(Sáu mẩu chuyện đầu tiên trích từ Nghiên Cứu Về Thiền Uyển Tập Anh cho thấy: Chư tôn Thiền đức Việt Nam có nhiều bậc Đạo Cao Đức Trọng Quỷ Thần kính sợ, không khác gì chư Tôn đức Trung Hoa, Nhật Bản, Ấn Độ, Tây Tạng)
Thiền Sư Ma Ha
Chùa Quan Ái, làng Đào Gia, xã Cổ Miệt, Hải Dương. Tổ Tiên là người Chiêm Thành, sau mạo tánh họ Dương. Cha tên Bối Đà, rành về sách bối, làm quan dưới triều Lê coi về lễ nhạc Phật Giáo. Lớn lên, Sư là người có hiểu biết thấu đáo mọi việc, học thông cả hai ngôn ngữ Hán và Phạn. Năm 24 tuổi, Sư nối nghiệp cha, tiếp tục trụ trì ngôi chùa cũ. Thường vào những lúc diễn tập lễ nhạc, Sư thấy Hộ Pháp, Thiện Thần quở rằng: “Sao dùng cái học bên ngoài đó, chắc chắn không hiểu được nghĩa lý”. Sư do đó bị mù, rất tự hối lỗi. Khi sắp gieo mình xuống vực sâu mà chết thì gặp Viễn Biệt chùa Đông Lâm ngăn rằng: “Đừng! Đừng!”. Sư nghe lời đó liền tỉnh ngộ.
Về sau, Sư đến chùa Cổ Sơn thọ giáo với Pháp sư Đỗ Pháp Thuận. Sư chuyên việc sám hối và trì tụng Đại Bi Tâm Chú, trải ba năm chưa từng một chút biếng trễ. Sư được Bồ Tát Quán Thế Âm lấy nước sạch cành dương rưới lên đầu mặt, mắt bỗng nhiên sáng lại và lòng càng thêm thanh tịnh. Năm Thuận Thiên thứ 5 (1014), Sư dời về ở núi Đạt Vân tại Trường An, ngày ngày siêng năng tu tập, đạt được Tổng Trì tam muội và các ảo thuật, người đời không lường nổi.
Hoàng Đế Lê Đại Hành ba lần mời Sư vào cung thưa hỏi, Sư chỉ chấp tay cúi đầu mà thôi. Bắt đến lần thứ ba, Sư mới đáp: “Cuồng Tăng ở chùa Quan Ái”. Vua cả giận, sai giam Sư ở chùa Vạn Tuế trong đại nội, cho người khóa cửa canh gác. Đến sáng thì đã thấy Sư ở ngoài phòng Tăng mà cửa vẫn khóa kín như cũ. Vua rất ngạc nhiên, bèn cho phép Sư đi đâu thì đi. Sư đi về phía Nam đến Ái Châu, ở trấn Sa Đảng. Phong tục trấn ấy ưa thờ cúng quỷ thần, lại chuyên nghề sát sinh. Sư khuyên họ ăn chay, họ đều nói: “Thiên thần của chúng tôi, họa phước không dám trái”. Sư bảo: “Các ngươi nếu có thể bỏ ác làm lành, giả như có quỷ thần gây hại, lão Tăng sẽ tự chịu thế cho”.Dân làng thưa: “Gần đây có người bệnh lâu sắp chết, thầy thuốc, đồng bóng đều bó tay. Nếu ông chữa được bệnh này, chúng tôi sẽ theo lời khuyên”. Sư bèn lấy nước đọc chú rồi phun vào, người bệnh tức khắc bớt ngay. Họ tuy cảm phục nhưng thói cũ ăn sâu, chưa thể chóng đổi.
Có hương hào họ Ngô, nhân uống rượu say, đem rượu thịt đến trước mặt ép Sư:“Hoà Thượng có thể theo được cuộc vui này thì chúng tôi sẽ tuân theo lời ngài dạy”. Sư bảo: “Đã mời thì chẳng dám từ, chỉ sợ đau bụng đấy thôi”. Họ Ngô mừng thưa: “Có đau thì Ngô tôi tự thay cho”. Sư nhận lời làm theo, rồi bỗng giả bộ làm bụng sình to, trong bụng tiếng sôi như sấm, hơi thở hào hển, van to: “Ông Ngô đâu chịu thay cho ta”. Họ Ngô xanh mặt, chẳng biết làm gì. Sư tự chấp tay niệm: “Nam Mô Phật, Nam Mô Pháp, Nam Mô Tăng, cứu con với”. Giây lát, bèn mửa ra thịt thì biến thành thú chạy, cá thì thành cá nhảy, rượu thì hóa ra nước đồng. Mọi người rất kinh hãi. Sư bảo: “Thân các ngươi bị bệnh, theo ta thì lành ngay. Đến khi ta đau bụng, các ngươi không thay thế ta được. Các ngươi nay chịu theo lời dạy của ta chưa?” Tất cả dân làng đều bái tạ xin vâng.
Năm Thiên Thành thứ 2 (1029), Đô Úy Nguyễn Quang Lỵ thỉnh Sư trụ trì chùa Khai Thiên ở phủ Thái Bình. Được sáu năm, Sư lại từ chức lui về Hoan Châu. Sau không biết Sư mất ở đâu.
Thiền Sư Vạn Hạnh (?-1025)
Chùa Lục Tổ, làng Dịch Bảng, phủ Thiên Đức. Người Cổ Pháp, họ Nguyễn. Gia đình đời đời thờ Phật. Thuở nhỏ Sư đã khác thường, gồm thông ba học, nghiên cứu trăm luận, xem thường công danh. Năm 21 tuổi xuất gia, cùng với Định Huệ thờ Thiền Ông chùa Lục Tổ làm Thầy. Ngoài lúc hầu hạ, Sư học tập quên cả mệt mỏi. Sau khi Thiền Ông viên tịch, Sư chuyên tập Pháp môn Tổng Trì tam ma địa, lấy đó làm việc riêng mình. Bấy giờ Sư nói ra lời nào thiên hạ đều cho là phù sấm. Hoàng đế Lê Đại Hành hết lòng tôn kính Sư.
Năm Thiên Phúc thứ nhất (980) tướng Tống là Hầu Nhân Bảo kéo quân sang cướp nước ta, đóng quân tại Cương Giáp, Lãng Sơn. Vua mời Sư đến, đem chuyện thắng bại ra hỏi, Sư đáp: “Trong vòng 3, 7 ngày giặc phải lui”. Sau quả nhiên như thế. Đến khi vua muốn đánh Chiêm Thành, việc bàn định chưa dứt khoát, Sư tâu: “Xin mau cất binh, nếu không, ắt mất cơ hội”. Sau đánh quả nhiên thắng trận.
Bấy giờ Ngọa Triều bạo ngược, trời người oán ghét. Lý Thái Tổ khi ấy giữ chức Thân Vệ. Trong khoảng thời gian này, những điều tốt xấu đều xuất hiện lẫn lộn nhau. Những việc mà tùy theo chỗ tai nghe mắt thấy, Sư đã xét bàn thì mỗi mỗi phù hợp với điềm Lê diệt, Lý hưng. Vì vậy, ngày Lý Thái Tổ lên ngôi, Sư ở tại chùa Lục Tổ đã biết trước. Đến ngày 15 tháng 5 năm Thuận Thiên thứ 16 (1025), Sư không bệnh, nói bài kệ:
Thân như bóng chớp có rồi không Cây cỏ xuân tươi thu héo hon Tùy vận thịnh suy không hãi sợ Thịnh suy đầu cỏ có phơi sương”. Nói xong giây lát thì tịch.
Vua Lý Nhân Tông có bài kệ truy tặng rằng:
“Vạn Hạnh dung ba cõi Thật hiệp lời sấm xưa Quê hương tên Cổ Pháp Chống gậy trấn kinh đô
Thiền Sư Đạo Hạnh (? – 1117)
Chùa Thiên Phúc, núi Phật Tích, họ Từ, tên Lộ. Cha là Vinh, làm quan tới chức Tăng Quan Đô Án. Mẹ họ Tăng, quê tại làng An Lãng. Lớn lên, Sư thi đậu Tăng Quan khoa Bạch Liên. Chẳng bao lâu cha Sư là Vinh dùng tà thuật làm mất lòng Diên Thành Hầu. Hầu nhờ pháp sư Đại Điên dùng phép đánh chết, ném xác xuống sông Tô Lịch. Xác trôi đến cầu Quyết là chỗ nhà Hầu, bỗng đứng thẳng lên mà chỉ tay vào nhà, suốt ngày không đi. Hầu sợ, đi báo cho Đại Điên. Đại Điên đến nơi, đọc một câu kệ: “Tănggiận không cách đêm”. Đọc xong, xác nằm xuống, trôi đi.
Sư nghĩ cách phục thù cho cha, nhưng tìm kế không ra. Một hôm, Sư rình Điên đi khỏi nhà, muốn đánh lén, chợt nghe trên không có tiếng la: “Đừng! Đừng!”. Sư sợ hãi vứt cây mà chạy. Sư muốn sang Ấn Độ, tìm học phép linh dị để chống lại Đại Điên. Đi đến xứ Mọi răng vàng, đường xá hiểm trở, Sư bèn trở về ẩn tại núi ấy. Hằng ngày chuyên tụng Đại Bi Tâm Đà La Ni đủ 10 vạn 8 ngàn biến.
Một hôm Sư thấy thần nhân đến trước mặt mình nói: “Đệ tử là Tứ Trấn Thiên Vương, cảm công đức trì chú của Sư, nên đến đây xin hầu để Sư sai bảo”. Sư biết pháp của mình đã thành, có thể trả thù cha nên mới đến bến Quyết, cầm gậy, thử ném xuống dòng nước chảy xiết, gậy trôi ngược dòng như con rồng, đến cầu Tây Dương dừng lại. Sư mừng nói: “Pháp ta thắng rồi”. Bèn đến thẳng chỗ Đại Điên. Điên thấy nói: “Ngươi không nhớ việc ngày trước sao”? Sư ngửa mặt lên nhìn trời, lặng lẽ không thấy gì, nhân đó đánh mạnh, Đại Điên phát bệnh chết. Từ đấy oán xưa rửa sạch, niệm tục tiêu tan.
Sư dạo khắp tùng lâm, hỏi xin ấn chứng. Sư đến Pháp hội của Sùng Phạm chùa Pháp Vân hỏi: “Thế nào là chân tâm?”. Phạm hỏi lại: “Cái gì chẳng phải là chân tâm?”. Sư tỉnh ngộ, nói: “Làm thế nào bảo đảm?”. Phạm đáp: “Đói ăn, khát uống”. Sư lễ tạ, từ giã ra đi. Từ đấy pháp lực có thêm, duyên thiền càng thục, có thể sai rắn núi, thú rừng, họp nhau đến chịu thần phục. Sư đốt ngón tay cầu mưa, đọc chú dùng nước chữa bệnh, không gì là không tức khắc ứng nghiệm. Có vị Tăng hỏi: “Đi, đứng, nằm, ngồi đều là tâm Phật, thế nào là tâm Phật?”. Sư dạy bài kệ:
Tạo có, mảy may có Làm không, tất cả không Có không như trăng nước Chớ vướng có không không
Thiền Sư Không Lộ (? – 1119)
Người Nghiêm Quang, Hải Thanh, họ Dương. Dòng dõi làm nghề chài, sau bỏ nghề chài, hướng lòng theo Phật, thường trì tụng Đà La Ni môn. Trong khoảng Chương Thánh Gia Khánh (1059 – 1065) cùng bạn đạo là Giác Hải cất bước vân du, tạm đến chùa Hà Trạch nương thân, mặc áo cỏ, ăn lá cây, đến nỗi quên chính thân mình. Ngoài dứt ruỗi dong, trong tu thiền định, tâm thần tai mắt ngày một nhẹ nhàng, bèn bay lên không, đi trên nước, làm cọp nép, kêu rồng xuống, muôn quái nghìn kỳ, người không lường nổi. Sau Sư về quận mình lập chùa. Sư thường nói kệ rằng:
Chọn chỗ đáng nương, đất rắn rồng, Tình quê suốt buổi mãi vui rong Có khi lên thẳng đầu non quạnh Huýt một hơi dài lạnh cõi không
Thiền Sư Nguyện Học (?- 1181)
Chùa Quảng Báo, làng Chân Hộ, Như Nguyệt. Người Phù Cẩm, họ Nguyễn. Thuở nhỏ Sư thọ pháp với Viên Trí chùa Mật Nghiêm. Khi được yếu chỉ, Sư đến ẩn ở núi Vệ Linh chuyên tu phạm hạnh trải 12 năm. Mỗi khi nhập thiền quán đến 3 ngày mới dậy. Sư thường trì Hương Hải Đại Bi Đà La Ni, nên việc cầu mưa, trị bệnh, không việc gì là không hiệu nghiệm tức khắc. Vua Lý Anh Tông thấy các điều thần hiệu của Sư, ban chiếu cho vào ra cung cấm, để dùng chú chữa bệnh. Sau Sư cáo lão về trụ trì chùa Quảng Báo. Môn đồ không dưới 100 người.
