Chuyển tới nội dung
Trang chủ » Blog » CHÚ ĐẠI BI & KINH ĐẠI BI TÂM ĐÀ LA NI

CHÚ ĐẠI BI & KINH ĐẠI BI TÂM ĐÀ LA NI

Xuất xứ

Kinh Đại Bi Tâm Đà La Ni nói về nhân duyên giáo hóa, oai lực mầu nhiệm, lợi lạc không thể nghĩ bàn của thần chú Đại Bi, đồng thời nói đến công hạnh tu chứng và nguyện lực vô cùng vô tận của Bồ Tát Quán Thế Âm. Kinh Đại Bi Tâm Đà La Ni gọi đầy đủ là Kinh Thiên thủ Thiên nhãn Quán Thế Âm Bồ Tát Quảng đại Viên mãn Vô ngại Đại bi Tâm Đà La Ni. Hòa thượng Thích Trí Quang dịch Đại Bi Tâm Đà La Ni là Bài chú Tinh túy của Đại từ bi. Kinh được ghi chép trong Đại chính Tân tu Đại tạng Kinh, ký hiệu Chính 20/106-111, do các nhà Phật học Nhật Bản biên tập trong 13 năm (1912 – 1925). Tỳ Kheo Dà Phạm Đạt Mạ người Ấn Độ dịch từ chữ Phạn ra chữ Hán vào đời nhà Đường. Cố Hòa thượng Thích Thiền Tâm dịch ra chữ Việt năm 1967.

Pháp hội

Địa điểm nói Kinh là đạo tràng Bảo Trang Nghiêm trong cung điện Bồ Đà Lạc Ca của Bồ Tát Quán Thế Âm. Chứng minh gia hộ là Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni. Tham dự Pháp hội có chư Đại Bồ Tát: Tổng Trì Vương, Bảo Vương, Dược Vương, Dược Thượng, Quán Thế Âm, Đại Thế Chí, Hoa Nghiêm, Đại Trang Nghiêm, Bảo Tạng, Đức Tạng, Kim Cang Tạng, Hư Không Tạng, Di Lặc, Phổ Hiền, Văn Thù Sư Lợi. Ngoài ra còn có vô lượng A La Hán tu hạnh Thập Địa, vô lượng Thiên Long Bát bộ, vô lượng Thiên nữ, vô lượng Thiện thần.

Bấy giờ Bồ Tát Quán Thế Âm mật phóng ánh thần thông quang minh, chiếu sáng mười phương quốc độ và cõi tam thiên đại thiên thế giới đều thành sắc vàng. Thấy lạ, Bồ Tát Tổng Trì Vương mới chắp tay bạch Phật nguyên do. Đức Phật bảo rằng đó là do Bồ Tát Quán Thế Âm trong Pháp hội, muốn làm cho chúng sanh được lợi ích an vui, nên mới mật phóng sức thần thông như thế. Lúc ấy Bồ Tát Quán Thế Âm mới cung kính bạch Phật: Con có Chú Đại Bi Tâm Đà La Ni, nay xin nói ra, xin Đức Thế Tôn cho phép. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni tùy hỷ, ấn chứng, và giải thích thêm.

Chú Đại Bi

Bồ Tát Quán Thế Âm kể rằng vô lượng ức kiếp về trước, Ngài có duyên lành được Đức Phật Thiên Quang Vương Tịnh Trụ truyền dạy Chú Đại Bi. Lúc ấy Bồ Tát mới từ sơ quả là Hoan Hỷ địa, vừa nghe xong Chú Đại Bi, vi diệu đến mức, Ngài liền chứng vượt lên bậc thứ 8 Bất Động địa trong 10 bậc tu chứng của Bồ Tát đạo. Bồ Tát rất vui mừng, liền phát thệ rằng: “Nếu trong đời vị lai, con có thể làm lợi ích an vui cho chúng sanh với thần chú này, thì xin khiến cho thân con liền sanh ra ngàn tay ngàn mắt”.

