “Người em của Thiếu úy ở 119 mất”. Trời ơi! đất trời bỗng sụp đổ trước mắt. Tôi nhìn nhưng không thấy gì hết. Tôi hỏi ngớ ngẩn: “Sao lại chết?”. Sử nói: “Dạ bị mìn”.  Tôi gọi điện sang đơn vị em tôi ở phía Tây Nam, đơn vị xác nhận em tôi bị mìn mất lúc 10 giờ. Thì ra là tiếng nổ tôi nghe lúc sáng! Bỗng chốc tôi thành kẻ vô hồn. Nước mắt đanh lại không rơi xuống được. Tôi thu xếp công việc, một mình lội bộ 15 cây số đường núi về Tiểu khu Quảng Trị.

Nhà Lễ tang Quân đội. Em tôi nằm đó, lạnh căm, bộ đồ lính thắm đầy máu khô. Có còn gì nữa hỡi em thân yêu? Tuổi học trò và ước mơ đã bay đi xa tận chân trời. Em, một đời hiền lành, chất phác, ham học, thế mà chiến tranh đã lôi kéo em đi vào nẻo điên đảo phong trần. Ba lô ra trận của em chỉ toàn sách và sách, em chuẩn bị thi Tú Tài II!

Lễ An Táng em Trần Duy Quên, hy sinh trên chiến trường Quảng Trị, 1975

Những ngày đám rộn ràng quân nhạc, lễ nghi, bà con, bạn bè qua đi. Chỉ còn lại căn nhà vắng ngắt với bàn thờ của em. Giữa đêm khuya sực tỉnh, tôi thấy Ba tôi ngồi đó, ôm ảnh em tôi vào lòng thì thầm: “Ba thương con lắm con ơi! Số con thật gian nan, ngắn ngủi, tội nghiệp quá. Con còn trẻ người non dạ thế mà con đã ra đi quá sớm. Vậy là số Ba có ba dòng con mà mỗi dòng chỉ có một người nối dõi. Thôi con ngồi đây để Ba đi tụng kinh cho con nhé!”. Ba tôi hôn vào di ảnh em Quên, sụt sùi khóc rồi qua bàn Phật tụng kinh. Tôi nằm nghe Ba than thở mà quặn đau trong lòng. Những ngày đám Ba rất cứng cỏi, định liệu mọi việc, chỉ có những đêm như đêm nay, một mình đối cảnh với con, tâm sự Ba tôi mới thật sự trào dâng.

Tôi không thể ở lâu được. Nhiệm vụ người lính buộc tôi phải ra đi, mặc dù sự hiện diện của tôi lúc này là vô cùng cần thiết. Tôi biết rằng rồi đây hàng đêm, Ba Mẹ tôi lại thức dậy độc thoại với em tôi giữa canh trường vắng vẻ để nghe nỗi buồn gặm nhấm mỏi mòn.

Ba tháng sau chiến tranh kết thúc. Tôi trở về từ hổn loạn tang thương. Ba ôm tôi mừng rỡ, vừa cười, vừa chảy nước mắt. Rồi tôi có lệnh tập trung cải tạo. Ngày ra đi, Ba tôi mặc bộ áo quần cụt, vác cuốc lên vai, nói: “Thôi, Ba chúc con thượng lộ bình an”. Rồi xuống ruộng. Phút từ giã, tôi ra bờ ruộng lặng nhìn Ba hồi lâu. Một ông già gần đất xa trời phải nai lưng cuốc đất rang! Từng nhát cuốc buông xuống chịu đựng. Ba đang lật từng lát đất hay đang đếm những vinh nhục buồn thương của đời mình? 

Ngày tháng qua đi trong thấp thỏm mỏi mòn. Ái Tử, Nghệ An, Thanh Hóa, Bình Điền, những nơi chốn không thể nào quên của chuỗi ngày cải tạo. Tôi đi biền biệt năm năm rưỡi, lòng nhớ về Ba Mẹ, anh chị em, các cháu, nhớ bà con, bạn bè, nhớ chùa, nhớ làng da diết. Nhớ cả xứ Huế trầm hùng mà một thời tôi đã hiến dâng trọn vẹn. Trong chốn lao lung có kẻ nói khích: “Trần Duy Phô rồi cũng vào đây à?”. Người thông cảm hơn thì hỏi: “Thành thật lúc này anh nghĩ gì về những tháng ngày tranh đấu? Có hối tiếc gì không?”

