Chuyển tới nội dung
Trang chủ » Blog » Tìm Hiểu Ý Nghĩa Hai Chữ Bồ Tát

Tìm Hiểu Ý Nghĩa Hai Chữ Bồ Tát

Danh từ Bồ Tát đến với hầu hết chúng ta rất sớm, có lẽ từ lúc còn để chỏm được người nhà dẫn dắt đến chùa lễ Phật, và sau này, đến trường, học đủ một số chữ để có thể đọc được truyện tàu như Tây Du, Phong Thần. Không hiểu đối với các bạn như thế nào, riêng tôi lúc bấy giờ, trong trí non nớt của mình, tôi cứ đinh ninh rằng các vị Bồ Tát như ngài Quán Thế Âm, Văn Thù Sư Lợi, Phổ Hiền … là những bậc thần tiên, đầy phép tắc thần thông, ở trên tận cùng mây xanh, xa vời vợi, nhưng sẵn sàng cứu khổn phò nguy, ra tay cứu vớt mỗi khi chúng sanh cần đến.

Lớn lên chút nữa, bắt đầu đọc kinh sách, tầm hiểu biết có mở rộng hơn, nhưng trong tâm tôi vẫn còn mang nặng ý nghĩ thời thơ ấu, cho rằng các Bồ Tát là những vị ở tận nơi cao xa trong cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, mà chúng ta, những con người phàm tục, không thể nào với tới.

Nhưng rồi thời gian qua, cơ duyên dẫn dắt chúng tôi đến với đạo Phật. Qua tiến trình tìm hiểu, nghiên cứu và thực tập, càng ngày tôi càng thấy các Bồ Tát thật gần gũi. Các ngài ở quanh đây, ngay sát bên mình, mà trước đây vì ngờ nghệch, vì ngã mạn, tôi không nhận chân ra các ngài. Các ngài đã thị hiện trong từng giây phút qua người thân, qua thầy bạn, và qua cả những người chưa quen trong xã hội.

Bồ Tát, rút ngắn từ nhóm chữ Bồ đề tát đỏa, dich âm từ chữ Bodhisatta, tiếng Phạn (Pali). Bodhi là tuệ giác, tức là trí sáng suốt hiểu biết rõ ràng; satta là chúng sanh hữu tình, tức là những sinh vật có tâm sinh lý, thí dụ như con người, khác với cỏ cây, sỏi đá là chúng sanh vô tình. Tiếng Hán Việt là Giác hữu tình và Hữu tình giác. Giác hữu tình là người tu tập có được tuệ giác (tự giác), và Hũu tình giác là người đã có tuệ giác và hướng dẫn người khác tu tập để đạt đến tuệ giác (giác tha). Nói tóm lại, Bồ Tát là người tu tập có được trí sáng suốt, hiểu biết rõ ràng và sẵn sàng đem sự hiểu biết đó để giúp người khác có được trí sáng suốt hiểu biết rõ ràng như mình.

Do duyên lành, tôi được đọc bài viết “Sống theo lý tưởng Bồ Tát” của cố đại lão Hòa thượng Thích Minh Châu. Bài viết đã để lại trong tôi một dấu ấn; đã tràn ngập tâm tôi một cảm khái không thể nào tả xiết được mỗi lần đọc lại. Trong bài viết Thầy giải thích về 2 tư trào bổ sung cho nhau trong đạo Phật. Đó là tư trào hướng nội, tức là quay trở về với con người thật của mình; và tư trào hướng ngoại tức là đồng nhất cá nhân mình với toàn thể chúng sanh trong vũ trụ, hướng tới lợi hạnh độ sanh.

