Chuyển tới nội dung
Trang chủ » Blog » Gieo Hạt Từ Bi

Gieo Hạt Từ Bi

Lo cho các em có một ngôi nhà.

Chào các bạn, tôi tên Khánh Hiền. Tôi là Hội viên trẻ của HTBQTA. Để hiểu rõ hơn về công tác của Hội, tôi đã tháp tùng ba tôi, Giám đốc của HTBQTA, về thăm Việt Nam. Dưới đây là những điều được ghi lại trong chuyến đi đầu tiên của tôi tại những ngôi làng xa xôi, ít người lui tới ở Việt Nam.

Ngày 4/9/2013 tại Huế, Việt Nam

Cùng với cha mẹ, chúng tôi đến thăm một ngôi chùa, nay có thêm cô nhi viện bên cạnh. Mang tên Đức Sơn, cô nhi viện được các Sư Cô điều hành theo tinh thần từ bi của Phật giáo. Nhiều em cô nhi đã bị bỏ rơi từ khi mới chào đời hay còn nhỏ lắm. Đáng buồn hơn là có nhiều em bị dị tật hay bệnh tâm thần.

Tiếp xúc với Ni sư Trụ trì Thích Nữ Minh Tú, tôi biết ra là Ni sư có một năng khiếu chăm sóc và dạy dỗ trẻ em rất đặc biệt. Ni sư chăm sóc các em như chăm cây kiểng. Theo Ni sư, chúng ta thường hay nổi nóng với người chung quanh nhưng lại rất kiên nhẫn khi chăm sóc các loại cây kiểng, bonsai, các loại cây luôn đòi hỏi: đất, nước, nắng, phân bón và thuốc trừ sâu. Tương tự, ngoài cái ăn, chỗ ở, các Sư Cô còn đưa các em đi học với đầy đủ học cụ. Sau giờ ở trường, các Sư Cô còn dạy các em Phật pháp và những cách thức để sau này các em có thể tham gia xã hội. Căn bản là, các Sư Cô cố gắng lo cho các em có một ngôi nhà.

Bên trong phòng khách, trên vách tường là những hình ảnh trong các dịp Tết Trung Thu, Tết Nguyên Đán, những buổi tình diễn ca múa, tranh vẽ cuả các em. Ở một góc phòng, trình bày hình ảnh của các đám cưới, những lễ tốt nghiệp của các em đã từng sống nơi đây. Ni sư Minh Tú cười hoan hỷ khi giới thiệu các em này.

Trong những năm đầu tiên, Thành lập viên của HTBQTA đã quyên tiền để giúp đỡ Cô nhi viện này, nơi mà sau này còn chứng kiến nhiều mẩu chuyện đau lòng. Một thai nhị bị phá vì gia đình không thừa nhận, thai nhi được đặt trong một cái hộp nhỏ và nhờ bác làm công đem đi chôn. Sau khi đào đất, sắp sửa đặt cái hộp xuống lòng đất thì có tiếng động trong hộp, bác làm công sợ quá, đem hộp ấy về lại bệnh viện Huế. Lúc ấy bệnh viện mới biết là em bé còn sống và đưa vào cấp cứu. Khi sức khỏe em bé khá hơn, Ni sư đã nhận về nuôi. Khi cha mẹ tôi hỏi thăm, Ni sư Minh Tú cho biết là em đã lớn khôn, đã lập gia đình và đang làm việc để nuôi vợ con. Nhiều trường hợp tương tự đã xẩy ra tại cô nhi viện này, nhưng các Sư Cô luôn áp dụng lời Đức Phật dạy là kiên nhẫn, từ bi trong việc nuôi dưỡng dạy dỗ các em, ngay cả với các em ngang bướng. Tôi không biết các cô nuôi dạy cách nào mà các em đều khỏe mạnh, sinh động, ngoan ngoãn và rất xinh xắn. Tôi tin là sau này các em sẽ trở thành người tốt, biết ơn những người đã đem lại cho mình sự sống và được sống.