“Không”, tôi trả lời. “Mỗi giai đoạn lịch sử có một hành động nhất định. Tuổi trẻ hồn nhiên, mắt thấy tai nghe những điều nghịch lý thì phản kháng. Việc đáng làm thì làm, bất chấp hiểm nguy, không nề gian khó. Cái quan trọng là bằng sự dấn thân tự nguyện và nhận định của chính mình chứ không bị ai giật dây xỏ mũi. Việc xong thì trở về cương vị của mình là một người học trò, chẳng có gì phải đòi hỏi hoặc hối tiếc. Tôi chỉ xem mình như một đinh vít trong cỗ máy, như một viên gạch lót đường. Một viên gạch không có nghĩa gì trên cả con đường lịch sử, nhưng thiếu viên gạch thì con đường không hoàn thành, sẽ bị lỏm khuyết. Bây giờ tôi chỉ mong những kẻ đi trên con đường mình, chân phủi cho sạch một chút để đỡ tủi, thế thôi.”

Buổi sáng nghe lệnh phóng thích, tôi cảm thấy trong người loáng choáng nhẹ tênh. Bao nhiêu năm chờ đợi, hằng chục lần mong ngóng, bây giờ niềm vui mới đến. Con đường trở về tuyệt vời, đáng yêu làm sao!  Mỗi bếp lửa bên đường là một mái gia đình ấm cúng, mỗi làn khói lam nhẹ bay trên nóc nhà thơm mùi tranh ướt là một xúc động nao lòng. Chuyến xe đò qua bến phà Tuần chật ních, ổ gà xóc nghiêng ngửa, nhưng không sao, tất cả đều thoải mái, dễ chịu. Từ chợ Mai đi bộ về làng, con đường quen thuộc nay trở nên kỳ lạ lại vừa thân thương.

Đến Ủy ban xã Phú Mỹ, tôi thấy Mẹ tôi mặc áo dài đang lóng ngóng ngoài cổng xin giấy tờ lên trại thăm tôi. Hai mẹ con mừng mừng, tủi tủi. Mẹ tôi ngày trước khỏe mạnh, có thể gánh những gánh lúa nặng trĩu từ đồng xa về. Nhưng bây giờ ốm còn bằng nửa, lại già đi rất nhiều. Về đến nhà bà con lối xóm tíu tít hỏi thăm. Gia đình anh Lúa vẫn bình thường. Còn Ba tôi! Ôi! Mấy năm cách biệt mà như cả vài chục năm.

Ba tôi trở nên già yếu hơn tôi nghĩ nhiều. Da mặt đã chảy xệ xuống, răng rụng không còn cái nào, miệng nhai nhóp nhép luôn như đang ăn trầu, tấm lưng oằn trên chiếc gậy tre, áo quần xơ xác. Từ một trai tráng oai phong thời trẻ, từ một ông già quắc thước ngày tôi đi cải tạo, giờ đây Ba tôi đã trở nên tiều tụy, tâm trí không còn minh mẫn mặc dù đi lại khá vững. Duy chỉ có nụ cười từ hòa, hoan hỷ, với giọng cười sang sảng ngày xưa là bất diệt.

Tôi cũng vô cùng cảm động khi biết rằng mỗi năm, ngày kỵ em Quên, Sư Cô Như Minh, Sư Cô Như Hải, cùng quý Sư Cô chùa Diệu Hỷ đều về nhà, đem theo thực phẩm, tự tay nấu nướng, quét dọn bàn thờ, tụng kinh cho em. Pháp thí đó xoa dịu rất nhiều nỗi đau khổ trống vắng của gia đình tôi vào lúc tận cùng cơn “bỉ”.

Sự hiện diện của tôi khôi phục nhanh chóng nguồn sinh khí trong nhà. Bà con, bạn bè đến thăm, tiếng cười dòn dã trở lại. Sau ba ngày nghỉ ngơi, tôi hăm hở lao vào lao động: nhận lãnh ruộng khoán, bán lá nón, bán vị tâm, đạp xe thồ. Đêm về đọc sách đến khuya. Rằm, mồng một vào chùa lễ Phật, phục hồi sinh hoạt Khuôn hội Phước Linh, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của bà con. Mở lớp học cho các em mù chữ. Tất nhiên là định kỳ hàng tuần tôi phải đến trình diện, làm kiểm điểm, làm tạp dịch tại công an xã, huyện.