Khi Ngài phát thệ rồi thì ngàn tay ngàn mắt đều hiện đủ nơi thân! Từ ngày đó cho đến nay, dù ở trong vô lượng Pháp hội của vô lượng chư Phật, dù hiện vô lượng thân tướng khác nhau tùy theo căn cơ chúng sanh để hóa độ, nhưng lúc nào Ngài cũng trì tụng Chú Đại Bi, chưa từng quên bỏ. Rồi Bồ Tát Quán Thế Âm đứng trước Pháp hội, chắp tay đứng thẳng, đối với chúng sanh khởi lòng từ bi, nở mặt mỉm cười, nói Chú Đại Bi.

Tinh túy của Chú Đại Bi

Trả lời câu hỏi của Đại Phạm Thiên Vương, Bồ Tát Quán Thế Âm nói Chú Đại Bi Tâm có 10 tướng mạo: (1) Tâm đại từ bi, (2) Tâm bình đẳng, (3) Tâm Vô Vi, (4) Tâm chẳng nhiễm trước, (5) Tâm không quán, (6) Tâm cung kính, (7) Tâm khiêm nhượng, (8) Tâm không tạp loạn, (9) Tâm không chấp giữ, (10) Tâm vô thượng Bồ Đề.

Người trì tụng Chú Đại Bi là gieo vào tạng thức mười hai hạt giống lành: (1) Phật thân, (2) Quang minh thân, (3) Từ bi, (4) Diệu Pháp, (5) Thiền định, (6) Hư không, (7) Vô úy, (8) Diệu ngữ, (9) Thường trụ, (10) Giải thoát, (11) Dược vương, (12) Thần thông.

Trả lời câu hỏi của ngài A Nan, Đức Phật dạy: Đại Bi Tâm Đà La Ni còn có chín tên gọi khác là: (1) Quảng Đại Viên Mãn Đà La Ni, (2) Vô Ngại Đại Bi Đà La Ni, (3) Cứu Khổ Đà La Ni, (4) Diên Thọ Đà La Ni, (5) Diệt Ác Thú Đà La Ni, (6) Phá Ác Nghiệp Đà La Ni, (7) Mãn Nguyện Đà La Ni, (8) Tùy Tâm Tự Tại Đà La Ni, (9) Tốc Siêu Thánh Địa Đà La Ni.

Lợi ích của tụng trì Chú Đại Bi

Bồ Tát Quán Thế Âm dạy: người trì tụng Chú Đại Bi có vô lượng phước báo và vô lượng công đức như sau.

– Trừ tai nạn: không bị hại vì cọp, sói, thú dữ, rắn, rít, tinh mị, quỷ vọng lượng, dạ xoa, la sát, ngục tù, gông cùm, đánh đập.

– Trừ bệnh tật: Trừ tất cả bệnh khổ ràng buộc nơi thân, sâu độc, trù ếm, sanh đẻ an toàn. Tụng Chú Đại Bi vào cây khô, cây ấy còn được sanh cành lá, trổ bông trái, huống chi là chúng sanh có tình thức.

– Trừ chết oan, ác nghiệp, tội nặng: không bị mười lăm cái chết oan, dứt hết các tội thập ác, ngũ nghịch, không đọa vào ba đường ác, giết nhau ngoài chiến trường.

– Đem lại an vui, lợi ích cho chúng sanh: được mười lăm chỗ sanh tốt, giàu có, tiêu tan tất cả sợ hãi, trừ tham dục, sống lâu, chuyển nữ thành nam, đầy đủ tất cả mong cầu.

– Giúp người tu tập tiến trên đường đạo: hạt giống Đại thừa ngày càng lớn mạnh, tâm an định, vô lượng tam muội biện tài, tu chứng bốn quả Thanh Văn, hoàn mãn lục độ, chứng quả Thập Địa, lúc mạng chung sanh về Tây phương Cực Lạc hoặc các cõi Phật như ý nguyện, nói ra điều gì cũng thành Pháp âm thanh tịnh.

– Lợi ích cộng đồng: đất nước thanh bình, chính trị yên ổn, không bị phản thần gây loạn, không chiến tranh, kinh tế giàu mạnh, mùa màng tươi tốt, thức ăn nước uống dồi dào, mưa thuận gió hòa, nhân dân an lạc.

