Chuyển tới nội dung
Trang chủ » Blog » NIỆM ÂN

NIỆM ÂN

Quê Mẹ Việt Nam

Từ nhỏ tôi đã nghe kể rằng nước Việt Nam hình cong chữ S, nằm bên bờ Biển Đông hướng ra Thái Bình dương bao la, tựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ. Quốc Tổ là Lạc Long Quân, thuộc loài Rồng; Quốc mẫu là Âu Cơ, thuộc giống Tiên.

Từ Quốc Tổ Hùng Vương truyền xuống là 18 đời, trong mỗi đời lại có một hay nhiều thế hệ tiếp nối lãnh đạo giang sơn với quốc hiệu là Văn Lang, tổng cọng là 180 đời vua và 2.655 năm, trung bình mỗi triều vua trị vì 14.75 năm.

1. Kinh Dương Vương.

2. Hùng Hiền Vương.

3. Hùng Quốc Vương.

4. Hùng Hy Vương.

5. Hùng Hi Vương.

6. Hùng Diệp Vương.

7. Hùng Huy Vương.

8. Hùng Ninh Vương.

9. Hùng Chiêu Vương.

10. Hùng Uy Vương.

11. Hùng Trinh Vương.

12. Hùng Võ Vương.

13. Hùng Việt Vương.

14. Hùng Định Vương.

15. Hùng Triều Vương.

16. Hùng Tạo Vương.

17. Hùng Nghị Vương.

18. Hùng Duệ Vương.

(Theo Hùng Vương Thánh Tổ ngọc phả sưu khảo, Nhà xuất bản Dân Trí, 2020).

Suốt dòng lịch sử 4.000 năm văn hiến, Việt Nam luôn phải đối kháng với kẻ thù tàn bạo, tham lam phương Bắc. Biết bao thế hệ Tiền nhân, các bậc Cha ông, Anh hùng Liệt nữ đã và đang đổ mồ hôi, nước mắt, máu xương để xây dựng, chiến đấu kiên cường, bảo vệ và tô điểm giang sơn gấm vóc cho con cháu thừa hưởng ngày nay. Chúng con xin Thành kính Đốt nén Hương lòng Tri ân và Tưởng niệm.

Cố đô Huế

Đền Huyền Trân Công Chúa, Huế

Vùng đất Thừa Thiên Huế ngày xưa là một phần của hai châu Ô và Rí của Chiêm Thành, nhưng kể từ năm 1307 đã chuyển nhập hòa bình vào Đất Mẹ Việt Nam. Công lao lớn lao đó là nhờ Thượng hoàng Trần Nhân Tông và triều đình nhà Trần đã đồng ý gã Công chúa Huyền Trân cho Vua Chiêm Thành là Chế Mân; và Vua Chế Mân đã dâng hai châu Ô và Rí cho Đại Việt làm sính lễ. Tất nhiên, phải kể đến công ơn của Công chúa Huyền Trân trong việc thắt chặt tình hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Chiêm Thành.

Sính lễ hai châu ngàn thuở hưởng
Giai nhân muôn dặm một đời đau.

(Thơ Ngô Thì Nhậm)

Để tỏ lòng Tri ân, người dân xứ Huế đã trang trọng xây dựng Đền Huyền Trân Công Chúa có không gian rộng đến 28,5 mẫu, nằm dưới chân núi Ngũ Phong. Địa chỉ: 151 Thiên Thai, An Tây, thành phố Huế. Địa hình thoai thoải kéo dài từ chân núi lên đến đỉnh, có rừng thông xung quanh, bốn mặt là đồi núi trùng điệp. Đứng trên đỉnh núi có thể nhìn thấy một khoảng không gian bao la, và phía xa xa là cả thành phố Huế. Đền Huyền Trân Công Chúa nhanh chóng trở thành một cảnh quan du lịch tâm linh như nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng quốc tế khác tại Cố đô.

Cố đô Huế cũng đang mở rộng diện tích, dân cư và phát triển đô thị theo phương châm “Hài hòa với môi trường, có cảnh quan thiên nhiên đồng bộ với quần thể di sản cố đô” để trở thành một thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025.

Là con dân xứ Huế và đã một thời gắn bó với các hoạt động tuổi xuân ở Huế, Thông Đạo rất vui mừng cảm động trước những chuyển biến tốt đẹp của Cố đô.