Điều tôi băn khoăn nhất và cố tìm hiểu là tại sao thần trí Ba không định tỉnh. Cháu Trương nói khi có lệnh kê khai lý lịch trong toàn xã, Ba tôi đã loay hoay hết ba bốn ngày với tờ kiểm điểm có vẻ run sợ lắm. Hoàn cảnh gia đình tôi lúc đó thật bi đát. Cả nhà là ngụy. Em Quên vừa tử trận, tôi đi cải tạo biền biệt. Ba mẹ tôi già yếu, thiếu đói, hồi trước có ba tháng lương hưu một lần, bây giờ cắt đứt mọi nguồn tiếp tế. Lại thêm mặc cảm mấy mươi năm đi lính Pháp, lính ngụy, những trận giáp chiến thây chết ngổn ngang. Cuốn phim có tội với chế độ tái hiện trên từng trang lý lịch. Thử hỏi một ông già 80 tuổi gặp bao nhiêu khủng hoảng cùng một lúc như vậy, làm sao chịu đựng nổi?!  “Đa tư loạn tâm”, có lẽ nguyên nhân cái “lẫn” của Ba là ở chỗ đó.

Thương Ba, tôi cố gắng làm mọi cách cho Ba vui: đưa kinh sách cho Ba đọc, hạn chế sự đi lại của Ba ngoài đường, tổ chức các ngày kỵ giỗ có Thầy, có đạo hữu, có nghi lễ trang nghiêm, con cháu sum vầy cho hợp ý Ba, chăm sóc miếng ăn, giấc ngủ. Tuổi già, Người hay đi tiểu tiện, đại tiện trong quần, tôi hoan hỷ giúp Ba thay giặt quần áo.

Lúc đầu, sự nhờm gớm không khỏi dấy lên trong tôi niệm phiền não. Tôi thử thực tập Pháp quán: thân bất tịnh, thọ thị khổ, tâm vô thường, pháp vô ngã; rồi chú tâm niệm Phật; sau đó tìm ra cách hay nhất là: Hít vào một hơi thở dài, tập trung tư tưởng niệm thầm bài Chú “Thất Phật Diệt Tội chơn ngôn” trong một hơi thở, trong khi mắt vẫn mở, tay vẫn giặt rửa, nhưng lục căn đã thâu nhiếp vào một chỗ là bài chú nên không còn thấy bất tịnh nữa. Tôi vui mừng vì vừa có thể giúp Ba, vừa giữ tâm niệm mình tròn hiếu kính và an lạc.

Tôi thưa bác Siêu về trường hợp Ba tôi. Bác nói: “Muốn làm cho ông cụ an, anh phải an anh trước. Nếu đem tâm bất an mà lo lắng cho ông cụ, nhiều khi chỉ làm ông cụ rối loạn thêm”. Dạo đó bác Siêu, thầy Mật, anh Huy, chị Ba, bác Anh và nhiều anh chị trong nhóm Hướng Thiện về thăm, tụng kinh Thủy Sám cầu an cho Ba tôi. Người vui mừng lắm nhưng lại lo: “Làm chi đàng hoàng mà dọn cho các bác kẻo thất lễ”. 

Tôi cảm nhận sâu sắc lẽ nghiệp báo trong kinh Địa Tạng: “Nghiệp lực thâm đại, năng địch Tu Di, năng thâm cự hải, năng chướng Thánh đạo”. Trong lộ trình mênh mang, một mình mình đi, một mình mình chịu, dù chí thân như cha với con cũng không thể chịu thế cho nhau được. Tình trạng của Ba là kết quả thấy trước của nghiệp: thích trồng cây, siêng tụng kinh niệm Phật, thắp nhang đèn suốt ngày, đọc sách báo, ăn lai rai không định giờ. Rõ ràng những hành vi đó là do sức đẩy của thói quen lúc còn khỏe mạnh, bây giờ hiện khởi ra mặc dù tâm ý không chủ động.

Như vậy, một khi thân tứ đại này tan rã, thần thức theo “thói quen” sẽ tiếp tục thể hiện ra trong một môi trường thích ứng mới. Nói cho bài bản thì những “chủng tử” kết nhóm xưa nay sẽ “hiện hạnh” trong một dạng thức mới chứ không mất đi. Nhưng tôi cũng yên tâm phần nào khi thấy rằng những biểu hiện cuối đời Ba tôi phần nhiều là tốt. Ngay cả khi Ba tôi đánh mõ bằng que sắt đến dập mõ, tụng kinh đầu đuôi lộn xộn, nhưng chắc gì những người tỉnh táo với nghi thức trọng vọng đã đạt đến chỗ nhất tâm tỉnh bơ như Người!