Thiền Sư Tịnh Giới (?- 1207)
Chùa Quốc Thanh, núi Bí Linh, phủ Nghệ An. Người Mão hương, Ngưng Giang, Lô Hải, họ Chu, tên Hải Ngung. Xuất thân hàn vi, nhưng tính tình thuần hậu. Lúc nhỏ theo học chữ Nho. Đến năm 26 tuổi Sư mang bệnh, mộng thấy thiên thần cho thuốc, tỉnh giấc bệnh lành ngay. Sư bèn quyết chí xuất gia. Năm 1173, Sư được Thiền sư Bảo Giác truyền Pháp cụ. Từ đấy, Sư tùy phương giáo hóa, dần dần đến chùa Quốc Thanh, dừng lại ở đó cấm túc 6 năm, tu hạnh đầu đà, nên hàng long phục hổ, cảm hóa như thần.
Mùa hè năm Trinh Phù thứ 2, gặp hạn, vua ban chiếu cho danh Tăng khắp thiên hạ cầu mưa, nhưng không ứng nghiệm. Vua Lý Cao Tôn, lâu nghe danh Sư, sai sứ đón về chùa Báo Thiên ở kinh đô. Nửa đêm, Sư đứng giữa sân đốt hương, trời bèn mưa xuống. Vua rất khen sủng, thường gọi là Thầy Mưa. Nhân đó triệu vào điện, hỏi các Pháp yếu, ban thưởng rất hậu. Năm Trinh Phù thứ 4 (1174), chùa Chân Giáo, núi Vạn Bảo hoàn thành. Vua cho mời các bậc kỳ túc đến làm lễ khánh thành. Sư vâng chiếu vào triều, ngụ tại gác Lâm Tiêu. Bấy giờ trời bắt đầu mưa ròng rã, đường sá lầy lội, phương hại đến việc lễ hội, Sư khấn, liền tạnh. Hội xong 7 ngày thì trời lại mưa như xưa.
Sư trở về làng cũ trùng tu chùa Quảng Thánh và quyên tiền đúc chuông. Trong khi đốt lò thì mây kéo đến muốn mưa, Sư đứng giữa sân, dộng gậy trừng mắt giây lát, trời lại quang tạnh. Sau này, trải bao binh lửa, nhưng chuông Sư đúc đến nay vẫn còn. Rồi Sư trở về chùa cũ dạy dỗ học trò.
Chùa Diên Hựu (Chùa Một Cột)
Vua Lý Thái Tông (1000-1054) húy Phật Mã, là bậc minh quân thứ hai triều nhà Lý, cũng là người kính mộ đạo Phật. Vua nhân từ, thông hiểu đại lược văn võ, xông pha chiến trường nhiều phen, giữ yên bờ cõi. Vua xây dựng kinh thành, ấn định phẩm phục triều đình, ban hành luật lệ trong nước, cho đào kênh Đãn Nãi dẫn nước vào ruộng, xây dựng nhiều chùa, quán ở các làng ấp, đúc chuông và tượng Phật, đại xá thiên hạ nhiều lần. Lại cho xây Phòng Lưu Trữ Kinh tại chùa Trùng Khánh, núi Tiên Du (Hà Bắc), thỉnh Kinh Đại Tạng từ Trung Quốc về, xuống chiếu sao chép kinh Đại Tạng.
Dưới triều đại Vua, năm 1034, hai Thiền sư Nghiêm Bảo Tính và Phạm Minh Tâm, sau khi giảng Kinh Pháp Hoa tại kinh đô, đã dùng Hỏa Quang Định khiến cho thân thể bốc lửa, thiêu thân cúng dường Phật Pháp, cháy kết thành ra thất bảo. Vua xuống chiếu đem thất bảo ấy thờ ở chùa Trường Thánh. Vua cho là việc linh dịệu nên đổi niên hiệu làm Thông Thụy. Cùng năm ấy Sư Hưu ở chùa Pháp Vân, châu Cổ Pháp, tâu rằng trong chùa phát ra mấy tia sáng. Theo chỗ ánh sáng đào xuống thấy một cái hộp bằng đá, bên trong có hộp bằng bạc, trong hộp bằng bạc có hộp bằng vàng, trong hộp vàng có bình lưu ly, trong bình có xá lợi. Vua sai rước vào cấm điện, xem xong rồi trả lại chùa.
Tháng 10 năm Kỷ Sửu (1049), vua cho xây chùa Diên Hựu tại kinh đô Thăng Long. Trước đây, vua chiêm bao thấy Phật Quan Âm ngồi trên tòa sen, dắt vua lên tòa. Khi tỉnh dậy, vua đem việc ấy nói với quần thần, có người cho là điềm không lành. Sư Thiền Tuệ khuyên vua làm chùa dựng cột đá ở giữa ao làm tòa sen của Phật Quan Âm ở trên cột, giống như đã trông thấy trong mộng, thỉnh các nhà Sư đi chung quanh tụng kinh cầu cho vua sống lâu. Vì thế gọi là chùa Diên Hựu.
(Ngô Sĩ Liên, Lê, Phan, Vũ, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Tập 1, trang 283-324)
Thoát Nạn Chết Khát Giữa Sa Mạc
Vào đầu thế kỷ thứ bảy, Ngài Huyền Trang từ Trung Quốc một mình một ngựa vượt sa mạc Gobi dài 800 dặm sang Ấn Độ thỉnh kinh. Đường đi nguy hiểm không một giọt nước, không một bóng cây ngọn cỏ, không một dấu chân chim hay thú, chỉ có cát bay mù mịt cả đất trời và nóng như lửa. Không may, Ngài bị lạc đường.
Sự mệt mỏi đã làm Ngài đuối sức và làm đổ cả túi nước quý giá mang theo. Ngài phải chịu đựng sự khát khô cháy cả cổ họng và cơ thể, mắt khô không mở ra được. Cả người lẫn ngựa gục ngã sau năm ngày đêm chịu đựng, nhưng Ngài vẫn không ngừng niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm cầu gia hộ.
Vào nửa đêm thứ năm, bỗng một cơn gió mát thổi đến như một thùng nước lạnh dội lên toàn thân làm Ngài tỉnh táo và cảm thấy sức khỏe dần dần hồi phục. Đang nằm thiu thỉu ngủ bỗng Ngài thấy một người cao lớn dị thường, tay nắm cờ, tay nắm giáo đứng trước mặt, nạt lớn:
– Tại sao không mau tinh tấn lên đường mà còn nằm ngủ nữa!
Con ngựa cũng khỏe trở lại và hăng hái lên đường, giúp Ngài tìm ra nơi có nước ngọt, cỏ xanh và sự sống để tiếp tục con đường thỉnh kinh làm lợi lạc cho chúng sanh.
Võ Đình Cường
(Đường Tam Tạng Thỉnh Kinh)
Sống Giữa Bầy Rắn Độc
Cố Hòa thượng Thích Thiền Tâm là một bậc Cao Tăng đương đại hoằng dương Pháp môn Tịnh Độ, nhưng Ngài vẫn áp dụng Thiền Tịnh Mật đồng tu. Ngoài việc góp phần chấn hưng Phật giáo, đào tạo Tăng tài, nhiếp chúng độ sanh, tâm từ của Ngài còn lân mẫn đến các giới vô hình, đặc biệt là cảm hóa các loài rắn như câu chuyện dưới đây, do Ngài kể lại cho đệ tử là Ni sư Thanh Nguyệt và cháu là Đại đức Thích Hải Quang.
Năm 1968, Hòa thượng về ẩn tu tại thôn Phú An, tỉnh Lâm Đồng. Ngài gặp nhiều thứ rắn độc khác nhau, to thì cỡ bằng cột nhà, trung bình thì bằng bắp vế, nhỏ thì bằng bắp chân, cườm tay trở xuống. Đôi lúc làm vườn xong, đến khi trở vào thất thì thấy rắn quấn đuôi trên ngạch cửa thòng mình xuống, hả miệng, le lưỡi thở khè khè. Ban đầu thì Ngài cũng sợ, chần chờ không dám bước qua, nhưng rồi nghĩ không lẽ đứng ở ngoài sân hoài, hay là dùng cây đập đuổi thì gây thù oán. Thôi thì cứ niệm Phật mà bước ngang qua, rủi có bị nó cắn chết thì mình cũng quy Tây. Rồi Ngài nhiếp tâm niệm Phật và nghĩ đến phép “từ bi quán”, đoạn nhắm mắt, đi ngang qua cửa. Con rắn “đánh đu mình” qua bên nầy, bên kia phạm vào mắt, vào cổ lạnh ngắt, mà Ngài vẫn cứ làm tỉnh bước đi. Đến khi vào trong thất xong rồi, mới mở mắt nhìn lại thì nó cũng vừa buông mình ra, rớt xuống đất nghe một cái đụi rồi bò đi mất.
Lại có lần khác, sáng sớm thức dậy, vừa bước chân xuống đất thì Ngài có cảm giác như là đạp trúng phải vật gì tròn tròn và mềm mềm. Ngó xuống, té ra đó là một con rắn hổ đen thui, to bằng bắp chân, đang nằm khoanh một đống ở dưới chân giường! Ngài liền niệm A Di Đà Phật năm bảy câu rồi đứng chết trân tại chỗ chớ không dám nhúc nhích. Còn con rắn kia cũng không có phản ứng gì hung hăng. Y từ từ cất đầu lên, nhìn Ngài một hồi rồi le cái lưỡi đỏ lòm ra khè khè mấy cái, đoạn nằm im trở lại. Lúc đó Ngài mới dám bước đi, vừa mở cửa vừa niệm Phật mà bảo: Thôi sáng rồi, đạo hữu cũng nên về đi để cho Thầy còn niệm Phật nữa. Không dè y từ từ bung mình ra dài cả mấy thước, chầm chậm bò đến cửa một cách êm ái hòa bình, rồi ra ngoài rừng mất dạng.
Biết vùng này có nhiều loại rắn linh mến mộ tu hành, nên Ngài mới làm pháp “Du già thí thực”, hồi hướng công đức tu niệm của mình để bố thí đến cho loài rắn và nói: Vì khác loài nhau, nên từ nay nếu như quý vị muốn nghe Kinh Chú và niệm Phật để tu theo thì cứ ở ngoài sân chớ đừng vào trong thất của Thầy. Từ đó thì rắn không vào trong thất nữa. Có lần, Hòa thượng đang ngồi làm cỏ tranh bên cạnh một gò mối lớn phía sau thất, lúc quơ tay ra sau lưng để cầm cuốc thì Ngài lấy làm lạ mà nói trong bụng rằng: Ủa, sao bữa nay cái cán cuốc có vẻ là lạ và bự quá vậy? Ngài quay đầu ngó lại, thì té ra là mình đang nắm nhằm cần cổ của một con rắn to bằng bắp chân người lớn, màu đen có sọc vàng. Rắn ta bị nắm cổ nên hả miệng, le lưỡi ra khè khè năm sáu tiếng làm cho Ngài hết hồn vội vã buông tay ra và bước lùi lại phía sau, niệm Phật cả mấy chục câu rồi mới định thần được. Xong rồi, Ngài đứng ngó y ta một lúc và nói: Ủa nhà ngươi nằm sau lưng ta hồi nào vậy? Thôi hãy đi đi. Rắn ta cũng ngó Ngài một hồi, gật đầu mấy cái rồi bò ra phía sau gò mối.
