Chuyển tới nội dung
Trang chủ » Blog » Những Mảnh Đời Bất Hạnh

Những Mảnh Đời Bất Hạnh

Với nhiệm vụ nhận hồ sơ, sắp xếp và trao lại cho Ban Xét duyệt, tôi thường có dịp xem qua hồ sơ và nhìn hình ảnh của các em trong ảnh. Các hình ảnh này làm cho tôi vô cùng thương xót về những bất hạnh mà các em phải nhận chịu. Thế nhưng, qua tiếp xúc thực tế với một số hoàn cảnh thê thảm của các em khuyết tật trong lần về thăm quê nhà vừa qua, cảnh ngộ của các em càng làm cho tôi xúc động đến rơi nước mắt. Thực vậy đó các anh chị, tôi đã có một chuyến đi thăm các em khuyết tật và mồ côi mà HTBQTA đang trợ giúp qua các tỉnh từ Quảng Trị cho đến Bến Tre, đã tận mắt nhìn thấy các em qua các sinh hoạt thường ngày của một con người, hoàn cảnh của các em làm cho mọi người xúc động, có người đã chảy nước mắt.

Chúng tôi đến Quảng Trị trong một ngày mưa to gió lớn vì cơn bão đang tràn vào tỉnh Quảng Trị. Nơi đây anh Cộng tác viên Lê Văn Diêu đã mời các em học sinh mồ côi và nghèo khổ đến nhận 21 chiếc xe đạp. Các em trong độ tuổi từ 12 đến 15. Nhìn các em nhỏ bé xắn cao quần trong tấm áo mưa mỏng như bong bóng, các em háo hức xếp hàng chờ đến phiên mình nhận xe. Mắt các em sáng rỡ lên và vui mừng khi được gọi tên đến nhận xe. Các em cùng nhau đạp xe ra khỏi cổng chùa để về nhà thấy thương lắm. Chúng tôi cùng cười lớn vui mừng vì đã được thay mặt các ân nhân với tấm lòng rộng mở của HTBQTA để đem đến cho các em một chút niềm vui.

Cùng chị Huề và Nhóm Hướng Thiện Huế, chúng tôi chạy xe honda đến 45 phút lên vùng núi Nam Hòa để thăm một gia đình khốn khổ. Người cha bị ung thư mắt, 2 tháng trước mắt lồi ra như trái banh tennis, phải chữa hóa trị tại bệnh viện Trung Ương Huế. Mỗi lần chữa trị là phải trả tiền, đến nay còn nợ cả trăm triệu bạc. Người mẹ mua thanh trà, mít các vườn chung quanh, chạy xe về Huế bán lam lũ cả ngày. Không chạy đủ tiền mua thuốc, phải bán cả mảnh vườn cha mẹ để lại mà chữa bệnh. Cháu trai học lớp 10 phải bỏ học nửa chừng để đi kiếm sống, dồn sức nuôi người em đang học lớp 6. Ở miền núi xa, xe đạp bị hỏng không có tiền sửa, phải nhờ người khác chở dùm, không ai chở thì nghỉ học. Đến tặng người bệnh một ít tiền mua thuốc và giúp em bé chiếc xe đạp đi học, cả nhà đều rưng rưng nước mắt. Người mẹ vừa khóc vừa nói, cháu đã không biết chữ rồi, mong con đến trường kiếm chút chữ nghĩa với người ta, nhưng hoàn cảnh nầy chắc bỏ cuộc quá!

Tại chùa Quang Châu huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, Sư Cô Thích Nữ Minh Tịnh đang nuôi dưỡng 103 em bị cha mẹ bỏ rơi. Trong đó có 30 em từ 1 tháng đến 2 tuổi. Thấy chúng tôi các em đưa tay đòi bế, đến khi chúng tôi phải đi các em ôm chặt và khóc lên. Cho dù được các cô bảo mẫu chăm sóc và cho ăn uống đầy đủ, nhưng các em vẫn bất hạnh ngay từ ngày đầu vào đời vì thiếu đi vòng tay êm ấm của cha và mẹ.

Vào thị xã Quảng Tín thăm CTV là Ni sư Thích Nữ Chúng Liên. Ni sư dẫn chúng tôi đến thăm một bé trai nằm bất động trên cái giường, hai chân thòng xuống đất cho dễ tiểu tiện. Anh Nguyên Thành niệm A Di Đà Phật rồi nói cháu niệm theo. Cháu nhíu môi nhíu miệng bật ra tiếng “ật” thật khó khăn. Ni sư và mọi người đều khen cháu là còn nhớ đến Phật. Khi chúng tôi viết những dòng chữ này thì được Ni sư điện thoại cho biết cháu đã qua đời hơn 1 tháng rồi.

