Chuyển tới nội dung
Trang chủ » Blog » MẸ ĐÃ RA ĐI

MẸ ĐÃ RA ĐI

Ông Ngoại, làng Lệ Sơn, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam

Mạ tôi

Mạ tôi tên là Lê Thị Thà, Pháp danh Nguyên Chí, sinh năm Bính Dần (1926) tại vùng đất cát trắng mịn, nước giếng trong lành là làng Lệ Sơn, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam. Thân sinh là Cụ ông Lê Để và Cụ bà Thái Thị Lữ. Cũng như đa số người dân quê chất phác khác, lúc thiếu thời vì hoàn cảnh gia đình nghèo khó và chiến tranh liên miên nên Mạ không được may mắn cắp sách đến trường. Là con trưởng trong gia đình có bảy người con, ba nam và bốn nữ, Mạ phải sớm làm ruộng rẫy để đỡ đần giúp đỡ Ông Bà ngoại và các Cậu, Dì.

Năm 24 tuổi, Mạ kết duyên với Ba là Ông Trần Duy Uẩn, ở vai thứ vì Ba còn hai người vợ nữa. (Bà thứ nhất là Nguyễn Thị Muội, ở quê ngoại của Ba là làng Mỹ Xá; Bà qua đời sớm, 26 tuổi, là mẹ anh Trần Duy Luy và anh Trần Duy Tý. Sau đó Ba cưới Bà thứ hai cùng làng Phước Linh, là mẹ anh Trần Duy Lộc). Lúc ấy Ba là Đại đội trưởng một đơn vị Việt Binh đoàn, tiền thân của Quân Lực Việt Nam Cọng Hòa, đóng đồn tại Điện Bàn, Quảng Nam. Cuối năm đó, Mạ sinh ra tôi tại thành phố cổ Hội An, lúc bấy giờ gọi là Faifo, nên Ba Mạ đặt tên là Phô. Tôi còn ba người em nữa là Trần Thị Huế, Trần Duy Quên, Trần Thị Nhớ. 

Mạ, Ba, em Quên, em Nhớ

Đầu thập niên 1950, Mạ theo Ba rời xứ Quảng ra sinh sống tại đất Thần kinh, quận Thành Nội, Huế. Sau khi Mạ anh Lộc mất, Ba Mạ tôi qua khu đất bỏ hoang cạnh sân bay Tây Lộc khai thác được hơn năm sào đất trồng rau màu sinh sống qua ngày kể từ năm 1957, lúc ấy Ba đã về hưu. Mùa hè 1964, vì khó khăn tài chánh, Ba tôi phải bán ngôi nhà ở đường Cường Để, Thành Nội, Huế và đưa cả gia đình về sinh sống tại quê nội là làng Phước Linh, xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên.

Nhà ở mới thật là đơn sơ do Ba mua lại của Ông Hồ Truyền với giá 6.000 đồng, còn đất thì tọa lạc trên đất của làng cấp. Phần đất này khấu trừ vào ruộng khẩu phân cấp cho dân làng theo tiêu chuẩn mỗi hộ gia đình một sào, giống như nhà anh Lúa, anh Hốt, chú Hảo, và các hộ gia đình khác. Ba Mạ đã vất vả lần hồi bồi đắp, tạo dựng mới cao ráo tốt đẹp như ngày hôm nay.

Đầu năm 1975, một cái tang đau đớn đã đến với gia đình là em Trần Duy Quên, Pháp danh Nguyên Lợi, đã hy sinh trên chiến trường Quảng Trị ngày 23 tháng Chạp năm Giáp Dần, nhằm ngày 03/02/1975. Em Quên tính tình hiền lành, thật thà, chất phác, đang học lớp 11 trường Quốc Học thì bị gọi nhập ngũ theo lệnh đôn quân năm 1972. Em là Trung sĩ Tiểu đội trưởng thuộc Tiểu đoàn 119 Địa phương quân, Tiểu khu Quảng Trị. Mạ tôi vô cùng đau đớn, thương tiếc em Quên qua đời quá sớm, chưa tròn 20 tuổi âm lịch!

Em Quên

Tám tuần sau thì các đơn vị Quân Lực Việt Nam Cọng Hòa tan hàng tại miền Trung. Tôi về nhà được 3 tháng thì vào trại Cải tạo cho đến cuối năm 1981 mới trở về làm phó thường dân.

Trong thời gian 5 năm rưỡi đó, Ba Mạ tôi vô cùng khốn khổ. Vừa mất con trai, rồi tôi đi cải tạo biền biệt không biết sinh mạng ra sao, lại phải làm lụng vất vả và họp bình điểm mỗi đêm, còn 2 con gái lấy chồng nghèo khổ, cũng thuộc lính ngụy, thử hỏi còn khổ đau nào hơn cho Ba Mạ tôi từ thể chất, tinh thần, cho đến cơm độn khoai sắn vẫn không đủ ăn? Nhiều đêm đông lạnh buốt Mạ tôi phải nhịn đói, để dành phần ăn cho Ba đã già yếu!

Niềm vui và sức sống của Ba Mạ tôi được hồi sinh nhanh chóng khi tôi trở về nhà, vừa lao động có kỹ năng, vừa tu học, vừa giúp phát triển sinh hoạt đạo tràng chùa Phước Linh, khuyến khích đạo hữu bỏ gạo hũ làm việc thiện. Rồi tôi lập gia đình với hiền thê Ngô Thị Hạnh, đó là điều mong mỏi nhất của Mạ tôi, bà con và bạn bè vì tôi đã 36 tuổi! Các cháu Trần Thị An Như, Trần Duy Quang, Trần Thị Khánh Hiền lần lượt ra đời tăng thêm tiếng cười, tiếng hát, hạnh phúc cho gia đình. Mạ tôi hoan hỷ chăm sóc các cháu trong khi vợ chồng chúng tôi buôn bán đồ điện tại tiệm Hòa Mỹ, là nhà Bà ngoại các cháu trên thành phố Huế.

Sau khi Ba tôi qua đời năm 1986, Mạ lo chu toàn kỵ, chạp, hương khói mồ mả Tổ Tiên họ Trần Duy theo đúng nề nếp truyền thống Đông phương là “Xuất giá tòng phu”. Lòng hiếu kính với Tiên Tổ, gắn liền với mảnh đất Phước Linh sâu sắc đến nỗi Mạ không bao giờ muốn xa rời.

Ngay cả khi gia đình làm hồ sơ định cư tại Mỹ theo diện H.O, Mạ đã tuyên bố dứt khoát không muốn đi đâu cả. Vì tương lai học hành và sức khỏe của các cháu nên vợ chồng tôi đành gạt lệ chia tay, để lại Mạ già đau lòng xót ruột như lời Kinh Báo Ân dạy: “Con đi đường xa cách, lòng mẹ bóng theo hình. Ngày đêm không hả dạ, tối sớm nào tạm quên. Khóc như khóc vượn nhớ con, thương nhớ nát can trường”.

Trong lưu bút chia tay của bà con, chú Bạch Thưởng đã rất thông cảm với nỗi lòng của chúng tôi: “Tôi xin tả với tâm tư tôi, nhưng lắng nghe tâm tư mọi người cũng có phần tương đồng. Với tôi, sự ra đi của anh chị không phải vì chi chi, nếu vì chi chi thì đã đi gần thập niên rồi, chứ không phải là bây giờ. Tâm tư tôi nghĩ rằng: vì con, hết lòng với con, nhưng không đạt được, phải tìm phương mới hầu mong cứu vãn, muốn tìm cho được thầy giỏi thuốc hay, phải nhờ Phật lực gia hộ. Đó là điểm chính, sau để tìm đường tiến thân cho con cái, vì thế mà phải ra đi, trong 10 phần chỉ được 7, còn 3 phần rất cắn rứt lương tâm”.

Để báo đáp Ân đức Tổ Tiên, cầu nguyện Âm siêu Dương thái, ổn định tinh thần cho người ở lại và kẻ ra đi đến một vùng đất hoàn toàn xa lạ cách xa nửa vòng trái đất, trước ngày rời quê hương, gia đình tôi đã mời Đạo tràng về nhà cùng lễ lạy Lương Hoàng Sám Pháp 1 tuần, rồi Cung thỉnh Chư tôn Thiền đức cử hành “Đại lễ Trai đàn Cầu siêu Bạt độ, Truy tiến Tiên linh, Chẩn tế Âm linh Cô hồn, Cầu nguyện Âm siêu Dương thái” 2 ngày. Buổi lễ do Hòa thượng Thích Đức Phương, Trưởng Ban trị sự Phật giáo tỉnh Thừa Thiên Chứng minh, Thượng tọa Thích Từ Phương, Trưởng ban Nghi lễ làm Chủ Sám.

Được sự cho phép và hiện diện của bác Phán, Cựu Trưởng họ, chú Cặn Trưởng họ, và ba Trưởng phái là anh Kiên, anh Dụ, chú Khiết, một buổi Cáo Tổ Tiên tại Nhà thờ Họ Trần đã được cử hành đúng nghi lễ, để xin phép ghi danh tánh Chư Tiên linh vào Sớ, Điệp trong Đại lễ Trai đàn. Danh tánh đầy đủ Tiên Linh từ đời thứ Nhất họ Trần đồng thời cũng là Ngài Khai Canh của làng Phước Linh, đến đời thứ Ba là các Ngài Đầu Phái. Từ đời thứ Tư trở về sau này là tất cả chư Tôn Linh, Hương Linh Phái thứ Năm chúng tôi. Tuy chỉ là một nghi lễ tổ chức tại tư gia, nhưng tấm lòng truy niệm đến công ơn Tổ Tiên thì không cùng tận, tùy tâm niệm và tấm lòng của con cháu mà chiêu cảm ra. Trong nghi thức Phật giáo còn hướng đến Pháp giới đa sanh phụ mẫu thì càng rộng lớn đến vô cùng.

Những bữa tiệc chay ly hương đậm đà hương vị đạo tình, gia tộc, và thân hữu được sắp xếp có thứ tự sau những buổi cúng Linh trưa, chiều. Bà con sinh sống từ Bắc, Trung, Nam đã trở về đoàn tụ đông đủ, trước là cúng lễ Tổ Tiên, sau là họp mặt chia tay.

Chú Cấp, anh Lộc, chú Hà, anh Đà, anh Tý, Duy Phô

Sau Đại lễ Trai đàn, cả nhà và bà con hành hương thăm viếng các chùa, trước là báo đức thù ân, sau là thăm viếng thắng cảnh cố đô Huế. Rồi gia đình vào Sài Gòn và xuất cảnh qua Mỹ ngày 15/3/1996.

Tại tịnh thất Hoàng Mai
Tháp Sư Bà Thích Nữ Thể Quán
Thăm viếng lăng Khải Định

Như lời ước hẹn, sau 3 năm, cả nhà tôi về thăm Mạ và quê hương. Rồi 3 năm sau chúng tôi lại về nữa. Nhờ lòng kính mến và thương yêu của bà con, xóm làng, đạo hữu Khuôn Phước Linh, anh chị em Gia Đình Phật Tử Phước Linh, Cựu Liên Đoàn Học Sinh Phật Tử Thừa Thiên thường đến thăm viếng hoặc cùng đi chùa nên Mạ rất vui. Trong làng cũng như trong họ, vai trò của Mạ vào hàng “lớn”, nên sự hiện diện và biếu tặng của Mạ là niềm vui của mọi người.

Đặc biệt, nhờ lòng thương cảm và khích lệ của chư Tôn đức Tăng Ni nên Mạ thường đi chùa với o Say, o Lề hoặc một đạo hữu khác (đi xe xích lô, 2 người). Tôi vui mừng khi thấy Mạ tôi đã bớt buồn, giọng nói tươi vui hơn, tiếng cười dòn dã hơn, có niềm vui đi chùa, nghe Pháp, cúng dường Tam Bảo và làm việc thiện. Khay “xôi đường” xứ Quảng của Mạ tự tay làm và cúng dường các chùa trở thành một đặc sản thơm, ngon, dẻo, màu sắc tím than, và lạ nên được Chư tôn Thiền đức chú ý. Có lần cả nhà chúng tôi và bà con đến thăm Hòa thượng Thích Thiện Siêu tại chùa Từ Đàm, Ôn ngồi nói chuyện rất vui, bình dị, và nhắc đến “xôi đường” của Mạ tôi. Ôn cười vui nói, khi đến dự lễ kỵ Tổ tại các chùa, có món “xôi đường” là biết của đạo hữu chứ không ai khác!

Vài năm sau, qua điện thoại, Mạ nói: “Mạ đến chùa nào quý Thầy, quý Cô cũng khen con biết tu tập. Nhờ con mà quý Thầy, quý Cô quan tâm đến Mạ. Mạ thấy tự hào về con trai của Mạ. Mạ cảm ơn con nhiều lắm”! Thưa Mạ! Con xín kính tri ân lời ca ngợi theo Phật Pháp của Mạ, nhưng không dám so sánh. Ân Đức Mạ sâu dày và bao la như biển cả, dù con cố gắng cả đời vẫn không thể nào báo đáp được Ân Đức Mạ. Con chỉ biết lập lại lời Mạ dạy: CÁM ƠN MẠ!

Sau nầy cảm vì lòng thương con cháu thư từ, điện thoại nhiều lần và nhờ lời khuyên của Ni Sư Thích Nữ Như Minh nên Mạ mới đồng ý qua thăm chúng tôi một thời gian. Khi đi phỏng vấn theo diện du lịch, Mạ đã vào bàn thờ Tổ Tiên khóc sướt mướt không muốn xa rời. Kết quả phỏng vấn không được. Tôi làm lại hồ sơ theo diện đoàn tụ mất nhiều thời gian mới đưa được Mạ qua Mỹ. Chúng tôi biết rằng tuy Mạ sống với con cháu ở Mỹ nhưng lòng vẫn thường nhớ về Việt Nam.

Mạ đến Mỹ ngày 17/11/2005, nhằm vào mùa Đông mưa lạnh nên phần lớn thời gian là ở trong nhà. Bà con, bạn bè đến thăm, nghe Mạ nói chuyện vui vẻ, tự nhiên như đã quen biết từ lâu. Trí nhớ Mạ tuyệt vời, tinh thần Mạ thật minh mẫn, thỉnh thoảng pha những chuyện tếu làm mọi người cười ầm. Anh Định Nguyên nói: Bác mạnh khỏe, minh mẫn, nói chuyện rất vui, trí nhớ rành mạch, chúc mừng anh!

Mạ đến dự buổi sinh hoạt của Nhóm Học Phật Lộc Uyển

Mạ chuyên cần niệm Phật, thường ăn chay nhưng không thích kể lể về việc ăn chay, niệm Phật của mình. Mạ chăm chú nghe những buổi giảng Phật pháp của qúy Thầy, quý Cô, hoan hỷ dự các buổi Pháp đàm và sinh hoạt với Nhóm Học Phật Lộc Uyển, cùng đến từng nhà đạo hữu tụng kinh Dược Sư và lạy 500 Danh Hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm cầu an đầu năm mới. Vì đau đầu gối nên Mạ không lạy xuống được.

Huyết áp của Mạ không hiểu sao cứ lên cao. Bác sĩ đã ba lần tăng liều lượng mà vẫn không ổn định. Ngày 21 tháng 2 năm 2006, Mạ nói chuyện vui vẻ với vợ chồng em Trần Minh suốt cả buổi chiều. Sau khi xem video với lời nhận xét: “Hai chị em mà ưa một người, nhưng người em có vẻ ranh mãnh hơn”, Mạ chuẩn bị ăn cơm thì bị tai biến mạch máu não, lúc ấy gần 8 giờ tối. 

Xe cấp cứu đưa Mạ vào bệnh viện Mercy General Hospital. Trên đường đến bệnh viện, Mạ cùng tôi niệm Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát. Sau khi được đưa xuống xe, Mạ vẫn còn niệm danh hiệu Bồ Tát, lần nầy nghe tiếng niệm chậm hơn, lớn hơn như có nhiều cố gắng, vừa qua khỏi cửa phòng cấp cứu thì cũng vừa dứt câu và không còn nghe tiếng niệm nữa, mặc dù tay chân vẫn còn cử động. 

Bác sĩ cho biết vì mạch máu não vỡ lớn, máu ra nhiều làm tê liệt bán cầu não bên trái nên Mạ không thể nói, không có cảm giác đau, nhưng Mạ vẫn nghe hiểu. Gia đình và đạo hữu đến thăm bên giường bệnh, niệm Phật cầu an cho Mạ, tay Mạ vẫn lần chuỗi hột. 

Trưa ngày 24 tháng 2 năm 2006, tôi còn tiếp tục tụng Thủy Sám bên giường Mạ. Vào lúc 02 giờ 23 phút chiều ngày 24 tháng 2 năm 2006, nhằm ngày 27 tháng giêng năm Bính Tuất, tức là 5 giờ 23 phút sáng ngày 28 tháng giêng tại Việt Nam, Mạ an lành ra đi tại bệnh viện Mercy General Hospital, thành phố Sacramento, Hoa Kỳ, hưởng thượng thọ 81 tuổi.

Phần lớn thời gian tôi phải sống xa Mạ, nhưng phước duyên đã cho tôi được chăm sóc, tâm tình, tụng kinh, niệm Phật hầu Mạ những ngày cuối cùng. Mạ có duyên lành được quý Thầy Thích Đồng Trí, Thích Thiện Quang, Thích Tịnh Hạnh, anh chị em Nhóm Học Phật Lộc Uyển và quý thân hữu hộ niệm Nam Mô A Di Đà Phật liên tục 6 tiếng đồng hồ cho đến 8 giờ 30 phút tối ngay tại bệnh viện.

Thương tọa Thích Phước Hiền Chủ sám Lễ Tang Mạ

Lễ tang của Mạ đã được tổ chức trang nghiêm thanh tịnh tại nhà quàn Sacramento Memorial Lawn, thành phố Sacramento. Nhiều Tôn đức Tăng Ni, Đạo tràng các chùa tại Sacramento và các vùng phụ cận, cũng như rất nhiều bà con, thân hũu đã đến thăm viếng, hộ niệm cầu siêu cho Hương Linh Mạ Siêu sanh Lạc Quốc.

Linh cữu Mạ đã được hỏa táng lúc 11g30 ngày 3/03/2006. Tro cốt Mạ đã được tự tay con trai và đích tôn của Mạ cẩn thận thu nhặt và an vị tại Chùa Diệu Quang. Dự định mùa hè các cháu nghỉ học sẽ thỉnh về Việt Nam an táng như ước vọng của Mạ là không rời xa Đất Tổ.

Cuộc đời hiền lương, chất phác, nhẫn nhịn và hoan hỷ của Mạ đã để lại nhiều tiếc thương cho những người có duyên gặp Mạ, cũng như để lại ân đức sâu dày cho con cháu nội ngoại gần xa. Chúng con có nhân duyên làm con cháu của Mạ trong đời này, nguyện cho các đời sau vẫn được làm Pháp quyến của nhau trên con đường Giác Ngộ Giải Thoát.  

Nam mô Đại Hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát.

Con trai của Mạ

Trần Duy Phô

Lời Thuyết Linh của HT Thích Minh Đạt

Hương Linh Ưu bà di giới Pháp danh Nguyên Chí, tánh danh Lê Thị Thà hãy lắng nghe cho kỹ,

Không bao lâu nữa, sắc thân của Hương Linh do tứ đại hòa hợp sẽ trả về cho tứ đại. Tám mươi mốt năm qua, kể từ ngày chào đời cho đến nay, với tấm thân giả tạo do ngũ uẩn tạo thành, Hương Linh đã đeo đẳng, đã bám víu, đã nuông chiều. Giờ nầy Hương Linh không minh mẫn, không tỉnh thức, không chánh niệm, cứ tiếp tục đeo đẳng cái xác thân ngũ uẩn giả tạo, càng đeo đẳng, càng bám víu càng chuốt lấy khổ đau. Do vậy hơn ai hết, Hương Linh ghi khắc những điều quan trọng sau đây để có thể từ giã cõi Ta Bà nầy, sanh về thế giới Thường, Lạc, Ngã, Tịnh, tiến thẳng vào Niết Bàn an lạc.

Điều thứ nhất mà Hương Linh phải ghi nhớ là: Trong năm uẩn, sắc uẩn gồm bốn chất đất, nước, gió, lửa gọi là tứ đại. Giờ nầy đã có đến hai đại đã thực sự tan rã, đó là phong đại và hỏa đại. Còn địa đại và thủy đại nếu không nhờ phương tiện khoa học gìn giữ thì đã tan rã từng ngày qua. Nhưng mà khoa học có tinh vi cách mấy vẫn không thể gìn giữ suốt đời được và sớm muộn gì cũng sẽ hủy hoại trong những ngày tới. Biết như vậy, hiểu như vậy, Hương Linh hãy dứt khoát từ bỏ cái xác thân tứ đại nầy để đổi lấy cái thân thanh tịnh, an lạc, đó chính là Pháp thân.

Đổi cái xác thân vô thường giả tạm để được xác thân kim cang bất hoại, thường hằng bất diệt, thì không ai là không vui mừng, không ai là không hớn hở, không ai là không cảm thấy hạnh phúc. Do vậy, điều thứ nhất Hương Linh phải mạnh dạn từ bỏ đó là từ bỏ xác thân tứ đại nầy.

Trong xác thân tứ đại như vừa nói có bốn uẩn là thọ, tưởng, hành, thức thuộc phần tâm linh. Bây giờ Hương Linh phải gìn giữ tâm của mình thật thanh tịnh, minh mẫn, sáng suốt và làm chủ mình để tiếp tục từ bỏ các điều kế tiếp. Từ bỏ thứ hai là con, là cháu, là gia sản. Tất cả bây giờ đừng bám víu, không níu kéo, không mang theo bất cứ vật gì.  Từ bỏ tất cả sự luyến ái thuộc về thân tộc, con cháu, bà con thân thuộc. 

Tất cả người thân của Hương Linh, kể cả con cháu ruột thịt, không ai đi theo Hương Linh đến thế giới khác. Do vậy Hương Linh không luyến tiếc con cháu, bà con, thân bằng quyến thuộc trên thế giới này vì chỉ quanh quẩn đầu thai vào thế giới khổ đau. Hương Linh đã bám víu vào thân nầy 81 năm, vui thì ít, khổ thì nhiều, thanh tịnh thì ít, phiền não dục vọng thì đầy. Chính phiền não dục vọng trong cuộc sống hàng ngày làm chúng ta khổ sở. Chính dục vọng phiền não đó đưa đẩy chúng ta đi vào con đường sanh tử luân hồi sau khi từ bỏ xác thân tứ đại nầy.