Khuya lại, sau thời khóa trì niệm, Hòa thượng đang ngồi trên ghế nghỉ mệt, thì nghe bên ngoài có tiếng gõ cửa. Ngài đi ra mở cửa thì thấy trước thất của Ngài là hai người Thượng một nam, một nữ, tuổi chừng 50, dung mạo rất đơn sơ, mặt mũi sần sùi, da dẻ đen đúa, cả hai đều mặc quần áo màu chàm trông cũng rất sơ sài, đầu hơi nhọn, đi chân đất, bàn tay nhám nhúa giống như có vảy, đang chắp tay cúi đầu chào Ngài, miệng niệm Nam Mô A Di Đà Phật. Người đàn ông nói: Bạch Hòa thượng, hai vợ chồng con đến đây để xin lỗi Hòa thượng về chuyện đáng tiếc ban trưa, có đứa cháu nội đã làm cho Ngài giật mình. Xin Hòa thượng từ bi tha lỗi và cho vợ chồng con sám hối. Ngài lấy làm kỳ, mới hỏi: Cháu nội của hai vị hả, hồi nào? Nó bao nhiêu tuổi? Người đàn bà đáp: Kính bạch Hòa thượng, cháu trai của con là đứa bé hôm qua mặc áo quần đen, có sọc vàng, nằm hầu phía sau lưng của Ngài lúc Ngài làm vườn đó, cháu được 95 tuổi. Cố Hòa thượng giật mình, sửng sốt hỏi tiếp: Ủa, cháu nội mà được 95 tuổi thì hai vị đây bao nhiêu tuổi? Người đàn ông đáp: Dạ con được 842 tuổi và vợ của con 760.
Đến đây thì Hòa thượng đã biết họ là ai rồi, nên Ngài mới hỏi tiếp: Hai vị ở đâu tới đây? Người đàn ông thưa: Bạch Hòa thượng, chúng con ở Huỳnh Xà thôn nằm về phía Đông của thôn Phú An này, cách nơi đây khoảng 9 cây số, gia đình con có khoảng một ngàn người. Cố Hòa thượng gật đầu nói: Thôi hai vị yên lòng về đi, không sao đâu. Nghe Ngài bảo như vậy thì hai vợ chồng này đồng chấp tay cúi chào rồi quay lưng đi vòng ra sau thất. Ngài thấy khi họ ra đến phía sau rồi, cả hai người đồng hóa ra hai luồng ánh sáng màu vàng nhạt lớn bằng cườm tay, bay bổng lên không về hướng Đông đi mất.
Do đó nên Ngài biết rằng: Đứa bé 95 tuổi là con rắn ngày hôm qua đã làm cho mình hết hồn! Hai vợ chồng này là rắn Chúa. Hang ổ chính của chúng nằm về hướng Đông của thôn Phú An, cách đây 9 cây số. Có lẽ họ mới biết biến hình nên dung mạo còn thô sơ chớ chưa đẹp người. Và hơn nữa, chắc mỗi đêm họ ít nhiều cũng có đến đây nghe Kinh và tu theo nên mới có vẻ kính trọng mình và biết chắp tay niệm Phật như vậy.
Trích Vô Nhất Đại Sư, www.dharmasite.net/vonhatdaisu.htm
Khỏi Bị Trôi Giạt Ngoài Biển
Ở bờ biển Nha Trang, gần hòn đá chồng, có một hòn đảo bằng đá, trên có đất bằng độ ba sào. Đảo cách bờ biển khoảng 500 mét. Khi nước xuống thì lội nước đến ngực. Nhưng khi nước lên thì nước cao ngập đầu, phải đi ghe. Người ta gọi hòn đảo đó là Hòn Đỏ. Hòn Đỏ có một vị thầy về đấy lập thất tu. Lâu năm đã trở thành một ngôi chùa nhỏ. Thầy Trụ Trì ngôi chùa đó, hiệu là Thiện Ngộ. Thầy khoảng trên 50 tuổi, người ốm yếu mảnh khảnh, thường vô đất liền để làm Phật sự. Thầy có nuôi một chú Sa di, nhưng cho vào đất liền để đi học. Còn chùa có một mình thầy, rất đơn chiếc.
Một hôm vào mùa đông, thầy vào đất liền để mua sắm một vài thứ cần thiết, định chiều ngày mai sẽ trở về chùa. Nhưng đêm đó, trời đổ mưa lớn, nước nguồn về nhiều, nước biển dâng cao, sóng gió mạnh. Thuyền đánh cá của ngư dân, họ kéo lên bờ hết. Thầy nóng lòng muốn về chùa, nhưng không có thuyền ghe, sợ đi lâu có người lên đảo ăn trộm. Vì thế, thầy mạo hiểm, xin một miếng xốp cứng, lớn độ hai chiếc chiếu. Thầy thả trên đầu nước, dự định nước sẽ đưa miếng xốp tấp vào đảo. Nhưng không ngờ, miếng xốp đã trôi thẳng ra biển khơi, mỗi lúc mỗi xa, và mỗi lúc lại gần đến tử thần.
Gió lạnh, trời tối đen như mực. Bây giờ thì hết hy vọng. Thầy mới suy nghĩ, “Chỉ có cách niệm danh hiệu Đức Bồ Tát Quán Thế Âm, cầu mong sự cứu khổ cứu nạn của Ngài”. Thế rồi thầy niệm danh hiệu Bồ Tát một cách chí thành, tha thiết. Ngày thứ hai, sáng ra, thầy tiếp tục bềnh bồng trên mặt nước. Quần áo đã bị sóng đánh ướt hết. Phần đói khát, phần gió rét lạnh cóng. Nhưng thầy vẫn một lòng, niệm danh hiệu Bồ Tát một cách tha thiết. Rồi màn đêm phủ xuống. Miếng xốp lại trôi càng xa hơn ra ngoài khơi. Hình như có đèn của thủy quân. Thầy cất tiếng kêu to, nhưng không ai nghe. Thôi thì đành phó mặc cho số phận.
Bỗng miếng xốp đụng cái gì nghe một tiếng cộp. Rồi có nhiều ánh đèn bin rọi xuống. Họ thấy thầy, họ nói, “Vi Xi” (Việt Cộng). Thầy nói, “Không phải, tôi là người tu gặp nạn. Xin các ông cứu hộ dùm tôi”. Một lần nữa, họ nhìn kỹ và đưa thang dây xuống cho thầy leo vào, vịn chặt. Họ kéo thầy lên tàu thủy. Họ lấy quần áo, bảo thầy thay, và liệng quần áo ướt đã lên nhớt xuống biển. Họ nấu xúp cho thầy ăn. Qua hai ngày sau, họ chở vào và giao cho Hải Quân Việt Nam. Thầy được đưa lên bờ và trở lại chùa.
Thầy đến bàn thờ Quán Thế Âm qùy lạy: “Bồ Tát đã cứu độ con. Từ nay con càng tinh tấn tu tập hơn lên để tạ ơn Bồ Tát”. Chuyện này tôi được nghe kể trực tiếp từ Thầy Thiện Ngộ, Trụ Trì chùa Hòn Đỏ. Thầy cho biết thuyền vớt thầy chính là Hải Quân Mỹ. Đức Bồ Tát Quán Thế Âm linh thiêng, nhiệm mầu. Nếu khi gặp nạn, chí thành niệm danh hiệu Ngài thì sẽ được cảm ứng, cứu độ. Cổ đức làm bài tán:
Quán Âm Bồ Tát rất nhiệm mầu
Thanh tịnh trang nghiêm nhiều kiếp tu
Ngàn xứ kêu cầu đều cảm ứng
Là thuyền tế độ chốn khổ đau.
HT. Thích Tịnh Nghiêm (Góp Nhặt Lá Bồ Đề)
15 Người Bị Lật Xe
Ngày 30/12/2006 tại Nam California, trời mưa gió tầm tã, đài khí tượng cho hay thời tiết xấu, mây đen bao phủ bầu trời, có mưa rào và gió thổi mạnh từ 200 đến 300 miles / giờ. Chúng tôi 15 người gồm 5 nam, 4 nữ và 6 em bé từ 3 đến 16 tuổi, ngồi chung trên chiếc xe van 14 chỗ, tính luôn cả Nhật Huệ tôi làm tài xế. Trong số đó có 3 gia đình theo đức tin Tin Lành và Công giáo. Tất cả là những người tị nạn đến định cư tại Hoa Kỳ, mà Nhật Huệ là một nhân viên và hướng dẫn tinh thần tại Bắc California. Vì vậy Nhật Huệ phải thân hành lái xe từ thành phố San Jose đến Los Angeles, Nam California, để chở một số gia đình đến San Jose do chúng tôi sắp xếp và chỉ dẫn.
Đúng 6 giờ 15 sáng thì khởi hành, mọi người mang hành lý và lên xe đầy đủ. Trước khi cho nổ máy, Nhật Huệ tế nhị nhắc nhở mọi người rằng: “Thưa quý vị, tôi xin đề nghị là khi xe chạy, mọi người nên nghỉ ngơi hoặc ngủ, hoặc ngồi thật yên lặng để theo dõi hơi thở ra, vào với nụ cười thật vui, tươi, thoải mái, tràn đầy tỉnh thức và tin tưởng nơi đấng thiêng liêng mà mình hằng tưởng niệm tới. Người tin Chúa Ba Ngôi thì chúng ta niệm Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần. Người tin Phật thì niệm danh hiệu Đức Quán Thế Âm Bồ Tát để được các Ngài che chở cho chúng ta đi đến nơi, về đến chốn, tránh thoát được mọi hiểm nạn. Đức Quán Thế Âm là vị Bồ Tát có lòng thương lớn và có thần lực mầu nhiệm che chở cho chúng ta gặp mọi sự may mắn, an lành”.
Nói dứt lời, Nhật Huệ bấm nút mở máy cassette phát lời niệm Đức Quán Thế Âm Bồ Tát. Tiếng niệm phát ra từ băng cassette, cộng thêm tiếng niệm của hầu hết mọi người trong xe, tạo ra một âm thanh hùng lực, có một năng lực kỳ diệu. Tiếng niệm đều đều, có đệm tiếng nhạc, nên nghe rất thoải mái và ai cũng vui thích niệm theo. Cũng chính nhờ âm điệu niệm Đức Quán Thế Âm trầm bổng, thanh thoát này nên mọi người trên xe đều đi vào giấc ngủ ngon lành.
Là người có trách nhiệm cầm tay lái nên Nhật Huệ niệm lớn danh hiệu Ngài để khỏi buồn ngủ và để được tỉnh thức mà chạy xe. Khoảng 2 tiếng thì xe đã qua khỏi vùng các nông trại nuôi bò, trên Freeway 5 hướng về phía Bắc. Chiếc xe van màu trắng, hiệu Ford đời 2001 mà chúng tôi đang lái, vận tốc 75 miles / giờ, đột nhiên bị nổ một bánh trước, khiến xe lật quay đảo, chắn ngang Freeway 5, rồi chiếc xe quay một vòng nữa trước khi lật ngửa và tấp vào lề đường.
