Chuyển tới nội dung
Trang chủ » Blog » Ân Sư

Ân Sư

Nguyễn Hướng Dương đọc và thu âm sách nói giúp trẻ em mù học tập

Mùa hè Cali thật quá rực rỡ.  Ấy vậy mà có những hôm, giữa ngày nắng đẹp như thế, tôi bỗng thấy lòng mình chùng xuống u ám, phiền não bởi những lo toan cơm áo và tính toán cho tương lại, vấn vương của quá khứ.  Thế rồi… sáng nọ, lá thư em đã bay đến bên tôi từ thành phố hầu như quanh năm tràn đầy nắng ấm, thành phố Sài Gòn. Nét chữ nghiêng nghiêng quen thuộc làm tôi chợt rạng rỡ hẳn lên. Những kỷ niệm êm đềm dần mở ra và mời gọi ta tựa vào như chiếc gối mềm mại.

Em và tôi đã có chút nhân duyên làm việc bên nhau một quãng thời gian thật đẹp. Kể lể mà làm gì những thứ mà chúng tôi đã làm. Điều khiến chúng tôi hài lòng nhất là công việc ấy đã đem lại niềm vui, lẽ yêu đời, dù là còn nhỏ nhoi, cho nhiều trẻ thơ. Nhất là đối với trẻ nghèo khổ, mồ côi, khuyết tật, đặc biệt là trẻ mù. Chỉ vừa nghe tiếng của em hoặc có khi của tôi, là những khuôn mặt thơ dại sáng bừng lên; những đôi môi hồng reo gọi chính xác tên của chúng tôi. Khiếm khuyết thị giác nên bù vào, trẻ mù có đôi tai tinh nhạy và linh cảm tuyệt vời. Tinh thần và thái độ làm việc của em cũng như chính bản thân em là bài học về nghị lực sống.

Vừa tốt nghiệp Đại học, có một việc làm phù hợp với năng lực, sở thích, cuộc đời tươi đẹp tưởng như đang rộng mở với cô gái năng động như em. Vậy mà tai nạn giao thông thảm khốc lần đó đã lấy mất đôi chân em! Vật vả đấu tranh với sự đớn đâu của thể xác lẫn tâm hồn, em đã lại đứng lên và bước tới. Trong suốt 9 năm dài kể từ ngày phải đi lại trên đôi chân giả mà rất nhiều khi, sức nặng của nó đã làm mỏm cụt của em rướm máu, Nguyễn Hướng Dương đã lặng lẽ làm việc ở Thư viện sách nói dành cho người mù, được thành lập từ sáng kiến của chính em.

Với giọng đọc truyền cảm và rõ ràng, nhiều bộ sách giáo khoa cũng như các tác phẩm văn học, sách làm người đã được Hướng Dương chuyển tải thành băng cassette hoặc dĩa CD, tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ mù học tập, mở rộng kiến thức. Bởi, nguồn sách chữ nổi trên thị trường quá hạn chế và tốn kém.

Giờ đây, khi không thể hàng ngày đến với Thư viện Sách Nói được nữa vì sức chịu đựng của mỏm cụt đã cạn kiệt, Hướng Dương vẫn là một Hướng Dương năng động mà tự tại, thong dong trong mọi hoàn cảnh. Đơn giản em đã không và chưa hề trốn vào công việc như một nơi trú ẩn.  Thông báo tin ấy cho tôi, em viết: “…Vậy là em đang hát đến đoạn thứ ba trong bài hát Mỗi Ngày Tôi Chọn Một Niềm Vui… là, mỗi ngày tôi chọn ngồi thật yên. Vâng, ngồi yên cũng rất thú vị nếu mình biết ngồi theo cách theo dõi hơi thở vào, hơi thở ra; trở về với giây phút hiện tại… như Thầy Nhất Hạnh đã từng dạy… Những đêm rằm, em hay lên sân thượng ngắm trăng, thưởng thức vẻ đẹp của… Từ Khi Trăng Là Nguyệt, đến thắp sáng trong ta. Em cảm nhận ánh trăng mát dịu thấm đẫm vào tận đáy lòng mình và bỗng bình an lạ lùng!”

