Một nụ hoa vừa nở. Một trái cây vừa chín. Để màu hoa tươi thắm và trái chín ửng hồng, phải mất nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, hoặc rất nhiều năm. Hạt giống nẩy mầm. Bao nhân duyên hội tụ.
Ngày 4 tháng 12 năm 2006 một hội từ thiện có tên “Hội Từ Bi Quán Thế Âm” (HTBQTA) đã được thành lập, theo giấy phép số 2935947 của tiểu bang California.
Là người đang loay hoay muốn tìm cách đóng góp chút công sức ít ỏi cho chính bản thân và cho đời bớt…phiền não, tôi không thể không “tò mò” tìm hiểu. Và những thắc mắc này cũng là thắc mắc chung của nhiều bạn bè. Chú Trần Duy Phô, Hội trưởng HTBQTA đã hoan hỷ dành cho chúng tôi buổi trao đổi.
Hỏi: Thưa chú, từ nhân duyên nào mà HTBQTA được thành lập? Chúng tôi nghe nói, cách đây khá nhiều năm, đã có những hoạt động từ thiện được tiến hành như là một hình thức tiền thân của Hội?
Đáp: Nếu nói là tổ chức tiền thân của Hội thì có lẽ to tát quá. Nhưng đúng là hạt mầm từ thiện đã được gieo từ rất nhiều năm rồi. Năm 1997, tức chỉ là một năm sau khi gia đình chúng tôi định cư tại Mỹ, vợ chồng tôi đã cùng với một nhóm bạn thân cùng nhau đóng góp để có chút ít tiền gởi về giúp cho một số trẻ em mồ côi có hoàn cảnh quá khó khăn tại Huế. Số tiền mà chúng tôi gom được vào năm đó chỉ là 197 dollars! Những năm kế tiếp, số tiền thu được mỗi lúc một tăng. Đặc biệt trong hai năm 2004 và 2005, với sự hỗ trợ tích cực của Nhóm Học Phật Lộc Uyển & Thân Hữu, chúng tôi tổ chức hai buổi buffet chay đạt kết quả rất mỹ mãn. Tính từ năm đầu tiên cho đến tháng 11/2006, số tịnh tài từ thiện thu được là $3.,900.
Hỏi: Năm 1997 và nay thì sắp bước qua 2007. Vậy là khởi đi từ một chặng đường 10 năm, phải không thưa chú?
Đáp: Vâng, 10 năm! Nhưng nếu kể sâu xa hơn, tìm đến cội nguồn một khởi điểm nhỏ bé như thế thì phải kể đến cách đây… mấy chúc năm, khi tôi còn thơ trẻ tại quê nhà. Tôi đã có duyên lành làm việc thiện với các bậc chân tu ở Huế thời bấy giờ như Sư bà Thể Quán, Ni sư Cát Tường, Đại đức Chơn Hiền, bác Phạm Đăng Siêu, chú Lê Quý Quang… Ngay từ những ngày đó, tôi đã thầm nguyện theo chân những người từ thiện để xoa dịu bớt đau thương.
Hỏi: Trở lại với con số $30.900 mà bạn bé Chú và sau này có thêm Nhóm Học Phật Lộc Uyển & Thân Hữu vận động được, chúng tôi có thể được biết là đã dành cho những hoạt động từ thiện nào? Và ở đâu?
Đáp: Những năm đầu, số tiền góp được quá ít ỏi, chúng tôi chỉ gởi về giúp cho trẻ em mồ côi được nuôi dạy tại chùa Đức Sơn, ở huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên, do hai Ni Sư Minh Đức và Minh Tú phụ trách. Khi số tiền khá lớn, chúng tôi mở rộng ra thêm cho những chương trình khác. Cụ thể, năm 2004, chúng tôi hỗ trợ trên $8.000 cho Cơ sở Dạy nghề Miễn phí do chùa Tây Linh, phường Thuận Lộc, Huế tổ chức. Nhiều trẻ em mồ côi, nghèo khổ hoặc khuyết tật nhưng vẫn có khả năng vận động, được học thêu, đan, may, computer tại đây.
Năm 2005 và 2006, tiền thu được chia ba chương trình:
(1) Giúp trẻ em khuyết tật và mồ côi ở với thân nhân tại các tư gia, rải rác trong các thôn xóm, vùng núi xa xôi ít ai biết đến. Chúng tôi đã giúp được 165 em, mỗi em $40;
(2) Hỗ trợ Tuệ Tỉnh Đường Hải Đức $4.000 khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho đồng bào nghèo ở vùng sâu vùng xa tỉnh Thừa Thiên;
(3) Giúp lớp giáo dục đạo đức cho trẻ em tại chùa An Khánh tỉnh Đồng Tháp $3.000. Ngoài ra, còn có những hỗ trợ khác cho các cụ già neo đơn, bệnh nhân phong cùi, người bệnh nghèo không tiền mua thuốc. Tuy nhiên, những hoạt động nầy chưa nhiều.
Hỏi: Thưa chú, làm sao để số tiền do công sức của nhiều người đóng góp đến được đúng đối tượng mục đích và hiệu quả?