Trong giây phút chiếc xe bị tai nạn, tâm thức Nhật Huệ nghe một âm thanh rất dịu hiền, trong lành, đầy sức che chở: “Thầy hãy yên tâm, duy trì chánh niệm và theo dõi hơi thở. Thầy nên mỉm cười và tuyệt đối đừng để bất cứ một khởi niệm lo toan, tiêu cực nào chi phối. Chúng tôi, năng lượng của yêu thương, vô hình, đang che chở, bảo hộ Thầy và mọi người trên xe an toàn, thân tâm không bị thương tổn”. Trong giây phút phát ra âm thanh mầu nhiệm, ấm áp, an bình đó, Nhật Huệ cảm thấy thân hình mình như một đám mây nhẹ trôi trên bầu trời. Rồi ngay lúc ấy Nhật Huệ nhận thấy có mãnh lực một bàn tay vô hình, bung ra một tấm lụa trắng, rộng như tơ trời bao trùm lên toàn thân chúng tôi, và Nhật Huệ cảm thấy rất thoải mái, rồi thiếp vào giấc ngủ…
Sau khi tỉnh dậy thì Nhật Huệ mới biết là mình và những người cùng đi trên xe đang được điều dưỡng tại một bệnh viện trong thành phố Fresno, cách Freeway 5 chừng 15 phút lái xe. Bác sĩ và các y tá cho hay là tất cả chúng tôi đều bình yên vô sự, không một ai bị thương tích. Chiếc xe van thì bị hư hại 100%, nhưng được hãng bảo hiểm “tậu” cho chùa một chiếc xe van khác đời mới hơn. Hôm sau, nhân viên cảnh sát công lộ đưa chúng tôi về tận chùa Duyên Giác ở San Jose. Sư Ông Tịnh Từ và quý Thầy, Phật tử trong vùng đến thăm, đón tiếp long trọng phái đoàn từ “Cửa Tử Hồi Sinh”. Ôi! thật là một tai nạn lưu thông khủng khiếp đối với 15 sanh mạng chúng tôi trên đường lang bạt tha phương.
Khi kể lại câu chuyện tai nạn lưu thông đến chỗ cực kỳ nguy hiểm thì Thầy Nhật Huệ rùng mình, xuống giọng và rơi những giọt lệ xúc động. Vì Thầy quá hạnh phúc, quá cảm khái trong cái uyên áo, mầu nhiệm thiêng liêng vô vàn về sự linh ứng, cứu khổ của Đức Bồ Tát Quán Thế Âm.
HT. Nhật Huệ kể, Nguyên Quang ghi
(Thích Tịnh Từ, Linh Ứng Quán Thế Âm, Q. 3, Bàn Tay Cứu Khổ Nhiệm Mầu)
Giải Trừ Vong Nghiệp
Bà Trần Thị Tuyết Hạnh, 57 tuổi, bị lâm bệnh ngay khi vừa đến Phi Luật Tân. Bác sĩ chiếu khám cho bà nhiều lần và đưa bà ra khỏi trại để chụp hình nữa mà vẫn không tìm ra căn nguyên bệnh lý. Bà Hạnh đau rất kỳ cục, bà không chịu ăn uống và không ngủ trên cả tháng mà sức vóc không hề hấn gì. Mặt bà đỏ gay, con mắt láo liên và về chiều thì mí mắt sụp xuống, buồn rầu khóc thảm, lảm nhảm kể lể những chuyện đau buồn. Vì lý do mắc bệnh kỳ dị nên ban điều hành trại thương lượng cơ quan lo hồ sơ định cư cấp tốc cho gia đình bà Hạnh nhập cảnh Hoa Kỳ sớm để có thể đủ điều kiện thuốc thang trị liệu. Khi đến vùng San Francisco, người nhà cấp đưa bà Hạnh đến nhà thương trị liệu, song các bác sĩ giỏi đều bó tay chứng bệnh “không chịu ăn, không chịu uống” mà vẫn sống như thường của bà Hạnh. Hai tháng trôi qua, bệnh tình không thuyên giảm, người nhà vẫn tiếp tục đưa bà Hạnh đi khám bác sĩ cho có lệ và để ai nấy yên lòng.
Một hôm có cụ Lành đưa đường, chồng bà Hạnh đem vợ đến chùa Từ Quang gặp tôi để nhờ giúp đỡ. Mới nhìn qua nét mặt, khí sắc của bà Hạnh là tôi biết ngay bà bị âm khí ám nhập. Tôi dẫn bà lên chánh điện để “tra vấn” cái vong linh đang nhập trong người bà. Bà Hạnh nhìn tôi với vẻ sợ hãi và run cầm cập như đang ở giữa băng tuyết. Bà cúi đầu khóc thút thít, nghẹn ngào và biểu lộ sự tức tối, uất ức. Tôi gạn hỏi hoài mà vong nhập kia không chịu “khai báo” một chút tung tích gì. Tôi bèn gọi các Chú trong chùa trợ niệm và lấy chiếc mõ nhỏ đặt ngay trên đầu bà Hạnh tụng Chú Ðại Bi thì bà Hạnh nhắm nghiền hai mắt, tóc trên đầu bà bay ngược như một cơn bão thổi mạnh, hai tay bà chấp lại như một búp sen và miệng the thé nói một giọng con gái độ mười chín, hai mươi tuổi.
Tiếng người con gái này nói mình đã chết trên biển cùng mẹ ruột và nhiều người vì gặp bão, nên tàu chìm. Tôi hỏi các chi tiết khác thì vong linh nói mà phát âm không rõ, chỉ thốt lên the thé kêu đói, than lạnh rồi vật lăn giữa điện Phật bất tỉnh. Tôi và những người có mặt thấy thế xúc động quá, liền khai Kinh Phổ Môn tụng cầu an cho bà Hạnh và liên tục niệm danh hiệu Ðức Quán Thế Âm Bồ Tát; đồng lúc tụng niệm tôi lấy nước thờ trên bàn Phật và đọc thần Chú Quán Âm, Tâm Kinh Bát Nhã rồi đem cho bà Hạnh uống. Khi bà Hạnh vừa uống xong ly nước thì liền tỉnh dậy và bà vội vàng nhảy tới bàn thờ vong, đưa tay bốc thức ăn bỏ vào miệng ngồm ngoàm như kẻ bị đói lâu ngày. Ăn đã đời, bà quơ tất cả đồ cúng nào là chuối, bánh, trái cây, khoai, bắp… trên bàn thờ Cô Hồn bỏ vào trong túi áo, lận trong lưng quần và trải tà áo tràng mà bà đang mặc gói tất cả thức ăn, chui vào trong góc bàn thờ Linh và tiếp tục ăn như ma quỷ. Bà còn khóc và la lên là có nhiều người đang giành ăn và đánh tháo bà.
Thấy hình ảnh kỳ quái của bà Hạnh, ai cũng sợ và nhiều người bỏ chạy xuống lầu. Tôi bình tĩnh niệm Chú Chuẩn Ðề và dùng lời nhỏ nhẹ, ngọt ngào kêu bà Hạnh ra ngoài quỳ giữa chánh điện. Tôi lại tiếp tục “vấn cung” vong linh đang nhập vào trong bà Hạnh một lần nữa. Lúc này, vong linh mới nói rõ tên tuổi, ngày chết, và nhu cầu muốn được nghe Kinh siêu độ. Tôi liền viết bài vị thờ ngay lúc ấy, kêu các vị dưới bếp nấu cơm chay cúng vong và tôi cùng Đại Chúng khai Kinh Di Ðà cầu siêu. Hôm đó có gần 100 Tăng Ni và Phật tử vì nhằm lễ sám hối Bố Tát gần đến mùa Vu Lan Rằm tháng Bảy.
Sau khi tụng Kinh Di Ðà, niệm danh hiệu Phật, đến chỗ quy y linh ký tự thì bà Hạnh ngã xuống đất bất tỉnh. Ðộ chừng mười phút sau, bà Hạnh tỉnh dậy và trở lại người bình thường như mình đã ngủ một giấc thật dài. Gia đình bà Hạnh và mọi người hôm đó đều cảm kích và vô cùng mừng rỡ khi thấy bà Hạnh bình phục. Tôi bảo cụ Ðức Hạnh, cô Thanh Tịnh nấu cháo trắng để bà Hạnh ăn kẻo nhịn đói lâu ngày ăn cơm vào nặng bao tử, và đưa bà vào phòng nghỉ. Ngay tối hôm đó, bà Hạnh đòi về nhà vì thấy đã khỏe hoàn toàn. Sáng hôm sau, tự bà Hạnh và cả nhà đến chùa lễ tạ và xin quy y.
HT. Thích Tịnh Từ
(https://quangduc.com/p157a18647/giai-tru-vong-nghiep)
Tu Tập Với Con
Tháng 10/1995, con gái đầu lòng của chúng tôi là Trần Thị An Như phải vào bệnh viện Nhi Ðồng II tại Tp. Hồ Chí Minh cấp cứu. Cháu bị lên sởi, nốt đỏ mọc đầy người, đồng thời còn bị viêm da, toàn thân bị phồng lên những đốm nước bằng ngón tay khắp mặt, thân hình, tay chân. Nguy hiểm nhất là cháu bị bội nhiễm phổi rất nhanh, gây viêm phổi, khó thở, đàm vàng đặc sệt, phim chụp X quang phổi có rất nhiều vết lốm đốm. Ngoài ra, do phải nằm chung tại một phòng cấp cứu lúc nào cũng đông người, cháu còn bị nhiễm trùng máu bởi một loại vi trùng đã lờn kháng sinh tại bệnh viện. Bác Sĩ Hưng, trưởng phòng cấp cứu trực tiếp điều trị báo động cháu rất dễ bị nguy biến. Cứ vài ngày trong phòng lại có một em bé tử vong, càng tăng thêm sự âu lo cho chúng tôi.
Chính cơn bệnh của An Như đã giúp tôi có niềm tin vào Phật Pháp, vào Bồ Tát Quán Thế Âm mà trước đó tôi không chú ý lắm. Vợ chồng tôi ngày đêm thay nhau ngồi bên giường bệnh suốt một tháng trời, lòng dạ rối bời. Nhìn thân hình gầy gò của cháu mà thấy đau lòng, chỉ biết khẩn thiết niệm Nam Mô Tầm Thanh Cứu Khổ Cứu Nạn Ðại Từ Ðại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát hằng ngày, hằng giờ. Sau ba tuần tận tụy chiến đấu với cơn bệnh, các y bác sĩ đã thấy những dấu hiệu tốt. Một tuần sau nữa thì cháu được về nhà, nhưng một cô y tá chăm sóc cho cháu bị lây nhiễm sởi.
Nửa năm sau, gia đình chúng tôi đến định cư tại Hoa Kỳ theo diện HO. An Như được hưởng chương trình chăm sóc đặc biệt về y tế, giáo dục, và mọi ưu tiên sinh hoạt khác. Cảm niệm ân đức của Bồ Tát, tôi thường xuyên lễ bái Kinh Ngũ Bách Danh Quán Thế Âm, niệm danh hiệu Ngài, tụng chú Quán Âm Linh Cảm Chơn Ngôn. An Như thường ngồi bên cạnh lắng nghe, đánh chuông, và nhờ nghe mà thuộc lòng bài chú nầy.
Nhờ Phật Pháp nhiệm mầu, tuy An Như sức khỏe rất yếu kém, mắc nhiều bệnh dữ, nhưng lúc nào cháu cũng vui vẻ, không bao giờ than vãn về bệnh tật của mình. Cháu rất thích đi học, về nhà là tập đạp xe, và đan khăn quàng len biếu Hội Từ Bi Quán Thế Âm bán đấu giá gây quỹ, tặng các bạn đồng cảnh ngộ khuyết tật tại Việt Nam và nhiều nơi trên thế giới. An Như đan được 35 cái khăn quàng len, bán đấu giá được 9.140 dollars, trong đó có mấy cái 500 dollars, có cái 1.000 dollars. Chiếc khăn cuối cùng đã được mua ủng hộ đến 1.760 dollars! Đây chính là niềm khích lệ lớn lao nhất cho An Như, hơn tất cả mọi loại thuốc bổ và y dược, giúp cháu vui sống và dâng tặng niềm vui cho đời.
An Như đã nhẹ nhàng từ giã cõi đời 5 năm qua, lúc lên 27 tuổi. Tôi tin rằng cháu đã được về cõi Tịnh nhờ suốt đời không tạo ra bất cứ việc xấu nào, hơn nữa còn biết làm việc thiện, nhất là chí thành niệm danh hiệu Phật A Di Đà và Bồ Tát Quán Thế Âm. Là người mẹ nhưng lúc nào tôi cũng cám ơn An Như vì An Như đã tạo duyên lành cho tôi có niềm tin sâu vào Phật Pháp. Mỗi khi đảnh lễ 500 Danh Hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm, hoặc niệm danh hiệu Ngài, tôi cũng cảm như đang cùng An Như tu tập. Vậy là dù ở phương trời nào, mẹ con tôi vẫn có một mảnh đất chung là niềm tin vào Bồ Tát Quán Thế Âm.