Chư Phật, chư Thiện thần ủng hộ

Bồ Tát Quán Thế Âm dạy: Chú Đại Bi Tâm do chín mươi chín ức hằng sa chư Phật đời quá khứ nói ra. chư Phật, Bồ Tát, Duyên Giác, A La Hán, Vua Cõi Trời, Thiện Thần đều ủng hộ. Có đến 53 danh hiệu các bậc Trời, Rồng, Thiện Thần ủng hộ được nêu ra trong Kinh Đại Bi Tâm Đà La Ni.

Chính nhờ Ân đức Từ Bi Hỷ Xả của Bồ Tát Quán Thế Âm cảm hóa nên Trời, Rồng, Thiện thần tình nguyện ủng hộ chúng sanh, chứ Bồ Tát không ép buộc, không sai khiến, không ra lệnh bất cứ ai làm việc gì cả. Ngài hàng phục chúng sanh cang cường, thiên ma, tà thần không bằng sát khí sân hận ngập trời mà bằng ân đức khoan hòa rộng lớn, trí tuệ tuyệt vời. Đức chiêu cảm đó mới đầy đủ oai lực giúp cho sự phát tâm ủng hộ của chư Thiện thần lâu dài, ngày càng thêm lớn.

Chánh Pháp Minh Như Lai

Đức Phật bảo ngài A Nan: Bồ Tát Quán Thế Âm đã thành Phật từ vô lượng kiếp về trước và có danh hiệu là Chánh Pháp Minh Như Lai. Vì nguyện lực đại bi, vì muốn làm duyên phát khởi cho tất cả các hàng Bồ Tát, vì muốn an vui thành thục cho chúng sanh, ngài mới giáng tích hiện làm Bồ Tát. Vậy ông và đại chúng, các hàng Bồ Tát Ma Ha Tát, Phạm Vương, Đế Thích, Long Thần đều nên cung kính, chớ sanh lòng khinh mạn, xem thường.          

Cách tụng trì Chú Đại Bi

Bồ Tát Quán Thế Âm nhấn mạnh: Chư Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di, Đồng nam, Đồng nữ muốn tụng trì Chú Đại Bi, trước tiên phải phát tâm từ bi đối với chúng sanh, và sau đây y theo Ngài mà phát nguyện:

Nam mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát, Nguyện Con mau biết tất cả pháp, mau được mắt Trí Tuệ, mau độ các chúng sanh, mau được phương tiện khéo, mau lên thuyền Bát Nhã, mau vượt qua biển khổ, mau thành tựu giới định, mau lên non Niết Bàn, mau về nhà Vô Vi, mau đồng thân Pháp tánh. Nguyện tâm con hướng về nơi nào liền giúp nơi đó được an lạc: non đao sụp đổ, lửa cháy tự khô tắt, địa ngục tự tiêu tan, ngạ quỷ tự no đủ, tu la tâm ác tự điều phục, súc sanh tự được trí tuệ lớn.

Thường niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm và A Di Đà Phật, vì A Di Đà Phật là Bổn Sư của Ngài. Tụng trì năm biến chú mỗi ngày. Trước khi tụng chú cần tắm gội sạch sẽ, mặc áo nghiêm trang, giữ gìn trai giới, nên ở nơi tịnh thất. Đối với chúng sanh khởi lòng bình đẳng, phát tâm Bồ Đề rộng lớn thề độ tất cả muôn loài. Miệng rành rẽ tụng chú, tiếng tăm liên tiếp không gián đoạn, tâm gắn chặt vào bài chú, không nghĩ chi khác, nhất là chí thành tin tưởng, không sanh tâm nghi ngờ. Tự mình sám hối những ác nghiệp đã gây ra từ vô lượng kiếp đến nay, đồng thời nguyện thay thế chúng sanh sám hối tội nghiệp của họ.