Sanh tử luân hồi trôi lăn từ đời nầy qua đời khác đau khổ vô cùng. Chính vì cứu độ chúng sanh nên Đức Thế Tôn giáng trần để chỉ vẻ cho chúng ta những điều đó. Bám víu vào thân xác tứ đại và bám víu vào bà con, tài sản là hai điều Hương Linh phải dứt khoát từ bỏ.

Khi lên đường, Hương Linh phải dũng mãnh hơn. Trong 81 năm qua, từ khi chào đời có cha mẹ rồi có anh, có chị, có em, rồi lập gia đình có chồng, có con, có cháu. Nói một cách rõ ràng hơn, Hương Linh bao giờ cũng có những người thân bên cạnh. Còn giờ này, Hương Linh phải độc hành trên đường vãng sanh. 

Thần thức người quá cố đi vào các nẻo khổ thì nhiều, chứ ít người sinh vào cõi an tịnh, bởi vì chúng ta tạo nghiệp ác thì nhiều mà nghiệp thiện thì ít. Do vậy sanh vào thế giới an lành không phải là dễ.

Hương Linh cụ bà Nguyên Chí Lê Thị Thà đầy đủ phước duyên quy y Tam Bảo, đã hướng về Tam Bảo. Đức Phật dạy: Đã quy y Tam Bảo thì đời đời kiếp kiếp sanh ra bất cứ nơi nào cũng thường gặp Tam Bảo để rồi tu học giải thoát. Giờ đây, con cháu của Hương Linh hướng về Tam Bảo, chí thành khẩn cầu hiện tiền Chúng Tăng về đây, tất cả thân bằng quyến thuộc kể cả bạn đạo về đây, đồng hồi hướng phước báu để tiễn đưa Hương Linh về thế giới Tây Phương Cực Lạc.

Từ đây về Tây Phương Cực Lạc, Kinh A Di Đà diễn tả qua mười muôn ức cõi, nhưng mà trong Kinh nói rõ ràng mười muôn ức cõi đều là mười muôn ức cõi Phật. Kinh A Di Đà nói rằng người muốn sanh về thế giới đó thứ nhất là phải có tin sâu, nguyện thiết, và nhất tâm niệm Phật.

Điều thứ hai là đủ thiện căn phước đức nhân duyên. Thiện căn phước đức của Hương Linh đã có đủ, nếu không thì không có tuổi thọ cao, thượng thọ, nếu không thì không có đàn con đàn cháu biết hướng về tu học như vậy. Nhân duyên hôm nay lại gặp được chư Tăng, bạn đạo, thiện hữu tri thức để hộ niệm. Do vậy, Hương Linh phải nhất quyết một lòng hướng về thế giới Tây Phương Cực Lạc trực chỉ, đừng dừng ghé bất cứ cảnh giới nào.

Tuy vậy, cũng phải đề phòng ma giới trên đường tiến về Tây Phương có thể hiện ra.  Người Phật tử làm sao biết đó là ma giới? Làm sao nhận diện được Phật giới? 

Đây là những điều đức Thế Tôn đã căn dặn: Điều thứ nhất, tất cả ma vương có thể hiện ra thân Phật, có đầy đủ thần thông để hiện ra cõi Phật, nhưng cảnh do ma hiện đó không thể kéo dài trong 10 niệm. Do vậy trong mười niệm đó, Hương Linh phải nhất tâm niệm Phật. Sau mười câu niệm Phật vững chãi đó mà cảnh giới cực kỳ trang nghiêm đó còn tồn tại thì biết đó không phải cảnh giới ma, trái lại là do chư Phật, Bồ Tát hóa thân hiện ra. Đó là điều thứ nhất Hương Linh cần ghi nhận.

Điều thứ hai, cho dù ma lực có thể kéo dài lâu hơn mười niệm, thì cảnh giới Phật và thân Phật do ma hóa hiện đó cũng phải nhận ra. Trong thế giới đó, tất cả ma dân không ai niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm thí, niệm giới; không ai biết làm lành lánh dữ, không ai hướng thiện, hướng thượng; không ai biết Phật, Pháp, Tăng là gì thì Hương Linh phải xác quyết đó là ma giới. Không là Phật giới thì đừng bao giờ dừng chân dù cho có được mời, dù cho được quyến rũ cũng đừng bao giờ dừng chân tại cảnh giới mà Thầy vừa diễn tả.

Cảnh giới Phật là trang nghiêm, tráng lệ, chói sáng, đầy hào quang. Trên thì chư Phật thuyết Pháp sơ thiện, trung thiện, thượng thiện; dưới thì nhân dân biết Phật pháp, quy y Tam Bảo, biết ăn chay, biết niệm Phật, biết về Tam Bảo Phật Pháp Tăng. Đó mới chính là cảnh giới của Phật, là cảnh giới của Tây Phương Cực Lạc. Nếu có muốn dừng chân thì tạm dừng chân đó như là một hóa thành như trong Kinh Pháp Hoa đã dạy. Tâm đừng bao giờ rời sáu chữ Nam Mô A Di Đà Phật.

Niệm hồng danh của Đức Phật Di Đà, duy trì chánh niệm niệm hồng danh Đức Phật Di Đà để biết đâu là chánh, đâu là tà, đâu là ma, đâu là Phật. Là tà thì tránh, là chánh thì theo. Ma thì bỏ, là Phật thì phải bám lấy.  Từ đây cho đến suốt thời gian đưa xác thân vào hỏa lò, Hương Linh Nguyên Chí Lê Thị Thà phải nhất niệm dứt bỏ luyến ái, chỉ giữ lại lục tự Di Đà. Hương Linh không thể không thi hành, không thể không quyết định lên đường.

Thầy, Chư Tăng, thân bằng quyến thuộc, con cháu, tất cả đạo hữu, xin nhất tâm niệm Phật. Xin qúy vị cùng Thầy niệm danh hiệu đức từ phụ A Di Đà 3 lần.

Nam mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật.

Nam mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật.

Nam mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật.

Kính dâng Mệ

Tuy biết rằng Mệ không muốn qua Mỹ nhưng lòng con vẫn mong đợi một ngày gia đình đoàn tụ ở nơi xứ lạ quê người.  Con hằng mong được có cơ hội báo đáp thâm ân của Mệ săn sóc con trong thời kỳ thơ ấu vô tư lự. 

Từ nhỏ vì công việc làm ăn buôn bán nên ba mạ con thường hay vắng nhà.  Mệ đã vất vả nuôi nấng ba chị em chúng con một cách chu toàn về mặt thể chất lẫn tinh thần.  Con còn nhớ mỗi buổi chiều sau khi đi học về, con thường xuyên ra ngoài xóm chơi với mấy bạn cùng lứa tuổi, không ngó ngàn gì tới chị Bé hay em Hiền.  Nhưng Mệ chẳng bao giờ la rầy con hay mét với ba mạ khiến bây giờ con nghĩ lại cảm thấy hổ thẹn vô cùng.  Vào lúc hàng xóm lên đèn, Mệ lại đi tìm con về ăn cơm tối, với nồi cơm nóng hổi, bát canh cá ngọt ngào lòng yêu thương trìu mến.  Mệ luôn phẻ cá cho con ăn vì sợ con ăn mắc xương.  Tối lại Mệ ngủ với con trên bộ ngựa dưới nhà.  Khuya về, con lại chạy lên nhà lớn leo lên giường ngủ với ba.  Chắc là khi đó Mệ buồn lắm. 

Mệ đã thay ba mạ nuôi chúng con lớn lên.  Vì kinh tế đời sống, có đôi khi hai ba ngày con mới thấy mặt ba mạ – khi thì vì ba mạ đi làm sớm trước khi chúng con thức giấc, khi thì ba mạ đi làm về sau khi Mệ ru chúng con vào giấc mộng đẹp.  Hình bóng Mệ đã phá tan đi sự âu lo và mang lại sự bình yên vui vẻ.  Đối với con Mệ không những chỉ là Mệ nữa mà còn là một người Mạ.  Một người Mạ rất già với mái tóc bạc như vôi, với hàm răng luôn nhai cau trầu. 

Sau mười năm cách trở, nhờ sự gia hộ của Tam bảo và lời khuyên của Ni Sư Như Minh, Mệ mới chịu đi Mỹ và gia đình mình đã đoàn tụ.  Buồn thay, con chỉ mới làm được một vài việc cho Mệ, thí dụ, dìu Mệ đi chỗ ni chỗ nọ. 

Kể từ đây sau khi đi học về, con sẽ không thấy Mệ ngồi niệm Phật trước bàn Phật nữa, sẽ không nghe được những câu “Cháu đi học về rồi à”, sẽ không ngửi được mùi trầu cau nữa, sẽ không nếm được món xôi đường đặc sản Quảng Nam, sẽ không rờ được bàn tay trìu mến của Mệ, sẽ không được niệm Phật chung với Mệ mỗi đêm. 

Mệ đã đi tới một nơi tốt đẹp hơn.  Nhưng mà đạo đức, tu tập, lời khuyên răn, máu tủy của Mệ sẽ mãi mãi soi sáng cho gia đình con, các bà con cô bác nội ngoại xa gần, các bạn bè thân hữu ở Việt nam lẫn hải ngoại. 

                                      Kính bút

Cháu Đích Tôn của Mệ

      Trần Duy Quang

Mệ ơi

Cám ơn Mệ. Con cám ơn Mệ nhiều lắm. Con muốn nói cám ơn một trăm lần, một ngàn lần, nhưng nói gì thì Mệ cũng đã đi rồi. Con tiếc là những ngày có Mệ bên cạnh mà con không nói lời cám ơn.

Cám ơn Mệ sửa mền cho con mỗi buổi sáng. Cám ơn Mệ giúp con xếp áo quần. Cám ơn Mệ đã nấu đồ ăn cho con. Cám ơn Mệ chăm sóc cho con khi con còn nhỏ, và còn nhiều nữa. Cho nên, trước khi Mệ thật sự lìa khỏi con, con muốn nói một lời cuối cùng: Cám Ơn Mệ.                                                     

                    Cháu nội út của Mệ

                    Trần Thị Khánh Hiền

Điếu văn của Nhóm Học Phật Lộc Uyển

Nam mô A Di Đà Phật.

Kính bạch Chư Tôn Đức,

Kính thưa quý vị quan khách,

Kính thưa quý đạo hữu và thân hữu,

Kính thưa anh chị đạo hữu Trần Duy Phô và tang quyến,

Toàn thể đạo hữu trong Nhóm Học Phật Lộc Uyển vô cùng bàng hoàng và xúc động khi được tin cố đạo hũu Nguyên Chí đã lìa trần.  Hôm nay chúng tôi đại diện Nhóm, trước xin có lời phân ưu cùng anh chị đạo hữu Trần Duy Phô và các cháu Như, Quang, Hiền, cũng như tang quyến, sau bày tỏ cảm tưởng tiếc thương để tiễn đưa Người về cõi tịch diệt vô ưu. 

Kính thưa Bác!

Nhân sanh thất thập cổ lai hy.  Người đời sống được 70 xưa nay hiếm có, nhưng Bác đã có dư được cái xưa nay hiếm có đó.  Chúng con rất vui mừng khi thấy Bác da thịt càng ngày càng hồng hào và đầy đặn so với ngày mới đến Mỹ. Chúng con cũng thường chia sẻ niềm vui đó với anh chị Phô và cũng mừng thầm hy vọng Bác còn thọ lâu dài. Tuy tuổi đã cao, nhưng trí nhớ của Bác rất tốt, đôi mắt rất tỏ, nói năng chững chạc, đôi khi còn kể chuyện xưa tích cũ, nói đùa rất vui nhộn. 

Chúng con không thể nào quên được, ngày Bác đến Mỹ, cách đây chỉ hơn ba tháng, đi nửa vòng trái đất mà Bác không thấm mệt. Bác ngồi kể chuyện đến khuya, kể chuyện đi Mỹ, kể chuyện vào gặp phái đoàn phỏng vấn ở Sài Gòn, ai cũng cười bể bụng. Người đời thường nói: Già thì lẩm cẩm nhưng bác chẳng lẩm cẩm chút nào. Bác nguyên quán huyện Hòa Vang, tinh Quảng Nam nhưng sống lâu năm ở Huế. Khi gặp lại người cùng quê xứ Quảng như con, bác không ngại ngùng nói lại giọng Quảng Nam đặc sệt nặng nề pha với giọng Huế ngọt ngào nhẹ nhàng, nghe dễ thương làm sao!  Có chi thắm thiết cho bằng! Bác đùa giỡn với chúng con. Trong chúng con có người hạnh phúc còn mẹ, có kẻ thiếu duyên đã mất mẹ, nhưng hình ảnh của Bác đã lấp được chỗ trống trong lòng chúng con. Do đó chúng con thành kính vinh danh Bác là Mẹ của chúng con.

Thưa Mẹ!

Mẹ với chúng con tuy không có sự mang nặng đẻ đau, không bên ướt mẹ nằm bên ráo con lăn, nhưng mà tình cảm của Mẹ với chúng con sao mà thân thương quá!  Tình cảm của chúng con dành cho Mẹ cũng thắm thiết quá chừng! Có lẽ tình đạo vị, Phật Pháp nhiệm mầu đã gắn chặt mối liên hệ tình cảm của Mẹ với chúng con và của chúng con với Mẹ.   

Kể từ khi đến Mỹ, Mẹ cũng siêng đi chùa, tham dự đều đặn những buổi sinh hoạt của Nhóm Học Phật Lộc Uyển. Đặc biệt trong dịp Tết Nguyên Đán năm Bính Tuất vừa qua, Mẹ đã cùng với các đạo hữu trong Nhóm Học Phật Lộc Uyển đi hành hương, thăm viếng các chùa tại San Jose và đi dến tận Tu viện Kim Sơn. Hành trình suốt cả ngày, lên đèo xuống dốc, nhưng Mẹ vẫn khỏe vẫn vui. Mẹ cũng sốt sắng tham dự tụng kinh Dược Sư và lạy 500 danh hiệu của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát để cầu an trong năm mới tại gia đình cũng như tại nhà của các đạo hữu trong Nhóm và thân hữu. Mẹ làm như vậy bởi vì Mẹ hiểu:

“Tích kim dĩ dị tử tôn, tử tôn vị tất năng thủ”:  Chứa vàng để lại cho con cháu, con cháu chưa chắc đã giữ được. 

“Tích thơ dĩ dị tử tôn, tử tôn vị tất năng độc”:  Chứa sách để lại cho con cháu, con cháu chưa chắc chịu đọc. 

“Bất như tích âm đức ư minh minh chi trung, dĩ vi tử tôn trường cữu chi kế”:  Chi bằng để lại cái phước đức cho con cháu, đó là cách lâu dài nhất. 

Mẹ ăn chay, niệm Phật, tụng kinh cốt để lưu lại cái phước đức đó cho con cháu vậy. 

Nhưng Mẹ ơi!

Vô thường sao mà khắc nghiệt quá! Chẳng cho ai một lời mặc cả! Khi vô thường ập đến, chúng con không kịp trở tay. Anh Phô hết lòng hết sức cầu cứu bác sĩ, y tá tại bệnh viện nhưng tất cả đều chịu bó tay. 

Kính thưa Mẹ!

Luật tạo hóa vô thường khó cản,

Đò âm dương đưa rước không chừng,

Chuyến đò chiều cũng đà cập bến,

Thuyền Bát Nhã chờ Mẹ sang sông,

Đưa Mẹ về bên kia bến giác,

Sống trong cõi tịch diệt vô ưu,

Hưởng an lạc nghìn thu vĩnh cữu. 

Nay Mẹ nằm đó nhưng không còn nữa. 

Bên quan tài đã tỏa trắng màu tang,

      Đàn con cháu rưng rưng dòng lệ,

      Biết làm sao níu kéo Mẹ lại!

      Ôi chi số phận cơ trời

           Âm dương đôi ngã đời đời biệt ly.

Kính thưa anh chị Trần Duy Phô và tang quyến!

Có sanh là có tử.  Nhưng sanh như Mẹ và tử như Mẹ thật quá tuyệt vời, khó có ai bằng.

“Mộc dục tịnh như phong bất định”.  Cây muốn lặng nhưng gió chẳng ngừng. 

“Tử dục dưỡng như thân bất tại”.  Con muốn nuôi mẹ, cháu muốn phụng dưỡng bà nhưng cũng không được.  Cái nghịch cảnh của cuộc đời là như vậy đó! 

Trong hoàn cảnh sanh tử biệt ly, khi còn trong vòng đối đãi, có ai tránh khỏi nỗi bức xúc bi hoài?

Sông sâu có ngày cũng cạn nước,

Rừng xanh có ngày cũng trụi lá,

Nhưng tình mẫu tử nghĩa thâm ân

Không làm sao cạn dòng nước mắt.

Nhưng khuyên anh chị và các cháu hãy lắng lòng, giữ tâm thanh tịnh, duy trì chánh niệm, chí thành cầu nguyện cho Mẹ được vãng sanh Tây Phương Cực Lạc.

Kính thưa Mẹ!

Sanh ký tử quy.  Sống là ở tạm thác về quê xưa.  Mẹ hãy can đảm dứt bỏ mọi luyến ái nơi trần thế, mỉm cười nhẹ bước để đi về.  Về nơi cảnh cũ quê xưa, an nhiên tự tại, hoa nở thấy Phật chứng vô sinh, cùng chư Bồ Tát kết làm bạn lành. 

Mẹ đi an giấc yên phần

Chúng con thương tiếc không ngần Mẹ ơi!

Trong giờ phút chia tay, chúng con có chút lòng thành, xin nguyện dâng lên Tam Bảo, thập phương chư Phật, Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, Đức Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật, Chư vị Bồ Tát từ bi phóng quang tiếp độ Mẹ về Tây Phương. 

Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật

      Nhóm Học Phật Lộc Uyển đồng kính bái.  Vĩnh biệt Mẹ!

Kính bạch,

Lê Vạn Bá

Tiễn Bác

Nguyễn Thị Yến

“Bây giờ mẹ nằm, lá đổ ngoài sân, lá đổ ngoài sân, lá đổ ngoài sân . . . để ru mẹ ngủ . . .

Lời mẹ ru con đến những khu vườn, ru con trưa nắng i .. i .. à .. Trong mộng, cười ngoan, ru mộng con thơm. Lời mẹ ru con, nghe ra nỗi niềm. Ru con nghiêng nghiêng nằm. Con ngủ giấc tròn, cho mẹ ngồi trông. Thuở me ru, me ru con ngủ, con ngủ trên mây, con ngủ trên mây. Tiếng khóc ban đầu, ban đầu còn đau, còn đau, còn đau …… Lời mẹ ru đêm vắng, ngón tay hồng. Ru con khôn lớn, i .. i .. à .. Con rồng, rồng tiên, con ngủ cho yên. Đời mẹ ru con nên mắt ưu phiền, đôi khi cũng ưu phiền. Con ngủ giấc hiền, mưa đổ ngoài đêm. Thuở mẹ ru, mẹ ru con ngủ, con ngủ trên mây, con ngủ trên mây. Tiếng khóc ban đầu, ban đầu còn đau, còn đau, còn đau …… Rồi một mai con đã lớn khôn rồi, con thôi thơ ấu i .. i .. à . . . Mẹ rời thật mau, mẹ rời chiêm bao. Một đời ru con bao lâu cũng mỏi mòn, nên lâu cũng mỏi mòn. Bây giờ mẹ nằm, lá đổ ngoài sân, lá đổ ngoài sân, lá đổ ngoài sân . . . để ru mẹ ngủ.”

Kính thưa tất cả quý vị đang có mặt trong tang lễ hôm nay,

Kính thưa quý bà con, thân bằng, quyến thuộc của gia đình anh Phô và Hạnh ở hải ngoại và ở Việt Nam,

Thưa anh Phô và Hạnh, cùng các cháu,

Trong một bài Pháp thoại rất dài “Trí Tuệ Bát Nhã”, khi giảng về “Nhân Sinh Quan Phật Giáo”, Đại đức Thích Tâm Thiện có nhắc đến mấy câu thơ trong một

ca khúc của Trịnh Công Sơn, bài “Ở Trọ”:

Con chim ở đậu cành tre

Con cá ở trọ trong khe suối nguồn

Mây kia ở trọ tầng không

Mưa nắng ở trọ bên trong mắt người.

Vâng, tất cả chúng ta, mọi người và mọi loài đều đang ở trọ trong cõi tạm này. Mỗi chúng ta đều có cha mẹ, cha mẹ sinh chúng ta, nuôi chúng ta khôn lớn, rồi cha mẹ phải ra đi. Chúng ta cũng vậy, rồi chúng ta cũng ra đi. Từ thuở nằm nôi, mẹ ru ta, rồi mẹ nuôi ta, có thể nói mẹ đã ru ta suốt đời mẹ. Bởi vì, bất cứ khi nào nghĩ đến mẹ, nghĩ rằng ta còn mẹ là ta cảm thấy ấm áp, ta cảm thấy hạnh phúc êm đềm. Điều này có thể có người không nhận ra, cho đến chính lúc vừa mất mẹ, mới cảm thấy. Một đời mẹ sinh con, ru con, nuôi con khôn lớn vất vả, mỏi mòn biết là bao!

Anh Phô và Hạnh, và các cháu! Xin anh Phô và Hạnh đừng buồn! Chúng ta không thể nào làm gì khác hơn. Sự ra đi đột ngột của Bác, không phải riêng anh và gia đình anh, mà tất cả chúng tôi đều bàng hoàng, sửng sốt, nhưng anh Phô và Hạnh à, Bác nằm xuống đẹp như thơ! “Rồi một mai con đã lớn khôn rồi. Con thôi thơ ấu, mẹ rời thật mau, mẹ rời chiêm bao. Đời mẹ ru con bao lâu cũng mỏi mòn, nên lâu cũng mỏi mòn. Bây giờ mẹ nằm, lá đổ ngoài sân, lá đổ ngoài sân, lá đổ ngoài sân, để ru mẹ ngủ”.

Anh Phô, anh là một người con rất có hiếu, tôi biết, anh đã cố gắng vượt bao nhiêu khó khăn mới có thể bảo lãnh cho được Bác qua đây. Qua đây, Bác được tận mắt thấy con trai Bác đã lớn khôn, con trai đã trưởng thành. Bác đã thỏa lòng, Bác đã hoàn thành trách nhiệm của người mẹ. Đã đến lúc Bác được xả báo thân, để trở về. Anh Phô và Hạnh và các cháu! Bác đã ra đi rất đẹp! Bác đang ngậm cười nơi chín suối. Xin anh và Hạnh và các cháu hãy vui!