Ngô Thị Hạnh, 2016
Nhiệm Mầu
Tôi bị đau bụng liên tục một thời gian dài, bác sĩ nghĩ là bị đau ruột già phải đi soi ruột. Bác sĩ chuyên khoa cho một cái list căn dặn những điều cần chuẩn bị cho việc soi ruột. Cả ngày tôi uống white grape và nước gà lọc kỹ, trưa một chén, chiều một chén, đến 5 giờ 30 chiều tôi bắt đầu uống nước Magnesium citrate. Đến khoảng 8 giờ tối là tôi uống xong 4 chai, rồi cứ 5-10 phút đi cầu một lần với giấc ngủ chập chờn suốt đêm như vậy cho đến gần sáng.
Đến 4 giờ sáng tôi thấy đuối sức, lúc đó tôi không thể ra khỏi bồn cầu nữa rồi vì tôi đã bị biến chứng qua bệnh thổ tả, nước trong người tôi liên tục chảy ra không ngừng. Bụng tôi nóng ran, mồ hôi toát ra như tắm, toàn thân như bị kim châm, mắt tôi lòa không còn nhìn rõ mọi vật, tôi bủn rủn cả tay chân. Tôi chợt nghĩ những người sắp chết “xuất hạn” trước khi chết, tôi càng hoảng, có lẽ mình sắp chết mất rồi, có nên gọi 911 không? Tôi ngại phải đến bệnh viện, và mỗi lần gọi cấp cứu là 2, 3 chiếc xe đến rầm rộ. Tôi sẽ chết ư? Không đuợc, chết kiểu ni tôi không muốn chút nào. Tôi hoảng hốt tìm cách.
Đột nhiên, câu A Di Đà Phật xuất hiện trong đầu. Tôi chộp lấy và niệm ngay Nam Mô A Di Đà Phật liên tục vài lần. Rồi tôi chợt nghĩ: Không được, trường hợp ni phải cầu cứu tới Đức Quán Thế Âm Bồ Tát. Tôi bèn cấp tập niệm: “Nam Mô Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Quán Thế Âm Bồ Tát cứu con với! cứu con với!”… Tôi cứ niệm như thế liên tục khoảng 5-10 phút gì đó, tôi thấy không còn bị đi ra nước nữa. Tôi đứng lên vào giường nằm và nhiệm mầu làm sao, một luồng hơi mát từ trong bụng tôi mát ra, khắp toàn thân khỏe khoắn êm mát. Cảm giác êm mát khỏe khoắn này tôi chưa bao giờ thấy được trong đời. Tôi nhìn đồng hồ là hơn 5 giờ sáng.
Lúc đó ông xã tôi từ phòng bên chạy qua. Ông nhìn mặt tôi la lên: “Mặt em sao dễ sợ vậy? Mới khi hôm đó mà sao bây giờ hai mắt thì sâu hoắm, quầng đen, hai má hóp một cách khủng khiếp, bạc nhợt, như người sắp chết vậy”? Tôi thều thào: “Em vừa trở lại từ Quỷ Môn Quan, may nhờ có Đức Quán Thế Âm Bồ Tát cứu không thôi em đi rồi”. Nghe tôi nói ông cũng hoảng, ông nói tại sao em không uống nước? Tôi nói em đọc thấy: “Do not drink or eat anything after midnight, nên không uống”. “Em đi cầu đến bị mất hết nước trong cơ thể rồi, không được, phải uống nước không thôi em sẽ chết đó”. Ông đưa ly nước và bắt tôi uống, khi đó tôi mới uống nước và bình thường trở lại.
Tôi vô cùng tri ân Đức Quán Thế Âm Bồ Tát đã nghe tiếng kêu cứu của tôi. Ngài đã cứu tôi thoát khỏi một tai nạn khủng khiếp. Bây giờ nghĩ lại tôi thấy mọi việc đã xảy đến như trong mơ, thật là nhiệm mầu. Sự việc đó đã làm tăng trưởng tín tâm của tôi đối với hạnh nguyện cứu chúng sanh thoát tai nạn của Bồ Tát Quán Thế Âm.
Diệu Hằng
Đức Quán Thế Âm Đã Cứu Con Chúng Tôi
Vợ chồng chúng tôi có người con gái 12 tuổi bị bệnh severe aplastic anemia, một chứng bệnh về máu gần như thuộc dạng ưng thư cực kỳ nguy hiểm. Muốn chữa trị cần phải thay tủy, nhưng tìm được người hiến tủy và có tủy phù hợp rất mong manh, nhất là người Á Đông. Chưa đến 10% người Á Đông tham gia tình nguyện hiến tủy.
Trong khi chờ đợi tìm người hiến tủy qua nhiều thủ tục phức tạp và cần thời gian, các bác sĩ bệnh viện Kasier đã thử dùng nhiều loại thuốc để trị bệnh cho con chúng tôi, nhưng bệnh tình càng ngày càng nặng thêm. Mỗi tuần cháu phải chuyền thêm máu và các loại thuốc khác, gây ra nhiều phản ứng phụ như sạn thận, ngứa toàn thân, tê cứng tay chân, lở trong miệng không ăn uống được. Sức khỏe cháu xuống cấp trầm trọng. Giữa lúc nguy khốn đó, quý đạo hữu Hội Từ Bi Quán Thế Âm (HTBQTA) đã đến bệnh viện thăm viếng, khuyến khích cháu và vợ chồng chúng tôi cùng niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm và tụng trì Chú Đại Bi cầu gia hộ.
Từ đó, chúng tôi rất vững lòng tin sự mầu nhiệm của Đức Phật Bà Quán Thế Âm. Mỗi lần con chúng tôi bị nguy hiểm gì, chúng tôi lập tức niệm Phật Bà Quán Thế Âm là một vài phút sau, sự đau đớn hay nguy hiểm bỗng nhiên tiêu tan ngay! Cũng từ đó, mỗi tối thứ Sáu đến Hội Quán HTBQTA tụng kinh niệm Phật, chúng tôi luôn quỳ trước tượng Quán Thế Âm lộ thiên để cầu xin Phật Bà cứu con gái chúng tôi. Trong khi quỳ trước tượng Phật Bà cầu nguyện, vợ tôi thấy một luồng điện màu xanh như một viên ngọc xanh tròn, lớn bằng viên bi, hiện ra từ hai mắt của tượng Quán Thế Âm, rồi một tia sáng từ viên ngọc đó chiếu thẳng vào mắt của vợ tôi. Lạ thay, chỉ có vợ tôi nhìn thấy, còn tôi và con gái tôi không thấy. Linh ứng đó không phải một lần mà đến ba lần! Sự mầu nhiệm đó càng cho chúng tôi vững niềm tin hơn là con chúng tôi sẽ được cứu.
Khoảng 9 tháng kể từ ngày con chúng tôi mắc bệnh, chúng tôi nhận được tin từ bệnh viện cho biết, họ đã tìm được một thanh niên 19 tuổi gốc Á Đông có cùng tủy với con tôi, đã đồng ý hiến tủy để cứu con tôi! Gia đình chúng tôi rơi lệ mừng vui không thể diễn tả nên lời. Tháng 4 năm 2016, con chúng tôi về bệnh viện UC San Francisco để thay tủy. Quá trình điều trị qua nhiều giai đoạn cực kỳ nguy hiểm, nhưng mà lạ thật, mỗi lần nguy hiểm là chúng tôi chấp tay kêu lớn Lạy Phật Quán Thế Âm cứu con con, thì chỉ vài ba phút sau là sự nguy hiểm tiêu tan không còn nữa! Đến nay con chúng tôi thay tủy đã được 5 tháng, mọi sự tuy chưa được hoàn hảo, nhưng sự tiến triển nằm trong mong đợi của bác sĩ. Sức khỏe của cháu cũng rất tốt.
Chúng tôi thành tâm xin kể lại câu chuyện nầy, trước hết để bày tỏ lòng Tri Ân Tôn Kính Phật Bà. Thứ hai là kêu gọi những người dưới 40 tuổi tham gia hiến tủy. Hiện đang còn hơn 11.000 người gốc Á Đông trên thế giới đang chờ đợi các ân nhân hiến tủy để cho họ sự sống. Xin cảm ơn quý đạo hữu HTBQTA đã cầu nguyện cho con chúng tôi, đồng thời khuyến khích chúng tôi cùng hướng về tu tập tâm linh, cùng nhau làm việc thiện để giúp các cháu bé bất hạnh tại quê nhà và nhiều nơi trên thế giới.
Trần Dzũng, 31/08/2016
Cảm Tưởng Của Cháu Trish
Năm 2015, con được bác sĩ chẩn đoán bị bệnh severe aplastic anemia (thiếu máu vì cơ thể không tái tạo tế bào máu được). Cách chữa trị duy nhất là thay tủy xương. Những mũi kim chích, những buổi chuyền máu, và những đêm dài trằn trọc không ngủ được tại bệnh viện đã chiếm trọn cuộc sống 12 tuổi của con. Khi bác sĩ cho biết cơn bệnh đang đe dọa tính mạng con, con cảm thấy tuyệt vọng và không thể vượt qua được dù con có bao nhiêu dũng khí và năng lực.
Trong khi con đã bỏ cuộc, cha mẹ con đã nhờ Quý Tăng Ni tại các chùa quanh thành phố Sacramento, California để cầu an. Với hy vọng cứu con, cha mẹ con đã chuyển sang ăn chay và nhiều ngày đêm tụng kinh với con tại bệnh viện. Con đã chứng kiến nhiều phương pháp điều trị không thành công và mỗi lần như vậy con mất thêm một niềm hy vọng nữa. Con không tìm thấy động lực nào để tiếp tục sống, và mỗi ngày con đều tự hỏi tại sao phải là con.
Khi con được xuất viện, cha mẹ con đã dẫn con đến một buổi tụng kinh tối thứ Sáu tại Hội Quán Hội Từ Bi Quán Thế Âm tại Sacramento, California. Cô Kim Phương tặng con một chiếc áo tràng, và tâm tư con đã thay đổi từ buổi tối đó. Qua các buổi tụng kinh hằng tuần, con đã được các Cô Bác giảng giải về nghiệp báo và phương pháp duy nhất để giải thoát là giác ngộ. Đạo Phật đã khai ngộ cho con về cuộc sống. Đạo Phật giải thích hợp lý nhiều câu hỏi của con về cuộc sống như người giàu, người nghèo, côn trùng đáng sợ và côn trùng không đáng sợ v.v… Khi con nhận thức rằng nghiệp báo đang làm con đau khổ, con đã tìm được động lực tu tập, tiếp tục điều trị căn bệnh để chuyển nghiệp, để giải thoát.
Trong quá trình điều trị, con đã có nhiều trải nghiệm mầu nhiệm vượt quá giới hạn của suy nghĩ và lý trí. Có nhiều lần con bị sỏi thận, mang đến những cơn đau không thể chịu đựng được. Do tình trạng sức khỏe yếu của con, bác sĩ không thể nào phẫu thuật đế lấy các viên sỏi. Con phải cố gắng chịu đau để các viên sỏi tự di chuyển ra khỏi cơ thể mình. Con đã cầu nguyện suốt đêm và đặt niềm tin vào bàn tay của Bồ Tát Quán Thế Âm. Nỗi đau không thể chịu được khiến con la hét trong đau đớn được chuyển thành một giấc ngủ an lành. Vượt quá lý luận và kinh ngạc của các bác sĩ, hôm sau những viên sỏi đã tự tan thành những mảnh nhỏ có thể đào thải ra khỏi cơ thể con. Và cũng trong quá trình trị liệu, các mũi kim chích không còn gây đau đớn, cảm giác mệt mỏi dịu lại và có thể chịu đựng được, mặc dù tác dụng của phương pháp trị liệu rất ít.