Huế, 17/9/2013

Tôi không được đi học nên không muốn các con thôi học

Gia đình tôi khởi hành từ sáng sớm bằng xe gắn máy, đến thăm một gia đình ở vùng núi. Tôi đem theo áo mưa vì trời âm u mấy hôm rồi. Thật vậy, trời đổ mưa. Gia đình này sống thật khó khăn. Người cha bị ung thư mắt đã ba năm rồi. Căn bệnh phát triển rất nhanh. Cục bướu trong mắt đẩy hẳn nhãn cầu của ông ra ngoài. Sau khi xạ trị, cục bướu co lại, nhãn cầu trở về vị trí cũ. Tuy nhiên, để có tiền hóa trị cho cha, hai người con lớn đã phải thôi học, đi làm.

Sau khi viếng thăm gia đình này, tôi cảm nhận được phước duyên được sống ở Hoa Kỳ. Tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc nghỉ học để giúp cha, hay hy sinh việc học hành cho em mình đi học. Người con gái lớn, đã học xong trung học, không thể tiếp tục lên đại học. Người con trai thứ hai đã rời trường sau lớp 10 để cho em mình tiếp tục học lớp 6. Hoàn cảnh của gia đình này làm tôi không cầm được nước mắt khi ngoài trời mưa như trút nước. Người mẹ nức nở nói: “Tôi buồn quá. Tôi không được đi học nên không muốn các con thôi học”.

Khi chồng lâm bệnh, người mẹ này đã phải gánh vác việc nuôi cả gia đình, đưa chồng đến bệnh viện, tìm cách trả nợ nần. Sau khi bán một phần đất, gia đình vẫn còn nợ 105 triệu đồng tiền Việt. Chưa kể, mỗi lần hóa trị, lại tốn thêm 15-16 triệu đồng. Nhưng tất cả những vất vả đó vẫn chưa bằng niềm đau con cái phải nghỉ học, người mẹ đành can đảm lau sạch dòng nước mắt như cơn mưa dai dẳng xứ Huế, để tiếp tục chiến đấu với cơn bão đời mình.

Đà Nẵng, 21/9/2013

Cộng tác viên HBQTA tại Đà Nẵng là Ni sư Thích Nữ MInh Tịnh, Trụ trì chùa Quang Châu, tặng quà cháu khuyết tật

Hôm qua, chúng tôi đến thăm chùa Quang Châu ở Đà Nẵng, cũng có một cô nhi viện. Ni sư Trụ trì là Cộng tác viên của HTBQTA. Tại đây, giường và nôi cho các em bé được xếp bên mái hiên chùa. Đặc biệt, trong gian phòng, có hai hàng nôi được ngăn bởi một hàng rào sắt. Tôi cúi xuống bế một bé gái trong nôi gần cửa nhất. Chưa chạm bé, em đã vòng tay ôm chặt lấy cổ tôi. Tôi liền ôm em vào lòng. Trong giây phút đó, tôi chợt biết tình yêu trẻ thơ như thế nào, chợt cảm thấy như mình là người mẹ về nhà được ôm con sau ngày dài làm việc, nhận được niềm sung sướng của vòng tay thương yêu nhỏ bé đó. Trong tay tôi, em như được sưởi ấm nên rất khó lòng đặt em xuống. Khi tôi cúi xuống đặt em vào nôi, em càng ôm chặt hơn, không chịu buông. Không đành lòng dứt em ra khỏi niềm thương cảm này, tôi bế em lên lần nữa. Khi thấy tôi không thể đặt em xuống, một tình nguyện viên đến gần và gỡ em ra làm em khóc to lên. Thật khó mà có thì giờ cho sự vuốt ve, trìu mến cho gần trăm em ở cô nhi viện này. Một Sư Cô, hay một tình nguyện viên chăm sóc cho mười em, thì sau việc cho ăn, tắm rửa, chẳng còn đủ giờ để quan tâm, vỗ về các em nữa.