Kính thưa tất cả quý vị,

Khi được tin Bác lâm trọng bệnh một cách đột ngột, tôi đã quá xúc động. Trong khi theo dõi tin tức về sức khỏe của Bác từng mỗi lúc, tôi đã báo tin cho một số anh chị em trong Nhóm Học Phật Lộc Uyển. Tôi đã không quên liên lạc bằng email để báo tin cho Ni Sư Thích Nữ Như Minh, hiện đang Trụ trì Chùa Tây Linh ở Huế, Việt Nam; và cũng để xin NI Sư hướng tâm cầu an cho Bác. Tin đến bất ngờ đã làm quý Sư bàng hoàng. Càng đau thương xót xa hơn khi quý Sư nhận được hung tin Bác đã xả báo thân!

Ni Sư Như Minh đối với gia đình anh Phô và Hạnh ngoài tình đạo còn có một tình gắn bó thân thiết trong quá khứ trên bước đường tu tập và làm việc thiện. Ngay trong ngày Bác mất, khoảng thời gian Bác sắp xả báo thân, Ni Sư email nói rằng “lúc ấy cô trằn trọc, khắc khỏai mãi không làm sao ngủ được”. Cùng với email này, Ni Sư đã gởi một bài thơ nhờ tôi chuyển đến cho anh Phô và Hạnh. Bài thơ như sau, tôi xin đọc:

Thay lời Phô khóc mẹ

Hoài Niệm

Con những tưởng đưa Mẹ qua Mỹ quốc

Cùng cháu con sum họp một nơi

Nào ngờ đâu khi đến xứ người

Mẹ vội ra đi không lời giã biệt.

Vẫn biết rằng có sinh thì có diệt

Nhưng niềm đau mất Mẹ quá xót xa

Con những mong hầu hạ Mẹ tuổi già

Để bù đắp bao tháng ngày xa cách.

Bây giờ đây giữa quê người đất khách

Mẹ ra về để lại nỗi nhớ thương

Con quỳ dâng lên Mẹ nén tâm hương

Nguyện cầu Mẹ Tây phương an trú.

Cõi Tịnh Độ Di Đà Từ phụ

Duỗi tay vàng tiễn Mẹ về ngôi

Chúng con thương, thương Mẹ lắm Mẹ ơi!

Xin chứng giám tấm lòng cho con cháu.

Con của Mẹ

Huế, ngày 24 tháng 2 năm 2006

Thích Nữ Như Minh

Cảm nghĩ về cảnh Mất Mẹ của Duy Phô

Hoành Nguyễn tôi cũng đã có đứa con Út chết tại Sacramento năm 2001. Tôi hiểu thế nào là nỗi đau mất người thân, sau 3 lần mất con. Út nam của tôi tên Nguyễn Hà Châu, đã được sống sung sướng đầy đủ ở Mỹ hơn 5 năm, tôi vẫn thấy là quá ít. Bởi nhiều người nghèo khó vẫn mơ ước đến Mỹ để có được cuộc sống vật chất đầy đủ tiện nghi văn minh và tự do.

Anh Phô bảo lãnh mẹ già cũng phải trên dưới mười năm mới có kết quả. Thế mà chỉ được sống cận kề trong sự thương lo chăm sóc của con thảo, dâu hiền và các cháu không đầy bốn tháng, hỏi kẻ làm con hiếu thảo sao khỏi đứt ruột đau lòng?!

Theo sự nhận xét và suy nghĩ của tôi, thì bà cụ ra đi rất thanh thản. Lý do:

1. Thấy tận mắt cảnh dâu con và các cháu nội sống thuận hòa, đầm ấm, và rất có đạo nghĩa, trong một cảnh đời tự do văn minh của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ.

2. Cảm nhận cái hạnh phúc được sống trong tình thương yêu, ân cần chăm sóc hàng ngày của các con và cháu. Lại càng thấm thía cái hạnh phúc khi thấy con cháu mình biết lo tu hiền cho đời nầy và cả kiếp sau.

3. Lẽ tạo hóa là “Tre tàn măng mọc”. Cụ đã hơn 80, thượng thọ, hơn hẳn “Thất thập cổ lai hy” mà nhiều người trẻ đương thời như chúng ta còn chưa biết có sống được tới tuổi 70 hay là không? Vì lẽ đó, Cụ ra đi cũng là điều tự nhiên dễ hiểu. Hơn thế nữa, cách chuyển kiếp của Cụ rất nhẹ nhàng thanh thản như một Giấc Ngủ Nghìn Thu.

Chúng ta cảm thông và chia sẻ với nỗi mất mát đau buồn của gia đình đạo hữu Nguyên Thành Trần Duy Phô. Thời gian kế tiếp là gia đình anh tụng niệm cầu siêu cho mẹ hiền  được sớm về miền lạc cảnh.

Nhớ gương xưa tích cũ về sự báo hiếu của Ngài Mục Kiền Liên, cũng nhờ công phu tu tập mà cứu được mẹ già là bà Thanh Đề đã tạo ra bao ác nghiệp. Ngày nay nếu chúng ta dốc lòng theo Phật lo tu tập, thì cũng sẽ cứu giúp phần nào cho đấng sinh thành, còn cho cả mình và vợ con.

Xin thành kính phân ưu và cầu nguyện Hương Linh Cụ bà Nguyên Chí được sớm siêu thoát về miền lạc cảnh.

Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật.

Hoành Nguyễn Tâm Hoán xin đê đầu kính bái.

Hướng về Mẹ

Kính thưa Hương Linh Bác Pháp danh Nguyên Chí,

Hôm nay là ngày mồng 1 tháng Giêng năm Bính Tuất, tại Nhà quàn 6100 đường Stockton, Sacramento, California. Bên Linh Cữu Bác, xin Bác cho con, Quảng Hữu Trương Thanh Nhạc, được nói những lời thương kính từ cõi lòng trong chuyến ra đi của Bác hôm nay, và đôi dòng tâm tư cùng với tang quyến.

Kính thưa Bác, hình ảnh Bác hôm nay tại đây cũng là hình ảnh của một người Mẹ, người Mẹ của con cách đây 13 năm tại quê nhà. Con đã mặc áo thô trắng và bịt khăn tang bên bàn thờ vọng Mẹ của con. Tuy rằng con không có may mắn được gần gũi Mẹ, nhưng hướng về Mẹ thì giống nhau cả, bởi ngôn từ và tâm tưởng về Mẹ đều xuất phát từ một con Tim. Con và anh chị Phô trong Nhóm Học Phật Lộc Uyển, Sacramento, là bạn cùng tu cùng học, lấy Tâm làm nhà để bao bọc che chở cho nhau, thì đâu còn chi khác. Xin cho con Tâm nguyện xưng danh Bác là Mẹ như các bà Mẹ trước đây.

Kính thưa Mẹ, ai cũng biết rằng, trên thế gian này, những gì to lớn nhất như năm châu, bốn biển, trăng, sao v.v… tất cả là vĩ đại đối với con người, mà sự vĩ đại đó có thể tan biến, thay đổi. Nhưng, Mẹ là thường hằng, không có gì thay thế được, hy sinh và chịu đựng, vị tha và bao dung, huyền diệu và tuyệt vời hơn hết. Cuộc sống của người Mẹ là cuộc sống của con, cuộc sống kham nhẫn của Mẹ cũng vì hạnh phúc và tương lai của con. Hết một đời Mẹ trọn vẹn dành cho con và lo cho con không ngừng nghỉ.

Một người Mẹ thật rõ ràng, đã gạt nước mắt cam lòng để con sống ly hương, đã bao năm ngày mong đêm đợi, thương nhớ vô vàn. Đến lúc gặp lại nhau, chẳng được bao lâu, thời gian 3 tháng, niềm vui chưa thấm ráo nước mắt, chưa ấm đậm cõi lòng, chưa hầu hạ tuổi già, chưa đền đáp ân đức… thì Mẹ con hai đường vĩnh biệt chia ly. Còn cảnh tượng nào quặn thắt xót xa hơn thế nữa hỡi trời! Xin ngậm ngùi chia sẻ nỗi mất mát đau thương vô cùng lớn lao này với anh chị Phô, các cháu, cùng Tang quyến.

Thưa Mẹ, tuy con được gần Mẹ chỉ có vài ba lần bên xứ này, nhưng con biết Mẹ rõ và nhiều lắm qua con người và đời sống của anh Phô: Mẹ lúc nào cũng vui vẻ, hiền hòa và rất khiêm tốn. Lần đầu tại chùa Nhật Quang, Sacramento, ngày cúng Chung Thất của vợ con. Trong bữa cơm, có người thấy Mẹ tuổi lớn mà ăn được khỏe, đã hỏi:

– Bác có bị cao máu không?                     

Mẹ trả lời rất hay:                            

– Dạ không dám, nhờ Phật, dạ không dám hứa trước được.

Con ngồi đối diện Mẹ, con nghe và ngạc nhiên, thỏ thẻ với Mẹ:                               

– Sao Bác nói dễ thương quá!

Lúc đó, con có đem chuyện này kể với anh Phô. Câu nói mộc mạc chân thật của Mẹ, nghe tuy bình thường, nhưng mà hoàn cảnh con trong tháng ngày chao đảo này, nó qúy giá như làn gió thoảng, như dòng nước trong thấm mát lòng con. Cám ơn Mẹ rất nhiều, giúp con suy nghĩ nhiều hơn. Một câu nói ngắn gọn mà hàm nghĩa thâm áo giáo lý Vô Thường của Đức Phật, khi mà người vợ hiền thục của con vừa mới qua đời, rằng: Thân mình, thân người, con biết chỉ là những căn nhà tạm trú, có chi vững bền, chắc thật đâu! Bất quá bảy, tám mươi năm cư ngụ ở thế gian này rồi lại ra đi biền biệt.

Và hai lần sau, tại Tu viện Kim Sơn, tại nhà con cầu siêu cho Thiện trong ngày hành hương đầu năm Bính Tuất, vùng San Jose của Nhóm Học Phật Lộc Uyển, con thấy Mẹ rất thiết tha với Tăng Chúng, với Kinh kệ. Một người tuổi ngoài 80, được minh mẫn gần gũi với Tam Bảo như vậy, thử hỏi có Ngôi Bậc nào mà không hộ trì cho Mẹ!

Ai cũng đều thấy, ngay trong giờ phút lâm chung và thời gian cử hành Tang lễ, Mẹ có thiện duyên gặp được nhiều Tăng Ni, Đạo tràng, Nhóm Học Phật Lộc Uyển, bạn bè thân hữu gia đình, bà con nội ngoại xa gần đều một lòng lân mẫn tề tựu chú niệm. Con cháu chính tâm thành ý, một dạ tu hành công đức. Tất cả nguyện cầu Mẹ vãng sanh về thế giới an lành. Chúng con tin chắc rằng Hương Linh Mẹ nhẹ nhàng thanh thản nơi cảnh giới Cực Lạc như nguyện cầu!

Thưa Mẹ, có ai ở trong cảnh mất Mẹ, chứng kiến cảnh mất Mẹ, mới thấm thía sự “bất toại ý” của đời mình: Mất mát, bi lụy, thương tiếc, và bơ vơ. Mất Mẹ rồi là mất đi cả một bầu trời to lớn. Từ đây đâu còn ai vỗ về, tha thứ và trang điểm cuộc đời cho con. Những lúc mưa đổ, hoàng hôn xuống, còn ai đứng tựa cửa trông ngóng, đợi chờ đứa con thân yêu đi về. Và những đêm khuya khó ngủ, lòng thương Mẹ, con cũng đâu còn có Mẹ nữa để nghe chừng tiếng ho hen của Mẹ, để nhè nhẹ bước đến bên Mẹ, nhìn Mẹ và hôn Mẹ thật lâu. Và rồi, mỗi mùa Vu Lan đến, áo con đâu còn lành lặn để cài hoa màu đỏ thắm.

Qua đi những ngày ưu tư, rộn ràng, lo đám trợ giúp anh chị Phô, giờ thì chúng con đỡ đi sự tư lự rồi Mẹ ơi! Chúng con vui mừng thấy Tang lễ rất là êm đẹp, đầy đủ và trang nghiêm. Nhìn thấy nét thanh thản, hiền hòa, bình yên nơi Mẹ. Nhìn thấy khí lực tươi sáng được hồi phục trên đôi mắt buồn thầm sầu kín trong mấy ngày qua của anh Phô. Mẹ tin nơi chúng con, chúng con sẽ chung với gia đình anh chị Phô, chia sẻ những mất mát buồn đau, nuôi dưỡng đạo tình này trong cuộc sống.

Anh chị Phô và các cháu qúy mến. Việc Phật sự và nếp sống đạo hạnh của gia đình anh chị, chúng tôi vô cùng ngưỡng mộ và học hỏi. Với Nhóm Học Phật Lộc Uyển của chúng ta, qua 4 năm gầy dựng, gìn giữ, hình thành được như hôm nay, là công lao to lớn của anh chị; và riêng cá nhân tôi, cũng được sự giúp đỡ của phần anh chị trong việc tu học. Ngày tháng qua, tôi với anh gặp phải những nghịch cảnh bất hạnh thương đau, chúng ta đã hết sức tận tình giúp nhau. Và trong đau thương đó, chúng ta càng hiểu nhau hơn, thật gần nhau hơn. Nhiều lần anh hỏi thăm tôi, rằng khỏe không, ngủ được không? Tôi trả lời “Cố gắng”, cũng như tôi hỏi anh những lời như vậy. “Nhưng niềm đau mất Mạ quá xót xa”, thì làm sao mà khỏe, ngủ và quên được!

Đến đây, “Hướng Về Mẹ”, con kính dâng lên Mẹ lời cầu nguyện: Ngưỡng mong Hồng Ân Tam Bảo thùy từ tiếp độ Hương Linh Mẹ Pháp Danh Nguyên Chí tiêu diêu miền Cực Lạc. Xin gia hộ gia đình Anh Chị Phô bình an và tinh tấn trên con đường tu tập.

Nam Mô A Di Đà Phật.

                               Kính Mẹ!

Con Qảng Hữu Trương Thanh Nhạc

Mạ tụng Kinh đầu Năm Mới tại nhà anh Nhạc

Cảm niệm Bác Nguyên Chí, 28/2/2006

Trưa thứ ba tuần rồi anh Phô gọi tôi để chia sẻ một vài trăn trở trong Nhóm Học Phật Lộc Uyển. Tôi hứa sẽ tiếp tay với anh trong dịp cuối tuần. Những tuởng là mọi chuyện không vui sẽ lặng im đó để chờ một giải pháp ổn thỏa thì bổng nhiên tối hôm đó anh Phô phải khẩn cấp đưa Bác vào bệnh viện vì Bác có triệu chứng của một đột biến tim mạch.

Chị Kim Đáo gọi tôi sáng hôm sau cho biết tình trạng nguy ngập của Bác trong nhà thương. Trên đường đến bệnh viện, nghĩ tới Bác đang tranh đấu từng giây từng phút với tử thần, nghĩ đến anh Phô trong hoàn cảnh đơn độc suốt đêm qua. Trong khi anh chị em không ai hay biết gì về tình trạng nguy ngập của Bác thì anh một mình một thân suốt đêm bên cạnh mẹ già đang cơn hôn mê mà lo mà sợ, và hoàn toàn bất lực không tiếp nỗi được một hơi thở, một nhịp tim để làm vơi đi một phần nào cơn nguy kịch của mẹ già. Lòng tôi trầm xuống và chú tâm niệm Phật để hộ niệm cho Bác sớm thoát cơn nguy nàn.

Tới phòng cấp cứu, anh Phô ôm chầm lấy tôi mà nước mắt chảy dài. Tôi không nói được một lời vì không biết nói gì trước nỗi đau khổ của người con trước cơn nguy kịch của mẹ mình, tôi rán kềm lòng và ôm chặt lại anh mà nghe cảm được tất cả những thổn thức của anh. Tôi muốn chia sẻ với anh những âu lo, những đơn độc của anh trong suốt đêm dài hôm qua. Tôi muốn san sẻ với anh một chút ấm áp của tình anh chị em trong Nhóm, tôi muốn nói là anh không cô đơn trong lúc khó khăn này, anh chị em cũng đang chia sẻ những lo âu, những khó khăn với anh trong lúc này. Nhìn sang Bác đang thiêm thiếp trên giường, tôi đề nghị anh chị Phô cùng niệm Phật để hỗ trợ cho Bác.

Những tưởng là Bác sẽ qua khỏi cơn nguy biến nhưng nghiệp duyên đã mang Bác ra đi trong sự thương tiếc của mọi người. Nghĩ đến sự tái hợp ngắn ngủi của mẹ con, bà cháu chưa đủ làm ấm lòng sau những tháng năm dài xa cách, rồi đột nhiên vĩnh viễn ra đi, ai là người không xót xa đau đớn. Nhưng vô thường không vị nể một ai, ta phải chấp nhận sự thật đó. Khi ta đã chấp nhận sự thật đó, khi ta nhìn sâu vào bản chất vô thường vô ngã của vạn pháp thì ta có thể giảm bớt được phần nào cái hậu quả nghiệt ngã do nó khống chế. Ta không thể vượt khỏi biên cương của vô thường nhưng ta có thể tự chủ, ta có thể lấy lại chủ quyền mà không bị nó nghiền nát ta trong những khổ đau, phiền muộn.

Kính thưa Bác,

Xác thân ngũ uẩn của Bác đã mãn. Tám mươi năm biểu hiện ở đời, Bác đã sống như một bà mẹ ở quê làng như bao nhiêu bà mẹ hiền khác. Bác đã sống một cuộc đời bình dị, không bon chen. Bác đã sống hòa hợp với bà con thôn xóm, sanh con rồi nuôi dưỡng các con nên người, làm tròn đầy bổn phận của một bậc mẹ cha. Trong số con cái của Bác, có anh Phô là một  người con hiếu thảo, là người lo lắng hết lòng cho mẹ già từ lúc bên nhà cho đến lúc sang Mỹ. 

Anh Phô cũng là người có đạo tâm, vừa tự mình tu học vừa khuyến khích giúp đỡ anh chị em khác đồng tu. Anh có lòng vị tha và từ bi, hết lòng giúp đỡ mọi người xa gần chung quanh. Có được một người con như vậy đã là một hãnh diện của bậc mẹ cha. Bác đã sanh ra anh Phô và đã cống hiến anh cho anhchị em Nhóm Học Phật Lộc Uyển. Anh chị em trong Nhóm thành thật tri ân Bác.

Kính thưa Bác,

Dù không còn biểu hiện, Bác vẫn còn ở lại nguyên vẹn trong sắc thân và tâm thức của các con các cháu. Các con các cháu của Bác vẫn lưu truyền dòng máu huyết thống của Bác. Những di sản sắc tướng và tâm linh vẫn còn chảy đều trong các cháu, các con như một dòng sông lớn chảy đều sang những con sông nhỏ. Những thương yêu, tình tự, những hoài vọng của Bác đều được bảo tồn trọn vẹn trong thân thể và tâm thức của các cháu và các con. Kính xin Bác ung dung, thanh thản, nhẹ nhàng cao đăng Phật quốc.

Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật.

                                           Chí Hải

Chuyển hóa Khổ đau

Anh chị Nguyên Thành và các cháu thương mến,

Mỗi mất mát là một đau đớn xót xa. Nhất là sự mất đi một người mẹ, một người bà nhân từ dịu dàng. Tuy nhiên, đời người ai ai cũng phải một lần trải qua, dù sớm hay muộn. Điều quan trọng là trong đời sống của chính mình, có sống đạo đức và đầy tình thương yêu hay không?

Anh chị Nguyên Thành thương mến,

Nói ra đi là nói theo ngôn ngữ thế gian, có sinh có diệt, có còn có mất. Tuy nhiên nếu nhìn sâu qua lý nhân duyên của nhà Phật thì đây chỉ là sự ẩn tàng. Năm xưa, cách đây 81 năm, đầy đủ nhân duyên thì Bác Nguyên Chí biểu hiện qua đời sống thế tục với tâm đầy nhân từ để làm gương cho gia đình và bè bạn. Rồi đến ngày 24 tháng 2 năm 2006, hết nhân duyên thì Bác lại ẩn tàng.

Anh chị Nguyên Thành thương mến,

Nếu chúng ta quán chiếu sâu xa thì chúng ta sẽ thấy Bác vẫn còn quanh đây, trong từng chiếc lá, nụ hoa, đám mây, ánh nắng… Bác vẫn còn có mặt ngay chính trong các cháu qua nét thơ ngây dễ thương. Nhất là Bác vẫn còn có mặt ngay trong chính anh chị. Mỗi khi anh chị làm một điều tốt lành, điều vui cho gia đình, cho bạn bè, cho mọi người chung quanh thì phải hiểu đó là tấm lòng nhân hậu của Bác biểu hiện qua anh chị. Có hiểu như vậy thì nỗi đau đớn trong anh chị sẽ nguôi dần và chuyển hóa thành an lạc.

Nói cách khác, Bác Nguyên Chí không ra đi, mà Bác chỉ thể hiện dưới một hình thức khác. Bác và tấm lòng nhân hậu của Bác luôn mãi trong lòng chúng ta.

Và với tấm lòng nhân hậu như thế thì chắc chắn Bác sẽ thanh thoát nơi cõi tịnh.

Nam mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Ðà Phật

                             Nguyễn Thanh Xuân

Phân ưu

Chúng tôi là thanh viên của Hội Đồng Hương và Thân Hữu Thừa Thiên Huế, xin thành kính chia buồn cùng anh Phô và Tang quyến. Mới ngày nào 17/2/2006, Bà Cụ và Anh Phô đến tham dự buổi hội ngộ của Hội! Tự nhiên tôi thấy cảm xúc và có chụp hình Bà Cụ để làm kỷ niệm, không ngờ vài ngày sau, Bà Cụ lại từ giã ra đi về miền Tịnh cảnh.  Bà Cụ ra đi lại làm cho tôi thêm bồi hồi cảm xúc và biết rằng gặp Bà Cụ lần cuối cùng trong một buổi liên hoan của những người thân thương của đất Thần Kinh. Không bao giờ được gặp Bà Cụ nữa, con chỉ xin thắp nén hương để tiễn Cụ về miền Cực Lạc và tin rằng ở nơi đó Cụ sẽ được tiêu diêu và quên hết sự đời ở trần thế.

