Chuyển tới nội dung
Trang chủ » Blog » Phóng Sanh: Thả Rùa Về Sông

Phóng Sanh: Thả Rùa Về Sông

Cầu an cho các bạn rùa trước khi thả về sông nước

Hội Từ Bi Quán Thế Âm có rất nhiều hoạt động, nhưng riêng với cá nhân tôi có hai hoạt động mà tôi sắp xếp số 1 và 2 trong “TO DO LIST” hàng ngày của tôi là Phóng sanh và Lạy sám hối. Rất tiếc là muốn mà hay gặp chướng duyên nên thỉnh thoảng mới được toại nguyện đi tham dự.

Tuần vừa rồi Hội nhóm họp để mừng Lễ Phật đản, để chuẩn bị hai bữa cơm chay gây quỹ, và sau đó như thường lệ là đi phóng sanh vào ngày Rằm. Ðó là “tủ” của tôi nên tôi hý hửng theo các đạo hữu ra sông Sacramento River, gần freeway I5. Tôi hay đi qua khu Greenhaven này nhưng không biết ở đây có sông, nhờ Hội mới biết thêm cái công viên mát mẻ này và cả đường xuống sông nữa. Ðịa điểm này có tiếng ở Sacramento vì sông uốn vòng đẹp mắt, nhà cửa sang trọng, mỹ thuật, phải nói là khu nhà giầu của Sacto, chứ không phải khu nhà lá.

Lúc chúng tôi tới nơi là đã xế chiều, “mặt trời đã ngả về Tây”, các người chơi thuyền đã rộn rịp mang tầu vào bến để kéo về nhà. Vì hôm nay thời tiết nóng, lại vào chủ nhật nên dân chúng ra đây hóng mát rất nhiều, không khí công viên sinh động, tiếng người cuời nói, trẻ con chạy nhảy khắp nơi thật khác hẳn quang cảnh nơi đây vào mùa đông.  Hội chọn cầu tầu là chỗ tụng kinh trước khi phóng sanh. Thấy cả mấy chục người Á Đông khệ nệ mang vác, lôi kéo cả chục thùng đầy rùa trên cầu, các người đang bận rộn kéo tầu của họ lên bến cũng tò mò nhìn xem chúng tôi làm gì. Tôi cũng nhìn họ mà trong lòng cũng muốn nói cho họ làchúng tôi đang đi phóng sanh đây nè. Và trong đầu cũng đang tìm chữ phóng sanh tiếng Mỹ nói ra sao. Tôi thiết nghĩ người Mỹ là dân tộc chuộng tự do, nếu họ biết về hoạt động này chắc họ cũng thích tham dự nhiều với hội.  Chiều hôm đó trên đường lái xe về nhà tôi có nghĩ đến tờ báo Sacramento Bee, trang Metro là phần đăng bài các sinh hoạt cộng đồng Sacto. Nếu một ký giả nào của trang này mà được giải thích ý nghĩa lễ phóng sanh và được chứng kiến tận mắt tôi dám chắc họ sẽ viết bài phóng sự này. Nghĩ vậy mà lòng thầm niệm Phật mong có vị hộ pháp nào sắp xếp để hoạt động này được phổ biến trên báo để cho người địa phương học thêm được cách tạo thiện nghiệp, nhất là cho trẻ em Mỹ. Tâm hồn chúng dễ nhậy cảm lắm. Tôi biết có đứa bé khi thấy bố nó làm thịt con cá câu được nó nhất định không ăn cá. Nếu người lớn tập cho chúng phóng sanh chúng sẽ ngả sang ăn chay dễ dàng.

Các anh chị em trong Hội đã lái xe tới nơi đầy đủ, nhưng có chị Yến đến sau nên mọi người nán chờ. Tôi mừng thầm chứ không sốt ruột vì cảnh trời chiều quá tuyệt.  Sóng nước lăn tăn phản chiếu màu sắc rực rỡ của cảnh mặt trời sắp lặn – cái giây phút huy hoàng của các thi nhân, các họa sĩ, các nhiếp ảnh gia. Rất tiếc là tôi không là thi sĩ, chụp hình thì được nhưng lại quên không đem máy quay phim. Thôi thì mình đứng tận hưởng ân huệ của trời đất, hiếm có những giây phút thần tiên như vầy.

Tiễn các bạn rùa đến bờ sông nước tự do

Những giây phút vui qua mau… Tôi giật mình nghe tiếng khánh và tiếng tụng kinh.

Lễ đã bắt đầu. Tôi cố chú tâm tụng theo đại chúng và cố niệm Phật cho các chú rùa nhưng trong lòng vẫn thấy nao nao, xôn xao như các cô chú rùa kia. Bây giờ tất cả các thùng đều được mở tung nắp nên các bạn rùa đương loay hoay tìm cách bò ra khỏi thùng. Trong thùng tôi đứng cạnh, có một con đã mạnh dạn lật ngược lại được và dùng hết nội lực leo khỏi thành thùng và rớt ra ngoài rồi lanh lẹ bò khỏi thành cầu rớt xuống sông. Chú này là con đầu tiên tìm thấy tự do trước cả trăm con khác. Chứng kiến sự kiện nó nằm dưới các con khác mà nó xoay xở lật ngược được cái mu, rồi biết leo lên các con khác làm bàn đạp để leo khỏi thành thùng giấy, lăn xuống cầu rồi phóng xuống nước chỉ trong một vài tích tắc đồng hồ là một bài học khôn sống, mống chết cho tôi. Nhìn nó lặn sâu một hồi rồi trồi lên và từ từ bơi ra xa trong khi các con khác vẫn nằm trong thùng thì tôi liên tưởng đến những người có tài lãnh đạo. Tôi nghĩ nó cũng thuộc loại “born leader”. Nó bơi ra xa, đầu trồi trên mặt nước nên tôi còn thấy được một hồi rồi nó mới lặn luôn. Có lẽ lúc này nó cũng biết là nó đã được lại sự tự do bẩm sinh của nó mà vì một nghiệp duyên nào đó nó suýt bị mất mạng. Tôi trở lại chú tâm niệm Phật hồi hướng cho nó kiếm được chỗ sống an lành và hết kiếp thì hoàn toàn vãng sanh cảnh giới trời người.

