Chuyển tới nội dung
Trang chủ » Blog » Sư Bà Thích Nữ Thể Quán

Sư Bà Thích Nữ Thể Quán

(1911 – 1982)

Sư bà Thích Nữ Thể Quán sinh trưởng tại Huế nhưng nguyên quán là làng Quy Thiện, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Xuất thân trong một gia đình quyền quý, mộ đạo Phật, nội ngoại thân thích đều thuộc dòng dõi Tùng Thiện Vương và Tuy Lý Vương là những người nổi tiếng hay thơ dưới triều Vua Tự Đức. Thân phụ là quan đại thần Lại bộ kiêm Binh bộ Thượng thư Thái Văn Toản.

Tuy sống trong vinh hoa phú quý, nhưng Sư đã bỏ đi không một niềm luyến tiếc, một mình vào chùa Diệu Viên xuất gia tu đạo. Sau đó được đức Từ Cung (Mẹ vua Bảo Đại) đưa về chùa Khương Ninh trong đại nội. Sau 3 năm ở chùa Vua, nhờ Sư bà Diệu Không giới thiệu, Sư đến thọ giáo với Hòa thượng Ni thượng Trừng hạ Ninh, húy Diệu Hương, đệ I Giám đốc Phật học Ni viện Diệu Đức Huế, và được ban Pháp hiệu Thể Quán.

Vốn bẩm tánh thông minh, lại sẵn có một đạo phong uy nghi từ lúc còn nhỏ tuổi nên Sư được các bạn đồng tu thương mến vị nể. Do tư chất đặc biệt ấy mà Sư đã được đặc cách thọ cả ba giới Sa di, Thức xoa ma na và Tỳ kheo Ni trong cùng một năm. Sư thọ đại giới tại Đại Giới đàn Thuyền Tôn mùa thu năm Giáp Thân (1944) do Hòa thượng Thích Giác Nhiên làm Đường đầu, Hòa thượng Thích Tịnh Khiết làm Yết ma.

Bước chân du hóa của Sư đã đặt khắp nơi hang cùng ngõ hẻm của những tỉnh lỵ xa xôi để dắt dìu tín đồ Phật tử. Không ngại khó khăn, bệnh hoạn, Sư đã bao năm đi giáo thọ các Ni trường Diệu Đức (Thừa Thiên), Diệu Quang (Nha Trang), Diệu Ấn (Phan Rang) v.v… Tuy Phật sự đa đoan nhưng ngòi bút không bao giờ rời tay. Sư đã để lại cho đời biết bao công trình trước tác, dịch thuật, trong đó chứa đựng nhiều tài liệu quý báu, tuy dạy đời mà nhã nhặn khiêm cung. Đối với Mẹ Cha, Sư cung phụng tận tình, hạnh hiếu thảo thật đáng nêu gương muôn thuở. Với đức tánh hy sinh cao cả, Sư đã vượt khỏi mọi thử thách để nghiêng vai gánh vác các Phật sự của Giáo hội và Ni bộ giao phó như Giám Luật Ni bộ Bắc tông, Đặc ủy Xã hội Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tỉnh Thừa Thiên.

Từ năm 1968 đến 1972, Sư bà cùng Pháp muội là Ni sư Thích Nữ Cát Tường điều hành công tác cứu trợ nạn nhân chiến tranh, thiên tai bão lụt cùng các mặt xã hội khác. Các trạm y tế, cô nhi viện, ký nhi viện mở rộng đến đơn vị cơ sở là Khuôn Giáo hội. Mùa hè đỏ lửa 1972, hàng chục ngàn đồng bào tị nạn chiến tranh từ Cam Lộ, Đông Hà, Quảng Trị chạy vào thành phố Huế. Tâm trạng hỗn loạn, đau khổ vì chết chóc, nhà cửa mất sạch, gia đình ly tán của đồng bào nạn nhân thật vô cùng thống khổ. Chùa Diệu Đế rộng thênh thang, nơi đặt Văn phòng Đặc ủy Xã hội và Ủy ban Cứu trợ Phật giáo tỉnh Thừa Thiên, phút chốc trở nên chật hẹp, ngộp thở hơi người tị nạn.

Ủy ban Cứu trợ Phật giáo Thừa Thiên lúc ấy có đến 17 chỗ tạm cư với trên 14,000 người, rất nhiều người ở tại các trường tiểu học tả ngạn sông Hương (lúc ấy các trường nghỉ học vì chiến cuộc), cử các Huynh trưởng Học Sinh Phật Tử, Gia Đình Phật Tử, Thanh Niên Phật Tử tình nguyện ở lại tại các nơi đó 2 tháng liền để điều hành việc cứu trợ. Mấy ngày đầu thực phẩm gồm cơm vắt, bánh mì của đồng bào ủng hộ và gạo dự trữ của Ủy ban Cứu trợ. Sau đó Ủy ban mới lập danh sách đồng bào tị nạn để nhận thực phẩm từ Trung tâm Bình định và Phát triển tỉnh. Ủy ban còn hướng dẫn hằng trăm người tị nạn vào định cư tại tỉnh Phước Tuy theo kế hoạch của chính phủ. Dù công việc nặng nhọc nhưng lúc nào Sư bà cũng tự tại, dùng thân giáo để nhắc nhở Ni chúng giữ vững sơ tâm để hoàn thành bổn nguyện.

Trên 40 năm hiến thân cho Đạo pháp, ngày 20 tháng 4 nhuận năm Nhâm Tuất (1982), Sư bà nhẹ nhàng vào nơi vô trú, hưởng thọ 72 tuổi. Tháp Sư bà tọa lạc tại tịnh thất Hoàng Mai. Sở dĩ có tên Hoàng Mai vì lối đi vào trồng rất nhiều hoa mai vàng trang nhã. Sư bà có bài thơ thật thanh thoát về tịnh thất như sau:

Trăng ghé Hoàng Mai

Hoàng Mai trăng gió vương ca sa

Những tưởng trăng xa hóa chẳng xa

Bể nước trăng in tròn vành vạnh

Rừng cây trăng dọi bóng tà tà

Trăng đi trăng đến thường yên lặng

Ta cảm nghe trăng ẩn trong ta

Trăng chiếu trời đêm, hồn thanh tịnh

Ta với trăng chung ở một nhà.

Cuộc đời Sư bà đến đây đã mãn! Vầng nguyệt rạng giữa Hoàng Mai tịnh thất đã lặn bóng về Tây, nhưng từ quang của Người vẫn còn viên dung giữa vạn lòng người và ngàn cây nội cỏ như lời cảm niệm của Ni sư Thích Nữ Trí Hải:

Người đi khuất nẻo vô thường

Mà hương giới hạnh còn vương vấn hoài

Mắt cười thắp sáng Hoàng Mai

Nhớ ơi Thanh Tịnh dáng người năm xưa.

Mùa Hạ 1982

Nguyên Thành