Đáp: Chúng tôi làm việc với nhiều thiện nguyện viên. Ngoài các bậc tu hành khả kính, có uy tín cao như Ni sư Như Minh, Trụ trì chùa Tây Linh, Trưởng ban Từ thiện Phật giáo tỉnh Thừa Thiên; Ni sư Thích Nữ Minh Tú, Thích Nữ Minh Đức, Trụ trì chùa Đức Sơn; Thượng tọa Thích Hải Ấn chùa Từ Đàm; Sư Cô Thích nữ Minh Tịnh tại Đà Nẵng; Đại đức Thích Minh Lý chùa An Khánh, Đồng Tháp. Ngoài ra còn có rất nhiều Cộng tác viên trong Nhóm Hướng Thiện, Cựu Liên đoàn Học Sinh Phật Tử Thừa Thiên, Gia Đình Phật Tử Phước Linh. Các anh chị như Phan Đình Huy, Hồ Thị Thái Huề, Hồ Thị Thái Huê, Bùi Phương Hương nguyên là những Thầy, Cô giáo các trường Quốc Học, Gia Hội, Vĩ Dạ, Dưỡng Mong. Họ không ngại lăn lội đến tận nơi xa để xác minh những trường hợp trẻ em tật nguyền, nghèo khổ, mồ côi cần cứu giúp. Tất cả đều làm việc không lương. Chúng tôi có hồ sơ, hình ảnh, chữ ký nhận tiền của từng trường hợp. Chúng tôi cũng thông báo kết quả thu chi từng đợt, từng năm. Những thông báo này được in trong các lá thư cám ơn gởi đến các nhà hảo tâm, cũng như được in trong các nội san của Nhóm Học Phật Lộc Uyển. Mỗi khi về thăm quê, chúng tôi đều trực tiếp làm việc với các thiện nguyện viên này, đi đến tận một số nơi để thăm viếng và tặng quà các cháu.
Hỏi: Sự trợ giúp thời gian qua chủ yếu tập trung cho đối tượng trẻ mồ côi, khuyết tật tại điạ bàn Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Nam. Vì sao ưu tiên cho đối tượng và điạ bàn này? Sắp tới, khi HTBQTA chính thức hoạt động, thì sẽ có gì khác hơn chứ, thưa chú?
Đáp: Hoạt động thời gian qua chỉ là của cá nhân và một nhóm nhỏ. Chúng tôi không đủ nhân lực để có chương trình hoạt động ở nhiều nơi. Trong buổi Buffet Từ Thiện năm 2005, chúng tôi có kêu gọi mọi người cung cấp thông tin về các em khuyết tật và mồ côi khắp nơi nhưng không thấy đáp ứng. Chúng tôi chỉ có hồ sơ các em tại 3 tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Nam nên được giúp đỡ chứ không phải ưu tiên. Hơn nữa, chúng tôi cũng đã có một số hỗ trợ, tuy chưa nhiều, cho các tỉnh Đồng Tháp, Phan Thiết, Darlac. Như chúng ta đã biết, trẻ em bao gờ cũng là đối tượng có nguy cơ dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt là trẻ em khuyết tật. Con gái đầu lòng của tôi không may cũng là một trẻ khuyết tật. Tôi thấm thía hơn nỗi đau của trẻ và của những người làm cha làm mẹ.
Nay HTBQTA đã chính thức hoạt động, chúng tôi có 9 chương trình từ thiện mở rộng đến khắp nơi tại Việt Nam, tại Hoa Kỳ và trên thế giới. Các hội viên sẽ thảo luận và đi đến thống nhất về các chỉ tiêu hành động cho từng năm. Điều này cũng có nghĩa là phải xây dựng mạng lưới thiện nguyện viên ở những nơi đó. Chúng tôi kêu gọi sự hỗ trợ, giúp đỡ của mọi người. HTBQTA là nơi để tất cả chúng ta chung tay góp sức, thực hành theo hạnh từ bi để cuộc đời có thêm niềm vui và nụ cười.
Hỏi: Như tên gọi và như chúng tôi biết, HTBQTA vừa là một hội từ thiện, vừa mang tính chất tôn giáo. Vậy Hội có phân biệt tôn giáo khi trợ giúp cũng như khi vận động không?
Đáp: Ồ, hoàn toàn không. Chúng tôi không hề phân biệt tôn giáo nơi người cho cũng như người nhận. Trong danh sách tặng cũng như nhận quà, có nhiều người không phải là tín đồ Phật giáo. Chúng tôi mong mỏi được sự hỗ trợ, đóng góp ý kiến xây dựng của tất cả mọi người dù ở tôn giáo nào, màu da nào. Tất cả các tôn giáo đều có hoạt động từ thiện. Tính chất tôn giáo mà Hội nói đến ở đây chính là ở ý nghĩa, coi chuyện làm từ thiện như một phương pháp tu tập. Tu tập là gốc, từ thiện là ngọn. Như thế thì khi tới, có thể giúp người khác, còn khi lui thì có thể giúp mình tu tâm dưỡng tánh.
Người phỏng vấn: Cám ơn chú Hội Trưởng rất nhiều. Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu về hoạt động của HTBQTA trong thời gian tới để mong cùng góp với Hội một chút gì đó trong hoạt động từ thiện, dù là rất nhỏ.
Đáp: Cám ơn những câu hỏi sâu sắc mà thiết thực của Quảng Diệu Tịnh và đã cho chúng tôi có dịp giải thích thêm về việc thiện thời gian qua. Còn công việc của HTBQTA chỉ mới bắt đầu, còn nhiều khó khăn trở ngại, rất mong sự hỗ trợ của Quảng Diệu Tịnh và các bạn khác.
Quảng Diệu Tịnh ghi