Ở Quảng Ngãi chúng tôi được Sư Bà Thích Nữ Phát Liên và Sư Cô Thích Nữ Nhàn Liên đưa đến thăm em Nguyễn Thị Trinh được HTBQTA trợ giúp gần 7 năm nay. Ra khỏi thành phố, qua nhiều con hẻm ngoằn nghèo đầy bùn đất, chúng tôi đến trước một căn nhà nhỏ có gắn tấm bảng “Nhà Tình Thương” do một hội đoàn nào đó xây tặng. Nhà lợp tôn, cửa ngõ mở toang, gọi mãi chẳng có tiếng trả lời. Nhìn vào chẳng thấy bàn ghế, gường chiếu, chỉ thấy một em gái nằm trên sàn nhà xi măng với chân tay cong quẹo, quay tới quay lui. Chúng tôi bước vào nhà, em nhìn chúng tôi, cái miệng méo cố phát ra những tiếng u ơ từ cổ họng như muốn chào hỏi và ánh mắt như vừa ngạc nhiên vừa vui mừng vì có người đến nhà.

Em ở nhà một mình, mẹ em phải đi làm để nuôi sống cả hai mẹ con vì ba em đã bỏ đi khi biết em bị khuyết tật. Hai mẹ con sống hẩm hiu với nhau hơn hai mươi năm rồi, thân nhân và bà con đều ở xa. Đến trưa mẹ em mới về cho em ăn và làm vệ sinh. Thấy chúng tôi đến, hàng xóm gọi người mẹ về. Thấy mẹ, miệng Trinh hừ hừ, mắt ánh lên vẻ hờn dỗi. Mẹ em âu yếm đỡ em nằm tựa vào lòng, em liền mở miệng cười và mắt tỏ lộ vẻ vui sướng được mẹ chăm sóc. Thấy em nằm trên nền xi măng, tay chân lạnh ngắt, nếu mùa đông đến em sẽ bị viêm phổi ngay. Chúng tôi bàn nhau và ra chợ mua cho em một tấm nệm, có khăn trải bằng nilon, và bao tã giấy. Khi được nằm trên tấm nệm êm ấm, trông em rất thoải mái, hài lòng và có vẻ hạnh phúc lắm. Rõ ràng là tuy không nói được nhưng em hiểu, và nét mặt cùng đôi mắt của em diễn tả được cảm xúc vui, buồn, hờn giận của em. Chính sự hiểu biết mọi cái mà không nói được càng làm em bé đau khổ thêm. Khi chúng tôi chào mẹ con em để ra về, em nhìn theo với ánh mắt buồn bả xen lẫn sự luyến tiếc. Ánh mắt đau thương ấy đã theo chúng tôi đến tận bây giờ.

Qua Qui Nhơn, chúng tôi ghé thăm trại phong cùi Quy Hòa. Cảnh sắc ở đây đẹp thật. Ngày xưa tổ chức y tế của Pháp đã xây dựng trại phong nầy với phòng ốc, nhà cửa khang trang. Có những khu nhà riêng cho các gia đình người bệnh ở, con cái họ không bị lây bệnh và đi học bình thường. Trên đường đi đến khu bệnh nhân nặng để trao quà, chúng tôi gặp những người đã được chữa lành, nhưng họ vẫn ở lại trại làm việc như những công nhân. Chúng tôi đã trao 250 phần quà cho những bệnh nhận nặng. Khi gặp họ tôi chỉ biết đứng yên niệm Phật nhiếp tâm để đầu óc mình không nghĩ gì cả. Người hướng dẫn đưa chúng tôi tới thăm Niệm Phật đường mới được xây dựng hơn hai năm nay. Hàng tháng vào ngày rằm và mồng một âm lịch có Thầy từ Quy Nhơn vào làm lễ. Số người tại đây xin quy y Tam Bảo và thọ Ngũ Giới lên tới 250 người.

Chúng tôi ghé thăm nhà lưu niệm Hàn Mặc Tử, một thi sĩ tài ba đã mất khi còn trẻ tuổi vì chứng bệnh phong cùi. Đó là một căn phòng và chiếc gường mà ngày xưa thi sĩ đã nằm điều trị bệnh cho đến khi từ giã cõi đời. Tại đây còn lưu giữ nhiều đồ dùng cá nhân và nhiều thư từ. Anh Nguyên Thành đã xúc cảm ngâm bài thơ “Đây Thôn Vỹ” để tưởng nhớ Hàn Mặc Tử. Rời trại phong Quy Hòa với nhiều thương cảm các bệnh nhân và tiếc một thi sĩ tài hoa nhưng bạc mệnh.