Chùa Phước Linh

Đại lễ Lạc thành Trùng tu chùa Phước LInh

Chùa Phước Linh là ngôi chùa Làng, có tên là chùa Linh Quang nhưng ít thông dụng. Vị trí chùa ở đầu làng, ngay ngã ba sông (nhỏ) nên rất thoáng đãng và thuận tiện đi lại. Địa chỉ: thôn Phước Linh, xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trước 1975, chùa được gọi là Khuôn hội Phật giáo Phước Linh, sau năm 1975 đổi thành Niệm Phật đường. Có Gia Đình Phật Tử Phước Linh sinh hoạt vũng chãi đã 59 năm. Qua nhiều lần tu sửa, chùa nay đã khang trang, phía trước có tượng đài Quán Thế Âm Bồ Tát thật trang nghiêm.

Trước đây làng có mời Đại đức Thích Minh Thủ, là con cháu của làng xuất gia tu học tại Sài Gòn, về chăm sóc và hướng dẫn tu tập tại chùa. Sau này Thầy Thích Minh Thủ lớn tuổi, sức khỏe yếu nên Thầy giới thiệu Đại đức Thích Hương Ý về Trụ trì chùa và đã được dân làng đồng thuận.

Làng Phước Linh có lịch sử đã trên 400 năm nên Chùa làng cũng đã có lịch sử lâu dài. Biết bao thế hệ dân làng và đạo hữu đã đến chùa lạy Phật, sám hối, tụng kinh, tu tập. Biết bao công đức của Quá cố Hội viên và Thập phương Thiên tín Cúng dường. Xin được đăng bài viết sau đây để ôn lại một chặng đường đã trải qua.

O Nhớ, Mẹ, Khánh Hiền, Ni sư Như Minh, Ni sư Minh Đức, o Huế

Mỗi Biến Kinh Cúng Dường 1 Đồng Bạc

Năm 1982, ngôi chùa nhỏ làng chúng con tại Phước Linh, xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên, mong cầu thỉnh tôn tượng Bồ Tát Quán Thế Âm về an vị. Bức tranh thờ Ngài trước đó từ tờ lịch treo tường, qua thời gian mưa gió ẩm ướt, hư rách đã lâu. Bấy giờ đạo hữu cực khổ quá, cơm còn chưa đủ ăn, nói gì đến chuyện quyên góp 200 đồng, mỗi đồng trị giá 1/2 lon gạo, để thỉnh lại pho tượng Bồ Tát trong một tư gia.

Nhớ hạnh Ngài là thiên thủ thiên nhãn, chúng con cùng bàn bạc với nhau và đồng phát nguyện trì tụng 1.000 biến Kinh Phổ Môn tại chùa. Ngày tụng kinh ăn chay và cúng dường 1 đồng bạc vào thùng Phước sương. Ai tụng thì ghi tên vào cuốn sổ, thỉnh thoảng đọc lên để sách tấn lẫn nhau. Vào ngày Vía Bồ Tát Quán Thế Âm Đản Sanh 19 tháng 2 năm Nhâm Tuất (1982), đạo hữu và bà con trong làng đến chùa làm lễ Phát nguyện và Khai kinh. Buổi lễ đơn sơ mà thiết tha, có Sư Cô Thích Nữ Như Minh từ chùa Tây Linh, Thành Nội Huế, về Chủ lễ.

Sau thời kinh Phổ Môn đầu tiên, Sư Cô Như Minh cho biết quý đạo hữu chùa Tây Linh rất tán thán tâm nguyện của quý đạo hữu chùa Phước Linh, nguyện tùy hỷ công đức ăn chay để tụng 108 biến kinh Phổ Môn, nhưng xin tụng tại chùa Tây Linh vì ở xa quá, và xin ứng trước 108 đồng! Quý đạo hữu hôm đó cũng cúng dường được 75 đồng, cọng lại là 183 đồng, tương đương 91 lon gạo trong hoàn cảnh khốn khó. Thật vô cùng cảm động và tròn đầy tin tưởng. Hôm ấy trời se lạnh, nhưng trong lòng ai cũng ấm áp đạo tình.

Không ngờ Pháp môn nầy lại linh nghiệm. Bà con trong làng, trong xã và nhiều nơi xa nghe tin cũng đến hộ niệm, trong đó có Nhóm Từ Thiện Bác Siêu, làm cho sinh hoạt buồn tẻ của ngôi chùa quê trở nên sinh động, đông vui. Nhiều cụ bà ngưng việc dầm mình duới sông bắt cá vào ngày rằm và mồng một để vào chùa lễ Phật, không đọc được chữ mà thành kính nghe kinh cũng kể là thọ trì một biến Phổ Môn.