Ba tôi niệm Phật rất tinh chuyên. Ngay cả trong khi ngủ, tay Người vẫn lần tràng hạt, trở mình thở hắt ra vẫn nghe thấy tiếng niệm Phật. Năm 1985, Chi tộc chúng tôi tổ chức làm chay hiệp kỵ tại nhà, thỉnh Thầy Khế Chơn về cúng. Trong không khí trang nghiêm, trầm hương nghi ngút, pháo nổ vang rền, Người bật khóc. Một ông già 87 tuổi đã lẫn vẫn còn xúc động trước hạnh hiếu từ. Sau buổi lễ, Người dắt tay Thầy Khế Chơn sang sạp ngồi, cười hể hả nói: “Bác lạy cháu, bác lạy cháu”. (Nguyên Thầy Khế Chơn và gia đình tôi là chỗ bà con. Thân sinh Thầy và Ba tôi là anh em cô cậu ruột, Thầy gọi Ba tôi bằng Bác). 

Một hôm Thầy Từ Phong cùng một chú điệu 8 tuổi về thăm, Người chắp tay vái chào rất cung kính và nói: “Thầy là Phật, còn đây (chỉ chú điệu) rồi cũng thành Phật, nên nhỏ mà không dám khinh”. Thầy Từ Phong cười nói: “Ôi chao! Ôn nói rứa thì có chi mô mà lẫn”.  Cuối năm đó, một buổi chiều trời lụt, Người lịm dần đi. Bà con, đạo hữu đến thăm chuẩn bị hậu sự. Khoảng hai giờ sau, thoa dầu nóng, Người ấm dần, tỉnh lại, thì thào nói: “Ui chao! Thời ni Phật nhiều quá, đi mô cũng gặp Phật, gặp Phật, toàn là áo vàng, áo vàng rực cả!”.

Kinh dạy rằng vào thời Mạt pháp, mọi kinh sách, tranh tượng đều hư hoại hết, lúc ấy chỉ cần nhớ sáu chữ “Nam Mô A Di Đà Phật” là cũng có thể vãng sanh Cực Lạc. Phải chăng giai đoạn cuối của một đời người cũng là một hiện tượng pháp mạt, khi mà một bài kinh, một câu kệ cũng không còn nhớ nỗi, nhưng từ tâm thức vẫn bật lên tiếng thì thào A Di Đà Phật thì cõi Phật đã hiện tiền. Trong ý nghĩa đó thì tuổi già của Ba tôi thật gần Phật biết bao! 

Thâm cảm ân đức và hành trạng của Ba, tôi cố gắng rất nhiều trong việc thực hiện các hạnh lành. Có lẽ cũng từ cảm ứng này mà đạo tràng Phước Linh lại đoàn kết nhất trí, tinh tấn tu học và hành thiện hơn bao giờ hết. Mùa Đông lạnh giá. Cánh đồng mênh mông trước mặt nhà không một bóng người qua lại. Không gian tĩnh lặng mơ hồ, chỉ nghe tiếng sóng biển ầm ì từ xa vọng về liên tục. Ba tôi thường mặc áo dài đen, khoác thêm cái áo len đã sờn, đầu tóc bạc phơ, ngồi đọc sách không cần mang kính. Những lúc ấy ai dám bảo Người là “lẫn”? Có lần vui thích quá, Người cười ha hả nói: “Đọc sách vui quá, già rồi mà vẫn còn ưa học, học đến chết thì thôi, mà chết rồi cũng còn học”.  Học đến chết thì thôi, vâng, những bậc vĩ nhân thiên hạ cũng chỉ nói như vậy là cùng. Nhưng chết rồi vẫn còn học thì là lạ. Nếu công nhận rằng con người chết không phải là hết, nghĩa là chấp nhận có kiếp lai sinh, thì ai dám khẳng định rằng lời nói của Ba tôi là sai nào?