Bồ Tát Quán Thế Âm khuyến tấn: Ngài sẽ dùng ngàn mắt chiếu soi, ngàn tay nâng đỡ người trì tụng Chú Đại Bi. Người trì tụng Chú Đại Bi là người đã từng cúng dường vô lượng chư Phật, gieo nhiều căn lành, giúp chúng sanh tiêu trừ khổ nạn, nên biết người ấy là bậc có đủ tâm đại bi, không bao lâu nữa sẽ thành Phật.

Kết luận

Đức Phật bảo ngài A Nan: Ông nên dùng lòng trong sạch tin sâu mà thọ trì môn Đại Bi Tâm Đà La Ni này và lưu bố rộng ra trong cõi Diêm Phù Đề, chớ cho đoạn tuyệt. Sức oai thần của Đại Bi Tâm Đà La Ni không thể nghĩ bàn! Khen ngợi không bao giờ hết. Khi ấy, tất cả chúng hội, Bồ Tát Ma Ha Tát, Kim Cang, Mật Tích, Phạm Vương, Đế Thích, Tứ Đại Thiên Vương, Thiên, Long, Quỷ Thần, nghe Đức Như Lai khen ngợi môn Đà La Ni này xong, thảy đều vui mừng, y lời dạy mà tu hành.

Người trì tụng Kinh Đại Bi Tâm Đà La Ni cảm nhận được đức Vô úy và Nguyện lực Dõng mãnh của chư Phật, chư Bồ Tát bàng bạc xuyên suốt bản kinh. Các từ “Nguyện”, “Phát nguyện”, “Ủng hộ”, “Cảm ứng”, “Năng khiển”, “Năng linh”, “Tốc linh”, “Chứng”, “Đắc”, “Đại Bi Tâm” xuất hiện rất nhiều lần, tuyệt nhiên không hề ủy mị, yếm thế, van xin như thường bị hiểu lầm.

Kính mong quý hành giả thực hiện theo công hạnh của Bồ Tát Quán Thế Âm, đừng chần chờ. Đời sống vô thường, khi mất thân này khó được làm người, mất cơ hội thâm tín Tam Bảo, biết khi nào mới phát khởi Đại Bi Tâm? Chưa có Đại Bi Tâm làm sao thấy được nỗi khổ của chúng sanh! Chưa thấy được nỗi khổ của chúng sanh trong tam đồ lục đạo, thì làm sao “sống và nghĩ Niết Bàn sinh tử tổng giai không”!

Hòa thượng Tuyên Hóa giảng nghĩa Chú Đại Bi

1. Nam mô Hắc ra đát na đá ra dạ da (Namah Ratnatrayaya). Xin đem hết thân, tâm, tính mạng của con quy y và kính lạy Tam Bảo vô tận vô biên trong khắp cả mười phương, suốt cả ba đời.

2. Nam mô A rị da (Namo Arya). Kính lạy các bậc Thánh, người đã xa lìa các ác pháp.

3. Bà lô yết đế thước bát ra da (Avalokitésvaraya). Quán Tự Tại.

4. Bồ đề tát đỏa bà da (Bodhisattvaya). Kính lạy Bồ Tát.

5. Ma ha tát đỏa bà da (Mahasattvaya). Kính lạy chư Đại Bồ Tát.

6. Ma ha ca lô ni ca da (Mahakaruniakaya). Kính lạy thần chú Đại Bi Tâm.

7. Án (Om). Mẹ của tất cả mọi thần chú. Từ thần chú Án mà 10 pháp môn được hiển bày: Tự, Cú, Quán, Trí, Hành, Nguyện, Giáo, Lý, Nhân, Quả. Oai lực của Án khiến các quỷ thần đều cung kính chấp trì.

8. Tát bàn ra Phạt duệ (Sarva Rabhaye). Tự tại Thế Tôn.

9. Số đát na đát tả (Sudhanadasya). Sự gia hộ của Pháp Bảo và Tăng Bảo.

10. Nam mô tất kiết lật Đoả y mông A rị da (Namo Skrtva i Mom Arya). Kính lạy cái “Ngã” mà “Vô ngã” của các bậc Thánh. Cái “Ngã” hay Chân tâm này vẫn sẵn có nơi mỗi người.