Xin lạy Cụ

                                       Trần Gia Tường

Anh Phô thân! Hôm nay đến dự lễ, tôi không biết nói gì hơn là “Thành tâm nguyện cầu cho Bà Vãng sanh Tây Phương Cực Lạc”. Cầu xin chư Phật, chư Bồ Tát gia hộ cho anh chị và tang quyến “thân tâm an tịnh”.

                       Tôn Thất Bàng và gia đình

Buổi tối trước khi Mệ bị vấn đề sức khỏe xảy ra phải vào Bệnh Viện cấp cứu, Đoàn và Lê được gặp Mệ tại nhà anh chị Trần Duy Phô; Mệ cười vui và nói đùa một cách thoải mái.  Nhìn dáng Mệ sức khỏe và tươi mát chúng tôi chúc mệ sức khỏe và ra về.  Không ngờ, hôm sau Mệ đã phải vào bệnh viện. Vài ngày sau ra đi. Mệ ra đi là cả một sự mất mát quá lớn cho con cháu nói chung và anh chị Trần Duy Phô nói riêng. Nhưng khi đã biết được vô thường của cuộc sống tạm bợ nầy, người ở lại chỉ còn bùi ngùi tiễn Mệ ra đi và dốc tâm cầu nguyện cho Hương Linh Mệ siêu sanh về cõi Cực Lạc. Xin thành tâm chia buồn cùng tang quyến.

                Thành kính bái biệt Mệ

           Trần Kiêm Đoàn & Đặng Thị Lê

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Tôi Pháp danh Hồng Thức cũng đã gặp Mệ đôi lần, nhưng những lần ở nhà anh Phô cũng không chú ý lắm. Lần đi du ngoạn ngày 5/2/2006 có nhiều thời gian gặp Mệ, thấy Mệ vui vẻ và khỏe mạnh trong lòng cũng mừng cho anh Phô có người Mẹ già sức khỏe. Không ngờ đời người vô thường, Mệ ra đi rất là mau chóng như vậy. Mệ không bắt con cháu phải chịu nhiều điều cực khổ vì Mệ, như vậy Mệ cũng đã có phước phần và trong lòng tôi nghĩ Mệ sẽ được về chỗ thanh tịnh. Mong Mệ được siêu sinh về cõi Cực Lạc.

                                                Hồng Thức

Thành kính chia buồn cùng gia đình anh chị Phô. Chúng em rất có duyên với Mệ và anh chị. Ngày thứ Ba em còn nhớ hình dáng của Mệ rất khỏe mạnh. Mệ luôn tươi cười và nói chuyện luyên thuyên. Mệ kể từ thời dự đám cưới của Minh và Nguyệt và chuyện lụt lội ở Việt Nam, Mệ giúp bà con cho họ nước uống. Mệ trông rất sáng suốt. Em hỏi Mệ, Mệ qua Mỹ thấy vui không? Mệ nói buổi sáng con cháu đi khỏi thì hơi buồn nhưng cháu về thì thấy vui vẻ nhà cửa. Mệ nói là Mệ nhớ Việt Nam. Những lời Mệ nói làm cho em không quên được.

Từ ngày nghe tin Mệ nằm bệnh viện, em và anh Minh rất buồn, luôn cầu nguyện cho Mệ qua khỏi. Nhưng bây giờ Mệ vẫn ở luôn bên anh chị Phô, các cháu và bà con. Mệ đâu xa chúng ta đâu phải không anh Phô? Mệ chỉ thay bộ áo nầy qua bộ áo khác thôi. Thương nhớ Mệ vô vàn. Chúng con luôn cầu nguyện Mệ vãng sanh về miền Cực Lạc.       

                               Chúng em Minh Nguyệt

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Kính thưa Hương Linh Mệ. Con là Huỳnh Huấn, Pháp danh Quảng Tín, đã có duyên gặp được Mệ đôi lần, tâm tình với Mệ cũng như tình nghĩa thân thuộc của con. Khi nghe tin Mệ ngã bệnh lòng con rất xúc động vì Mệ mới cùng con đi tụng kinh Dược Sư đầu năm. Lại càng xúc động với tin Mệ mất! Lòng con vô cùng đau đớn như đã mất một người thân. Hôm nay là ngày nhập quan, con cúi đầu cầu nguyện cho Hương Linh Mệ sớm tiêu diêu miền Cực Lạc. 

                                     Con Huỳnh Huấn Pháp danh Quảng Tín

Kính chia buồn cùng tang quyến. Gặp được Mệ và chưa có dịp nói với Mệ được bao nhiêu lời thì Mệ đã chia tay chúng con. Mỗi lần nhìn Mệ con lại nhớ đến Mẹ con, những người Mẹ của Huế sao thấy thật giống nhau, gần gũi và thân thương quá. Có lẽ vì Mẹ của chúng ta đã cùng vất vả nuôi nấng những đứa con của mình trên quê hương nghèo khổ. Nên con nhìn Mẹ và rất nhớ đến Mẹ con ra đi không có con bên cạnh, con không có được diễm phúc này. Hôm nay Mẹ nằm xuống, con nguyện xin Tam Bảo hồi hướng công đức của con đến với Mẹ, đến với tất cả các Mẹ của chúng ta được vãng sanh Tinh Độ.

             Nam mô A Di Đà Phật

                       Diệu Hằng

Thành kính chia buồn cùng gia đình anh chị Phô, Hạnh cùng các cháu. Tôi có cơ may gặp được Bác, dù chỉ vài lần đi họp Lộc Uyển, nhưng Bác nhớ mặt tôi, cũng biết về căn bệnh của mình. Một lần Bác đến bắt tay tôi và hỏi thăm tôi sức khỏe ra sao, tôi thật cảm động. Lần cuối cùng gặp Bác là hôm chủ Nhật, ngày 20 tháng 2 vừa qua, cũng là họp mặt Lộc Uyển. Tôi có việc phải về sớm. Trên đường ra khỏi cửa, tôi có chạy lại ôm vai Bác và xin phép được về sớm. Bác vỗ nhẹ vào tay tôi cùng nở nụ cười hiền hậu, thông cảm với tôi. Chỉ hai ngày sau Bác trở bệnh và rồi vĩnh viễn rời xa anh chị Phô và các cháu. Chắc không bao giờ tôi quên được nụ cười Bác cho tôi buổi tối cuối cùng đó. Con thành kính cầu chúc Hương Linh Bác được siêu sinh Tịnh Độ.

                              Tô Lan Phương

Kính thưa Mệ! Em cố lặng nín mà cũng không được, rồi dòng nước mắt cứ tràn tuôn khi đứng trước quan tài của Mệ để nói lời từ biệt! Mệ ơi! Lần đầu thấy Mệ, lại là lần cuối xa Mệ! Ở San Jose, khi được tin Mệ mất, em như đang trong giấc chiêm bao rồi cứ hỏi, thì Mệ qua lúc nào mà tôi không biết! Chưa được gặp Mệ lần nào, nay Mệ đã ra đi vĩnh viễn! Mệ đi vội vã quá, nên em thấy lòng quặn đau! Em vẫn biết cuộc đời giả tạm này, có sanh thì có tử, rồi ai cũng phải một lần ra đi theo định luật vô thường, nhưng sao em vẫn thấy lòng xót xa thương tiếc!

Anh chị Phô thân!  Tôi biết nỗi buồn lớn nhất của gia đình anh chị, một người con chí hiếu. Ước muốn được sống gần bên Mẹ để được săn sóc và lo lắng cho Mẹ, hầu đền đáp công ơn sinh thành dưỡng dục, nhưng chưa được bao lâu thì Mẹ đã ra đi! Không có nỗi buồn nào ray rức xót xa bằng nỗi buồn mất Mẹ phải không anh chị? Biết vậy, nhưng đã định nghiệp rồi! Nên tôi cũng khuyên anh chị và các cháu bớt buồn, giữ gìn sức khỏe, đêm ngày kinh kệ để nguyện cầu cho Mệ được sớm về nơi cõi Phật là tốt nhất. 

Riêng tôi, hằng ngày thường lệ trong khóa tụng kinh, niệm Phật, trì chú, cũng luôn nhớ đến Mệ, và nguyện cầu Mệ sớm được về miền Cực Lạc.

Tình mẫu tử, cao sâu duy nhất

Như bầu trời, mặt đất, vầng trăng.

Cầu xin Mệ về cõi An Lành

Mười phương tế độ, thiện căn Mệ tròn.

Tâm Khanh Vương Thúy

Kính thưa anh Phô và quý quyến. Tôi vô cùng thương tiếc sự vắng mặt vĩnh viễn của Cụ. Dù ai ai cũng phải đi đến chỗ nầy, nhưng khó có một ai lại không khỏi buồn thương tiếc nhớ cho người ra đi. Tôi đã hai lần nếm sự đau khổ tiễn đưa người thân yêu nhất đời mình do đó tôi rất thông cảm với anh chị và gia đình. Tôi mong rằng thời gian và Phật pháp sẽ sớm giúp anh chị và các cháu tìm lại được sự thanh tịnh của tâm hồn. 

                                            Thân ái,

                                      Nguyễn Diệp

Kính thưa Hương Linh Mệ! Cháu tên là Võ Long, Pháp danh Quang Minh Thọ. Cháu nghĩ chắc là Mệ cháu mình có duyên kiếp từ nhiều đời trước cho nên mới gặp Mệ trong đàn tràng Dược Sư. Nhưng trái lại Mệ cháu mình gặp nhau thời gian ngắn quá. Rồi từ đó Mệ ra đi bất ngờ làm con rất là xúc động. Nghĩ lại là dù ngắn hay dài mà Mệ cháu mình đã gặp nhau còn hơn là không gặp. Cháu nguyện cầu Tam Bảo gia hộ Mệ sớm vãng sanh về thế giới Cực Lạc.

Nam mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật.

                                       Quang Mịnh Thọ

Lời Cảm Tạ

Nam Mô A Di Đà Phật.

Kính bạch Chư tôn Hòa thượng, Chư Thượng tọa, Đại đức Tăng Ni tại Hoa Kỳ và Việt Nam,

Kính thưa quý Đạo tràng, Đạo hữu tại Hoa Kỳ và Việt Nam,

Kính thưa quý Hội đoàn,

Kính thưa quý Thân hữu xa gần và Bà con thân thuộc,

Hôm nay là ngày tiễn đưa Linh Cữu Mẹ chúng con đến nơi an nghỉ cuối cùng. Tang gia chúng con thành kính đảnh lễ Chư tôn Thiền đức và quý Đạo tràng đã quang lâm chứng minh, cử hành tang lễ và cầu nguyện cho Hương Linh Mẹ chúng con siêu sanh Lạc Quốc. 

Chúng tôi chân thành tri ân Quý Hội đoàn, Thân hữu và Bà con gần xa đã hết lòng giúp đỡ, thân lâm hộ niệm, thăm viếng, phúng điếu, gởi điện thư và vòng hoa phúng điếu trong suốt thời gian cử hành Tang lễ, cũng như đã bỏ thì giờ quý báu tiễn đưa mẹ chúng tôi đến nơi an nghỉ cuối cùng. Trong hoàn cảnh gia đình đơn chiếc, chúng tôi vô cùng xúc động trước tấm chân tình của quý vị. Chúng tôi không bao giờ quên ơn đức này.

Trong lúc tang gia bối rối không sao tránh khỏi mọi thiếu sót, kính mong Chư Tôn đức và Quý vị niệm tình hoan hỷ tha thứ cho.

Kính chúc Chư tôn Liệt vị thân tâm thường an lạc.

Nam mô Hoan Hỷ Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát. 

Thỉnh Tro cốt Mạ về Quê hương, tạm dừng tại chùa Pháp Vân, Tp. HCM

Lễ Bạch Phật Cầu Siêu Hương Linh Mạ tại chùa Pháp Vân trên đường về mái nhà xưa
Lễ Thỉnh Hương Linh Mạ An Vị. Anh Lộc bưng hộp Tro cốt của Mạ
Tác bạch Cúng dường Trai Tăng. Thầy Minh Thủ chiếu liệu mọi việc đúng quy củ Thiền môn
Thành tâm Hiến cúng Cam lồ vị
Con cháu đang sinh sống tại Tp HCM và phương xa đến Lễ bái Tro cốt Mạ

Cựu Huynh trưởng Học Sinh Phật Tử Thừa Thiên

Tp. HCM, ngày 27/6/2006

Được tin Mệ được đưa về quê hương để ở cạnh lăng Ôn và làng nước thân thương của Mệ, gia đình con thật sự xúc động! Mới ngày nào đó Cu Dính ra thi bơi ở Huế còn gặp Mệ yêu thương nâng cằm nâng má vì nhớ thằng Cu (Quang). Quả thật khó lường cho kiếp phận con người. Vợ chồng con và toàn thể đại gia đình cầu chúc Hương Linh Mệ sớm siêu thăng Tịnh Độ.

Kính

Phan Văn Vinh & Lê Thị Liên

Vui được gặp Phô, nhưng có một chút buồn vì Phô xa Mệ. Nhưng thật sự Mệ có đi đâu xa. Mê vẫn còn đó trong Phô, trong các cháu, trong mọi người thân đó mà. Chị xin thành kính đảnh lệ trước Hương Linh Mệ để rồi mong gặp lại, gặp lại hôm nay, gặp lại mai sau… Lòng hiếu đạo của Phô và gia đình làm cho chị quá đỗi cảm xúc; mong rằng tình cảm ấy sẽ lan rộng đến nhiều người, nhiều thế hệ và giúp Mệ vượt qua mọi khó khăn để đến bờ giải thoát.

Thành tâm đảnh lễ Mệ.

Trần Thị Mai

Trần Duy Phô thương mến,

Mẹ ra đi nhưng Mẹ vẫn còn lại mãi trong mỗi tế bào của con, của cháu. Mẹ vẫn mãi đậm nét trong tâm trí, trong lòng con trẻ. Mình vừa mất người Cha thân yêu nên mình biết rõ sự mất mát của Phô lớn lao thế nào và đau đớn biết bao. Nhưng đời ngươi 70 đã là hiếm nên Mẹ ra đi ở tuổi 81 cũng là nỗi buồn nhưng cũng là niềm vui là Phô có Mẹ hơn 50 năm. Cầu mong Mẹ sớm về cõi Phật. Xin chia buồn cùng gia đình Phô.

Anh Lê Duy Đoàn

Anh Phô thân mến,

Niên khóa 1969 – 1970 Chi Đoàn Học Sinh Phật Tử Hưng Đạo ra đời. Anh em mình thường xuyên gặp nhau một thời để thương một thời để nhớ của tuổi học trò đã đi qua.

Hòa bình lập lại Phô ra hải ngoại

Bây giờ trở lại Mẹ đã qua đời.

Sanh ký tử quy.

Chúc anh và gia đình hạnh phúc và luôn nhớ lời Mẹ dạy.

                                           Lê Hiệu

Hòa thượng Thích Khế Chơn cử hành lễ Thỉnh Hương Linh Mạ An vị tại mái nhà xưa

Lời Thuyết Linh của TT Thích Khế Chơn

            Trưởng Ban Hướng dẫn Nam nữ Phật tử tỉnh Giáo hội Phật giáo Thừa Thiên

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật

Nam Mô Liên Trì Hải Hội Phật Bồ Tát

Kính thưa Hương Linh Phật tử Pháp danh Nguyên Chí,

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni từ phụ của chúng ta ngày xưa là vị Hoàng tử sống giữa ngai vàng điện ngọc.  Một buổi mai mặt trời mới mọc ở phương Đông, bầu trời trong như ngọc thạch, Ngài dạo chơi giữa vườn hoa xem cây ngắm cảnh, thấy các bông hoa đong đưa trước gió.  Ngài thấy rằng cành hoa xinh tươi mới nở rồi sẽ phai màu, đời người rồi cũng già nua héo úa, ta sống làm chi giữa cảnh sang giàu.  Nhìn một cành hoa tươi thắm mới nở ban mai mà Ngài đã thấy được rằng nó héo tàn khi chiều đến.  Hôm nay thế nầy, ngày mai nhìn lại là già nua bệnh tật.  Quá khứ là sum họp đoàn tụ nhưng tương lai là người đi kẻ ở, âm dương hai ngã đôi đường.  Quá khứ con người là sự sống nhưng tương lai phải xẩy đến cho con người là cái chết.

Thưa Hương Linh hãy bình tĩnh xét xem cho kỹ.  Từ Đông sang Tây, từ Âu sang Á, từ cổ chi kim, không ai thoát khỏi cái chết.  Nó xẩy đến bất cứ lúc nào mà chúng ta không ai biết trước được.  Như vậy đời sống thật bấp bềnh.  Bấp bềnh vì không ai đoán trước được rằng khi nào cái chết sẽ đến.  Đời ta sẽ sống thêm được năm nào nữa đây, đời ta sẽ sống thêm được tháng nào nữa đây, đời ta sẽ sống thêm được ngày nào nữa đây?  Đó là điều không ai có thể đoán biết trước được.  Nhưng điều mọi người đều biết chắc như nhau là đã làm người ai cũng phải chết.  Một lần sanh ra là một lần phải chết.  Đời người ta có hai ngày quan trọng: Ngày trước là ngày ta sanh, ngày sau là ngày ta chết.

Dưới Đài quang minh của Tam Bảo trang nghiêm, trong giờ phút giao cảm thiêng liêng của Đại lễ Tịch điện – Cầu Siêu, Hương Linh Phật Tử Nguyên Chí đang lắng nghe những lời dạy của Đức Phật, giờ đây hẳn cảm nhận rõ ràng rằng ta như một đóa hoa, có nở nhất định phải tàn.  Mạng chúng ta như trái cây sinh ra từ cái cây, trước sau thì cũng phải rụng xuống mà thôi.  Đời người như mặt trời có mọc thì có lặn, trăng tròn rồi lại khuyết.  Cho nên đối với chuyện sống chết, còn hay mất, hợp hay tan giữa cuộc đời nầy luôn luôn thay đổi.  Xác thân con người chúng ta cũng là một cái có hình có tướng như bao vật hữu tình khác cho nên có sanh thì có diệt, có hợp rồi có tan.

Chính vì thấy điều đó cho nên Đức Thích Ca Mâu Ni xưa kia mười chín tuổi Ngài mới rời bỏ cuộc đời đi tu.  Ra đi, Ngài không phải là một cụ già sống trên cuộc đời 80, 90 năm rồi mới ê chề chán ngán khi gần đất xa trời, mà chính là một thanh niên đầy nhựa sống.  Ngài ra đi khi mái tóc còn xanh, tuổi đời còn trẻ, thân thể cường tráng tuấn tú.  Thế nhưng Ngài biết tóc xanh rồi sẽ bạc, da mặt rồi sẽ nhăn nheo.  Ra đi, Ngài không phải là một thanh niên nghèo khó chẳng có gì để lại sau lưng.  Trái lại, Ngài là một vị Thái Tử, khi ra đi đã bỏ lại nào cung vàng điện ngọc, nào vợ đẹp con ngoan, bỏ cả tương lại huy hoàng sáng lạng.  Vì sao?  Vì với trí tuệ tuyệt vời, Ngài đã ý thức rằng mọi cái đều không ra khỏi luật vô thường, thức tĩnh rằng thân mạng ta đây là vô thường.  Vì thế sự ra đi của Ngài là một bài học cao quý.  Ra đi, Ngài an trú vào cuộc sống hoàn toàn an lạc.  Còn chúng ta, hàng ngày nhận cái giả mà cho là thật, nhận cái vô thường mà cho là thường, bám vào cái đau khổ mà cứ tưởng an vui vĩnh viễn. 

Ngày hôm nay, Hương Linh Phật tử Nguyên Chí đã có nhân duyên hướng về Tam Bảo phát nguyện quy y làm người con Phật.  Nhờ thắm nhuần giáo lý đạo Phật nên lúc còn sống Hương Linh đã biết cải hóa tự thân, xây dựng cho mình một cuộc đời trong sáng, làm lành lánh dữ, biết ăn chay, niệm Phật, tụng kinh, biết khuyến khích con cháu quy y Phật đạo.  Nay đến phút ra đi, thân tứ đại có sanh có diệt, Hương Linh trút hơi thở cuối cùng nơi miền đất nước xa xôi.  Đất nước gió lửa giờ đây đã trở về với đất nước gió lửa.  Bởi vì xương thịt nầy ta vay mượn từ đất, máu mủ nầy ta vay mượn từ nước, từng hơi thở tạo nên sự sống ta vay mượn từ gió, và chất nóng trong người chúng ta vay mượn từ lửa.  Thân nầy chúng ta phải vay mượn từ đất, nước, gió, lửa mà có thì nay đến ngày ta trả về lại với đất nước gió lửa mà thôi.

Thế nhưng các pháp hữu vi là sanh diệt chứ tâm thức của con người, Giác Tánh của Hương Linh vẫn còn sáng suốt.  Hương Linh đã có nhân duyên được Chư Tôn Đức hộ niệm, đạo hữu, bà con thân tộc nội ngoại xa gần giờ đây đang thành tâm hộ niệm cho Hương Linh.  Nhất là được con cháu trong đại gia đình tang quyến vì lòng hiếu thảo đã đưa thân tứ đại của Hương Linh ở nơi khách địa tha phương giờ đây trở về cố thổ quê cha an nghỉ giữa miền đất chôn nhau cắt rốn, lại tiep tục trang nghiêm tiến hành Lễ Tang để đưa Hương Linh về nơi an nghỉ cuối cùng của dương thế. 

Tôi tin tưởng rằng nhờ vào năng lực cầu nguyện của Chư Tăng, nương vào tinh thần hộ niệm của quý đạo hữu, thiện nam tín nữ, bà con lân lý gần xa, và nhất là lòng hiếu đạo thiết tha của con cháu nội ngoại nhất tâm cầu nguyện cho Hương Linh giải thoát.  Một người cầu nguyện chẳng khác nào đốt lên một ngọn đèn.  Một ngọn đèn chỉ soi sáng một góc nhà, không làm sao soi sáng cả ngôi nhà rộng lớn.  Nhiều người cầu nguyện góp sức lại thì như nhiều người cùng đốt lên nhiều ngọn đèn.  Nhiều ngọn đèn họp lại thì trở thành nguồn ánh sáng rực rỡ có thể soi sáng ngôi nhà tối tăm.  Năng lực cầu nguyện của đại chúng và nhất là sự độ trì của Tam Bảo giờ đây đang tỏa ra một ánh sáng vi diệu đưa Hương Linh rời khỏi cảnh khổ Ta Bà, nương thuyền Bát Nhã vượt khỏi sông mê về bên kia bờ bến Giác Ngộ.