Phương pháp chữa trị cuối cùng và duy nhất là thay tủy xương. Để tìm một người xa lạ sẵn sàng hiến tủy là một quá trình gian nan và tẻ nhạt. Hầu hết các bệnh nhân đều cần trên hai hay ba năm để tìm người hiến tủy. Mặc dù thời gian hai hay ba năm là khoảng thời gian dài, nó không thể lay động được niềm tin vững chãi của con vào Đức Bồ Tát Quán Thế Âm. Thật hy hữu và mầu nhiệm, con đã tìm được người hiến tủy sau năm tháng tìm kiếm. Người hiến tủy của con rất hiếm khi nghe điện thoại nhưng đã trả lời cuộc điện thoại để cứu mạng con.
Thời gian dự kiến hồi phục sau phẫu thuật thay tủy là ba tháng trong bệnh viện và đó có thể là quá trình khó khăn nhất trong hành trình của con. Mỗi ngày trong bệnh viện, gia đình con đều cầu nguyện Đức Phật Dược Sư và Bồ Tát Quán Thế Âm để gia hộ cho con mau chóng hồi phục. Một lần nữa các bác sĩ đều ngạc nhiên khi xem xét kết quả thử máu của con; lượng máu trong con đang ổn định như người bình thường. Và con đã được về nhà một tháng sau phẫu thuật thay tủy. Quan trọng nhất, con may mắn không trải qua các biến chứng thông thường như buồn nôn, đau bụng, và tệ nhất là trường hợp tế bào mới bị cơ thể từ chối.
Giai đoạn khó khăn này trong cuộc sống là một bài học để gia đình con vượt qua. Nó đã dạy cho con và cha mẹ con về sức mạnh của niềm tin vào một điều gì đó ngoài suy nghĩ lý trí. Có một vị Phật, Bồ Tát, hay là Chúa để chúng ta hằng ngày tu tập và tôn thờ sẽ mang lại nhiều điều tốt lành và tích cực. Bây giờ con đã vượt qua cơn bệnh nguy hiểm tính mạng này. Con hy vọng sẽ trở thành một bác sĩ trong tương lai để đền đáp ân nghĩa.
Trần Trish (Trần Duy Quang dịch)
Quán Thế Âm Linh Ứng
Thời gian vào khoảng 1980 – 1982, đạo hữu chùa Kim Quang là bà Báu có đứa con gái mới có 10 tuổi bị khối u sau tròng mắt. Các bác sĩ mổ đã khuyến cáo trước là cháu có thể sẽ bị mù. Bà ấy vừa lo vừa thương con nên hết lòng niệm Phật và Bồ Tát Quán Thế Âm liên tục. Tới ngày mổ, cháu phải vô nhà thương ngày hôm trước. Bà túc trực ở với cháu trong phòng, lúc gần về chiều bà đang niệm Bồ Tát thì bỗng nhiên bà thấy trong phòng sáng rực và đẹp lạ thường. Hôm sau cháu mổ không gặp trở ngại và sau nhiều tháng dùng hóa trị, mắt cháu trở lại bình thường.
Tôi thường nhớ tới linh ứng này nên khi gặp trở ngại gì là tôi niệm “Án Ma Ni Bát Mi Hồng” và mọi việc kết thúc tốt đẹp. Tôi bị mổ ung thư ruột già năm 1995. Trong phòng tôi làm việc cũng có một người bị ung thư như tôi nhưng sau khi giải phẫu ít năm là bị mổ lại nên tôi thấy không thể coi thường được. Do đó, trong mấy tháng được nghỉ làm để điều trị, tôi không ngớt niệm Phật sáng chiều. Không biết có phải vậy không mà tôi gặp được ông lang hốt thuốc có hiệu quả nên khi khám lại bác sĩ khen là chỗ mổ đã lành, không có lan thêm trong ruột. Và sau này tôi lại gặp được sách dạy ăn uống để trị bệnh nên mỗi 5 năm đi khám lại một lần và bác sĩ đều bảo không có dấu hiệu bị lại. Rõ ràng có niệm Ngài là có cảm ứng. Nhất là khi tôi đụng xe, xe gãy bánh, móp đầu xe, mà tôi không thương tích, chỉ bị đau chân ít ngày, nếu không có linh ứng thì là gì!
Đầu năm 2020, tôi học được một nghề mới là làm thị thực chữ ký. Vì mới hành nghề nên còn loạng choạng, nhớ trước quên sau nên sót các chữ ký. Về tới nhà kiểm soát lại mới thấy hai hồ sơ chưa có chữ ký. Vì sau 10 giờ đêm rồi nên tôi phải chờ tới sáng mới gọi lại người chủ để họ ký lại cho tôi. Tôi gọi họ và nhắn vào máy rất nhiều lần mà không thấy trả lời. Nếu tôi không làm đúng thủ tục, không gởi hồ sơ đến văn phòng trước khi FedEx đóng cửa lúc 5 giờ chiều, trễ thời gian thì đã không nhận được tiền công mà còn bị ghi điểm xấu, có thể bị thưa kiện vì làm trễ nải công việc của chủ hồ sơ. Do đó mà tinh thần tôi rất căng thẳng. Tôi lo lắng và niệm Bạch Y Thần Chú liên hồi, nhưng thật buồn.
Đến 2 giờ chiều, tôi tính là đến nhà người chủ này xem may ra có gặp không nên tôi quyết ra xe đi. Trên đường đi tôi nhớ là cần phải mua phong bì lớn và paper clip lớn dùng cho 150 trang giấy. Tiện đường tôi ghé vào Dollar Tree để mua cho rẻ. Khi vào đến trong tiệm Dollar Tree, tôi đi thẳng tới chỗ bày các giấy bút để mua phong bì. Vừa đi ít bước thì trước mặt tôi có hai người đàn bà nhìn tôi chằm chặp. Tôi thấy một người trông quen quá. Tôi nhìn bà ta rồi chào thì bà ta hỏi có phải tôi là nguời tới nhà tối qua để thị thực chữ ký? Lúc bấy giờ thì tôi nhận ra liền và chạy tới bắt tay, mặt mừng như bắt được vàng. Tôi mừng chảy nước mắt và nói là tôi chờ bà ta từ sáng và đang trên đường đến nhà xem bà có ở nhà không. Tôi cũng giải thích là tôi phải có chữ ký ngay lập tức thì mới kịp giờ đi ra FedEx. Bà ta và người bạn phải bỏ dở việc mua hàng và về nhà ngay với tôi để ký hai hồ sơ. Tôi còn cần chữ ký của chồng bà ta nữa nên phải lại nhà.
Sau khi đã kịp đem hồ sơ ra gởi FedEx, tôi thấy mình như đi trên mây. Tuy mệt nhọc vì tinh thần căng thẳng suốt buổi sáng nhưng niềm vui đã làm tan biến hết trong giây lát. Tôi vẫn còn ngỡ ngàng không thể tưởng tượng được là sự việc có thể xẩy ra ngẫu nhiên như vậy. Làm sao mà từ nhà ra đi tôi lại đi đúng lại tiệm Dollar Tree này mà không đi tiệm Staples. Và rồi tôi lại bước đúng tới hướng bà chủ hồ sơ đang đi về phía tôi. Tiệm Dollar Tree đâu có phải nhỏ. Tôi có biết bà ta ở đây đâu mà đi tìm. Thật là kỳ diệu!
Hôm ấy, tôi không thấy hào quang và diện mạo Ngài nhưng cảm nhận Ngài hiện thực thì quá rõ ràng. Và từ ngày ấy tôi biết Ngài ở bên tôi cũng như với những ai thành tâm cầu khẩn Ngài. Có cầu là có ứng. Tôi xin chia sẻ kinh nghiệm này để khích lệ các hành giả lễ lạy sám hối theo Kinh Ngũ Bách Danh Quán Thế Âm này. Tôi mới chỉ trì Chú Bạch Y thôi mà đã thấy kết quả tức thời, còn nếu quý vị hành trì 500 lạy thì công đức vô lượng, vô biên tới mức nào.
Nam Mô Đại Từ Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát.
Nguyệt Diệu Ngọc, 12/2020
Mẹ Về
Từ thuở còn là đứa bé tiểu học, có lần gặp điều sợ hãi, tôi được cô bạn nhỏ dạy cho câu niệm “Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát”. Lớn lên, tôi thờ kính Phật Thích Ca và Bồ Tát Quán Thế Âm. Lớn hơn nữa, khi chọn tu học theo con đường tâm linh Phật giáo, tôi luôn thành tâm trì niệm danh hiệu Phật và Bồ tát Quán Thế Âm. Trong đời sống, khi đối mặt với những bất an, tôi thành tâm niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm.
Năm 2005, có lần bị bệnh phải nhập viện, tôi đã thành tâm trì niệm danh hiệu Ngài. Đêm ấy, trước ngày vào bệnh viện, tôi ngủ nằm mơ thấy Bồ Tát Quán Thế Âm hiện về… Một giấc mơ kỳ lạ duy nhất trong đời tôi! Nửa mơ nửa thật chăng? Một hiện tượng kỳ diệu và nhiệm mầu chăng? Hay chỉ là ảo giác? Nhưng đó là giấc mơ có thật. Tôi thấy rõ ràng Ngài về với tôi, đẹp đẽ, lung linh, sáng loà … Tôi đã thức, rất tỉnh táo và đã đứng dậy chạy đến bên Ngài, mong được ôm lấy Ngài … Nhưng “Thanh thản Mẹ cười, Mẹ đi ngay”! Tôi bàng hoàng nhận ra chỉ là một giấc mơ. Trong giấc mơ ấy và sau khi đã tỉnh, thân tâm tôi an lạc, dễ chịu vô cùng. Sáng hôm sau và mấy ngày kế tiếp, tôi đã trải qua những ngày chữa bệnh nhẹ nhàng và rất bình an. Thân tâm tôi bình an.
Từ cuối năm 2007 cho đến nay, tôi theo Thiền Phật giáo. Mười ba năm đi qua, càng tu học, càng thấm sâu, tôi theo lời Phật dạy: “Tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn”.
“Mẹ Về” là đấu ấn kỳ diệu được giữ mãi trong đời con (Bài thơ sau đây).
Con Xin Cung Kính Tạ Ơn Ngài.
Sacramento, cuối năm 2020
Nguyễn Thị Yến
Mẹ Về
Buổi sáng vừa hay tin ngã bệnh
Tơ trời óng ánh hóa u minh
Kiếp hoa sợi tóc chỉ mành
Đất trời thông ruỗng cao xanh nguyện cầu
Nửa đêm Mẹ trên đầu luân vũ
Chợt hiện về ngũ sắc lưu linh
Mẹ từ đỉnh ngự chênh vênh
Mẹ về rạng rỡ tim con vỡ oà
Bàn tay Mẹ nhẹ nâng cành liễu
Dáng Mẹ về là lã phiêu phiêu
Con bừng tỉnh – Mẹ hiện thân?
Ngời ngời suối ngọc ảnh hình như như
Mẹ!
Con tỉnh dậy khẽ lần đến Mẹ
Sóng sánh vàng tỏa nhẹ hào quang
Từng vòng quay đẹp muôn vàn
Hồng xanh tím đỏ hương ngàn ngây ngây
Tạ lòng Mẹ đến hôm nay
Mẹ ơi chỉ một phút giây lúc này
Hai tay con níu về phía Mẹ
Thanh thản Mẹ cười, Mẹ đi ngay!
Con dụi mắt, con bàng hoàng
Con vừa thấy Mẹ rõ ràng, Mẹ đâu?
Quay đầu nhìn lại phía sau
Mười ba tháng tám trăng thu tròn vành
Mẹ về giọt phước cho con
Mẹ đi gởi lại tâm con lời vàng!
Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát
Giấc mơ thật. Đêm Trung Thu 2005
Thoát Nạn Mìn Bẫy
Mùa hè 1973, tôi là Chuẩn úy Trung đội trưởng Trung đội 2, Đại đội 3, Tiểu đoàn 105 Địa Phương quân, hành quân chạm tuyến với đối phương tại Quảng Trị. Đơn vị đóng chốt trên một đỉnh núi về phía Tây động Ông Đô. Một buổi chiều tôi xuống suối tắm, khi quay trở lên thì trời đã nhá nhem tối, vừa đi vừa hát nghêu ngao “Mưa vẫn hay mưa trên tầng tháp…”. Đột nhiên tôi nổi da gà đứng phắt lại: một sợi dây gấc màu xanh căng ngang lối đi hẹp, cao quá đầu gối, cách tôi chưa đầy 1 bước. Sau vài giây định tĩnh, tôi hiểu là lính đã gài lựu đạn phòng thủ ban đêm vì họ không biết còn người ở dưới suối.
Tôi phân vân một chút, không biết có nên gọi lính xuống mở lựu đạn ra để có lối đi hay không, nhưng rồi sợ đồng đội chê cười là nhát gan. Tôi suy nghĩ và thấy tự mình có thể giải quyết được. Là người tin tưởng vào lý nhân quả và sự gia hộ của chư Phật, Bồ Tát, tôi thầm niệm Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát, rồi cẩn thận tiến sát tới sợi dây. Tay trái cầm áo quần vừa tắm, tay phải vén cao quần đùi, hít vào thở ra một hơi thật dài, đứng vững trên chân trái, chân phải từ từ dở cao hơn sợi dây, nín thở, đưa chân từ từ qua khỏi sợi dây, rồi đặt chân phải thẳng góc xuống đất. Rồi trụ chân phải, nín thở, từ từ dở chân trái thẳng góc, từ từ đưa chân trái qua khỏi sợi dây, đặt chân xuống đất. An toàn. Tôi thở một hơi thật dài, xem như không có chuyện gì xẩy ra.
Vào lúc chiến tranh bom đạn khắp nơi, và có lẽ cũng do lạc quan của tuổi trẻ nên tôi coi đó là chuyện thường. Nhưng vào tuổi gần 60 này, ngẫm nghĩ lại tôi mới thấy mình đã thoát chết ba lần buổi chiều hôm đó. Thứ nhất, nếu tôi không kịp nhìn thấy sợi dây điệp màu với lá cây rừng trong bóng hoàng hôn, bước thêm một bước, vướng vào sợi dây làm bung chốt an toàn là trái lựu đạn nổ ngang hông, xong đời. Thứ hai, trong khi bước qua sợi dây, chỉ cần run chân vướng vào sợi dây cũng xong đời. Thứ ba, nếu áo quần cầm bên tay trái vướng vào sợi dây thì cũng xong đời. Tôi nghĩ là chư Phật, Bồ Tát đã cứu tôi lúc đó.
Trần Duy Phô, 2008
Thoát Nạn Hải Tặc
Tôi tên là Ngụy Khiết Nga, hiện trú tại thành phố Sacramento, tiểu bang California, Hoa Kỳ. Tôi vượt biển năm 1980 tại Rạch Giá qua Thái Lan. Tàu chúng tôi dài 11 mét nhưng chứa đến 97 người ngồi bó rọ một chỗ. Người tài công kiêm chủ tàu hứa đem theo đầy đủ thức ăn nước uống và chuyển chúng tôi đến tàu lớn hơn, nhưng thực ra không có tàu lớn, không có đồ ăn và chỉ có hai thùng nước dành cho trẻ em uống hạn chế suốt cả thời gian năm ngày năm đêm. Trẻ em đói khát kêu khóc quá trời.
Qua ngày thứ ba tàu chúng tôi bị cướp. Đây là một nhóm hải tặc chuyên nghiệp và rất tàn bạo. Chúng ra lệnh mọi người phải tự động giao vàng ra, không tuân lệnh sẽ bị giết. Rồi chúng lục soát từng người, lấy sạch vàng bạc, nữ trang, ngay cả răng vàng cũng bị cạy ra, đầu bút nịt cũng bị cắt, kính đeo mắt mạ vàng cũng bi cướp vì họ nghi ngờ đó là vàng thiệt. Một bé gái 9 tuổi không biết mẹ dấu vàng dưới đũng quần nên không lấy ra, khi bọn cướp tìm thấy đã dúi đầu cháu dưới nước biển gần chết. Sau nhờ bà con trên tàu van xin, và có người thông dịch tiếng Anh cho thuyền trưởng hải tặc, cháu bé mới được sống sót.
Bọn hải tặc nhốt đàn ông một bên, phụ nữ một bên rồi chọn trong số phụ nữ những người dễ coi đem đi hảm hiếp. Tôi bị năm tên Thái Lan đưa ra phía sau tàu toan hảm. Tôi chống cự mãnh liệt, chạy vòng vòng quanh chiếc tàu. Tôi nhảy xuống biển, bị chúng chụp lại. Sau đó tôi chạy tới ôm chặt cứng cột cờ, vừa sợ vừa nhắm mắt khóc la. Chợt tôi nhớ má tôi nói khi đi tàu gặp cướp thì niệm Quán Thế Âm Bồ Tát vì chỉ có Ngài mới có thể cứu mình. Tôi nhắm mắt niệm tên Ngài liên tục. Chợt tôi nghe một tiếng la lớn. Mở mắt ra tôi thấy một tên hải tặc đằng xa ôm tay máu chảy đầm đìa.
Quên rằng mình đang bị nạn, tôi chạy lại tên cướp, lấy tay bịt chỗ máu chảy cho ngưng lại, rồi lấy bông băng cấp cứu sẵn có trong mình lau sạch vết thương và băng bó cho ông ta. Khi hoàn tất tôi mới nhớ lại tình cảnh nguy hiểm của mình, nhìn lui thì thấy năm tên định hiếp mình đứng đằng sau lưng. Tôi chạy ra sau lưng người vừa được tôi giúp, ôm lấy ông ta, chỉ tay vào năm tên hải tặc kia. Người được tôi cấp cứu vỗ vào tay tôi ra dấu yên tâm rồi ông đến nói chuyện với năm tên cướp đó, đưa tay tôi băng bó cho họ xem thì họ đồng ý tha cho tôi. Rồi ông ta đến nói với người thuyền trưởng thả mọi người ra và trả tàu cho chúng tôi đi tiếp. Người tài công đã bị hải tặc bắn chết nên người phụ tài phải cầm tay lái.
Sau đó tàu chúng tôi còn bị hải tặc Thái Lan cướp bốn lần nữa nhưng không hung bạo bằng lúc đầu. Ban ngày họ là dân đánh cá. Đêm đến họ làm hải tặc, đeo mặt nạ chừa một mắt, ở trần, mặc quần đùi, đeo dao tròn rất hung ác.
Tôi nghĩ rằng Bồ Tát Quán Thế Âm đã cứu mạng tôi và những người trên tàu. Đặc biệt là việc tôi quên nỗi hiểm nguy của mình mà cấp cứu cho tên hải tặc, và chính ông ta trở lại cứu chúng tôi. Phải chăng đức từ bi của Bồ Tát đã ứng hiện ra như vậy!
Ngụy Khiết Nga, 2006
Thoát Bão Dữ và Bom Ðạn
Làng Siêu Quần tôi ở xã Phong Bình, huyện Phong Ðiền, tỉnh Thừa Thiên Huế, có chừng 500 căn nhà. Năm tôi 12 tuổi thì có một trận mưa lụt và bão lớn, bay cả nhà cửa, chỉ còn sót lại khoảng 40 cái mà thôi. Nhiều người đến núp mưa và đem theo cả xoong nồi tị nạn tại nhà tôi. Khi thấy gió lớn quá, Mẹ tôi làm lễ cầu an cho căn nhà, vì sau nhà có cây thầu đâu rất lớn, đang đè lên mái tranh khiến tường bị rạn nứt. Tôi ngồi gần cửa sổ nhìn ra, miệng niệm Phật.
Khi mẹ tôi làm lễ cầu an sắp xong, còn đang hồi hướng, bỗng nhiên tôi nghe cái ào, giống như là cái nhà bị bứng bay đi. Tôi nhìn ra, thấy cái cây to bự đó, giống như bị Tôn Ngộ Không hóa phép, ôm liệng ra xa cả cây liền rễ. Tôi hét to và vỗ tay, miệng hoan hô, ai nấy đều nhìn ra và rất đỗi vui mừng. Sau trận bão lụt lớn có nhiều người chết, trâu bò heo trôi mất hết. Mọi người có niềm tin: Nhờ gia đình bác gái nầy mở rộng cửa từ bi, nhờ có đức Phật độ trì mà tất cả mọi người ở đây đều được bình yên.
Ðến năm tôi 18 tuổi, chiến tranh tàn phá quê tôi, bom đạn liên miên, từ ca nông đến B52 oanh tạc. Tôi ngồi núp dưới hầm, miệng niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm. Có lần tự nhiên tâm động, tôi chạy ra tránh đi nơi khác. Chừng 10 phút sau đó thì một quả đạn ca nông trúng nổ sập hầm. Hú hồn! Tôi cảm nhận được ngay là Bồ Tát đã cứu tôi thoát chết.
Tôi tin Ngài đã cứu tôi nhiều lần lắm. Vì lẽ đó nên lúc nào tôi cũng tin rằng có Ðức Quán Thế Âm trước mắt tôi và dạy tôi tu, cố gắng sửa đổi tâm tánh, làm lành lánh dữ và không sát sanh hại vật.
Ðồng Ðức kể chuyện, Tâm Hoán viết, 2006
Bị Lật Xe Vẫn Bình Yên
“Quán Âm là Tịnh Thánh
Là nơi cần nương tựa
Trong ách nạn khổ đau”.
Câu kinh trên đây thật là linh ứng! Mẹ tôi qua đời cách đây ba năm, vào lúc đó tôi cũng đã có duyên học Phật. Nhân lễ 49 ngày cầu siêu cho Hương Linh mẹ tôi, tôi đã phát tâm thỉnh tượng Quán Thế Âm tại tu viện Kim Sơn để cúng dường.
Ba ngày sau khi thỉnh tượng Ngài, trên đường đưa con đi học tại thành phố Sacramento, California, chúng tôi bị một tai nạn xe rất là nguy hiểm. Xe bị đụng lăn đi mấy vòng. Cuối cùng chiếc xe lật ngửa bốn bánh lên trời. Người chứng kiến đều nghĩ là những ai ở trong xe đều không thể tránh khỏi cái chết. Nhân viên cứu hộ phải cưa cả cái trần của xe mới lôi chúng tôi ra được. Trong lúc nguy kịch đó tôi vẫn một lòng khấn nguyện Đức Bồ Tát Quán Thế Âm và nhìn sang con, tôi nhắc con cùng niệm danh hiệu của Ngài. Tai nạn xẩy ra như thế mà chúng tôi không bị một thương tích nhỏ nào cả.
Thật linh ứng thay khi lâm vào bất cứ tình huống nguy hiểm nào, chúng ta đều luôn luôn nhất tâm niệm danh hiệu của Ngài thì tất cả tai nạn đều được Ngài từ bi gia hộ và che chở. Ðây chỉ là một trong những lần chúng tôi được thoát nạn nhờ luôn nhất tâm niệm Quán Thế Âm Bồ Tát. Nam Mô Cứu Khổ Cứu Nạn Linh Cảm Quán Thế Âm Bồ Tát.
Tịnh Nguyên, 2006
Ngôi Chùa Cổ Linh Thiêng Ở Quảng Bình
Để có những hình ảnh và tư liệu về ngôi chùa Việt Nam, chúng tôi đã thực hiện nhiều chuyến đi bằng xe Honda viếng chùa ở khắp mọi miền đất nước từ những năm 1980, trong đó có những chuyến đi đáng nhớ như chuyến xuyên Việt trên chiếc xe gắn máy Honda 81 – 90cc từ ngày 05/4/1995 đến ngày 23/4/1995. Sau những ngày rong ruổi viếng chùa ở 12 tỉnh miền Bắc, chúng tôi về miền Trung. Ngày 16/4/1995, chúng tôi đến chùa Hương Tích (Hà Tĩnh). Hôm sau 17/4/1995, xe chúng tôi vượt núi Hoành Sơn, qua đèo Ngang để vào Quảng Bình. Sau khi qua phà sông Gianh, đến huyện Bố Trạch, chúng tôi vừa chạy xe vừa cố tìm một ngôi chùa ở Quảng Bình để chiêm bái, khảo sát, chụp ảnh đưa vào tác phẩm CD-Rom (sách điện tử) Những Ngôi Chùa Nổi Tiếng Việt Nam.