11. Bà lô kiết đế thất phật ra Lăng đà bà (Valokitesvara Ramdhava). Cung điện Từ Bi nơi Bồ Tát Quán Thế Âm thường thị hiện.

12. Nam mô Na ra cẩn trì (Namo Narakindi). Kính lạy tâm Đại bi, tâm Cung kính, tâm Vô thượng Bồ Đề.

13. Hê rị ma ha bàn đá sa mế (Herimaha Vadhasame). Ánh sáng của tâm lực thường chiếu rộng khắp, siêu việt cả không gian vô cùng, thời gian vô tận.

14. Tát bà a tha đậu du bằng (Sarva Atha Dusubhum). Tâm Bình đẳng, tâm Vô Vi, Tâm Vô Kiến thủ.

15. A thệ dựng (Ajeyam). Tâm Khiêm nhường, tâm Vô tạp loạn.

16. Tát bà tát đá (na ma bà tát đa) na ma bà già (Sarva Sadha Namo Vaga). Đại thân tâm Bồ Tát không có gì so sánh được.

17. Ma phạt đạt đậu (Mavadudhu). Thỉnh nguyện sự gia trì của mười phương Chư Phật, Chư Bồ Tát.

18. Ðát điệt tha: Án (Tadyatha: Om). Nói ra chơn ngôn chứa đủ vô lượng pháp môn tu, vô lượng trí tuệ nhãn.

19. A bà lô hê (Avaloki). Quán sát.

20. Lô ca đế (Lokate). Tự tại. Hai từ 19 và 20 ghép lại là danh hiệu của Bồ Tát Quán Thế Âm.

21. Ca ra đế (Karate). Người có lòng từ bi rộng lớn.

22. Di hê rị (Ehre). Y giáo phụng hành.

23. Ma ha bồ đề tát đoả (Mahabodhisattva). Đại Bồ Tát.

24. Tát bà tát bà (Sarva Sarva). Lợi lạc cho mọi loài.

25. Ma ra ma ra (Mala Mala). Tăng trưởng phước huệ, vạn sự như ý.

26. Ma hê ma hê rị đà dựng (Mahe Mahredhayam). Ý niệm đã đạt đến mức tối thượng và vi diệu.

27. Cu lô cu lô yết mông (Kuru Kuru Karmam). Thực hành lục độ vạn hạnh là làm lợi lạc cho người và trang nghiêm công đức cho mình.

28. Độ lô độ lô phạt xà ra đế (Dhuru Dhuru Vajayate). Quảng bác trang nghiêm, vượt qua sanh tử, thể nhập Niết Bàn.

29. Ma ha phạt xà ra đế (Maha Vajayate). Chân lý vượt lên trên tất cả mọi sự tốt đẹp nhất trên đời.

30. Đà ra đà ra (Dhara Dhara). Bồ Tát Quán Thế Âm dùng ba thủ nhãn ấn pháp Cam lồ, Tịnh bình và Dương chi rưới nước cam lồ, cứu độ chúng sanh ra khỏi tam đồ, lục đạo.

31. Địa rị ni (Dhirini). Làm cho ác pháp chuyển thành thiện pháp, làm cho nghiệp chướng, tai nạn của chúng sanh được tiêu trừ.

32. Thất phật ra da (Svaraya). Phóng ánh sáng lớn.

33. Dá ra dá ra (Cala Cala). Hành động.

34. Mạ mạ phạt ma ra (Mamavamara). Mọi việc làm chắc chắn thành tựu như ý.

35. Mục đế lệ (Muktele). Giải thoát.

36. Y hê y hê (Ehe Ehe). Như ý nguyện.

37. Thất na thất na (Cinda Cinda). Trí tuệ và thệ nguyện rộng lớn.

38. A ra sâm phật ra xá lợi (Arsam Pracali). Vị Đại Pháp Vương thường chuyển cỗ xe Phật pháp, thường tuyên thuyết diệu nghĩa Đại thừa vô cùng vi diệu.