Muốn đạt được điều đó, mong Hương Linh Phật tử Nguyên chí luôn luôn bình tĩnh sáng suốt, biết Ta Bà là quán trọ, nơi gởi thân sanh tử trăm năm, Tịnh Độ vốn quê hương, chốn an lạc Niết Bàn muôn thuở.  Cảnh Ta Bà nầy chẳng qua là quán trọ.  Khách trần gian ai cũng có một lần nghỉ bước dừng chân.  Thế nhưng sau những năm tháng dừng chân nghỉ bước ở quán trọ Ta Bà, mọi người chúng ta cần cất bước ra đi trở về quê cũ.  Sanh là ký, tử mới là quy.  Thân tứ đại giả tạm nầy gởi gắm ở cõi Ta Bà nhiều lắm là một trăm năm.  Chết đi rồi thân nầy trở về với cát bụi, ta lại đem tấm thân cát bụi nầy gởi lại cho quê hương xứ sở, gởi lại trong lòng đất mẹ.  Còn tâm thức ta thì cứ đi mãi, làm sao trở về với quê cũ của mình.  Quê hương đó là quê hương Cực Lạc.  Cảnh giới trở về là cảnh giới của Đức Phật A Di Đà.

Thời gian như một dòng sông nước chảy vô cùng vô tận mà đời ta như ghe thuyền đang đậu giữa dòng sông kia.  Nước của dòng sông vẫn miên man chảy mãi qua năm tháng nhưng thuyền ai lấp ló bên sông, khi có khi không, khi đi khi đến.  Năm tháng cứ miên viễn vần xoay biến dịch Đông tàn Xuân đến, Hạ vãn Thu sang, bốn mùa tám tiết cứ diễn biến hoài vô cùng vô tận.  Thế nhưng tất cả chúng ta là khách lữ hành chỉ được phép đi một đoạn đường ngắn của dòng thời gian ấy mà thôi.  Dòng sông kia nước vẫn chảy, nhưng thuyền ai đó có ghé bến trên sông cũng có giờ phút nhổ neo rời bến theo dòng nước chảy.  Vậy thì ai đã đến quán trọ Ta Bà rồi thì cũng có lần cất bước ra đi, chỉ khác nhau là người đi trước kẻ đi sau, người đi mau kẻ đi chậm, thế nhưng ai đã có mặt giữa cảnh đời nhất định phải có một lần vẫy tay từ biệt ra đi không bao giờ trở lại.  Thấu rõ được điều đó, tôi hoàn toàn tin tưởng rằng Hương Linh Phật tử Nguyên Chí giờ đây đã được nhẹ nhàng thanh thoát đem tâm hướng về đức Phật, đồng tâm niệm hồng danh Nam Mô A Di Đà Phật để cầu mong Ngài tiếp độ cho sớm đước vãng sanh.

Trong giờ phút cuối cùng tiễn biệt Hương Linh, tôi thay mặt Hiện Tiền Chư Đại Đức Tăng cùng toàn thể đạo hữu trong đạo tràng hộ niệm Lễ Tang nhất tâm cầu nguyện ơn trên Tam Bảo phóng quang tiếp độ Hương Linh Phật tử Nguyên Chí sớm tiêu diêu về miền Cực Lạc.

Thưa toàn thể bà còn tang quyến! Phút chia tay nào cũng hy vọng có ngày gặp lại, nhưng lần chia tay nầy là nghìn thu vĩnh biệt.  Giữa cuộc đời nầy bất cứ cái gì quý vị cũng có thể tái tạo được nhưng nỗi niềm mất mát trong cảnh mẫu tử tình thâm âm dương xa cách suốt đời các vị khó mà tìm lại được.  Ngậm ngùi nhớ về quá khứ, ôn lại cuộc đời của người Mẹ thân thương, các vị đã trang nghiêm tổ chức Tang Lễ tại Hải ngoại khi thân mẫu trút hơi thở cuối cùng xả bỏ báo thân để trở về bên kia thế giới.  Với tình cốt nhục, với huyết thống đậm đà, quý vị đã cố gắng đưa nhục thân của Thân Mẫu mình trở lại quê hương xứ sở nơi làng Phước Linh với bao kỷ niệm êm đềm của cuộc sống gia đình.  Từ ngày hôm nay qua đến tối nay, các vị đã trang nghiêm tiến hành tổ chức Tang Lễ.  Đêm nay đối trước Tam Bảo, quý vị thành tâm vân tập trang nghiêm nguyện cho Hương Linh Mẹ giải thoát.  Các vị đang hầu bên Linh Cốt, Di Ảnh, Bát Hương của Mẹ Hiền để tưởng niệm công ơn sinh thành dưỡng dục. Lời xưa nói:

Mẹ cha buôn tảo bán tần

 Chỉ mong con lớn nên thân với đời

Mỗi khi trái nắng trở trời

Con đau là mẹ đứng ngồi không yên

Suốt đời đau khổ triền miên

Tìm ra bát gạo, đồng tiền nuôi con.

Cha mẹ là nguồn suối của tình thương lai láng.  Trái tim của cha mẹ là cung đàn lúc trầm lúc bổng, lúc nào cũng rung theo nhịp thở đàn con.  Các bậc cha mẹ mỏi mòn sinh con, lo cho con từng miếng cơm manh áo, lo cho con có chỗ học hành, lo cho con có đức rộng tài cao, lo định vợ gã chồng cho con, mong đời con xứng đôi xứng đủa để cho cha mẹ mở mặt mở mày với thiên hạ. Biết bao nhiêu dòng sữa ngọt ngào cha mẹ đã đưa vào cho con.  Tiếng hát ngọt ngào của cha mẹ ngồi ru con ngủ khi con còn nằm trong nôi:

Gió mùa thu mẹ ru con ngủ

Năm canh chày thức đủ cả năm.

Chính những tiếng ru hời của mẹ đã vang vọng giữa hư không, đã lan dần trong nhưng đêm đông giá lạnh.  Ngồi thức suốt năm canh để đưa con vào giấc ngủ an lành.  Lúc trở trời trái gió, cha mẹ thức suốt đêm thâu, ngồi gần bên con, đặt bàn tay dịu hiền trên tráng con mình, miệng lâm râm khấn vái nguyện cầu mong sao cho con tai qua nạn khỏi, tật bệnh tiêu trừ.  Ngày con khôn lớn, cha mẹ nắm chặt lấy tay con, dẫn dắt con đến trường tìm thấy hỏi bạn lo cho con học chữ học nghề.  Ngày lụn tháng qua, năm chày kiếp mãn, cha mẹ chấp nhận dấn thân giữa cảnh đời đen bạc để mong con sớm tới bờ tới bến.  Thế mà khi đời con như hoa thì đời cha mẹ đã héo mòn tàn tạ.  Khi đời con vươn lên giữa cuộc sống ấm no hạnh phúc, cha mẹ đành chấp nhận cái chết để mãi mãi ra đi không bao giờ trở lại.  Dấn thân giữa cuộc sống, khi quý vị tiếp tục làm cha mẹ nuôi con lúc đó các vị mới thấu rõ cái tình sâu nghĩa cả mà cha mẹ đối với con như thế nào.

Cha nghèo gom gánh gà rơm

Nuôi con ăn học để thơm cuộc đời

Mẹ nghèo nón rách tả tơi

Mong sao con trẻ vào đời yên thân.

Chỉ từng ấy thôi cũng nói lên được tất cả tình thương yêu lai láng mà cha mẹ dành cho con.  Canh ba chưa nằm mà canh năm đã dậy.  Đó là niềm thao thức mà cha mẹ đã quên đi hạnh phúc cá nhân mà lo cho hạnh phúc con cháu trong gia đình.  Vì thương con mà cha mẹ đã quên đi ngày đêm sáng tối.  Vì nuôi con mà cha mẹ không nề sớm khuya mưa gió, không ngại gieo neo, không quản thân nghèo, cũng không nao mái đầu buồn phiền nhuốm bạc

Ngồi buồn nhớ mẹ năm xưa

Miệng nhai cơm búng, lưỡi lừa cá xương.

Ôi một tình thương cao quý bao la.  Một đức hy sinh vô cùng to lớn.  Có ai đã từng mất cha mẹ mới thấm thía được nỗi niềm trống vắng cô đơn, và có ai sống chuổi đời xa cha mẹ mới thông cảm được những mất mác lớn lao giữa cuộc đời.

Còn mẹ con còn tất cả

Mẹ đi rồi tất cả đều đi

Mẹ ơi con chẳng còn chi

Bơ vơ đến cả đường đi lối về.

Thật đúng như thế,  cuộc đời có ý nghĩa là cuộc đời còn cha có mẹ.  Cuộc đời mất cả ý nghĩa lớn lao khi đã vắng cha và mất cả mẹ hiền.

Có cha có mẹ thì hơn

Không cha không mẹ như đờn đứt dây

Đờn đứt dây còn tay nối lại

Cha mẹ mất rồi con ở với ai.

Nói đến công ơn cha mẹ thì thiên tuế cổ kim vẫn không thể nói hết.  Dù ai có tài nhả ngọc phun châu cũng không diển tả hết tình sâu nghĩa cả cha mẹ dành cho con. Tất cả chúng ta là những Phật tử thấm nhuần trong ánh đạo vàng.  Đạo Phật là đạo từ bi nhưng đạo Phật cũng nêu cao chữ hiếu.  Cho nên đức Phật dạy Phụ mẫu tại đường như Phật tại thế.  Ngài còn dạy tiếp rằng Gặp đời không có Phật, người nào khéo thờ cha mẹ, người đó cũng có phước như kính thờ Phật tổ.  Phật là bậc siêu nhân, Ngài là đấng toàn giác, Ngài là giáo chủ một tôn giáo lớn trên thế giới, thế nhưng cái nhìn của đức Phật lúc nào Ngài cũng thấy cha mẹ là cao cả thiêng liêng, đã tôn vinh Cha Mẹ ngang hàng như một đức Phật đang có mặt trong mỗi gia đình.

Trong kinh Hiếu Tử, Ngài dạy rằng người nào bất hiếu với cha mẹ, người nào phản bội lại cha mẹ, thì hạng người đó không từ nan một tội lổi nào mà họ không làm.  Vì sao bất hiếu với cha mẹ mà đức Phật cho là tội lớn nhất?  Bởi vì với cái nhìn sâu xa của Ngài, Ngài thấy rằng trong cuộc đời này không có cái tình nào thiêng liêng chung thủy cho bằng tình cha mẹ thương con. Tình cha mẹ thương con là cái tình đầu tiên.  Nó đã vượt lên tất cả mọi thứ tình.  Cái gì cũng đòi khoa học chứng minh tất cả.  Cái gì cũng đòi thời gian mang lại kết luận rõ ràng.  Nhưng tình cha mẹ thương con không cần chờ đợi khoa học chứng minh, không chờ thời gian chứng nghiệm mới mang lại kết luận, bởi khi con người có mặt trên trái đất thì đã có tình cha mẹ thương con rồi.  Cho nên tình cha mẹ thương con là bất diệt.  Nó đã có với đời từ thuở hồng hoang. Tình nào rồi cũng phai lạt qua năm tháng thời gian, tình nào rồi cũng mai một qua không gian xa cách, nhưng tình cha mẹ thương con mãi mãi vô cùng vô tận.  Cha mẹ già yếu hơn trăm tuổi vẫn còn thương con tám mươi.

Và với cái nhìn của đức Phật, Ngài thấy không có đức hy sinh nào cao hơn đức hy sinh của cha mẹ lo cho con.  Cha mẹ không lo cho mình dốt nát mà chỉ lo cho con lâm vào cảnh dốt nát.  Cha mẹ quên mình đói khát lầm than mà chỉ lo cho con mình lâm vào cảnh đói khát lầm than.  Cha mẹ mặc chiếc áo rách, nhường lại cho con chiếc áo ấm thân.  Suốt cuộc đời cha mẹ tay chống tay chèo, quần bo áo xăn, thế mà vẫn cam đành mặc chiếc áo bạc màu, bòn tro đãi sạn, kiếm được đồng tiền mua tấm vải còn thơm sợi chỉ để cho con mặc vào mà sánh với bạn bè.  Cha mẹ quên cái nguy hiểm mà chỉ lo cho con lâm cảnh chết chóc mà thôi.  Cho nên với đức hy sinh và tình thương ấy, đức Phật đã ví rằng nó rộng lớn bao la, nó vô bờ vô bến như đại dương bao phủ địa cầu.  Có ai từng ra ngoài biển mới thấy biển cả mênh mông, mới thấy ngoài biển tàu bè ra vào tấp nập.  Thế nhưng đó là biển của đời, đó là biển chung của mọi người, còn với chúng ta ai cũng có cái biển riêng, đó là biển lòng cha mẹ dành cho con.

Biển Đông có lúc đầy vơi

Biển lòng cha mẹ suốt đời trào dâng.

Biển ngoài đời có khi nổi lên phong ba bão táp, nhưng biển lòng cha mẹ suốt đời phẳng lặng  như mặt nước hồ thu không bao giờ gợn sóng.  Không vì những đứa con nghèo nàn mà cha mẹ hất hủi.  Không vì đứa con ốm đau bệnh tật mà cha mẹ ngoảnh mặt làm ngơ.  Không vì đứa con bất hiếu phản bội mà cha mẹ thờ ơ lãnh đạm.  Cha mẹ đối với con là tình thương bình đẳng.  Cha mẹ thương con không đặt một điều kiện nào. Tình cha mẹ thương con lúc nào cũng mở rộng.  Nếu tàu bè ra vào tấp nập như thế nào thì biển lòng của cha mẹ cũng mở rộng để đón con cháu trở về bơi lội tắm mát trong biển cả tình thương rộng lớn mà cha mẹ suốt đời dành cho con.

Cho nên đối với đạo Phật, công ơn của cha mẹ như trời cao biển rộng khó nghĩ tận cùng.  Vì vậy người nào có hiếu với cha mẹ, người đó mới có đạo đức.  Người nào bất hiếu với cha mẹ, người đó đánh mất đạo đức.  Từ trong gia đình là một xã hội nhỏ, làm người không có đạo đức, làm người mà phản cha lừa mẹ thì không có tư cách để đóng góp phúc lạc cho những người xung quanh. Cho nên hơn ai hết, chúng ta là những người con Phật, dù sống cuộc đời xuất gia hay mang thân tại gia cư sĩ, chúng ta nguyện luôn luôn ăn ở có hiếu với cha mẹ lúc còn sống cũng như đối với cha mẹ lúc đã quá vãng ra đi.

Cũng trong ý nghĩa đó, hôm nay, tất cả quý vị đã trang nghiêm long trọng tiến hành tổ chức Tang Lễ.  Đây là một việc làm có rất nhiều ý nghĩa. Đối với đạo thì rất hợp tình vì đạo Phật chúng ta là đạo chí hiếu mà Đức Thích Ca Mâu Ni đã long trọng gởi thông điệp này đến khắp năm châu bốn biển từ hai nghìn sau trăm năm lịch sử.  Còn đứng về mặt đời thì việc tổ chức Tang Lể của quý vị là một việc làm rất hợp lý vì dân tộc chúng ta là một dân tộc Á Đông, gia đình và hiếu đạo là đạo lý của dân tộc, cho nên ăn quả nhớ kẻ trồng cây, uống nước phải nhớ nguồn.  Đây là một bài học luân lý đạo đức mấy ngàn năm tổ tiên còn truyền lại.  Người Việt Nam chúng ta dù ở chân trời góc biển nào, dù công việc làm ăn ra sao đi nữa vẫn khắc cốt gi lòng mong có cơ duyên để đền ơn đáp nghĩa. Vậy thì rõ ràng tất cả thành viên trong tang quyến đã thành tâm tổ chức Tang Nghi một cách long trọng để đền đáp trong muôn một công ơn sinh thành dưỡng dục của  Mẹ.

Tôi thay mặt hiện tiền Đại đức Tăng, quý đạo hữu trong đạo tràng hộ niệm lễ Tang, chơn thành tán dương đạo tâm quý hóa và tất cả đạo tình sâu đậm của quý vị trong tang quyến đã thể hiện một cách rõ nét chương trình Tang Lễ này. Nguyện cầu chư Phật, chư Bồ Tát từ bi gia hộ tất cả bà con tang quyến xa gần thân tâm an lạc, phước thọ miên trường, tinh tấn dõng mãnh trên con đường tu học Chánh Pháp, phụng đạo giúp đời, hộ trì Tam Bảo, lợi lạc quần sanh để được sống an lành dưới ánh hào quang của Đức Phật.

Nam Mô Đại Hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát Ma Ha Tát .

Khuôn hội Phước Linh tụng Kinh Cầu siêu

Niệm Phật đường Phước Linh

A Di Đà Phật

Kính lạy Hương Linh Phật tử Nguyên Chí

Kính thưa toàn thể tang quyến!

Anh chị Phô Hạnh mến!

Từ khi nghe tin Mệ trở về bên cõi tịnh, chúng tôi, đạo hữu, Huynh trưởng và đoàn sinh Gia Đình Phật Tử thuộc Niệm Phật đường Phước Linh không sao nói hết nỗi niềm. Dẫu biết rằng “Sinh là ký tử là quy” nhưng Mệ trở về Tây Phương quá đột ngột và xa thật xa ở tận trời Tây (Hoa Kỳ) thì nỗi xót xa càng nhiều. Anh Phô và gia đình mất một người Mẹ, người Mệ, nhưng chúng tôi cũng vắng xa một Đạo hữu thuần thành đã từng sách tấn chúng tôi trên bước đường học đạo và làm nhiều Phật sự.

Đạo hữu Nguyên Chí là tấm gương trong việc giúp bạn nghèo trong thôn xóm. Đạo hữu đã đi xa nhưng vẫn còn đó những tiếc thương! Chúng tôi xin thành kính thắp nén tâm hương nguyện cầu Hương Linh vãng sanh Lạc Quốc. Thành kính phân ưu cùng đại gia đình trong niềm tin tinh tiến trên con đường đạo.

Phật tử Nguyên Phúc

Dì Bảy và Bà con từ làng Lệ Sơn, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng ra dự lễ An Táng Mạ

Lời Chia buồn

Phú Xuân, ngày 01/7/2006 nhằm ngày 6/16/ Bính Tuất

Lần đầu tiên ra thăm cô thì con không gặp được cô do điều kiện và khoảng cách xa xôi. Nay các cháu ra thăm cô thì cô đã về nơi cõi Phật. Thật là bùi ngùi và xúc động, không còn được nghe những tiếng nói ấm áp, những lời nói dịu ngọt khi cô về thăm quê ở Lệ Sơn, Hòa Tiến, nơi chôn nhau cắt rốn của cô. Các con cháu không biết nói gì hơn chỉ thương xót và buồn tủi, khi con cháu đã lớn và có điều kiện chăm sóc cô thì cô không còn trên cõi đời này để bù lại những ngày gian nan vất vả tần tảo nuôi con ăn học trưởng thành. Đại diện cho gia đình bên Ngoại, xin kính Hương Hồn cô về nơi cõi Phật. Xin chia buồn với gia đình chú Phô và gia quyến. 

Nam mô A Di Đà Phật.

Đại diện cho các cháu con cậu Bảy

Lê Văn Sơn

Cảm niệm

Ngày 18/7/2006 tức là ngày 24/6/ Bính Tuất, anh chị em và gia đình cháu Phô thỉnh Hương Linh Mẹ về quê Ngoại làng Lệ Sơn, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang để làm lễ Cầu siêu Tổ Tiên và Ông Bà Ngoại Lê Văn Để & Thái Thị Lữ cùng các Cậu.

Nam Mô A Di Đà Phật

Kính thưa Chị Lê Thị Thà,

Em tưởng nhớ sau ngày giải phóng mới được gặp ông anh rể gọi là anh em cột chèo. Ngày đầu cũng là lần đầu anh em gặp nhau vì trước đó mỗi người mỗi nơi. Tôi biết anh qua lời người vợ tôi nói, anh Uẩn là người thật thà, giản dị, vui vẻ, hòa nhập thuận hòa, thương yêu anh em và con cháu, đạo đức, hiền từ với bà con cũng như bạn bè gần xa. Đó là câu chuyện của người vợ của tôi, tức là em vợ của anh nói về người anh rể. Từ  đó sau ngày hòa bình tôi tìm đường ra Huế đến làng Phước Linh hỏi thăm nhà đến gặp anh. Thấy anh ngồi đánh cờ tướng với một người, tôi vào chào anh, anh cũng không biết ai. Tôi tự giới thiệu, anh bắt tay và anh cười, nghỉ bàn cờ tướng. Anh và em nói chuyện cười vui, còn Chị Hai đem bánh ngọt lên. Anh Uẩn và tôi ăn và uống nước trà. Có nhiều cái vui trong cuộc đời anh Uẩn và thằng em yêu. Và Chị em mình cũng biết nhau từ đó. Không ngờ Chị đột ngột qua đời khi qua Mỹ thăm con cháu.

Kính thưa Hương Linh Chị Lê Thị Thà,

“Cây có cội nước có nguồn”.

“Công cha như núi Thái Sơn,

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”.

“Bên ước Mẹ nằm bên ráo con lăn”.

Nay cháu Trần Duy Phô có lòng thỉnh Hương Linh Chị và thay thế Chị về quê Ngoại tụng kinh cầu siêu cho Ông Bà Trên và Ông Bà Ngoại. Tôi rất xúc động với tấm lòng của cháu. Chúc cháu vạn sự may mắn, bình an, làm ăn sáng suốt, nuôi con học giỏi, có lúc dì dượng gặp lại cháu ở Việt Nam. Chúc cháu trở về Mỹ thượng lộ bình an.