Một buổi sáng Người nói: “Con vào nói anh Tý ra đây cho ba vẻ việc. Ba già rồi chưa biết lúc nào thì ra đi. Nói anh Tý dành dụm mua cho Ba một cổ áo quan, sơn đỏ trước cho khô kẻo đụng vào dính tay người ta nói”.  Ba tôi cẩn thận dặn dò như vậy nhưng mấy năm sau Người mới mất. Hôm ấy tôi đi phố gặp bác Thôn là người hàng xóm cũ trên Thành Nội. Bác hỏi thăm Ba tôi và nói khi nào Ôn mất thì nhắn cho xóm giềng trên này về thăm. Tôi đáp: “Ôn tui còn khỏe lắm, ăn mỗi bữa hai ba chén cơm mà”. Nhưng tối hôm đó Ba tôi bị đàm lên, mất lúc 20 giờ 15 ngày 14/3/1986, nhằm giờ Tuất ngày mồng năm tháng hai năm Bính Dần, hưởng thọ 89 tuổi. Có mặt lúc lâm chung có Mẹ tôi, anh Tý, tôi, vợ chồng em Huế, vợ chồng anh Lúa, chú Cặn, em Toàn, em Pha, chú Hường, o Chanh. Trong giây phút nghìn thu vĩnh biệt đó, chúng tôi đều im lặng, không khóc, không sầu khổ, chỉ có lòng cảm thương dâng lên nghẹn ngào.

“Như củi hết lửa tắt”, Ba tôi đã thanh thản yên nghỉ, khép lại trang sử trọn vẹn kiếp người. Một cuộc đời miệt mài lao động, chiến đấu, cương trực, quyết đoán, không bao giờ lùi bước, không sợ gian lao nguy khó, một mình dũng cảm xông pha lên phía trước, thách đố với số phận, thực hiện cho bằng được điều gì đã định. Một cuộc đời vị tha, đặt sự nghiệp cộng đồng lên trên lợi ích cá nhân cục bộ. Cuộc đời Ba là một bài ca bất tận về tình thương yêu – yêu người, yêu đời dù cuộc đời nhiều nỗi gian truân. Đóa hoa “Từ Bi Hỷ Xả” con thành kính dâng lên xưng tán Ba, cũng như dâng tặng những ai có tình tri ngộ. Và, suốt cuộc đời con xin nguyện một lòng theo dấu bước Ba đi.

Đám tang Ba tôi tổ chức trang nghiêm theo đúng tinh thần Chánh pháp. Quý Thầy Khế Chơn, Chơn Hiền, Thanh Huyền, Hải Ấn, Quang Nhuận, Huệ Thông, Từ Phong, Phước Chánh, Huệ Đăng; quý Sư Cô Như Minh, Như Hải, Diệu Thành, Minh Phước, Minh Tánh, Minh Giác đã thân lâm thăm viếng, hộ niệm. Khuôn hội – Đạo tràng Phước Linh và Họ Trần Duy trực tiếp hộ tang. Anh chị Lộc, em Nhớ ở xa về chỉ kịp lễ Mở Cửa Mã, còn đại gia đình đều tề tựu đông đủ. 

Chú Hà bận công tác tại Hà Nội cũng kịp thời vào ngay. Có hai vòng hoa rất lớn trang trọng mang dòng chữ “Thành kính phân ưu”, một của Tổng Cục Bưu Điện Trung Ương và một của Ban Giám Đốc Sở Bưu Điện Tỉnh Bình Trị Thiên. Sở Bưu Điện còn hỗ trợ một xe tang và một xe đưa đón, Công ty Ngoại thương thành phố Huế hỗ trợ một xe. Các cơ quan lãnh đạo, ban ngành ở địa phương, cơ quan anh chị Lộc công tác, bà con nội ngoại, thông gia, thân hữu gần xa đã đến thăm viếng, phúng điếu, giúp đỡ.       

Đêm cuối cùng, cả nhà ngồi lại bên Linh cửu và di ảnh của Ba trong hương trầm thơm dịu, cùng ôn lại những kỷ niệm vui buồn trong cuộc đời Ba. Những ý nghĩ thầm kín, những lời nói mộc mạc, tất cả để ghi khắc vào tâm khảm hình ảnh của Ba lần cuối cùng. Ngày mồng mười tháng Hai năm Bính Dần, Lễ tiễn đưa Linh cửu cử hành trọng thể vào buổi sớm mai trong lành, tiết trời dịu mát phong quang. Đoàn xe năm chiếc trang nghiêm cùng rất đông bà con, thân hữu đi xe honda, xe đạp theo sau xe tang, ngậm ngùi tiễn đưa Ba tôi về nơi an nghỉ cuối cùng. Hai bên đường đồng lúa rì rào điệp khúc ngàn năm như nhắc nhở: “Vô thường thị thường”. Lễ an táng đúng 8g30. Thầy địa chọn cuộc đất là chú Nguyễn Công Nghệ, bà con và cũng là thân hữu vong niên của Ba.

