Chuyển tới nội dung
Trang chủ » Blog » Ngày Tháng Cũ

Ngày Tháng Cũ

11giờ 45 phút ngày 20 tháng 4 nhuận năm Nhâm Tuất (1982), con đang dự lễ Quá đường tại chùa Tây Linh thì được tin Sư bà Thể Quán viên tịch. Tự nhiên những  dòng nước mắt cuồn cuộn trào dâng. Giữa chốn đông người thanh thiên bạch nhật con muốn tự kiềm chế lại nhưng không được. Một mất mát lớn đã đến với Phật giáo, với người nghèo khổ hoạn nạn, và ngay với bản thân con. Kính Bạch Sư bà, hơn là một ân sư, đối với con, Người còn có cái ơn “phiếu mẫu”.

Ngày ấy con đang học chuẩn bị thi Tú tài 2, vừa học vừa kiếm việc làm. Giữa cuộc đời ác ngũ trược, cái biệt nghiệp về vật chất lắm lúc thật điên đảo và đôi khi làm khổ lụy đến cả tinh thần, bởi vì đã xảy ra dài dài những ngày không có gì cho vào bụng. Sinh hoạt với Học Sinh Phật Tử, Gia Đình Phật Tử từ năm học đệ thất, tham gia cứu trợ bão lụt, nạn nhân chiến tranh, khuyến khích đoàn sinh và gia đình giúp đỡ bạn nghèo cũng nhiều, nhưng khi trở về với cái thiếu, cái đói của riêng bản thân thì con lại thấy khó mở lời.

Khi con đến tá túc tại chùa Diệu Đế, thiện duyên đã cho con gặp Hoàng Chiến, người đồng sự thuần thành của Đặc ủy Xã hội Phật giáo tỉnh Thừa Thiên. Một đêm, nhiều người bạn cùng nằm ngủ bên ngoài Chánh điện chùa Diệu Đế. Chiến hỏi, sao tối nay anh xoay qua trở lại hoài mà không ngủ vậy? Con nói nhỏ: từ chiều hôm qua đến chừ chỉ ăn một ổ mì nên thấy đói bụng. Không ngờ Chiến đem chuyện ấy kể lại với Sư bà. Vậy là một chặng đường của con đã qua đi.

Ngưỡng vọng Sư bà! Con còn thấy như in năm xưa, buổi sáng vào đông xám lạnh, Sư bà đứng dưới tàn cây trứng cá trước Văn phòng Đặc ủy Xã hội, dáng hao gầy khắc khổ, nghiêm cẩn mà hiền lành trong chiếc áo ấm điệp màu với áo tràng lam. Sư bà gọi con đến trước mặt, giọng nghiêm từ: “Cậu thật đáng tội. Sao không nói với Sư bà? Không ăn thì làm răng mà học và làm việc? Thôi, bữa ni qua trường (Lâm Tỳ Ni) ăn với Chiến và anh em kẻo Bà giận nghe không!”. Con cúi đầu dạ nhỏ rồi vội quay đi. Có cái gì nghèn nghẹn ở cổ không nén được, và cả buổi sáng con chẳng học được gì nhiều. (Có cần phải “học” nữa không nhỉ khi mọi ngôn từ đều chỉ nên thinh lặng!).

Sau này tụng kinh Dược Sư con mới thấy lời nguyện của Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai thật thống thiết và gần gũi biết bao: “Đối với những kẻ bị đói khát hành hạ…, trước hết con làm cho họ no đủ bằng thực phẩm tuyệt diệu, sau đó con sẽ đem cái vui cứu cánh của Pháp vị mà xây dựng cho”. Quả thật giữa cõi đời muôn vàn thống khổ, bài Pháp vi diệu không gì hơn là những việc làm thực tế!

Mười năm qua con không còn có dịp công tác xã hội với Sư bà nữa. Nhưng dù ở xa, từ quang của Người vẫn lân mẫn soi sáng hộ trì cho từng bước con đi. Thật không gì cảm động hơn khi con phải trải qua những tháng năm dài thử thách trong trại tù cải tạo nơi núi sâu, rừng hiểm vì tội “lính ngụy”, Pháp danh con vẫn được Sư bà và Đại chúng chú nguyện qua mỗi thời kinh. Đó là một hạnh phúc cao nhất mà con đã được hưởng, hơn hết mọi thứ đối đãi ở đời.

Ngày con trở về nhìn lại cảnh cũ, chùa xưa, lòng nao nao buồn. Tịnh thất Hoàng Mai vẫn nghiêm tịnh qua bao hưng vong dâu bể. Ni sư vẫn khỏe, Đại chúng phước huệ trang nghiêm, nhưng Sư bà đã yếu đi nhiều quá. Mạ con nói mùa gặt này xong lên thăm Sư bà, Ni sư và quý Sư Cô một chuyến, nhưng Mạ con chưa đến được thì Sư bà đã về Tây!

Khuya nay con thành kính thắp nén tâm hương ôn lại ân đức của Sư bà mà lòng xót xa. Cuộc thế đảo điên, các bậc Cao đức lại lần lượt ra đi. Chỉ trong mấy năm mà Phật tử đã liên tiếp chịu nhiều cái tang lớn, bây giờ lại đến lượt Sư bà.

Ngưỡng bạch Giác Linh Ân sư,

Xưa kia thuở còn hàn vi, Hàn Tín được bà giặt áo (phiếu mẫu) cho một bữa ăn, về sau ông đã trả lại “phiếu mẫu” nghìn vàng. Ngày nay báo đáp thâm ân vô lượng của Sư bà, con không có gì hơn ngoài một Tấm lòng. Lòng con đã trải qua biết bao cam khổ ở đời nhưng lúc nào vẫn trung trinh với lời kinh Sư bà dạy:

Đời đau khổ con nguyền vào trước
Dù gian lao chí cả không sờn
Cứu chúng sanh là báo Phật thâm ân
Lời vàng ngọc con hằng ghi dạ.

Ngưỡng mong Giác Linh Sư bà trong cõi Chân như từ bi chứng giám.

Trần Duy Phô, Pháp danh Nguyên Thành