Em gái Lê Thị Lại

Em rể Trương Văn Hòa

Đại gia đình Hòa Mỹ về thăm viếng Mạ

Chú Thím Ngô Viết Trọng

Bác sang Mỹ mới được ba tháng. Vợ chồng tôi là bà con với vợ Trần Duy Phô, tức con dâu của Bác nên tôi có vài lần đến thăm và nói chuyện với Bác. Có một buổi cả gia đình Phô đi lo công việc hết, chỉ có Bác ở nhà. Vợ chồng chúng tôi đến đúng lúc Bác thích nói chuyện nên Bác đã cao hứng kể sơ cuộc đời mình cho vợ chồng tôi nghe.  Chúng tôi rất nể phục về những suy nghĩ, ứng xử của Bác đối với từng hoàn cảnh đặc biệt. Thật đáng học hỏi. Thấy Bác lúc bấy giờ còn quá sáng suốt, thể chất lại có vẽ vững chắc, chúng tôi thật không dám nghĩ đến luật vô thường có thể xâm phạm tới Bác trong một sớm một chiều như vậy…

Về việc hiếu, chúng tôi đã từng dự nhiều đám tang nhưng chưa lần nào thấy có đám nào hiếu tử lại tổ chức chu đáo, phụng sự tận tụy như hiếu tử Trần Duy Phô. Điều đáng khen nhất là các cháu nhỏ đã tỏ đạo hiếu với Bà Nội một cách tận tâm hiếm thấy. Vợ chồng chúng tôi xin kính nguyện cầu Hương Linh Bác sớm được siêu sinh. Đồng thời xin có lời tán dương tinh thần báo hiếu của vợ chồng Phô và các cháu.

Thỉnh Hương Linh Mạ Bái yết Tổ Tiên tại Nhà thờ Họ Trần trước ngày An táng
Ni sư Thích Nữ Như Minh & chư Ni chùa Pháp Hỷ về thăm Mạ và tâm tình với Tang gia đêm cuối cùng
Thắp nến Tưởng niệm Mạ
Con cháu lần lượt dâng lời cảm niệm lên Mạ

Nguyên Lợi Trần Duy Lộc

Là người con sống tha hương được trở về lo tang lễ cùng các con cháu là một sự mãn nguyện trước sự ra đi đột ngột của Dì.

Dì ơi!  Con nhớ lại những ngày tháng cách nay chưa được một năm, lúc trở về quê, xây lăng cho Mẹ, Dì đã thể hiện một dấu ấn tình cảm khó quên. Đặc biệt những ngày Dì lưu lại Sài Gòn chờ phỏng vấn qua Hoa Kỳ để đoàn tụ cùng con cháu. Dì con chúng ta đã tâm sự nhiều điều mà con cảm thấy rất tâm đắc hơn bao giờ hết.

Rồi ngày lên máy bay, sau khi vào làm thủ tục,quay ra chào tiễn biệt, Dì ngồi trên xe lăn, con cháu đều bồi hồi xúc động. Nhưng có ai ngờ đó chính là lúc khởi sự cho một chuyến đi xa…

Những ngày đưa hài cốt về quàng tại gia đình, bà con nội ngoại, bạn bè xa gần, các đoàn thể, Khuôn hội ở thôn xã đến viếng, hộ niệm liên tục, đặc biệt tình cảm đầm ấm của con cháu đối với người “quá cố”. Con nghĩ đây là hồng ân Tam Bảo, phước đức ông bà dành cho, đúng như câu “dòng dõi nhà mình có truyền thống văn hóa”. Tất cả đều thể hiện một cách trọn vẹn đồng nhất chưa bao giờ có. Qua đó anh em con cháu đoàn kết yêu thương, gạt bỏ các hẹp hòi cố chấp và tỏ rõ nét cao thượng mà Tổ Tiên răn dạy.

Trước Hương Linh của Dì, con cùng các cháu thành tâm cầu nguyện: “Cố Phật tử Lê Thị Thà, Pháp danh Nguyên Chí sớm siêu thoát về miền Cực Lạc”. Sự ra đi của Dì chỉ là một sự chuyển hóa từ cõi Ta Bà ô trược đến một nơi an lạc thanh thoát. 

Nam mô Đại Hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát Ma Ha Tát.

  

Cháu Trần Thị Dần

Mệ ra đi không một lời từ biệt!  Đã để lại muôn ngàn thương nhớ cho con cháu.

Mệ ơi!  Hàng năm cứ mỗi lần Tết đến, Xuân sang là tụi cháu lại rủ nhau về chúc mừng sức khỏe Mệ, cầu mong Mệ “Vạn sự an khang”, nay đâu còn nữa!

Mệ ơi!  Mệ ra đi là một sự mất mát lớn lao đối với ba cháu – có Mệ đỡ đần, gánh vác, lo toan trong mọi việc – kể cả cúng bái Tiên Tổ.

Mệ thật sự “vừa là một người Mẹ, vừa là một người Cha, vừa là một người Thầy,” đã dẫn dắt, giáo dục, lèo lái con cháu đi tới bờ, về tới bến.

Nhờ có ai mà hôm nay ta nên bậc tài ba

Hãy nhớ lấy công ơn sinh thành

Vì ai mà có ta…

Hôm nay ngày 8/06/Bính Tuất, chúng cháu tề tựu đông đủ dưới mái ấm gia đình để tiễn đưa Mệ đến nơi an nghỉ cuối cùng. Xin nguyện cầu Mệ vãng sanh về miền Cực Lạc.

Nội Tôn Trần Duy Trương

Thành kính thắp nén Tâm Hương tưởng niệm người Mệ đã về nơi an nghỉ.

Ngày 27/1/ Bính Tuất cháu về làng thăm Ba Mạ cháu. Về đến đầu làng ngang cổng chùa thì gặp Ôn Phán, Khuôn trưởng. Ôn hỏi Trương: “Nghe nói Mệ ngoài nhà mất rồi à”? Cháu hết sức ngỡ ngàng không biết trả lời ra sao hết. Lúc đó cháu nói: “Dạ thưa  cháu chưa biết tin này, để cháu về hỏi Ba cháu đã”. Thì thật sự Ba cháu nói Thuận có vào báo tin cho Ba biết là Mệ yếu. 

Tối nay con ở lại cùng gia đình làm lễ Cầu An cho Mệ. Qua ngày 28/1/ Bính Tuất, chú điện ở Mỹ về là Mệ đã ra đi. Vậy là tối 28 đó lại đổi sang làm lễ Cầu Siêu cho Mệ. Mệ ơi, cháu cứ ngỡ là Mệ qua Mỹ thăm chú thím và các cháu vài ba tháng lại trở về quê hương, không ngờ Mệ lại đi xa, xa mãi mãi không bao giờ trở lại.

Mới hôm nào Tết cháu về mừng tuổi Ông Bà có nói chuyện qua điện thoại với Mệ đây mà. Mệ hỏi Tết này vợ cháu ra ăn Tết không? Các cháu vẫn học hành bình thường chứ? Nhưng cháu nghe giọng nói của Mệ có hơi nhỏ hình như buồn hay mệt gì đó.  Cháu mới nói đùa với Mệ là Mệ bị cảm lạnh hay Tết nhớ nhà? Có thèm cau trầu không cháu gởi qua? Mệ cười: “Cha mầy, bên này thiếu gì, chi cũng có hết”.

Vậy mà luật vô thường lại ập đến đem Mệ đi xa, cháu không ngờ đây là lần nói chuyện với Mệ cuối cùng. Mệ vội vã ra đi không một lời từ biệt bà con, làng xóm, cháu chắc nội ngoại gần xa và cả những người thân thương của Mệ. Ai cũng vô cùng thương tiếc hình ảnh quen thuộc của Mệ, cháu vẫn còn đang ghi đậm nét trong tiềm thức. 

Nhớ mỗi lần kỵ giỗ xong, Mệ thường hay nói riêng về chuyện gia đình cùng cháu. Hình như Mệ có dành riêng một tình cảm đặc biệt cho đứa cháu nội tôn chăng?!  Mệ mất đi các cháu mất nhờ. Nhớ những ngày đơm tháng kỵ, Mệ đều lo hoàn tất, chu đáo. Việc Đình làng, Chùa chiền không nơi nào thiếu bóng Mệ, vậy mà giờ đây Mệ không còn nữa. Mệ là một điểm sáng, Mệ đã gieo nên những điều tốt đẹp, là một ấn tượng vui đời đẹp đạo để cho con cháu noi theo.

Không có gì hơn, cháu hằng đêm thắp hương nguyện cầu Tam Bảo gia hộ Hương Linh Mệ được siêu sanh Tịnh Độ. Cháu nguyện noi theo Phật Pháp, làm và phát huy những gì tốt đẹp nhất, theo chân Cha, Chú, O, Dượng để cho Mệ vui, an tâm yên nghỉ.

Nam Mô A Di Đà Phật.

Cháu Trần Duy Mừng

Sáng nay con về viếng lăng Mệ, nhìn ảnh Mệ trên bia đá mà nhớ về Mệ. Thưa Mệ!  Mới tháng 11/2005 ngày nào thăm Mệ, nghe nói Mệ về quê “kỵ”, cháu tưởng Mệ về quê hương nơi chôn nhau cắt rốn để dâng Tiên Tổ Ông Bà nén hương chữ hiếu đạo làm con, làm cháu nhân ngày húy nhật ông bà, cha mẹ. Ngờ đâu thuận buồm xuôi gió, Mệ đã qua đất Mỹ trùng phùng cùng gia đình chú thím Phô và có lẽ ước nguyện được cận kề đứa cháu tật nguyền một thời gian.

Niềm vui Mệ sang Mỹ sức khỏe bình an chưa tròn vẹn thì tin như sét đánh, Mệ đã qua đời! Ôi! Tin sự thật là thế mà chúng cháu cứ ngỡ là không. Hình ảnh của Mệ như đọng lại trong tâm trí của chúng cháu. Dáng đi, những lời nói đùa bỡn cợt cùng con cháu ngày giỗ. Còn đâu cận kề Mệ của những ngày Tết Nguyên Đán chúc thọ và mừng tuổi Mệ để nghe những lời nói vui cười “tau có bạc Mỹ rồi”, hoặc những ngày tết Đoan Ngọ được mời Mệ ly chè kê bánh tráng Thủy Châu.

Ngày mồng 4 tết Bính Tuất, chúng cháu về giỗ đưa Ông Bà, trong lúc đang ăn được điện thoại của Mệ sau khi gặp O Dượng Chiến. Sao mà hôm đó Mệ muốn nói chuyện hết thảy con cháu hiện có mặt, điều may mắn cháu cũng được tiếp chuyện với Mệ một lúc khá lâu, bởi lẽ Mệ nói nghe không rõ, giọng nói run run như bị lô tiếng. Phải chăng điều không may đã bộc phát đến với Mệ để hôm nay con cháu phải ngậm ngùi chia tay Mệ trong cơn bệnh hiểm nghèo. 

Đành rằng chúng cháu cũng hiểu được luật vô thường mà Đức Phật dạy, có sanh thì có tử, nhân duyên sinh ra con người từ cát bụi thì khi hủy diệt sẽ trở về với cát bụi. Nhưng sự biệt ly của người thân, của Ông Bà Cha Mẹ xuất phát từ tình thương yêu làm sao khỏi bùi ngùi nuối tiếc, mà Mệ ra đi chưa một lời từ biệt con cháu. Hôm nay Mệ đã ở bên kia thế giới, ở cõi bụi trần nầy chúng cháu chỉ biết nguyện cầu ơn trên Tam Bảo hộ trì để Mệ đước sớm về cõi Phật.

Lễ Cúng Linh và Di quan
Lễ Cầu siêu tại Cô nhi viện Đức Sơn

A Di Đà Phật

Kính gởi gia đình anh Phô,

Quý sư và đại chúng xin chia buồn cùng gia đình, nguyện cầu chư Phật gia hộ tiếp dẫn Cụ Bà vãng sanh Phật Quốc.

Nguyện cầu anh Phô và gia đình nhất tâm hộ trì cho Mệ.

Quý Sư và Đại Chúng Chùa Đức Sơn cùng chia buồn.

Thích Nữ  Minh Tú

Lăng Mạ tại vùng cát trắng như Quê ngoại: Lễ Mở cửa mả

Thơ dâng Mạ

Nhớ Bà Mẹ Kế Mẫu
Giấc trưa đang ngủ mơ màng
Phút đâu cháu Thuận báo tin rõ ràng:
Bà Mẹ kế mẫu đã qua đời
Ôi! Như tiếng sét đánh vào tai!
Tâm hồn như bị luồng điện xoay chiều.
Không ngờ một lần qua Mỹ thăm con cháu
Rồi biệt tăm không trở về quê hương xứ sở.
Mất Bà Mẹ kế mẫu quá thương tiếc
Nhớ Bà Mẹ kế mẫu mỗi lần kỵ giỗ
Bà cười vui tươi với các con cháu
Nói đến đây nước mắt giọt lệ đôi hàng
Ôi! Bà Mẹ kế mẫu thân yêu đáng quý
Nay vĩnh biệt ngàn thu đâu còn nữa
Qua đời ngày 28 tháng Giêng năm Bính Tuất
Để lại tình thương không quên Pháp danh Nguyên Chí
Giờ đây không có gì báo đáp công ơn
Tâm thành tụng kinh Di Đà mỗi buổi sáng
Nhờ Phật A Di Đà rước Mệ về Tịnh Độ
Phật độ Mệ siêu sinh về Lạc Quốc
Có ao sen Liên Trì Hải Hội Giải Thoát.

Nam mô Liên Trì Hải Hội Phật, Bồ Tát Ma Ha Tát.

Viết ngày 08. 03. Bính Tuất
Con Trưởng

Trần Duy Tý, PD: Nguyên Yết

Xuống Tóc

Nguyện cắt mái tóc này

Để tâm tang Ơn Mạ

Công sinh, thành, dưỡng, dục

Từ nay đã chia xa.

Tâm con thường vẫn tưởng

Mạ còn ở đâu đây.

Kính thương Mạ, không nói

Chừ biết nói cùng ai?

Năm tám năm có Mạ

Đời ấm, lạnh cũng qua

Dù phần tư thế kỷ

Mạ con sống cách xa.

Tóc con giờ đã bạc

Vẫn còn thấy nhỏ nhoi

Mong có Mạ bên đời

Như những ngày thơ dại.

Nhân duyên Mạ con mình

Có từ đời kiếp trước

Lai sinh còn gặp lại

Vẫn kính là Mạ mình.

Kính dâng mái tóc này                  

Cúng dường vô lượng Phật.    

Nguyện chuyên cần tu tập   

Hồi hướng Mạ siêu sinh.

Bốn tuần lễ Ngày Mạ Ra Đi 24/02/06 – 24/03/06

Nguyên Thành Trần Duy Phô

Nhớ Mạ

Thành kính thắp nén tâm hương tưởng nhớ người Mạ thật thà chất phác 

đã cách biệt trần gian.

Mạ đi vô tận cõi Ta Bà

Tâm Mạ thường lưu có đâu xa

Sắc thân tứ đại về tro bụi

Phật tánh thường soi sáng kia mà.

Cả đời nhẫn nhịn: Ân Đức Mạ

Ra đi nhẹ gót tợ sương sa.

Nghiệp lành Mạ duyên về tịnh cảnh

Tiếp tục tu nhân: Phước Huệ thành.

Luân hồi Giải thoát khác chi đâu

Chỉ tại tâm mình mê đấy thôi

Một khi lặng biết Tâm Thanh Tịnh

Sanh tử dường như nước qua cầu.

Thâm tạ thân này Mạ cho con

Con xin trân quý, nguyện vuông tròn:

Khổ não Ta Bà nguyền dấn bước

Gieo rắc tình thương mọi nẻo đường.

Rồi Mạ con mình sẽ gặp nhau

Di Đà Tịnh Độ thế gian này

Tùy duyên đi, đến không ngăn ngại

Hành Bồ Tát hạnh, tạ Như Lai.

         Sáng 3/13/06 vào chỗ làm, nhìn cảnh mây nước u nhã ngoài trời chợt nhớ đến Mạ

Nguyên Thành Trần Duy Phô

Thương Nhớ Mẹ

Nghe Mẹ mất đi chúng con đau lòng lắm

Biết làm sao nhìn thấy Mẹ được đây!

Để được hôn, sờ chân tay người Mẹ

Được đáp đền công ơn Mẹ sinh ra.

Mẹ cực khổ, lam lủ bao nhiêu điều

Vẫn nhẫn nhịn nuôi chúng con không lớn.

Mẹ qua Mỹ gia đình cháu con đoàn tụ

Gần con trai, Mẹ sung sướng lúc tuổi già

Chưa trọn vẹn, Mẹ đã bỏ chúng con đi

Xin cầu nguyện Mẹ sớm về Tịnh độ.

Trần Thị Huế , con gái của Mẹ & Nguyễn quang Hòa, con rể

Mẹ Ra Đi

Tai biến bất ngờ

Da Mẹ đổi màu

Vô thường đã đến

Nhắc nhở tử sanh

Mẹ niệm Quán Âm

Cố lên sáu tiếng

Tâm hướng về Phật

Tay lần chuỗi hột

Máu chối từ tim

Không có đường về

Tim mẹ ngừng đập

Thanh thản ra đi

Quên thân tứ đại

Tìm về cõi Phật.

Huyết thống Mẹ cho

Hình hài nguyên vẹn

Cháu con đông đủ

Mũ đỏ, trắng, vàng

Bốn đời thế hệ

Nội ngoại gần xa

Hàng xóm láng giềng

Khuôn hội Phước Linh

Ni Sư Như Minh

Chứng lễ Phục Tang

Khăn chế áo thùng

Chắp tay lên ngực

Hướng về Cố Mẫu

Cầu nguyện Hương Linh

Theo gót chân Ngài

Về nơi Tịnh Độ

Phật A Di Đà

Tiếp dẫn cho Mẹ.

Sư giảng tình Mẹ

Công đức sinh thành

Dưỡng dục lớn khôn

Bên bờ tình thương

Cho con nương tựa.

Sư còn nhắc lại

Xôi đường Mẹ nấu

Vị ngọt còn đây

Khóc tiễn Mẹ đi

Lệ ướt bờ mi

Mẫu tử phân ly

Con quỳ lạy Mẹ.

Con gái Trần Thị Nhớ, Pháp Danh Nguyên Nhơn

Về Thăm Mẹ

Con về không thấy Mẹ

Chỗ ngồi còn in dấu

Lưng tựa vách đổi màu

In hình hài của Mẹ.

Chiếc gậy tre trợ lực

Mỗi buổi chiều dâng hương

Thì thầm bên linh ảnh

Mắt dõi về xa xăm…

Nay Mẹ còn đâu nữa!

Dấu hằn còn in đó

Mỗi dịp con cháu về

Nhìn gậy tre nhớ Mẹ.

Đầm đìa nước mắt rưng

Mẹ ở nơi chốn nào!

Sao không hề lai vãn

Để đàn con được mừng.

***

Lời Mẹ vang vang giữa bầu trời

Gió đưa lời Mẹ qua tai khẽ:

Di Đà Tịnh Độ quê Mẹ đó

Đường cũ đừng quên nhé các con.

Con rể Nguyễn Văn Phúc

Pháp danh Nguyên Lợi

Mạ cúng hương Lễ tang Anh Lúa. Nhà Anh Lúa phía trước nhà tôi

Dòng Cảm niệm

Hà Nội, ngày 13 tháng 03 năm 2006

Thân gửi Anh chị Phô cùng các cháu,

Được tin Bác gái đột ngột qua đời, cả gia đình tôi có lời chia buồn sâu sắc đến anh, chị và các cháu. Bác mất là một tin buồn lớn của anh chị em chúng tôi.

Chúc Bác bình an nơi vĩnh hằng. Chúc các anh chị vượt qua đau thương này.

Gia đình tôi vẫn bình thường, các cháu đã có gia đình riêng, chúng tôi yên ổn tuổi già.

Hẹn anh chị có dịp gặp nhau tại quê nhà.

Trần Duy Hà

Lòng Mẹ

Chú thương yêu của cháu!

Chiều hôm qua nhận được thư của chú, nghe nói Mụ đang bệnh nặng cháu cũng lo và chạy vội vào chùa Pháp Vân để gặp Thầy Cấp và nói những điều chú nhờ cầu an cho Mụ, nhưng chú Cấp đi Hà Nội chưa vào, cháu có nhờ thầy khác cầu an.  Sáng nay nghe Danh bảo Mụ đã mất cháu vô cùng bàng hoàng, không tin được vì mới ngày nào cháu còn đưa Mụ ra phi trường để đoàn tụ cùng chú thím và các em, Mụ còn nói 2 năm nữa thì về thăm.  Chú ơi!  Cháu biết lúc ni chú thím đang vô cùng đau buồn khi Mụ ra đi, tụi cháu ở xa chẳng làm được gì chỉ xin được chia buồn cùng chú thím và chú thắp dùm cháu nén hương cho Mụ. 

Chú ơi!  Chú đã làm tròn chữ hiếu với mẹ. Mạ cháu cũng thường hay nhắc về sự hiếu để của chú với mẹ để tụi cháu noi theo, nhất là ba đứa con trai. Chú đã làm hết sức để Mụ sớm đoàn tụ, nhưng những gì ngoài ý muốn cũng không ai biết được phải không chú?  Nhưng dù sao Mụ cũng được gần chú thím và các em trước lúc đi xa.  Cháu nghe Danh nói là chú dự định hỏa táng?  Chú ơi tụi cháu đang hướng về Linh Cữu của Mụ và xin được thắp nén hương vĩnh biệt Mụ lần cuối, một Bà Nội mà trước đây cháu rất ít được gần nhưng trước lúc qua Mỹ cháu đã được gần thật nhiều và nghe nhiều điều thú vị mà từ trước đến giờ cháu chưa ao giờ nghe kể. Cháu tiếc là lại không được đón Mụ về thăm lại và trò chuyện cùng Mụ nữa.  Mong chú thím và các em có nhiều sức khỏe và nghị lực để vượt qua nỗi buồn to lớn này. 

Sau đây cháu xin viết lại một kỷ niệm khó quên mà Mụ đã từng kể cho cháu nghe. Mụ có lối kể chuyện dí dỏm súc tích, nhớ rõ từng chi tiết và cũng thâm thúy lắm.  Đây là tấm lòng người mẹ đối với đứa con thương yêu của mình, một tấm lòng bao la vô bờ bến mà phải ai đã từng làm mẹ mới thấu hiểu được sự mênh mông và vô bờ ấy.  Chuyện kể về chú Quên….