Quảng Ngãi, 27/9/2013

Tuần rồi, tôi chuẩn bị cho cuộc hành trình dài từ Huế vào Sài Gòn. Xe chúng tôi chạy qua những cánh đồng lúa ở miền Trung, bờ biển Nha Trang, vùng núi Ban Mê Thuột, Đà Lạt mù sương, các trại trồng thanh long ở Phan Thiết và cuối cùng đến Sài Gòn. Ngang qua những con đường vòng ở Quảng Ngãi, chúng tôi đến thăm một gia đình có nhận sự trợ giúp của Hội. Ngay cổng vào, tôi đã nghe những tiếng hét vọng ra. Bên trong, tôi nhận ra một em gái nằm chơ vơ trên nền nhà. Tay và chân khuỳnh ra, đầu em xoay ngược về phía sau vì không có gối. Em không thể nói được, chỉ hét và có vẻ vui khi thấy khách lạ.

Trong khi chờ đợi người mẹ về, chúng tôi được nghe câu chuyện của em qua người hàng xóm. Người cha đã bỏ rơi gia đình khi biết con bị dị tật. Người mẹ, vì không có người thân, nên phải bỏ con ở nhà một mình để đi làm. Khi người mẹ về, em gái bắt đầu hét to hơn, nhìn mẹ tức giận vì không được trông nom. Do vì tã lót rất đắt, nên em gái phải nằm trên nền xi măng cho tiện việc lau chùi, vệ sinh. Nhận ra chân tay em lạnh quá nên ba tôi phải chạy đi mua một tấm đệm, phủ thêm một tấm plastic cho em. Được nằm trên nệm, ánh mắt em tràn niềm hạnh phúc. Trước khi từ giã, tôi cúi xuống bắt tay em. Nhìn em, dù đang khóc, tôi vẫn cố nở một nụ cười gượng gạo. Em cũng cười lại, nụ cười thật đẹp, tràn trề niềm an ủi trong tình tương trợ thân ái nhỏ nhoi nhất.

Sài Gòn, 3/10/2013

Vừa bước qua cổng của Bệnh viện Ung bứu Sài Gòn, tôi cảm thấy choáng váng. Người đâu đông quá, tràn cả sân trước, ngồi cả trên những bực thềm, tụ tập làm nhiều nhóm, xếp hàng chờ đợi… Tiếng nói lao xao không ngớt. Định tâm vài phút, tôi mới hiểu ra là, hầu hết mọi người xếp hàng để ghi danh hay đóng tiền nhập viện.

Đi theo nhân viên bệnh viện, tôi đến thăm khu trẻ em. Đã từng là sinh viên tình nguyện tại trung tâm y tế của trường UC Davis, tôi vẫn không thể tin nổi những hình ảnh tại đây. Sự xúc động ấy theo tôi trong suốt cuộc viếng thăm này. Tất cả các phòng đều đầy chật bệnh nhân và người nhà. Có em nằm trên manh chiếu mỏng, dọc bờ tường, cùng với cha mẹ. Có em đang chuyền nước biển cùng với người cha đứng cạnh ôm túi nước. Giường được sắp xếp kín hết các phòng. Có bệnh nhân nằm trên giường cùng người thân và vật dụng. Cũng có bệnh nhân phải nằm trên nền nhà. Không còn sót một khoảng trống nào.

Có nhìn tận mắt, ta mới biết ơn những phúc lợi y tế ở Hoa Kỳ, nơi mà hệ thống y tế bắt buộc phải điều trị cho bệnh nhân trước, sau mới thu tiền. Ở Việt Nam và những nước đang phát triển thì ngược lại. Cho dù bệnh nhân nguy kịch cũng không được cứu, nếu gia đình không có tiền. Ngoài ra, cho dù bệnh viện có thiếu vệ sinh, chỉ những gia đình có tiền, mới có chỗ. Lại còn có nhiều giá cả khác nhau. Nằm trên giường giá cao hơn giá nằm dưới đất. Chỗ ở phòng trong đắt hơn chỗ nằm dọc hành lang.

Nhớ đến những gia đình chúng tôi đã đi thăm trong chuyến đi này. Hầu hết, họ không có đủ tiền chữa trị. Người được điều trị trong bệnh viện thì tốt hơn người ở ngoài, nhưng cũng chỉ là kéo dài cái khổ bệnh tật của con người. Những việc làm của HTBQTA chỉ là để chia sẻ, xoa dịu chút phần nhỏ bé của sự khổ đau đó. Cho dù, có thực sự giúp đỡ được phần nào, Hội vẫn còn nhiều việc phải làm.

Tạ Thúy Thanh dịch