Rồi nhiều người hoan hỷ ủng hộ tịnh tài. Sư Cô Thích Nữ Như Đạt chùa An Hòa giới thiệu bổn đạo cúng dường hai pho tượng Quán Thế Âm và Địa Tạng cao 0,8 mét. Vậy là Kinh tụng chưa xong mà tượng Bồ Tát đã về Chùa! Hai pho tượng được an vị trên án thờ để trống từ lâu, phía hai bên tôn tượng đức Bổn Sư bằng đồng, trông thật hài hòa trang nghiêm. Biết bao giọt nước mắt xúc cảm trước sự cảm ứng nhiệm mầu này!

Từ loay hoay với con số 200 đồng, nay tịnh tài thập phương tùy hỷ lên đến 4.500 đồng trong vòng 6 tháng, chỉ nhờ chí thành tụng 1.000 biến Kinh Phổ Môn! Hai tôn tượng cũng đã an trí trong 2 chậu kính thật trang trọng.

Buổi lễ An vị Hai Tôn tượng do Thượng tọa Thích Thanh Trí, chùa  Bảo Quốc, và chư Tôn đức Tỉnh Giáo hội về chứng minh hộ niệm, cùng quý đạo hữu nhiều nơi đến tham dự đông vui. Có đạo hữu Tâm Thành tại Vỹ Dạ phát tâm cúng lễ Trai Tăng. Nghĩ lại hoàn cảnh nửa năm trước, không ai có thể tưởng tượng được thành tựu bất khả tư nghì như vậy.

Quan trọng hơn nữa là nếp sống tâm linh chuyển hóa rõ rệt, không những cho người dân địa phương mà còn lan tỏa đến nhiều vùng lân cận. Các Phật sự khởi sắc của chùa Phước Linh và Gia Đình Phật Tử Phước Linh nhiều năm sau đó cũng chính là hoa trái của hạt giống thọ trì 1.000 biến Kinh Phổ Môn. Phật sự hoàn mãn trước hết là nhờ sự đồng tâm tin tưởng và tha thiết chí thành của người dân lành. Nhưng cũng là sự cảm ứng mầu nhiệm như lời dân gian ca ngợi Bồ Tát Quán Thế Âm: “Có cầu tức có ứng, có cảm thì có thông, không nguyện nào chẳng thành”.                                                                                                

Nguyên Thành, 2009

2 bình luận trong “NIỆM ÂN”

  1. Chú kính mến
    Được vào webpage Thongdao.com để tìm hiểu thêm về đường đời đường đạo của người Chú lúc nào cũng hiền hòa dịu nhẹ, lo lắng cho người khác với một nhân cách đáng nể và đầy nghị lực…Thật là một hân hạnh cho cháu để đọc và viết gửi đến Chú . Tấm hình lúc chú đứng chắp tay bên tượng Đức Phật Quán thế âm ở làng có em Quang cùng đứng chắp tay sao mà đẹp trang nghiêm : dáng đứng thẳng vững gương mặt toát lên nét trẻ kiên định để cống hiến cho đời và niềm tin hết lòng vào Ngài Quán Thế Âm Bồ tát… Hình ảnh vừa đẹp nhân diện vừa toát nhân cách Phật Tử Bi -Trí- Dũng đó Chú , nếu cháu nhớ không lầm Chú đáng là 1 Huynh trưởng GĐ PT. Cháu cũng nhớ 1 bức hình nhỏ chân dung chú ơ Album gia đình cháu ,chú mặc đồ sĩ quan có dây vai nón thật oai hùng ,chúng cháu thích mở ra coi mãi …
    Cháu vào đọc bài nơi cột Quê hương và thích câu thơ của Ngô Thì Nhậm:
    “Sính lễ hai châu ngàn thuở hưởng
    Giai nhân muôn dặm một đời đau ”
    Lịch sử có những điều ngậm ngùi; những nhân vật lịch sử cũng có những hi sinh và eo le trong số phận cho người đời sau mãi ghi nhớ, bình phẩm phải không thưa Chú? Tên tuổi ,chuyện hôn nhân của Công chúa Huyền Trân gắn với lịch sử của Thuận Hóa Huế và Vua Chiêm cùng dân tộc Chiêm Thành . Tất cả trong một mắt xích quan trọng- định mệnh của lịch sử: từ tình riêng mà thành nên tình yêu lớn hi sinh cho nước nhà…Theo thiển ý của riêng cháu, chúng ta chỉ dám biểu cảm cá nhân, đâu dám kết án hay phân tích bởi vì bánh xe lịch sử quay cuốn theo hệ lụy và số phận cuộc đời bao người theo vòng quay tít vỹ đại không dừng của nó. Điều đáng nói là có cảm nhận chứ không thờ ơ; biết vì đâu -tại sao ,biết xúc động tri ân.
    Cháu đã từng ngắm những tháp Chàm nổi bật in trên nền trời hoàng hôn miền trung khi những lần trên tàu hỏa ra vào Huế- Sài gòn và đã suy gẫm tức cảnh viết về Đồ Bàn trong 2 bài thơ này: Thương cảm Đồ Bàn 1 và 2.