Sau ngày chú Quên mất, Mụ ra đơn vị của chú tận Quảng Trị để nhận lại đồ đạc của chú cũng như tiền trợ cấp.  Lúc quay vào Huế, thì có những đoàn người đông đúc cứ kéo nhau chạy vào Huế, ai cũng chạy vội vã, toàn người là người.  Một người lính, bảo với Mụ, bà chạy nhanh lên không thì không vào được Huế đâu. Thế là Mụ cứ chạy, chạy không biết gì là đói, khát, mệt mỏi… Có lúc mệt quá dừng lại.  Thấy một chiếc xe máy cày chạy, vẫy tay xin đi nhờ nhưng chẳng ai thèm dừng lại để cho.  Chạy mệt, đuối sức, nhưng rồi vẫn phải đứng lên tiếp tục cho đến khi vào đến Huế thì Mụ cũng chẳng còn biết gì nữa và thiếp đi…

Một kỷ niệm nhỏ nhưng cũng thật thú vị nếu không được nghe kể thì tụi cháu cũng không bao giờ được biết, đó là kỷ niệm đẹp về người chú thật hiền lành, thật hiếu thảo nhưng lại ra đi quá sớm để lại bao tiếc thương cho người thân, trong đó cũng làm tan nát trái tim người mẹ, nhưng vì con, vì những kỷ vật của con mà người mẹ sẵn sàng xả thân cho tất cả phải không chú?

Cháu Trần Thị Kim Thoa

Chú thím và các em,

Chú ơi, tin Mệ mất thật bất ngờ và khó tin. Cháu cứ nhớ ngày đưa Mệ ra sân bay, Mệ vẫn khỏe, vẫn luôn nở nụ cười.  Vậy mà…

Thưa chú, trong các anh em cháu thì cháu có được thời gian gần gũi Mệ và gia đình chú nhiều hơn. Nhớ năm rồi cháu về quê một mình, vừa về gần tới đầu ngõ vô nhà, thấy Mệ chống gậy định qua nhà ôn Viên nào đó. Hình ảnh thân quen đó giờ cũng còn hiện trong đầu cháu. Thấy cháu về Mệ dẫn vô nhà, hai bà cháu hàn huyên vui vẻ. Giờ nghe tin Mệ mất đầu óc cháu trống rỗng không biết phải làm gì!

Thưa chú, tuy Mệ không phải Bà nội sinh ra ba cháu, nhưng đối với cháu luôn coi trọng Mệ và coi như Bà nội. Cháu nhớ chú luôn coi trọng và giữ gìn tình cảm quê hương gia tộc, muốn con cháu tiếp tục duy trì giữ gìn. Nhưng đến giờ hình như cũng mãi một phần vì cuộc sống phần vì ý thức của lớp tụi cháu không được như hàng cha chú. 

Nay cháu viết lá thư này đến chú và gia đình, cầu mong Hương linh Mệ vãng sanh Cực Lạc. 

Cháu Trần Duy Tuấn

Kính thăm gia đình Cậu Mợ!

Gia đình con và tất cả mọi người rất đau buồn khi nghe tin Mệ mất, rất tiếc cũng rất bất ngờ. Cứ tưởng Mệ qua đó sẽ hưởng cuộc sống tốt hơn, sức khỏe sẽ khá lên.  Mệ ra đi bất ngờ quá bên nầy ai cũng bàng hoàng. Con nghĩ gia đình Cậu cũng đau buồn nhiều lắm, nhưng đời vô thường vốn vậy, ai cũng mong Mệ đi sẽ tốt nhưng rồi như vậy, âu cũng là số Mệ như vậy.  Qua đó gặp được con cháu, biết được nhà cửa, công việc của Cậu như thế nào ở Mỹ, Mệ ra đi thanh thản không đau ốm, con nghĩ Mệ ra đi như vậy cũng an lòng.  Chỉ hơi tiếc ở bên ấy không có bà con nhiều, vì điều kiện không được nằm yên nghỉ ở quê hương đã gắn bó suốt đời. Nếu có điều kiện gia đình Cậu đưa hài cốt Mệ về càng sớm càng tốt để mọi người bên này bớt đau lòng hơn. 

Nguyễn Quang Danh

Bái biệt từ Trái tim Thương kính

Được tin Thím đã ra đi vĩnh viễn, sẽ an táng vào ngày 8/7/Bính Tuất. Hôm nay Anh Chị có nhân duyên đến trước bàn thờ Phật, nguyện cầu mười phương Chư Phật, mười phương chư Bồ Tát, phò hộ độ trì Hương Linh Thím sớm về miền Cực Lạc. Kính dâng lòng thành 2 lạy trước Linh Cữu Thím. Anh Chị xin chia buồn với đại gia đình sự mất mát lớn lao này.

Thành kính phân ưu

Trần Duy Tẩu & Trần Thị Phương Em

Được tin Mệ qua đời, chúng cháu là tập thể giáo viên trường tiểu học số 2 Thủy Châu, là giáo viên dạy cùng trường với anh Mừng. Tập thể chúng con xin cầu nguyện cho Mệ an cư nơi miền Cực Lạc. Trước sự đau xót không gì sánh bằng, chúng con xin chia buồn cùng tang quyến. 

Thay mặt tập thể giáo viên trường Thủy Châu

Võ Chiến

Nam Mô A Di Đà Phật. Nghe tin Mệ, Bác qua đời tại Sacramento, USA, em và toàn thể gia quyến vô cùng thương xót, đau buồn. Lời đầu tiên em xin thay mặt gia đình kính lời “Nguyện Cầu Hương Linh Mệ Siêu Sinh An Lạc Quốc”.

Vào một buổi sáng tinh sương của ngày đầu Thu, Mệ nhận được giấy xuất cảnh sang Mỹ thăm anh chị và các cháu. Mệ đã vẫy tay chào em và tất cả những người thân. Em nói: “Mai mốt về nhớ kể chuyện Mỹ nghe Mệ!” Mệ trả lời: “Còn có quà cho mấy cháu nữa.” Không may chỉ đến xứ lạ thăm anh chị và các cháu chưa tròn ba tháng thì Mệ bị tai biến tuần hoàn. Anh chị đã nhờ nhiều thầy thuốc tiếng tăm ở phương Tây tận tình cứu chữa. Nhưng vì tuổi già sức yếu, “lực bất tòng tâm” nên Mệ giã từ tất cả để ra đi không hẹn ngày trở lại. 

Từ đây gia đình em và bà con làng xóm làng Phước Linh mất đi một người thân kính mến. Anh chị và các cháu mất đi một tình thương vô cùng lớn lao. Khi còn sống, Mệ có lời nguyện ước nhận làng Phước Linh là quê hương yêu dấu. Toàn thể bà con vô cùng xúc động khi hay tin anh chị sớm đưa Linh Cữu Mệ về an táng tại quê nhà, thể hiện tấm lòng trung hiếu, nghĩa hạnh đối với người Mẹ. Cảm động quá anh chị Phô ơi!  Em xin thay mặt toàn thể gia quyến, thành kính tỏ bày tấm lòng thương tiếc sâu sắc, mãi mãi về Mệ. Thành kính phân ưu cùng các anh các chị và toàn thể tang quyến.

Dòng đời lưu niệm thay lời cảm thương

Trần Duy Toàn

Thành kính chia buồn cùng gia đình chú Phô. Mệ mất đi là một sự mất mát lớn đối với gia đình, dòng tộc và xã hội. Khi nghe Mệ mất lòng con rất đau buồn. Khi Mệ còn ở nhà, mọi việc gì của Họ hàng, Khuôn hội, Mệ đều lo chu toàn. Mệ còn một điểm quý báu là bà con trong Làng khi có một việc gì đau buồn, Mệ đều đi thăm hỏi. Riêng con là đặc biệt, mỗi lần Mệ có công việc gì đều cho các em đi mời con. Bây giờ còn đâu nữa, Mệ đã đi rồi con cháu biết làm sao! Xin cầu nguyện Mệ được tiêu diêu nơi miền Cực Lạc. Nguyện cầu Tam Bảo gia hộ cho Mệ.

                                                                     Trần Sấm

A Di Đà Phật.

Kính mến gia đình Anh Chị và các cháu.

Thật là vô vàn thương tiếc mà trong Kinh Phật đã dạy “Nói không bao giờ hết, tả không bao giờ cùng”. Vậy là chúng em đã mất đi một người Mẹ hiền, luôn luôn thương những đứa con cháu; và luôn luôn tạo một niềm vui thật là vui trong sinh hoạt của người con Phật. Qua thể hiện tình thân đó, em thành tâm cầu nguyện Hương Linh Mệ được siêu thoát.

Em Nguyễn Văn Chiến

Tiễn Biệt

Bóng cũ đi về đông cổ sương

Buông tay tứ đại giấc miên trường

Tao phùng cố quận trăng Sơn Lĩnh

Chim gió ca reo vọng tịch trường.

Vĩnh biệt Mẹ của con

Dạ Mã Nguyễn Viết Ngô

Phô và Hạnh thương mến! Mệ ra đi về với cõi Phật an lành, vĩnh cữu.  Anh chị em Cựu Liên Đoàn Học Sinh Phật Tử tâm nguyện về Mệ và thương nhớ Mệ. Thành thật cùng tang quyến hướng về Mệ và cầu mong Hương Hồn Mệ sớm siêu thoát về với cõi Phật. Nam mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật.

                                         Anh Từ Vân Tường, Pháp danh Tâm Cơ

Anh chị Trần Duy Phô và gia đình! Viếng Mệ một buổi chiều đầy xúc động. Cầu nguyện chư Phật phù hộ Hương Linh Mệ được về cõi Tịnh Độ. Mệ ra đi làm cho chúng em quá bất ngờ và mất mát như cả nửa bầu trời.                                      

Em Bùi Đức Hiền

Mọi lời nói lúc này cũng bằng thừa. Xin chân thành sẻ chia với Phô Hạnh nỗi đau mất mát lớn không gì bù đắp nổi. Mong anh chị giữ gìn sức khỏe. Vạn sự vô thường. Mệ ra đi, kính chúc được siêu thăng miền Cực Lạc.

                                            Ngọc Túy

Thưa Mệ,

Anh chị Phô và toàn thể hiếu quyến,

Đêm nay, trong giây phút trang nghiêm của buổi lễ Thuyết Linh, lời Pháp của Thầy Khế Chơn răn dạy: Quy luật có sanh có diệt, có hợp thời có tan… Trước sự thăm viếng, tiễn biệt Mệ của bà con làng xóm, con cháu đang cùng nhất tâm cầu nguyện Hương linh Mệ vãng cảnh Tây Phương, con thành tâm kính ghi:

Mệ ơi, con về thăm Mệ mới đây thôi,

Tết rồi không còn thăm Mệ được.

Bây giờ thì Mệ đã đi xa,

Còn đêm nay, ngày mai thế là hết.

Nguyện cầu Mệ nhẹ bước cảnh Tây Phương.

                             Kính bái,

Em Nguyên Thiện Nguyễn Đông

Nam mô A Di Đà Phật.

Mệ ơi!

“Đến đây hai tay trắng

Giã từ không vấn vương

Xin để lại tất cả

Trên đường về Thênh Thang”

Phải không Mệ nhỉ?

“Đồng chí” nhỏ của Mệ

Hồ Thị Thái Huề, Nhóm Hướng Thiện Huế

Mệ ơi! Con thật sự hụt hẩng khi nghe tin Mệ đã bỏ chúng con ra đi. Mệ còn khỏe thế cơ mà, nụ cười sảng khoái, từ bi như vị Bồ Tát. Mệ nói từng câu, từng chữ tưởng như đùa giởn nhưng sâu sắc đã thấm vào lòng tất cả chúng con. Kỷ niệm về Mệ trong mỗi chúng con quá lớn, Mệ đã đem đến niềm vui, hạnh phúc cho mỗi chúng con. Làm sao quên được hở Mệ! Hôm nay ngày Hiệp kỵ của Cựu Liên Đoàn Học Sinh Phật Tử Thừa Thiên, cảnh đó còn đây, vẫn còn nắm xôi ngọt ngào cho chúng con được thưởng thức những vị ngọt ngào của tình thương bao la của Mệ, nhưng Mệ đã không còn hiện diện trên cõi tạm này nữa.

Con đang ngồi với gia đình Anh Phô, con vẫn thấy Mệ như đi đến từng đứa một, nhắc nhở ăn cho no đi con. Vậy thì Mệ đâu có ra đi trong tâm cảm của anh chi em chúng con. Con thấy vẫn có sự tiếp nối, vẫn có những chất liệu yêu thương, từ bi trong những đứa con của Mệ đó! Mỗi chúng con đều hiểu “không sinh, không diệt, không sợ hãi”, Mệ đã từng an nhiên tự tại trong từng mỗi hơi thở, mỗi bước chân, mỗi công việc Phật sự. Chúng con không buồn nữa vì sự cảm nhận rất lớn trong mỗi chúng con. Mệ đang siêu sinh vào cõi Cực Lạc, phải không Mệ? Nhất là Mệ vẫn luôn luôn ở trong mỗi tâm hồn chúng con, những từ bi quán vô hình Mệ đã truyền cho chúng con. Mệ ơi, có khách sáo lắm không, khi mỗi tâm niệm chúng con vẫn cầu nguyện Hương Linh Mệ vãng sinh miền Cực Lạc. 

          Huế, ngày hiệp kỵ HSPT 8/6/ Bính Tuất

                               Nguyễn Duy Dẫn

Nhật ký cho Mệ

Bụt ở trong nhà

Chẳng ở đâu xa… (*)

Ngày 7 tháng 2 năm 2006

Mọi người bước vào. Căn nhà nhỏ ấm cúng và rộn ràng hẳn lên. Những tiếng chào hỏi niềm nở và những nụ cười thân thiện. Nụ cười với mấy chiếc răng đen của mệ hiền hòa và quá đỗi hồn nhiên.

– Chào cô!

– Chào bác!

– Chào bà!

Con bé NiNi chạy vô, chạy ra tíu tít. Gần như bao giờ cũng vậy, có khách đến nhà tụng kinh là bé mừng lắm. Đây cũng là dịp để con bé “quậy” này tranh thủ biểu diễn nhiều chiêu, nhất là niệm một câu danh hiệu Phật khá dài: “Nam Mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Tam Thập Lục Vạn Ức Nhất Thập Nhất Vạn Cửu Thiên Ngũ Bách Đồng Danh Đồng Hiệu Đại Từ Đại Bi A Di Đà Phật”. Mới hơn ba tuổi nên bé được mọi người khen hết lời. Dĩ nhiên là có mệ rồi.

Mệ không ngồi bán già hoặc kiết già như mọi người khác trong gian thờ Phật, bởi chân đau. Mệ 81 tuổi rồi còn gì! Mỗi lần tụng kinh, dù ở nhà đạo hữu nào, mệ cũng ngồi trên ghế, xích ra phía ngoài gian thờ một chút, nhưng thành kính hướng về Đức Phật. Tối nay, có lẽ do ở “sân nhà” nên NiNi rất tự nhiên. Bé leo lên ngồi cạnh bà và chị An Như.  Thỉnh thoảng, tôi lại dừng ngang nửa chừng câu kinh để kín đáo liếc chừng ra phía sau, nhắc nhở bé bằng mắt. Bởi, lâu lâu, bé lại xì xào nói chuyện và chọc ghẹo An Như; không chừng, bé chọc ghẹo luôn cả mệ cũng nên! Bỗng, một tiếng cười của bé bật lên, dù rất nhỏ nhưng nghe rõ ràng trong không khí trang nghiêm. 

Quay nhanh lại và sẵn sàng để lườm nguýt con nhỏ lí lắc thì tôi khựng lại vì thấy gương mặt mệ quá thanh thản và trẻ tươi đến bất ngờ. Trong một giây, không! một tích tắc nhỏ hơn giây, như tia sáng chớp lên và tôi thấy mệ rạng ngời trong nụ cười bao dung.  Thời gian như ngưng đọng lại trong nụ cười không có tuổi. Nét cười an lạc và hoan hỷ.  Nét cười mênh mang tình thương của những người mẹ, người bà luôn nhẫn nại, suốt đời chịu thương chị khó. Những người mệ, người bà ấy của quê hương tôi không những đã nuôi dạy con cái nên người mà còn kiên trì, nhẹ nhàng giúp cháu con gieo trồng cái duyên với Đạo từ thuở còn thơ dại.

…… “Tôi theo mẹ đến chùa lạy Phật từ khi còn là một cậu bé tám, chín tuổi… Tôi chẳng hiểu lời tụng có ý nghĩa gì, nghe lâu quá thì buồn ngủ. Còn lạy nhiều thì mỏi, mong mau hết cho rồi. Thế nhưng không khí trang nghiêm, Phật điện sáng rực, hương trầm thơm ngọt, ngôi chùa đầy chật người mà im lặng thành kính làm tôi không dám ho he. Và rồi các buổi kế tiếp tôi cũng hăng hái đến chùa lạy Phật”.  (*)

Con trai của mẹ đã hoài niệm như thế trong một bài viết của mình. Những bước khởi đầu như thế là dấu ấn quan trọng trong tâm thức anh để mến Đạo, kính Phật; rồi qua thời gian, qua việc làm mà hạt giống Phật được nảy mầm, tưới tẩm…

“Những chất Phật nhẹ nhàng đó không dè có một nội lực hùng hậu giúp tôi vượt qua những gian truân vất vả mà nhiều khi tưởng không thể chịu đựng nổi trong cuộc đời”.  (*)

Quả là tôi có lo ra giữa buổi tụng kinh nhưng tôi cũng đã có duyên để thấy và hiểu thêm một điều quan trọng!

Ngày 4 tháng 3 năm 2006

Hôm qua, tôi soạn đồ đi giặt. Chà, cái con bé tôi này cũng lắm chuyện ghê đi, bởi có mấy thứ chẳng chịu bỏ vô máy! Cái máy giặt ào ào sẽ làm mau hư, mau cũ mấy thứ đồ mày ưa thích. Với lại, tôi cũng còn đang khá rỗi rãi nên bày chuyện, chứ nếu quá busy thì chắc rồi cũng chào thua mà đẩy tuốt vô máy giặt hết thôi!  Cái gì đây? Ô, cái áo đen có thêu một bông hoa nhỏ xíu màu hồng trên ngực trái đây mà! Tay tôi ngừng lại trên nền vải êm dày. Tôi đã mặc nó cách đây khá lâu rồi, một tháng? Không, hai tháng?  Không, phải hơn hai tháng đó chứ? Ôi, mà cũng không nhớ chính xác nữa. Lần đó, mặc đi tụng kinh Dược Sư và lạy danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm ở nhà một đạo hũu cùng với mệ đây mà! Đi về, treo cái cái áo vô một xó và… quên!

Nhúng chiếc áo vào thau nước. Tôi thấy lạnh. Cái áo vẫn còn đây. Vâng, thì nó vẫn còn đây! Còn đây!

Tối hôm đó, trời cũng khá lạnh và gió. Hết buổi, khép cánh cửa lại sau lưng, tôi vội vã ào ra và định phóng tuốt lên xe đậu bên đường. Hèn chi có lần, ba tôi nói lẽ ra tôi phải có Pháp danh là “Diệu Động” mới đúng hơn là Diệu Tịnh. Chợt tôi kịp thời ngừng lại.  Bởi mệ đang thong thả bước đi, chiếc quần đen ống rộng dán vào ống chân vì gió. Một tay chống gậy, mệ trông thiệt tự tại và tự tin. Từ trong nhà, mạ tội rảo bước lên để bắt kịp và làm một cử chỉ đỡ mệ. Ba mệ cháu vừa đi, vừa nói chuyện. Tôi chợt thấy ấm áp lạ lùng vì cảm giác vừa bắt gặp, mệ như là mệ ngoại của mình mà tôi là đứa cháu ưa mè nheo, hay ngúng nguẩy vì ỷ được thương chiều! Lần đầu gặp mệ, tôi cũng có cảm giác an lành vì lối nói chuyện ân cần, sự quan tâm kín đáo và tế nhị. Thật ngạc nhiên vì cách ứng xử lịch lãm mà chân tình nơi một người mệ già nua, gắn bó gần như suốt đời mình với mảnh đất không xa khỏi đầu làng. Những mạ, những mệ quê mình tuyệt vời như vậy đó! Có thể còn cách lý giải nào khác hơn là chính tình yêu thương, lòng nhẫn nại, đức hy sinh và bao dung đã tạo nên phong cách như thế?

Lần nọ, sau buổi lễ cầu an đầu năm, các đạo hữu được mạ tôi chiêu đãi bữa tối bằng món bún bò chay. Nhiều người khen món bún nêm nếm vừa miệng và tưởng tôi nấu.  Tôi đính chính chính mạ tôi mới là tác giả và cảm thấy hơi bối rối, bởi con gái trong nhà mà để mạ đã già nấu nướng. Nãy giờ im lặng, bây giờ mệ mới thong thả lên tiếng:

-Tại bún chay chớ nấu bún bò mặn thì ngon lắm, cháu há!

Giọng mệ vừa đầy vẻ bênh vực, vừa như muốn giải thích, vừa như muốn thanh minh với mọi người. Ôi, mệ của tôi sao mà tâm lý quá vậy!

Ngày 9 tháng 3năm 2006

Quê tôi có gió bốn mùa

Có trăng giữa tháng, có chùa quanh năm

Mai này tôi bỏ quê tôi

Bỏ trăng, bỏ gió

Chao ôi, bỏ chùa!

Như mọi lần có dịp đến nhà mệ, vừa bước vô, tôi lại liếc nhìn mấy câu thơ của Nguyễn Bính trong bức thư pháp được viết khá lã lướt treo trên tường. Lần này, gần bên cạnh bức thư pháp, tôi lại thấy nụ cười của mệ. Nụ cười mãi mãi ngưng đọng trên một tấm ảnh trong khuôn hình giữa mờ mờ nhang khói. Nụ cười mệ hiền hòa, và dường như có chút gì như muốn an ủi người đối diện. Nụ cười như muốn nói với mọi sự bàng hoàng, đau xót rằng:

– Thôi mà, buồn làm chi!  Đến rồi đi là lẽ thường ấy mà!

Phải, đến đến, rồi đi đi là lẽ đương nhiên. Nụ cười mệ như ánh lên sự đùa vui, sự an nhiên vào cái vô thường. Thời gian vô thường, không gian vô thường. Lần trò chuyện đầu tiên với mệ khi mệ vừa từ quê nhà mới qua, tôi đã chẳng thầm ngạc nhiên thấy mệ quá ung dung đấy sao? Mệ ngồi đó. Sau lưng cánh cửa sổ là bầu trời Mỹ quốc văn minh và nhiều điều quá mới mẻ. Vậy mà cái cách mệ cười, cái cách mệ nói chuyện làm tôi có cảm tưởng là như mệ, như tôi đang ở chính quê nhà, quen thuộc và ấm áp. Sự bình thản ấy đã thầm dạy cho tôi biết bao điều!