Trong thư, Hướng Dương còn gởi tặng tôi bài viết có tựa đề là Ân Sư mà em đã từng đăng trên một tờ báo như là cách trả lời cho câu hỏi mà nhiều người đã đặt ra cho em “Tai sao đi chân giả mà nhẹ nhàng, cười nói tỉnh bơ như vậy?  Tưởng đi chân giả là đau đớn nặng nề lắm chứ?…”.

Trong “Ân Sư”, em kể,

Sáng chủ nhật là buổi thuyết pháp của Sư tại thiền viện Vạn Hạnh.

Cuối buổi giảng, tôi chập chững trên đôi chân giả vừa mới gắn xong đến đảnh lễ Sư với nét mặt u sầu thảm não:

– Sư ơi, đôi chân của con đã mất rồi, kể từ bây giờ suốt đời con phải đi bằng hai chân giả.

Với những giọt nước mắt chực trào ra, những tưởng Sư sẽ xoa đầu tôi, an ủi, vỗ về: “Thôi, con đừng buồn nữa, cuộc đời là vô thường mà!”. Nhưng không, với nụ cười tràn đầy tình thương nở trên môi, Sư nhìn tôi rồi nhẹ nhàng nói:

– Ô, con chỉ có hai chân giả thôi sao? Con nhìn xem toàn thân Sư đều là giả đó thôi!

Ngay lập tức, tôi bừng tỉnh. Như một ánh chợp lóe lên, lời kinh Bát Nhã mà tôi đã tụng hàng trăm lần bỗng trở nên sống động lạ lùng… “Xá Lợi Tử! Thị chư pháp không tướng, bất sanh, bất diệt…”. Phải rồi, chỉ tại tôi mắc kẹt vào cái “tướng” của mình nên mới “ôm sầu thiên thu” như vậy! Cú “giải huyệt” tuyệt chiêu của bậc chân Sư đã chỉ ra cho tôi lối thoát hiểm, cất đi cái gánh nặng ngàn cân đang đè nặng trong lòng tôi. Kể từ lúc đó, đôi chân giả nặng 3 kg bỗng trở nên nhẹ tênh. Và, tôi đã cất bước hòa nhập vào cuộc sống mà có lúc tôi ngỡ mình đã bị gạt ra ngoài lề.

Từ đó, nhiều lúc tôi đã quên khuấy đi mất là mình đang sử dụng chân giả. Có lần tôi cứ vô tư sải bước cùng bạn bè trên bờ sông lộng gió. Mãi đến lúc tôi ngồi xuống tháo chân giả ra cho nó “xả hơi” thì mấy đứa bạn mới giật mình: “Trời ơi, nãy giờ tụi tao quên mất, cứ nghĩ mày cũng bình thường như tụi tao!”. Thế mới biết, cái gánh nặng thật sự không nằm ở những thứ vật chất hữu hình. Khi mình đã xua tan đi đám mây u ám trong lòng rồi thì biết bao điều kỳ diệu sẽ đến….

Tôi ngộ ra rằng khi cái chân thật không còn là chân thật nữa thì mình mới tìm thấy cái chân thật trong cuộc đời. Bất giác, tôi thầm gọi: “Sư ơi…”

Dịu dàng gấp lá thư và bài viết của em, tôi thấy trái tim mình như lại đang mở ra niềm hân hoan từng có của ngày hôm qua. Cám ơn em đã nhắc nhở tôi về lẽ hư thiệt của thời gian và không gian, của các pháp để mà tự tại. Tôi như lại nghe tiếng cười em trong trẻo, hào sảng hệt những ngày qua khi ta còn làm việc cạnh nhau.

Tôi thêm lần nữa hiểu rằng, người thầy của ta trong đời đôi khi chính lại là một người em nhỏ, một người bạn bình thường, thậm chí cũng có thể là một kẻ không quen biết! Bởi, dù vô tình hay cố ý, họ đã nhắc nhở cho ta về đạo làm người hay lẽ vô thường của đời người. Thế nên, trên một ý nghĩa nào đó, em cũng là ân sư của tôi… Tôi lặng lẽ mỉm cười một mình. Ngoài kia, ngày mùa hè đang rực rỡ với thật nồng nàn nắng ấm…

Nguyễn Trần

Mùa hè Cali 2007