    Cháu rất yêu quý lịch sử Huế quê hương có những giai đoạn biến động đau thương bi kịch với những con người hi sinh cống hiến cho giống nòi ,những con người kiên định nghị lực tuyệt vời ,trí tuệ và tình cảm đáng qui mà Chú Phô thân yêu là một người như thế. Xin cảm tạ vô cùng ơn Trời Phật , số phận và tri ân Cha Mẹ đã cho cháu được sanh ra là một người Huế trong dòng họ Trần Duy, nơi có một người Chú xuất gia trong những người đàn ông Phật tử hiền lành của dòng họ. Cháu vẫn còn giữ cảm xúc khi về thăm quê cha; ngồi trước hiên nhà Từ đường trong những ngày mưa triền miên rã rích nơi làng Phước Linh nhìn những cánh đồng dưới con mưa , tre uốn cong cành kẻo kẹt trước gió. Và ngọn cờ Ngũ sắc có chữ “TRẦN ” màu sắc bay phần phật trong mưa gió. Một hình ảnh đẹp ấn tượng cháu nhớ hoài. Kính mong Chú sẽ bước tiếp đường đạo song hành đường đời với tình yêu quê hương trong tâm ,tình thương bất tận với nhân thế mà cháu cũng luôn cố giữ để vượt qua muôn khó khăn đời sống, thử thách nơi xứ người…
    Những cảm nhận được viết dưới lăng kính của một đứa cháu yêu quê hương gia tộc và thi ca, lịch sử.
    Kính mến
    Trần Thị Kim Chi

  2. Thương cảm Đồ Bàn
    I/
    Người đi dọc miền trung sõi đá
    Tìm trong hồn đất âm vang Chà Bàn
    Những tháp Chàm ngàn năm sừng sững
    vững bền đứng đó dẫu thời gian

    Sính lễ xưa là hai Châu Ô -Rí
    Tặng cho Việt vương để được Huyền Trân
    Nàng công chúa diễm kiều cao quý
    Lệ ngọc ngà xa giá theo Chế Mân

    Apsara Champa duyên dáng
    Kìa chân cong ,tay uốn, mình nghiêng
    Ôi nhịp nhàng dịu mềm uyển chuyển
    Là Chiêm dân hồn sử nhạc thiêng

    Nhưng đáng thương giống nòi Chăm pa ấy
    Người hiền hòa sao lịch sử đau thương
    Đất đã dâng, nước không còn, văn hóa diệt
    Gọi Đồ Bàn còn vọng tiếng thê lương…

    Lần về thăm Mỹ sơn Thánh địa
    Hồn hoang sơ trong tháp cổ u hoài
    Cúi mặt lệ rơi thương dân tộc ấy
    Sống còn chăng hởi giống dân Hời?!
    9.22.19
    Kct

    2 /Đất của người đã thuộc đất của ta
    Chuyện tự ngày xưa có nhạt nhòa?!

    Mấy ai ngoái lòng: niềm cảm- tiếc

    Nước sông trong – hay nước mắt Chăm pa.

    Binh đội Chiêm thành xưa hiếu chiến

    Lo đi xâm hấn, đánh láng giềng *

    Đâu hay Nhân -Quả tuần hoàn lại :

    dân tộc tiêu vong, nước xóa tên.

    Bánh xe lịch sử làm sao ngăn

    Cha ông ta mở cõi- tiến về Nam

    Lấy đất của người – rồi nhận Nghiệp

    Bao nước ngoại bang đến xâm lăng…

    Huế đẹp, lòng ai nhớ chuyện xưa :

    Ô- Lý cổ danh vẫn chưa nhòa …

    Nguyện cầu dân ta trả xong Nghiệp

    đừng diệt vong, bi khổ tợ Chăm pa!

Chức năng bình luận bị tắt.