Thầy nói, con người trong xã hội hiện tại luôn sống với tâm trạng bất an và ưu tư dai dẳng. Để thoát ra khỏi tâm trạng bất an đó, con người tìm sự lãng quên qua nếp sống khoái lạc vật chất, đưa đến thác loạn như ma túy, bạo hành, đồng tính luyến ái, tự sát cá nhân hay tự sát tập thể… Trái lại, đạo Phật đưa ra phương pháp tu tập thiền định nhằm giúp con người hướng nội, quay về vớí chính mình, để giải quyết một cách căn bản mọi nỗi ưu tư và bất an của nội tâm. Bằng những phương pháp thích hợp, thiền định làm vắng lặng và trong sáng nội tâm, biến nội tâm từ dao động, mê mờ trở thành yên tịnh, sáng suốt. Qua thực tập, quán chiếu thâm sâu, đến một lúc nào đó, hành giả nhận chân ra được thân tâm chỉ là một chuỗi những hiện tượng tâm sinh lý, biến chuyển liên tục trong từng sát na; từ đó hành giả vượt thoát khỏi ý niệm về “cái tôi”, về “cái của tôi”, thực chứng lý vô ngã của nhà Phật, khám phá ra bản chất Bồ Tát tự có sẵn xưa nay trong tâm, mà chỉ vì tham ái tràn đầy nên không hiển lộ được.

Thầy nhắc đến Kinh Thủ Lăng Nghiêm đã minh họa thuyết vô ngã với hình ảnh của biển cả mênh mông thay vì là một bọt nước nhỏ nhoi: “Con người giác ngộ lý vô ngã của nhà Phật, phát hiện thấy mình không phải là cái bọt nước, mà là cả đại dương rộng lớn, mình là đồng một thể với tất cả mọi người, mọi chúng sanh, mọi loài hữu tình, và từ nhận thức đầy trí tuệ này, con người phát ra một lòng từ rộng lớn, lòng bi rộng lớn, nguyện làm tất cả những gì có thể làm được vì lợi lạc của tất cả chúng sanh, của tất cả mọi loài. Sống như vậy, đạo Phật gọi là sống theo lý tưởng Bồ Tát (Bodhisatta ideal). Đó là lý tưởng sống hòa nhập vào mọi người, mọi chúng sanh, đúng theo nguyên lý mọi người, mọi chúng sanh đều bình đẳng, cùng một thể.”

HT Thích Minh Châu

Như vậy chúng ta thấy ở đây tiến trình tu tập bao gồm hai giai đoạn, tự giác và giác tha. Trước nhất là quay vào bên trong tức hướng nội để tìm hiểu chính mình, để thấy thật rõ con người thật của mình. Con người thật đó không phải là một cái ta đơn độc thấp hèn, một bọt nước lẻ loi nhỏ bé; trái lại con người thật đó đồng nhất thể với tất cả chúng sanh, với biển cả mênh mông. Ta trong chúng sanh, và chúng sanh trong ta. Tương sinh, tương tức, trùng trùng bất tận. Có chứng được vô ngã thì chúng ta mới vững vàng bước sang giai đoạn kế tiếp là hướng ngoại để đem lại an lạc và lợi ích cho mọi loài, như Thầy đã viết:

“Nói tóm lại, hướng nội để tìm con người thật của chính mình. Nhưng sau khi phát hiện con người thật của mình lại không có mình không có ta, lại là vô ngã, đồng nhất thể với tất cả mọi người, mọi chúng sanh khác, cho nên đạo Phật lại chủ trương một cuộc sống năng động tích cực, hướng ngoại không phải là để tìm và hưởng thụ những lạc thú vật chất tầm thường và phi đạo đức, mà là để mưu lợi ích và đem lại an lạc cho mọi người, mọi loài. Trong cả hai xu thế hướng nội và hướng ngoại này, nổi bật lên chủ thuyết Vô Ngã của đạo Phật, nó không khác gì sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ giáo lý, đạo đức và thực tiễn tu hành của đạo Phật.”

Thầy kết luận: “Nếu tất cả mọi người đều chấp nhận và sống nếp sống như vậy, thì cả thế giới chiến tranh và bất ổn này sẽ sớm trở thành một thế giới hòa bình và hạnh phúc.”

Trong quá trình hoạt động liên tục đến nay, Hội Từ Bi Quán Thế Âm đã lấy nếp sống theo lý tưởng Bồ Tát làm kim chỉ nam. Bởi vì các hội viên ý thức rằng chỉ khi nào chúng ta phá vỡ được cái tôi đầy vị kỷ thì chúng ta mới thực hiện được trọn vẹn tinh thần thiện nguyện, giúp đỡ chúng sanh một cách vô vị lợi.

                                                                                                           Nguyễn Thanh Xuân