Ba tôi yên nghỉ trong lòng cát trắng Diên Đại, gần mộ phần các bậc Tiên Linh cao đời. Mộ quay về hướng đông nam, phía trước có dấu vết dòng nước chảy, bên trái nhìn ra trảng cát mênh mông phẳng lì, bên phải và phía hậu là cồn mộ nhấp nhô. Đã qua ba lần đắp đất nên nền mộ trở nên cao lớn so với các mộ trong vùng. Sau lễ tang, đại gia đình con cháu nội ngoại phát tâm trai giới 49 ngày, mỗi tuần cung thỉnh thập phương thiện tín tụng một đàn Địa Tạng, thực hiện hạnh cúng dường, bố thí, phóng sanh. Lễ Chung Thất đồng thời là Lễ Truy Tiến liệt vị Hương linh trong gia tộc. Tất cả để hồi hướng Hương linh Ba và chư Hương linh Trần Duy gia môn siêu sanh Lạc Quốc. Đó là cách báo hiếu theo tinh thần Phật giáo mà lúc sinh tiền Ba tôi thường hành trì và hoằng dương.

Cuộc đời Ba tôi đến đây đã mãn. Mọi thị phi, thành bại, danh lợi rồi như bóng chớp chiều tà, có đó rồi không đó. Chỉ có ân đức là tồn tại lâu dài, vì ân đức đã chuyển hóa thành năng lượng máu thịt cho hiện tại và mai sau. Công đức Ba để lại kể sao cho xiết, có công trình được tính bằng chiều dài lịch sử. Chỉ riêng sự truyền thừa của Ba góp mặt cho đời hiện có, ngoài mẹ tôi ra là 3 người con trai, ba nàng dâu, hai o con gái, hai chú rễ, 17 cháu nội, 14 cháu ngoại, 5 cháu dâu, 3 cháu rễ, 12 chắc nội, 14 chắc ngọaị, tổng cộng 76 người!  Nếu kể đến các chú, các o do Ba góp phần xây dựng, tác thành thì thống kê tăng lên trên 120. Cây lành sinh trái ngọt, đó là quy luật nhân quả. Sự thăng trầm của con cháu Ba còn quá sớm để tổng kết, nhưng có điều đáng tự hào là chưa ai làm điều gì phiền lụy cho xã hội. Trong cuộc sống xô bồ hiện nay, thiết nghĩ đó cũng là một đóng góp không nhỏ vậy.

Ngưỡng lạy Hương Linh Ba! Ba đi xa đã mười một năm rồi. Bao thương nhớ chất đầy lên hồi ức của con làm trào lệ cảm mỗi lần nghĩ đến. Ba đã đóng góp tốt đẹp cho Dòng Dõi, cho Đạo, cho Đời.  Sức sống Ba dạt dào mãnh liệt như gió từ ngàn hống, như sóng giữa đại dương. Ba đã sống, suy nghĩ, hành động như một người anh hùng và đã thành công, thất bại như thân phận một kiếp người bất tận. Nhưng cái lẫm liệt nhất, kỳ vĩ nhất là chưa bao giờ lùi bước. Loài chim sẻ không bao giờ biết được ý chí đại bàng bay xa ngàn dặm. Chỉ có những tâm hồn cao thượng mới cảm ứng trọn vẹn Tâm nguyện và Ý chí vô cùng của Ba.

Ba không những đã khai sinh ra con, mà cuộc đời Ba còn ghi dấu ấn đậm nét lên sức sống con như một trong những mẫu người chân chính mà con hằng tôn kính.

Hàng chục năm qua rồi con có nhiều điều ấp ủ về Ba chưa nói được thành lời. Giờ đây, trước ngày lên đường sang vùng đất mới Hoa Kỳ, con thành tâm lần giở lại đoạn đường Ba đi, để làm hành trang cho mình và đáp lại thâm ân những tấm lòng tri ngộ.

       Vọng bái về Ba, một trời thương biển nhớ

Mùa Xuân BínhTý 1996

                                                            Nguyên Thành Trần Duy Phô

1 bình luận trong “BA TÔI”

  1. Qua cuộc đời của một cá nhân, một gia đình, một dòng họ, có thể thấy cả lịch sử của một dân tộc, những thăng trầm, biến đổi một giai đoạn nhiều biến động của đất nước. Những dòng tâm tình của chú Thông Đạo không chỉ là tâm tình, hồi ức mà còn là một tư liệu khá công phu về gia phả của dòng họ; phản ánh thời cuộc; phản ánh sâu sắc tâm lý tính cách của nhiều số phận, nhiều con người, ấm nồng hơi thở của thời đại.

Chức năng bình luận bị tắt.