Tôi vẫn như còn nhìn thấy mệ đứng đó, bên bờ giậu quê nghèo một buổi chiều mà chắc hẳn nắng phải vàng hoe và dịu dàng lắm! Dáng mệ chân chất, đậm đà tình quê.  Dưới chân mệ là con chó vàng thân thiện và tin cậy.

Bây giờ, tôi tin rằng mệ đã an vui nơi cõi giải thoát. Tuy nhiên, cũng giống như ngày ba tôi giã từ cõi ta bà tạm bợ này, tự trong thâm tâm, tôi vẫn thầm hối tiếc, một cách ích kỷ vì lẽ riêng của mình, tại sao mệ, tại sao ba, không ở lại đây thêm một chút nữa với chúng tôi? Thỉnh thoảng, có những lúc, tôi lại tự dằn vặt mình. Giá như lúc đó, tội đã có cơ hội bỏ đi sự ngại ngùng để ôm lấy mệ như mệ chính là mệ ngoại ruột yêu mến của mình dành cho mệ? Nếu như và nếu như… nhưng mà thôi, cũng như người cha thân thương của tôi, mệ sẽ hiểu cho tôi, cho những điều mà lẽ ra tôi cũng như nhiều người khác phải làm mà chưa kịp làm. Tôi vẫn tự an ủi mình rằng, thực ra, những người thân yêu của chúng ta vẫn còn đó, trong mây trắng, trong trời xanh, trong cả bầu không khí mà ta đang hít thở hàng ngày. Sự ra đi đột ngột của mệ cũng nhắc nhở cho ta biết bao điều. Phải trân quý những gì ta đang có bây giờ, chính nơi này, ở đây!

… “Hãy nghĩ đến những người thân, những người bạn chúng ta đã lần lượt ra đi trong vài năm qua để thấy rằng thân mạng vô thường có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Xin hãy tinh tấn lên!” (*)

Tôi đọc lại những dòng mà người con trai của mệ đã từng viết như lần nữa, tự nhắc nhở mình. Vâng, thưa mệ, con sẽ cố gắng lên!

Quảng Diệu Tịnh

(*) Cư Trần Lạc Đạo Phú, Thơ Trần Nhân Tôn.

(*) Lạy Phật, Nguyên Thành, Nội San Xuân số 4 Nhóm Học Phật Lộc Uyển.

Người Bác dâu như Từ mẫu

       Cháu xin thành kính ghi lại những gì về Bác.

Trước bàn thờ của Bác Dâu mà cũng là Mẹ Nuôi, con thành kính ghi nhận ân sâu của ba Bác đã cưu mang muôi dưỡng, giáo dục con trong thời niên thiếu.

Bây giờ ngồi đây mà nói chuyện 54 năm về trước. Cháu còn nhớ: Cuối tháng 2 âm lịch bắt một con gà trống lên giỗ kỵ Ông Nội tại nhà Bác ruột Trần Duy Uẩn ở Thành Nội. Đó là năm 1952, quê hương còn đắm chìm trong chiến tranh Pháp Việt, hận thù nghi ngờ tàn bạo. Từ quê ngoại thôn Thanh Lam Trung, vùng xôi đậu do Việt Minh kiểm soát, Mẹ cháu phải nhờ Cậu ruột Trần Cao Đệ xin một giấy phép để đem cháu lên nhà thương Huế trị bệnh mới được đi.

Đường sá trong kế hoạch tiêu thổ kháng chiến, Việt Minh cho đào hào, ụ đất, phá cầu để xe điện quân đội Pháp không lưu thông được. Tại các bến đò, ranh giữa 2 làng, giữa những chợ bến nước đều có những trạm gác xét hỏi người đi đường là những thiếu nhi, phụ nữ, thanh thiếu niên. Xét hỏi có giấy tờ hợp lệ mới cho đi qua. Mỗi nơi mẹ cháu đều có trình một tờ giấy viết tay khổ bằng bàn tay có khuôn dấu đỏ choét nhòe nhoẹt bởi đồ cất trong yếm nơi kín đáo mồi hôi thấm ướt. Vượt bao nhiêu giao thông hào, ụ đất, qua 3 bến đò Hòa Đa, Lương Văn, Viễn Trình rốt rồi cũng đến đường nhựa Thần Phù, mẹ cháu thấy tội nghiệp con thơ mỏi mệt nên lên xe đò đến Đông Ba. Mẹ không tiền phải bám cầm con gà trống cho anh tài xế 7 đồng, trừ 1 đồng tiền xe, thối lại 1 tờ 5 đồng tiền xanh và 1 đồng bạc người gánh dưa. Con gà trống này nếu đem lên phố sẽ bán trên 10 đồng. Ngược đường lên cửa Thượng Tứ vào thành, hai mẹ con bị chận lại bởi không có thẻ căn cước, sau nhờ nhắn người quen vào thưa bác ra bảo đảm. Anh Tý ra nhận, đầu chải dầu láng bóng, mặc áo khoát, quần tây ra lãnh thím và em vào nhà.

Bác Hồ Thị Chít mẹ anh Lộc người hồng hào, mập mạp, đeo nữ trang, áo nhung, tiếp em dâu và cháu. Trông Bác khác xa hẳn khi còn ở quê nhà làng Phước Linh cách 3 năm trước. Bác trai đi làm, có một chú bé khoảng 4 tuổi mặc quần tây, áo đỏ, mắt to và sáng, tay cầm pháo, tay cầm còi thổi toe toét, nghe người nhà gọi Khô, và bảo là con của Bác Hai ở trong Quảng. Sau này mới biết là anh Trần Duy Phô. Thời gian này hình như Bác Hai ở cử chị Huế. Lần đầu tiên biết mặt Bác Hai, người cao ráo, tóc đen dài, răng đen, mặt mày phúc hậu, nói giọng Quảng trông thật khác với những người xung quanh, nhưng tình thương đã gắn chặt người khác xứ trong dòng họ.

Cháu được ba Bác cho ở lại năm 1952 và đi học tư tại nhà Cô Bản cạnh nhà do Thầy Lung dạy. Học được 2 năm Bác trai xin cho vào học ở trường tiểu học Thượng Tứ do Thầy Trần Tiếu làm Hiệu trưởng, là bà con bên ngoại của Mệ nội ở Mỹ Xá. Thầy Tiếu cho vào lớp Ba do thầy Bửu Tháp dạy dỗ.

Tình cảm của ba Bác đối với cháu thân thương, riêng Bác Hai có phần đặc biệt hơn. Có lẽ do Bác đơn côi từ xứ Quảng Nam ra làm vợ kế, Bác trai có nhiều vợ, thấy cháu côi cút cùng cảnh ngộ nên Bác thương hơn mọi con cháu trong nhà. Những khi Bác Hai ốm đau, áo quần đều nhờ con giặt giùm và sau đó dúi cho con 1 hoặc 2 đồng. Những lúc trở trời, ốm đau bao giờ Bác Hai cũng săn sóc tận tụy như con đẻ.

Năm tháng dần trôi, Bác trai lại làm đơn cho con vào trường Thiếu Sinh Quân đệ II Quân khu ở ngã tư Anh Danh đường Đinh Bộ Lĩnh năm 1955.  Một cái tang đau thương: Bác Chít mẹ anh Lộc qua đời, đầu xanh lại quấn vành khăn tang. Một kỷ niệm, một ngày Chủ nhật, cháu từ trường Thiếu Sinh Quân về thăm, Bác Hai nấu bún để đãi cháu, chị Huế đưa tay gạt đổ bình thủy chứa nước sôi làm tay của chị bị phỏng.

Năm 1956, trường cháu học được chuyển vào Vũng Tàu Cap Saint Jacques, mãi đến năm 1959 mới được về phép thăm quê. Lúc này gia cảnh thật là khổ, Bác trai bị thương đổ xe ở đèo Hải Vân và giải ngũ, Bác cùng anh Phô ra cuốc đất lượm gạch ngói ở cạnh phi trường Tây Lộc. Bác gái phải đảm đang phụ giúp nhặt cỏ trồng rau. Ra đồng giúp Bác hơn 2 tháng, sau đó được anh Tý cho về nhà ở Bãi Dâu, đường Ôn Như Hầu gần bến đò Chợ Dinh để dạy trông coi các cháu Trương, Mừng, Rỡ, Dần, Hoạt.

Rồi những kỷ niệm theo năm tháng tiếp diễn. Vào mùa hè năm 1961 Bác trai trên đường lãnh tiền hưu, ra Vũng Tàu vãng cảnh có ghé thăm cháu tại Trung tâm Huấn luyện Truyền tin Vũng Tàu. Ôi! Cảm động làm sao, cháu đã cười và khóc. Kế tiếp anh Tý học ở Thủ Đức về thăm, anh đem một túi bánh khô cho cháu, những ân tình này cháu nhớ mãi…

Biến cố đấu tranh Phật giáo ngày 20 tháng 8 năm 1963, cháu bị bắt tại Chùa Tỉnh hội Quảng Ngãi và đưa lên giam giữ trong rừng Kontum. Hay tin hai Bác và các anh chị vô cùng lo lắng cho cháu. Sau khi chính quyền Ngô Đình Diệm bị lật đổ tháng 11/1963, cháu được thả ra và làm việc tại Trung tâm Truyền tin Viễn thông Kontum cho đến ngày thống nhất đất nước năm 1975.

Cuối năm 1964 về thăm Bác ở làng. Bác hỏi đường vợ con rồi Bác trai đem cháu vào nhà bà Đấu để hỏi cô Hè cho cháu. Gặp bà Đấu đi chợ Hôm về, trước mặt chùa Phước Linh, hỏi thăm sự việc mới hay con chú Trần Xít đã đi hỏi sáng nay rồi. Bác trai lại tất bật lên nhà bà Xạ Thông để hỏi vợ cho cháu, nghe nói bà có hai cô gái chưa chồng. Bà Xạ vô cùng niềm nở và nói sẽ gả chị, tức cô Chín trước. So tuổi cô Chín lớn hơn cháu hai tuổi, thích cô em là cô Sau, nhưng phải chờ cô chị có chồng đã. Thế là hai lần Bác có lòng lo nhưng chưa có kết quả.

Cuối năm 1965 về thưa Bác có người thương ở làng Dưỡng Mong, xin Bác lên cưới.  Ngày cưới là 8/12 Ất Tỵ, phái đoàn nhà gồm có: Bác trai, Bác Hai, O Thử, Anh Phô xách chai rượu, còn cháu đội mâm cau trầu. Đến nhà gái ở xóm Hói, nàng dâu Trương Thị Can ở Đà Lạt không về được, gây sự rắc rối, rồi sau dàn xếp cũng xong. Cưới vợ xong, đem Mẹ vào Kontum phụng dưỡng rồi mất ngày 23/12/1973 (19/12 Âm lịch).

Thời gian cứ thế trôi qua, nào cuộc vận động Hiến Pháp của Phật giáo năm 1966, nào cuộc chiến bùng nổ trên 32 tỉnh địa giới miền Nam của Tết Mậu Thân năm 1968. Rồi Mùa Hè đỏ lửa năm 1972. Hiệp định Paris 27/1/1973 Ngưng bắn Da beo ở miền Nam. Cháu đã đem toàn bộ gia đình của cháu gồm vợ và 6 con:  Tiến, Tấn, Tân, Toàn, Linh, Thắng về quê hương thăm hai Bác, các anh chị bà con để cho vợ, các con biết Ông Bà Tiên Tổ. Bác trai hồi này thật vất vả, người gầy và đen, Bác gái thân tiều tụy nhọc nhằn. Anh Phô đi lính đã ra trường Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức. Anh Quên hy sinh vì Tổ Quốc. Chị Huế đã có chồng là anh Nguyễn Quang Hòa người ở trong làng. Chị Nhớ đang đi học lớp 10. 

Cảnh nhà của Bác thật khó khăn, thương hai Bác quá. Ôi! Những nụ cười tươi mát, những ánh mắt dịu hiền thương cảm của hai Bác đã làm chúng cháu vô cùng xúc động. Chúng cháu quỳ dưới chân hai Bác để tỏ lòng kính yêu. Hai Bác đã chảy nước mắt ôm chúng cháu vào lòng như bậc sanh thành cha mẹ chuyển tiếp tình thương đến con cháu.

Thế rồi tháng 4/1975 thống nhất đất nước, chính quyền đổi thay. Anh Tý đưa gia đình về làng để giúp Bác. Anh Phô đi cải tạo, cháu tập trung cải tạo tại địa phương. Gia đình cháu 3 lần cải tạo, 3 lần chao đảo. Bác trai khủng khoảng tinh thần, Bác gái phải ra nấu cơm phục vụ cho Hợp tác xã.

Năm 1981, đến 4 cháu: Tiến, Toàn, Thắng, Minh về quê giỗ Ngài Cố. Đi từ Kontum về Huế mất 1 tuần lễ, đến Phú Mỹ xe bị tai nạn, may mắn các cháu vẹn toàn. Sau bao nhiêu khó khăn xe cộ, ăn ở dọc đường rồi cũng được về làng Phước Linh. Bao niềm xúc cảm, bao nhiêu buồn tủi đau thương được tiêu tan, được về thắp một nén hương, được ôm hai Bác, các anh chị là sung sướng lắm rồi.

Bác trai độ này lẫn, quên hẳn quá khứ không còn nhớ những người thân. Bác sống trong thế giới tâm linh của Bác: Lấy xảy rơm đánh mõ làm mõ bể, lấy cuốc xuống hói để cả áo quần cuốc bùn. Cháu qùy bên chân Bác dâng lên đường, sữa, thực phẩm để bác dùng thì Bác chắp tay và hỏi nhỏ: Anh là ai? Là cán bộ? Sao tốt thế này? Cháu đã nghẹn ngào khóc trong lòng bàn tay của Bác, tức tuởi thưa: Con là cháu Trần Duy Cấp của Bác đây, con về thăm và đem 4 cháu về thăm Ôn. Xin Ôn thương tưởng đến chúng cháu,  đừng nói thế chúng cháu buồn. Bác gái đến kề tai Bác trai và nói: Chú Cấp ở Kontum đem con về thăm Ôn đó! Bác trai hỏi: Phải thằng Cấp con chú Bộ không? Con đã khóc òa sung sướng khi người Bác ruột thương yêu vẫn còn nhớ người em, người cháu trong ký ức…

Cuộc sống muôn vàn khó khăn cho nên ngày anh Phô cưới vợ, con không về được, ngày Bác qua đời năm 1986 con cũng không về được. Con xin phép Bác gái, các anh chị cho con làm lễ phục tang tại nhà ở Kontum và lễ cầu siêu tại chùa Tỉnh hội Kontum.

Mười năm sau 1981-1991, con mới trở lại làng quê. Anh Phô làm việc ở Hợp tác xã Mua bán xã Phú Mỹ. Anh Lộc đã vào Cần Thơ dạy học. Chị Nhớ đã có chồng là anh Nguyễn Văn Phúc người trong làng.

Bác Hai nay trông đã có nước da hồng hào, đỡ vất vả, cuộc sống tạm ổn định cũng nhờ bàn tay vợ chồng anh chị Phô Hạnh biết thu xếp lao động, kinh tế thu nhập tương đối khá, cháu mừng lắm. Năm 1993 họ Trần Duy tổ chức Đại lễ Trai đàn Chẩn tế, Giải oan Bạt độ, Truy tiến Tiên Linh nhân dịp Lạc thành bộ Trần Duy Đại Tộc Phổ Nhất Thống Chính Biên sau hai năm sưu tầm, nghiên cứu, đối chiếu đã viết thành 4 tập. Anh em chúng con đều sung vào Ban Tổ Chức. Bác Hai nằm trong vai lãnh đạo.

Một khúc quanh biến đổi khi anh Phô được qua định cư ở Hoa Kỳ, Bác đành gạt lệ chia tay để con, dâu, cháu được đổi đời nhưng lòng lúc nào cũng nhớ thương con cháu. Anh Phô quyết tâm lo thủ tục để Bác qua Hoa Kỳ sum họp. Phỏng vấn lần thứ nhất, Bác khóc không muốn rời quê hương. Phỏng vấn lần thứ hai mới có kết quả. Tại chùa Pháp Vân, Sài Gòn, chúng con, vợ chồng anh Phúc chị Nhớ, cháu Danh, và các cháu đã làm lễ cầu an liên tiếp 3 đêm cầu an cho Mệ có kết quả.

Bác qua Mỹ sum họp vui với con cháu hơn 3 tháng trong hạnh phúc tình mẫu tử, bà cháu. Cuộc vui chưa bao lâu thì Bác trở bệnh cao huyết áp và từ giã chúng con, chúng cháu vào hồi 14 giờ 23 phút ngày 24/2/2006 (27/1/ Bính Tuất) tại bệnh viện.

Cháu đang trên đường nghiên cứu tu học ở Hà Nội, được cháu Danh báo Mệ đã mất, cháu vội vã trở vô Huế để tổ chức Lễ Phục Tang của Bác gái ngày 4/2/ Bính Tuất.

Ngày 3/6/ Bính Tuất (27/6/2006) gia đình anh Phô đem tro cốt Bác về Chùa Pháp Vân làm lễ cúng dường Trai Tăng, Tiến Linh, Thí thực, thuyết Linh do Hòa Thượng Phước Trí Chủ lễ, có đông đủ con cháu, bạn bè cùng đạo tràng Pháp Vân. Tro cốt của Bác được đưa về làng tổ chức an táng tại lăng mộ ở Diên Đại. 

Hôm nay ngày 10/6/ Bính Tuất (4/7/2006), ngày Lễ Tạ lăng của Bác, các con cháu hương hoa lễ vật, phẩm thực đem về lăng mộ cúng Mở của mả, mời Mẹ, Mệ, Cố về nhà cùng Tiên Linh và con cháu sum họp. Trước bàn thờ của Bác: Hương Linh Nguyên Chí Lê Thị Thà, chúng cháu chắp tay cầu nguyện cõi Tịnh rộng mở, 9 đóa Sen vàng tiếp dẫn, chư Phật, Bồ Tát thọ ký Bác vãng sanh.

Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật.

                         Phước Linh ngày 4/7/2006

            Mùa Hè An Cư Kiết Giới. PL 2550 

Cháu, Dưỡng Tử Tỳ Kheo Thích Minh Thủ 

  Thế danh Trần Duy Cấp  

                               Bái bạch

Lời Tạm biệt

Kính lạy Hương Linh Ba, Cố Phật tử Nguyên Tố Trần Duy Uẩn

Kính lạy Hương Linh Mạ, Cố Phật tử Nguyên Chí Lê Thị Thà.

Kính thưa các anh chị,

Các cháu, chắc thân yêu của Ôn Mệ,

Thưa các anh chị, anh chị em mình đã một lần mất Ba, lại một lần nữa mất Mạ. Đó là nỗi mất mát lớn lao nhất trên đời. Nỗi niềm này không của riêng ai! Phải không anh, phải không chị? Lễ Vu Lan “Mùa Báo Hiếu” đến đây, anh chị em mình không còn bông hồng cài áo nữa, chỉ có hoa trắng cài lên áo mà thôi!

Các anh chị và các cháu thân mến! Mình là người có nhiều may mắn, nhiều nhân duyên muôn đời kiếp trước, mới được sinh trong dòng dõi, con cháu nội ngoại của Ông Cha ta, đã cho ta huyết thống. Ôn gieo nhân Bồ Đề, gặt hái cây lành quả tốt. Bao nhiêu chủng tử đã quay về đây sum họp dưới mái ấm gia đình mà ông cha ta ra sức xây dựng, chúng ta hãy cố gìn giữ mãi về sau.

Tuy rằng Ôn của chúng ta “đa thê” và nhiều dòng con, nhưng Ôn dạy con rất hay. Dạy cho con cho cháu hướng đi đúng với Chánh Pháp, đúng với đạo lý làm người, dạy cho con cách ứng xử ngoài xã hội cũng như gia tộc.  Đó là truyền thống văn hóa đạo đức tốt đẹp cho con cháu mãi mãi về sau, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nhờ công đức tu hành vô lượng vô biên của Ôn và Mệ mà hôm nay gia đình chúng ta đã có “Dâu Hiền Rể Thảo”, “Anh Em Trên Thuận Dưới Hòa”, tiếng thơm tốt hơn cả “Xạ Trầm Hương”.

Riêng bản thân tôi nhận thấy vấn đề hiếu đạo của Mạ tôi vừa qua, tôi đã cảm kích vô cùng khi thấy hai anh lớn tôi sức khỏe yếu, tóc đã bạc màu mà vẫn quỳ lạy trả khi có khách đến đốt nhang cho Mạ của chúng tôi. Về phần con, cháu, chắc, cả ba thế hệ bỏ trường, bỏ công sở để hội tụ về đây báo hiếu cho Mẹ tôi, khăn chế áo thùng nghi lễ trang nghiêm.

Còn Thượng Tọa Thích Khế Chơn Trụ trì chùa Thiên Minh về Chủ Sám và Thuyết Linh, Ni Sư Như Minh, Như Hải, các Đạo tràng tại  huyện Phú Vang, các anh chị em Gia Đình Phật Tử Phước Linh, Cựu Liên Đoàn Học Sinh Phật Tử Thừa Thiên, bạn bè, bà con nội ngoại gần xa đều có mặt đông đủ.

Anh chị và các cháu ở hải ngoại đã vượt nghìn trùng xa cách mang tro cốt của Mạ về tại quê nhà để làm Lễ Tang báo hiếu cho Mạ, đó là một việc làm khó ai mà sánh được.  Anh chị đã thường nói vì thương con nhớ cháu, Mạ đã ly hương chứ không ly Tổ, chắc Mạ tôi đã mãn nguyện lắm rồi đó!

Việc làm của anh chị và các cháu đã gợi cho em cảm xúc chân thành, vừa đẹp cả hình thức lẫn nội dung, không những đẹp mà con rất “dễ thương”. Tôi chẳng ước mong gì hơn, chỉ mong các anh chị, các cháu đã có sẵn nền tảng hiếu sự, tình thâm cốt nhục rồi, sau ngày quá vãng của Mạ, mình vẫn duy trì mãi và đoàn kết yêu thương nhiều hơn.

Một lần nữa xin chúc các anh chị, các cháu mai đây trên vạn nẻo đường, người ra hải ngoại, người về đồng bằng, người lên núi rừng, mỗi người mỗi hướng làm ăn, sinh hoạt, xin cầu chúc tinh thần vững chãi, an lạc.

Nam Mô Đại Hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát.

11/6/Bính Tuất

Nguyên Nhơn Trần Thị Nhớ