Giờ đây đã đến phần hồi hướng và các đạo hữu đang hân hoan thả các chú rùa xuống sông. Tôi nghe nói Hội mua hơn một trăm con. Nhìn chúng bơi lội tìm đường thoát thân hay tìm nơi trú ẩn vì dù sao đây cũng là nơi xa lạ với chúng, mọi người đều vui mừng, sung sướng vì đã cứu chúng khỏi vào các nồi cháo hay các chảo dầu. Không may có một con bị một tầu của mấy người trẻ tuổi vớt lên ngay lúc đó. Vì tầu đó phóng ra sông nhanh quá nên không ai kịp phản ứng và mọi người đều công nhận là chú đó nghiệp nặng. Tiếng reo vui, tiếng lõm bõm khi thả rùa xuống nước, tiếng sóng vỗ thành cầu, tiếng tụng chú, niệm Phật vang rền, rồi cả trăm con bơi lội tứ tung, xáo xác không biết về đâu, thực là một hoạt cảnh linh động mà bút mực khó ghi lại hết .

Trong khi viết các dòng này, hình ảnh các chú rùa bơi lội, trồi lên, lặn xuống trong các gợn sóng nhấp nhô, lấp lánh ánh hoàng hôn vẫn hiện lên rõ rệt trong óc tôi, cùng những cảm xúc vui buồn nhẹ nhàng, thanh thoát khiến tôi phải tự hỏi là mình đã làm gì mà có được những giây phút tuyệt diệu như vầy. Tôi tự buồn cuời vì nhớ đến cảnh trong phim “On the golden pond” và nghĩ cảnh chiều này cũng đẹp như thế. Tôi ước gì mình có máy quay phim thì hay biết mấy, có hình ảnh kỷ niệm lâu dài và chiếu cho các bạn đạo khác thưởng thức. Người Mỹ có câu là “Một ngàn chữ không bằng một bức hình”.

Anh Phô kêu gọi viết bài cho đặc san Hiểu và Thương, tôi định chỉ viết một vài câu ngắn mà không ngờ đã quá dài, mất chỗ quá nhiều rồi, vậy xin ngừng “đánh máy” ngay đây với một hoài niệm là mong cho chính bản thân tôi trong những kỳ phóng sanh tương lai, có đủ thiện duyên tham dự. Ngoài ra, cũng mong cho nhiều bạn trẻ khác cũng có đủ duyên lành tham gia cho đông, vì nếu suy nghĩ sâu sắc chúng ta tu tập để giải thoát, Pháp môn phóng sanh này có lẽ dễ làm nhất mà cũng hiệu quả nhất. Theo thiển ý của tôi thì mình không phải lễ lạy nhiều, không phải công phu, mà còn được ra sông ngắm trời trăng mây nước, và nhân quả đồng thời, giây phút nào nhìn con vật được tự do bơi lội, thì tâm mình cũng tự do, thư thái như chúng. Và luật nhân quả còn ảnh hưởng dài dài nữa chứ đâu có ngừng ngang đây. Chẳng hạn như không sát sinh mà còn phóng sinh thì có lẽ sẽ được sống lâu, không bệnh, trong khi làm tâm vui, thì thân khỏe, đỡ tốn thuốc, đỡ phải cầu an vân vân và vân vân. 

Có dịp khác tôi xin trình bày về chương trình Lạy Lương Hoàng Sám Pháp lưu động của Hội, một hoạt động tôi cũng “enjoy” không kém hoạt động phóng sanh. Xin thành thật cám ơn gia đình anh Phô, chị Hạnh và các cháu, cám ơn các đạo hữu trong Hội đã tu tập Pháp môn này nghiêm túc, đều đặn, làm gương cho tôi và nhiều người trong tương lai. Tôi chắc chắn là quý vị đã làm và đã quên, nhưng  biết đâu, đâu đó biết bao nhiêu cô chú rùa vẫn thầm cảm ơn quý vị đã mang lại tự do cho chúng và còn niệm Phật cho chúng vãng sanh, giải thoát sanh tử, luân hồi. Trong Kinh Kim Quang Minh, có Phẩm Lưu Thủy, cả mười ngàn con cá về trời, biết đâu rùa cũng về trời. Thôi xin ngừng ngay đây không lại bị la là nói xàm.

Xin chúc các anh chị em trong Hội thân tâm thường an lạc.

                                 Mừng mùa Phật Ðản 2009

Ngô Thị Kim Phương, Pháp danh Nguyệt Diệu Ngọc