39. Phạt sa phạt sâm (Vasa Vasam). Rất hoan hỷ khi giảng nói.

40. Phật ra xá da (Prasaya). Tâm thể của bậc giác ngộ ví như một con voi chúa cao quý.

41. Hô lô hô lô ma ra (Huru Huru Mara). Người tu tập và pháp tu là một.

42. Hô lô hô lô hê rị (Huru Huru Hri). Vắng bặt vọng niệm khi tu tập.

43. Ta ra ta ra (Sara Sara). Thần lực rất mạnh.

44. Tất rị tất rị (Siri Siri). Dõng mãnh vượt qua mọi chướng ngại.

45. Tô rô tô rô (Suru Suru). Nước cam lồ.

46. Bồ đề dạ, bồ đề dạ (Bodhiya Bodhiya). Tâm Bồ Đề kiên cố.

47. Bồ đà dạ, bồ đà dạ (Bodhaya Bodhaya). Người giác ngộ.

48. Di đế rị dạ (Maitriya). Đại Từ bi tâm.

49. Na ra cẩn trì (Narakindi). Người đứng đầu trong các bậc Thánh.

50. Ðịa lị sắt ni na (Dharsinina). Bền chắc và lanh lợi.

51. Ba dạ ma na (Payamana). Mười phương thế giới đều khen ngợi công đức.

52. Ta bà ha (Svaha). Câu nầy lập lại 14 lần, có 6 nghĩa: thành tựu, tốt lành, viên tịch, tiêu trừ mọi tai nạn, thêm nhiều lợi lạc, không bám chấp một thứ gì cả. (Viên tịch là công vô bất viên, đức vô bất tịch: công đức của hành giả viên mãn, đức hạnh đạt đến mức cao tột).

53. Tất đà dạ (Siddhaya). Mọi ước nguyện và việc làm đều thành tựu, được mọi người cung kính tán dương.

54. Ta bà ha (Svaha).

55. Ma ha tất đà dạ (Maha Siddhaya). Thành tựu trong câu 53 càng lớn hơn nữa.

56. Ta bà ha (Svaha).

57. Tất đà du nghệ (Siddhayoge). Các vị thần trên không, dưới đất đến nghe Pháp đều lợi lạc.

58. Thất bàn ra dạ (Svaraya). Tự tại.

59. Ta bà ha (Svaha).

60. Na ra cẩn trì (Narakindi). Thường che chở chúng sanh.

61. Ta bà ha (Svaha).

62. Ma ra na ra (Maranara). Lúc tu tập là đã có kết quả vững chắc rồi.

63. Ta bà ha (Svaha).

64. Tất ra tăng a mục khư da (Sirasam Amukhaya). Trong mỗi chúng sanh đều có đủ tánh tự tại và công đức tròn đầy.

65. Ta bà ha (Svaha).

66. Ta bà ma ha a tất đà dạ (Sarva Maha Asiddhaya). Hành giả nỗ lực nhẫn nại thì có thể tiến tới pháp đại thừa, thành tựu vô lượng công đức và Phật quả.

67. Ta bà ha (Svaha).

68. Giả kiết ra a tất đà dạ (Cakra Asiddhaya). Hành giả thành tựu công đức lớn nên các loài ma oán đều quy đầu phục thiện.

69. Ta bà ha (Svaha).

70. Ba đà ma yết tất đà dạ (Padmakastaya). Sớm tu trì Phật pháp để được an lạc, giải thoát trọn vẹn.

71. Ta bà ha (Svaha).

72. Na ra cẩn trì bàn đà ra dạ (Narakindi Vagaraya). Quán Thế Âm hộ trì, giúp hết sợ hãi.

73.  Ta bà ha (Svaha).

74.  Ma bà lị thắng yết ra dạ (Mavari Samkraya). Tự tánh chúng sanh vốn sẵn có đức đại hùng đại lực.

75.  Ta bà ha (Svaha).

76.  Nam mô hắc ra đát na đá ra dạ da (Namah Ratnatrayaya). Như câu 1.

77.  Nam mô a lị da (Namo Arya). Như câu 2.

78.  Bà lô yết đế (Valokites). Quán.

79.  Thước bàn ra dạ (Varaya). Tự tại.   

80.  Ta bà ha (Svaha).

81.  Án, tất điện đô (Om, Siddhyantu). Đạo tràng đã kiết giới thành tựu.