Xe chạy đến xã Thanh Trạch thì bỗng dưng xẹp lốp ngay trước cửa một quán nước và tiệm sửa xe gắn máy ven đường. Chúng tôi mừng quá vì nếu không có tiệm sửa xe, phải dắt bộ đi mấy chục cây số giữa nắng nóng thì đuối người và tan nát vỏ ruột xe! Anh thợ sửa xe tháo ruột xe bơm lên ngâm vào thau nước tìm chỗ xì để vá. Anh ngâm ruột xe vào nước đến ba lần mà không tìm ra chỗ xì nên bơm bánh xe, giao lại cho tôi và nói chuyện lạ quá, thật khó hiểu? Trong thời gian anh sửa xe, chúng tôi ngồi nghỉ ngơi, uống nước trong quán và nói chuyện với chị chủ quán là chúng tôi muốn đến viếng một ngôi chùa cổ ở Quảng Bình mà không tìm thấy! Chị chủ quán mừng rỡ cho tôi biết có ngôi chùa cổ Quan Âm ở ngay sau quán chừng mươi mét.
Thật nhiệm mầu! Nếu xe chúng tôi không bị xẹp lốp ngay đường vào chùa thì chúng tôi không thể nào biết được ở thôn Quyết Thắng, xã Thanh Trạch này có một ngôi chùa mang tên Bồ Tát Quán Thế Âm được dựng vào thời vua Lê Thánh Tông, niên hiệu Hồng Đức thứ ba (1472). Trải qua thời gian dài không có người chăm sóc, chùa bị hỏng hoàn toàn vào năm 1968. Ngôi chùa được dân làng và các nhà hảo tâm dựng lại sơ sài vào năm 1993 thì hai năm sau, chúng tôi có duyên lành đến viếng. Chúng tôi thật sự xúc động, kính lễ tượng chư Phật, chư Bồ Tát, tâm hoan hỷ vô cùng!
Ngôi chùa ngày nay đã được dân làng xây dựng khang trang, xinh đẹp. Có thầy Thích Nguyên Tâm về trụ trì, hướng dẫn Phật tử, đạo tràng tu tập, sinh hoạt theo Chánh Pháp. Chúng tôi đã đưa bài viết và hình ảnh chùa Quan Âm vào một số tác phẩm đã xuất bản. Xin cảm ơn người dân vùng quê Thanh Trạch đã giữ mái nhà tâm linh của mình suốt 550 năm qua. Bồ Tát thật hiển linh!
Võ Văn Tường & Trần Thị Minh Nguyệt
California, ngày 21/8/2020
Mầu Nhiệm Ngôi Chùa Không Cháy Giữa Rừng Lửa!
Trong hơn một tuần qua, theo “tintuc60giay.com” ngày 24/8/2020, đã có hơn 100.000 cư dân được sơ tán và lửa đã đốt cháy hơn 991.000 acres. Đây là trận cháy rừng lớn nhất tại California, Hoa Kỳ. Có hơn 13.700 lính cứu hỏa đang đấu tranh để cứu những người dân và nhà của họ. Thành phố Vacaville là nơi bị thiệt hại rất nặng!
Thật mầu nhiệm! Trung tâm tu học Phổ Trí, một ngôi chùa Việt tọa lạc tại số 7233 Pleasants Valley Road, thành phố Vacaville, có diện tích 5 acres, được Thượng Tọa Thích Từ Lực sáng lập vào năm 2012 làm nơi tu học cho Tăng thân Việt Mỹ còn nguyên vẹn.
Bão lửa dữ dội đã thiêu cháy các nhà chung quanh, chuồng ngựa phía trước chùa, rừng cây sau chùa, hàng rào chùa … và dừng lại dưới chân tượng Bồ Tát Quán Thế Âm và Bồ Tát Địa Tạng ở sân chùa. Ngôi chánh điện, trai đường, Tăng
xá và vườn tượng A La Hán vẫn còn nguyên; hoa trái vẫn nở đẹp trong vườn chùa! Thượng tọa Viện chủ Thích Từ Lực đã viết trên trang facebook ngày 20/8/2020:
“Và hôm nay, qua sự kiện có thật, ngọn lửa dừng lại sát bên hông nhà, không bốc cháy, hay ngay trước pho tượng Quán Âm Chuẩn Đề, Địa Tạng Bồ Tát, để chúng ta tiếp tục có được nơi chốn Tu học chánh niệm cho tứ chúng. Có hay không, phép lạ gữa cuộc đời? Ơn Tam Bảo nhiệm mầu! Tình Tăng thân thắm thiết”!
Nam Mô Tầm Thanh Cứu Khổ Cứu Nạn Đại Từ Đại Bi Linh Cảm Ứng Quán Thế Âm Bồ Tát.
Bài & ảnh:
Võ Văn Tường
Nhiệm Mầu Thay Đức Tin
Đầu Xuân năm 2010, khoảng hai mươi anh chị em Hội Từ Bi Quán Thế Âm đến nhà tôi tụng kinh Cầu An và lễ lạy 500 Danh Hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm. Nhân dịp nầy bác P đã tặng cho tôi quyển Kinh Ngũ Bách Danh. Từ ngày đó trở đi, tôi thường đặt thời khóa biểu lạy 50 Danh Hiệu Bồ Tát mỗi ngày, đồng thời tôi tham gia vào các công tác từ thiện của Hội một cách đều đặn, tích cực.
Vào giữa tháng 11/2011, tôi chỉ còn 50 lạy nữa là hoàn tất 500 Danh Hiệu. Trưa hôm đó tôi ở nhà với mấy cháu nhỏ và đang nấu ăn trong bếp thì điện thoại reo. Ông xã tôi gọi ra tiệm gấp để phụ giúp một số công việc. Tôi vội thay áo quần cho ba cháu nhỏ và sửa soạn để đi. Trong lúc đó nồi canh rau vẫn còn nấu trên bếp, tôi nghĩ sau khi thay quần áo xong, vào tắt lửa là vừa, nhưng rồi sau đó tôi lại quên khuấy đi mất. Tôi khóa cửa ra đi, lúc đó là khoảng 12 giờ trưa. Sau khi đưa các con qua nhà Nội, tôi chạy thẳng ra tiệm và làm việc cho đến hơn 10 giờ đêm, về đón các con và cùng chồng đến nhà vào lúc hơn 11 giờ đêm.
Khi tra chìa khóa vào cửa, tôi nhận thấy có điều gì khác lạ. Tôi nhìn qua cửa sổ thì thấy trong nhà có một màn khói dày đặc như sương mù buổi sáng. Tôi thất kinh, lạnh cả người, lúc đó mới chợt nhớ là lúc đi đã quên tắt bếp. Ui chao! Chắc chắn là mọi cái trong nhà đã cháy rụi thành tro rồi! Từ trưa đến giờ đã hơn 11 tiếng đồng hồ rồi chớ ít gì? Hai tay tôi run lên và lạnh ngắt, tim đập loạn xạ gần như muốn vỡ, ông xã tôi phải mở cửa thay.
Khi mở cửa ra, chúng tôi không còn nhìn thấy gì cả. Một làn khói dày đặc bao trùm lên mọi thứ. Cả căn nhà từ trên lầu cho đến các phòng bên dưới, phòng nào cũng dày đặc cả khói và khói… Tôi bịt mũi chạy ngay vào bếp, bếp vẫn đỏ lửa. Việc đầu tiên tôi tắt ngay bếp, nhìn vào nồi canh chẳng còn một thứ gì. Cái nồi không cháy đỏ rực như tôi tưởng tượng, ngay cạnh bếp lò là một khay nhựa đựng các hủ gia vị nêm nếm cũng bằng nhựa, không một thứ gì sứt mẻ hay bị nóng chảy như tôi đã tưởng tượng và suy đoán, mọi thứ vẫn y nguyên. Chung quanh bếp bao nhiêu là thứ dễ cháy mà không có bất cứ cái gì bị bén lửa!
Toàn thân rúng động, tôi nghĩ ngay đến sự che chở của Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát đã ban cho gia đinh của tôi. Trong lúc chồng tôi đi mở các cửa cho khói bay ra, tôi đến ngay trước bàn thờ Phật thắp nhang lễ lạy Tam Bảo, cùng lạy tiếp 50 Danh Hiệu còn lại. Tôi biết Bồ Tát Quán Thế Âm đã phù hộ cho gia đình chúng tôi thoát khỏi nạn lửa cháy. Càng ngày chúng tôi càng biết ơn và tin tưởng hơn vào Ngài.
Bổn Nguyên, Elk Grove, 1/2013
Quán Thế Âm Bồ Tát Cảm Ứng
Hằng năm Hội Từ Bi Quán Thế Âm tổ chức Buffet chay gây quỹ từ thiện, có năm tổ chức vào mùa hè, có năm vào mùa thu, có năm vào mùa đông. Nói chung năm nào cũng gặp thời tiết tốt. Năm tay tổ chức vào ngày 19/12/2010. Theo dự báo thời tiết cho biết, ngày 19/12 trời mưa, có gió, và trời có nhiều mây, thỉnh thoảng có mưa cả tuần trước đó.
Anh chị em trong Hội ai nấy đều lo lắng, nếu trời mưa thì khách vắng, thức ăn dư thừa, biết tính làm sao. Chỉ còn cách khẩn cầu Bồ Tát Quán Thế Âm nên ai nấy đều chí thành lễ bái 500 Danh Hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm.
Tôi cũng là một thành viên trong Ban Tổ Chức, cũng không tránh khỏi nỗi lo âu, nhất là gần đến ngày tổ chức mà trời vẫn cứ mưa và mưa càng lớn. Nửa đêm ngày thứ Bảy 18/12/2010 trời mưa to như thác đổ, lòng tôi càng bồn chồn không sao ngủ được. Đến sáng thấy trời hơi tạnh, tôi cũng bỏ bụng mừng, liền gọi điện thoại cho anh Nguyên Thành báo tin vui “Trời tạnh rồi”, mặc dù bầu trời vẫn âm u, chưa có sáng sủa cho lắm. Trên phôn hai anh em cười ha hả!!!
Nào ngờ đến 12:30 PM chuẩn bị đi đến địa điểm tổ chức, tôi chạy ra vườn xem trời ra sao. Ôi chao! Mây đen mù mịt, gió thổi ào ào, và mưa cũng bắt đầu rơi nhẹ. Tôi mới niệm Nam Mô Quán Thế Âm thì khóc bùng lên. Tôi nén cảm xúc tiếp tục niệm mười danh hiệu của Bồ Tát Quán Thế Âm liên quan đến thời tiết và tụng ba biến Chú Đại Bi. Vừa dứt ba biến Chú Đại Bi thì mặt trời xuất hiện chiếu nắng, mây đen tan dần, gió nhẹ. Tôi mừng lại khóc bùng thêm một lần nữa. Từ đó đến chiều trời không mưa, khách đến tham dự đông đảo.
Sự kiện trên tôi không nghĩ là ngẫu nhiên, tôi tin đó là “Cảm ứng của Bồ Tát Quán Thế Âm”. Còn ai tin hay không tin là tùy tâm của mỗi người. Sở dĩ tôi muốn nêu ra đây để cho những ai có niềm tin nơi Bồ Tát Quán Thế Âm, hãy xem đó là sự nhiệm mầu, là cảm ứng khó nghĩ lường, và cũng đừng cho đó là mê tín dị đoan. Theo đạo Phật đó là Nhân Quả. Đó là chánh tín. Hễ gieo nhân lành thì hái quả tốt.
Buổi Buffet chay gây quỹ đã thành công mỹ mãn. Số người tham dự đông đảo, đặc biệt có nhiều bậc trưởng bối trong cộng đồng Việt Nam tại Sacramento cũng đến tham dự lần đầu tiên. Số tịnh tài thu được $12,000.
Nam Mô Năng Linh Vũ Trạch Thuận Thời Quán Thế Âm Bồ Tát.
Chơn Lạc