Đến huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, chúng tôi được Sư Cô Thích Nữ Chơn Tâm dẫn đến thăm hai em khuyết tật ở cùng một xóm. Phải đi bộ qua nhiều mảnh ruộng lúa, qua những bờ ruộng nhỏ xíu, rồi đến một căn nhà tranh vách đất nhỏ tí tẹo. Thực tình từ nhỏ cho đến nay tôi mới thấy một cái nhà rách nát đến như vậy.  Vào nhà tối thui và mùi khai nước tiểu bốc lên. Trên cái võng rách nát có một em gái đang nằm không có mặc quần, người cha vội lấy quần mặc cho con. Em cũng không ngồi dậy và nói năng gì được, cuộc đời gắn chặt với tấm võng đong đưa theo sự xoay trở của em.

Còn em Trang ngồi trên chiếc xe lăn cũ rích, nhỏ và hẹp so với thân thể của em, em ngọng nghệu niệm Phật. Em rất thích và thường niệm Phật, đó là duyên lành cho em, cầu mong cho em sẽ được nhiều điều thiện lành trong tương lai. Tỉnh Đắc Lắc cũng có những trường hợp như vậy. Em Lò Thị Hoài Nhân ngồi được nhưng không nói được, cứ ngồi vỗ tay và bò lui bò tới trên nền nhà suốt ngày. Thăm hỏi và trao quà cho em xong, chúng tôi thấy lòng mình thật nặng nề.

Vào Sài Gòn thành phố hoa lệ, xe cộ rộn ràng, người người tất bật, ngược xuôi mua sắm, sinh sống. Nhưng khu điều trị ung thư cho trẻ em từ sơ sinh đến 15 tuổi của bệnh viện Ung Bướu thật là trái ngược. Không khí trầm buồn với các em đầu không có tóc. Khó cầm được nước mắt khi thấy 2 em bé sinh đôi mới hai tháng tuổi đã bị ung thư máu. Điều kiện chăm sóc y tế tại đây quá tệ hại. Một căn phòng nhỏ mà chứa đến 30 em bé bị bệnh, chưa kể người nuôi bệnh đứng ngồi chen nhau. Trên gường hai em nằm ngược chiều nhau, dưới gường một em khác trải chiếu nằm trên xi măng. Có em nằm ngoài hành lang. Chúng tôi trố mắt nhìn một bên vách vừa được thợ hồ trám xi măng xong, vừa dọn đồ nghề ra về thì một người cha lại quét dọn hồ rơi vãi và trải chiếu cho con mình nằm. Vừa hết tiền và thời gian, chúng tôi không đi thăm khu bệnh người lớn được. Nếu đi chắc sẽ chứng kiến nhiều sự đau lòng khác.

Khi về lại Hội Quán chiếu đoạn phim về cháu Trinh, ai cũng xót xa. Anh chị em đồng ý rằng cách giúp đỡ hiệu quả nhất cho cháu là tạo cho bà mẹ một việc làm ngay tại gia đình để có thể vừa kiếm sống vừa chăm sóc cho em bé. Chẳng hạn, một sạp bán hàng linh tinh như gạo, đồ gia vị, củi, rau, trái… ngay tại hiên nhà. Khách hàng là bà con trong xóm. Sư Bà Phát Liên đồng ý sẽ trao đổi với đạo hữu tìm nguồn cung cấp hàng hóa thích hợp. Số tiền $2,000 sẽ cần đến để giúp vốn cho người mẹ làm ăn. Chị Vinaco đã giúp 1 chiếc xe lăn cho em bé. Vậy chư Tôn đức và quý nhà hảo tâm nào thương xót hoàn cảnh cháu Trinh, xin từ bi hỗ trợ.

Hôm nay cùng làm việc với các chị trong Hội bổ sung giấy tờ cho hồ sơ của các em, tôi có cơ hội nhìn lại hình ảnh của các em khuyết tật và những xúc cảm cũ lại hiện về làm tôi thấy thương các em lắm. Qua những cảnh đời bất hạnh đó tôi thấy mình thực có phước được một thân hình đầy đủ. Tôi vô cùng biết ơn ba mẹ đã cho tôi tấm hình hài vẹn toàn này. Và tôi cũng bớt đi những ham muốn, hơn thua. Tôi cũng tập được sự xả bỏ và biết nghĩ về người khác nhiều hơn. Nguyện rằng chúng ta sẽ cùng nhau cố gắng vận động và quyên góp để có thể giúp cho các em khuyết tật và mồ côi nhiều hơn nữa, để cha mẹ các em có nhiều điều kiện và thời gian hơn mà chăm sóc các em. Ước mong sẽ không có những em khuyết tật nào cô đơn một mình ở nhà.

Nguyện rằng sẽ có nhiều bậc thiện tri thức và các anh chị với tấm lòng thương tưởng người bất hạnh cùng nhau đưa cánh tay từ ái để nâng đỡ các em. Mong rằng sẽ có nhiều cánh tay đưa ra để các em thiếu may mắn có thể tựa vào. Mong lắm, xin Bồ Tát Quán Thế Âm độ trì cho mong ước của chúng con.

                                                Quảng Minh Ngô Thị Hạnh