82.  Mạn đà ra (Mantra). Pháp hội.

83.  Bạt đà dạ (Padaya). Tùy tâm mãn nguyện.

84.  Ta bà ha (Svaha).

Đại ý bài Chú Đại Bi

Con kính cẩn cúi đầu trước ngôi Tam Bảo Phật Pháp Tăng. Nguyện xin quy y theo Đức Thánh Quán Tự Tại. Con nguyện đem thân mạng mà quy y với Đức Đại Bồ Tát có lòng đại từ đại bi, mà cầu xin sớm được thành tựu sự giác ngộ để cứu độ cho hết thảy chúng sanh do mê muội đang bị khủng bố trên thế gian này. Do đó, con đem cả thân mạng mà quy y với Đức Đại Bồ Tát có lòng đại từ bi. Một lòng thề nguyện truyền bá rộng rãi lòng từ bi của Đức Thánh Quán Tự Tại Bồ Tát; lắng nghe tâm chơn ngôn (tổng trì pháp môn tâm chơn ngôn và Phật nội chứng), vâng theo mệnh của bổn tôn là Đại Bi Tâm Đà La Ni này mà hết lòng xưng tụng công đức Quán Tự Tại Bồ Tát, tất cả mọi hy vọng đều được viên mãn, làm sáng tỏ tính chất đồng thể đại bi thanh tịnh viên minh và làm cho tất cả quỷ thần đều không thể đánh thắng được uy lực to lớn của Ngài. Với những kẻ có đạo tâm, không bao giờ bị vô minh phiền não mê hoặc, không bao giờ bị đắm chìm trong cảnh mê muội, u tối và được dẫn dắt tới thế giới quang minh của Đức Đại Bồ Tát. Trí tuệ quang minh được biểu hiện siêu tuyệt nhất thế gian là Đức Bồ Tát có công đức vô cùng vĩ đại. Có đấng quy mạng giống như Đức Tự Tại Sư Tử Vương Đại Bồ Tát. Ức niệm nói chung của bản thể tâm chơn ngôn của Bồ Tát cũng giống như đi ở trên không trung để thuyết giảng Chánh Pháp một cách lớn lao và tự tại, hoặc là làm công việc tư duy về một công việc to rộng. Cũng như các bậc vua chúa, bất kể việc gì, đều được Đức Bồ Tát làm một cách tự do, tự tại. Được hành động bởi một thân thể thanh tịnh, không mảy may dơ bẩn, hoặc để trừ mọi hành vi dơ bẩn của ba cái độc hại là tham, sân và si; cũng như diệt trừ mọi ác ma độc hại ở trên thế gian này. Như thế sẽ nhanh chóng có mái tóc đẹp như hoa sen thanh tịnh và cầm lấy được hoa sen của Đức Bồ Tát. Giáo hóa được nghiệp ngu si của ta và chứng ngộ được lòng yêu thương vô bờ bến. Khiến được sanh lòng hoan hỷ của Bồ Tát Quán Tự tại.

Muốn được tới Niết Bàn (thành tựu viên mãn) sẽ được thấy Niết Bàn, và cũng tới được cảnh giới Tất địa (nơi ngộ đạo) với Du già (tương ứng hiệp nhập) thì được tự do, vô ngại. Trong đó, cũng có kẻ không phải là loài người (mặt heo cổ xanh, có kẻ mặt sư tử), con nào từ bi thì biểu thị tay cầm hoa sen, để thâu nhiếp Chánh Pháp trừ ma quỷ phiền não. Nghe tiếng Pháp loa vi diệu được chuyển mê khai ngộ, hết thảy đều quy y Tam Bảo.

Nam Mô Thánh Quán Tự Tại Bồ Tát, khiến cho được tới Niết Bàn, để trì tụng lời chơn ngôn này nơi thanh tịnh, trang nghiêm.

Chú Đại Bi Lược Giải, 2003, Hòa thượng Thích Tín Nghĩa sao lục

Nam mô Hộ Pháp Vi Đà Tôn Thiên Bồ Tát