Chuyển tới nội dung
Trang chủ » Blog » Xuân Tình Thương

Xuân Tình Thương

Ở Huế có một cư sĩ Phật tử trí đức viên dung, thể hiện được tinh thần sống đạo, không những là một tấm gương sáng cho hàng Phật tử tại gia mà ngay đến chư tôn Hòa thượng, chư Thượng tọa, Đại đức Tăng, Ni và quý vị lãnh đạo tinh thần các tôn giáo khác tại cố đô cũng trân trọng, nể vì. Chư tôn đức, thiện hữu tri thức, người nghèo ở Huế đều gọi bác bằng một cái tên thân thương, kính mến: Bác Siêu.

Bác Siêu sinh năm 1912 tại kinh đô Phú Xuân, thế danh Phạm Đăng Siêu, pháp danh Tâm Thành, tự Thiện Niệm. Nguyên quán tỉnh Gò Công nhưng Tổ Tiên ra đất Thần kinh lập nghiệp nhờ có liên hệ với hoàng triều. Tuy xuất thân gia đình quyền quý, danh vọng và giàu có ở đất thần kinh nhưng ngay khi còn là một thanh niên hiếu học, thích nghiên cứu triết học và tôn giáo, học trò cụ Phan Bội Châu, Bác Siêu đã sớm thấu cảm những khổ đau của những người thiếu may mắn mà Bác đã gọi một cách trìu mến là “bạn nghèo”. Bác đi xin gạo, áo quần cũ, tiền bạc của người có từ tâm để giúp đỡ cho biết bao người nghèo khổ, già yếu, neo đơn, tật nguyền, cơm không đủ ăn, áo không đủ che thân, đau ốm không có thuốc thang, nhà cửa xiêu vẹo, sống kham khổ ngay giữa lòng thành phố Huế và các cùng phụ cận.

Tuy vậy, một thanh niên con dòng cháu giống mà đi “xin của bố thí”, mặc dù để giúp người khác, đã không tránh khỏi lời đàm tiếu của giới thượng lưu làm tổn thương đến danh giá gia tộc, nên lúc đầu gia đình Bác hết sức can ngăn.  Nhiều đêm chàng trai trẻ làm việc thiện này đã phải nằm ngủ co ro dưới chân cầu Đông Ba.  Nhưng với tâm nguyện không vì “tình thương và tình thương”, “hướng thiện để hướng thượng”, dần dần rồi Bác cũng cảm hóa được gia đình tùy thuận với hạnh nguyện của Bác.

Bác Siêu đề nghị các nhà từ tâm thực hiện “hũ gạo tình thương”. Mỗi khi nấu cơm, bốc một nắm gạo, chí thành niệm Nam Mô A Di Đà Phật hoặc Nam Mô Quán Thế Âm Bồ tát để chú nguyện vào nắm gạo rồi mới bỏ vào một cái hũ hay cái chai. Mỗi tháng hai lần Bác đến nhận tặng phẩm rồi đi đến từng nhà “bạn nghèo” vừa để thăm viếng chuyện trò với họ, vừa biếu chút gạo, tiền, quần áo. Thành thử của tuy ít mà lòng rất nhiều, “của cho không bằng cách đem cho”.

Vào những dịp lễ Phật Đản, Vu Lan, Phật Thành Đạo, Bác khuyến khích “bạn nghèo” gieo nhân lành bố thí bằng cách để một chén gạo hoặc vài đồng bạc trên bàn Phật, mỗi ngày thắp hương niệm Phật, nguyện đem chút lòng thành trên cúng dường Tam Bảo, dưới giúp đỡ bạn nghèo, phóng sanh, ấn tống kinh sách. Bác trân trọng nhận của hiến cúng nầy với những lời tán thán thật thành khẩn cảm động, làm cho những người nghèo khổ cũng cảm thấy xúc động và hoan hỷ được đóng góp vào việc thiện. 

Hình ảnh bác Siêu với chiếc áo dài đen, đội mũ nhựa, đạp chiếc xe cũ kỹ với nhiều bao, nhiều bịch cột sau xe, treo vào ghi đông xe đạp, đi khắp thị thành làng mạc, núi đồi, vùng biển đã trở thành quen thuộc hơn nửa thế kỷ tại Huế. Bác là một biểu tượng của tình thương, của đạo Phật đi vào cuộc đời trong thế kỷ thứ hai mươi. Sau này nhiều Phật tử cùng đi theo Bác, hình thành nên Nhóm Hướng Thiện. Những người kế thừa Bác giờ đây có mặt khắp nơi trên đất nước Việt nam và hải ngoại.

Bác Siêu mất ngày 12/ 3/ Giáp Tuất (1994), hưởng thọ 83 tuổi. Trong đại lễ Cầu siêu trước ngày di quan, Ôn Từ Đàm, một bậc Cao tăng Thạc đức, đã phát biểu trước di ảnh và linh sàng bác Siêu : “Anh với tôi là bạn, anh theo đường đời, tôi theo đường đạo, nhưng chúng ta cùng chung một mục đích là thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh”. Thật chưa có một Phật tử tại gia nào nhận  được những lời “thuyết linh” chân tình, những lời tán dương giản dị mà cao quý như vậy.  

Theo lời em ruột Bác là anh Tuệ kể lại, sáng sớm ngày Bác mất, gia đình lên chùa Từ Đàm thỉnh Ôn Thiện Siêu về chứng minh lễ tang. Lúc ấy có thầy Trụ trì chùa Hương Từ, huyện Hương Thủy, đang ngồi đàm đạo với Ôn. Thầy nói hồi hôm thầy nằm mộng thấy Bác Siêu không biết đi đâu mà bước lên cầu thang máy bay có trải vải vàng, rồi Bác dừng lại ở cửa đưa tay vẫy  chào, miệng cười vui vẻ, lúc ấy thân chiếc máy bay như lơ lửng trên  mây. Khi tỉnh giấc mơ thì trời cũng gần sáng, cùng giờ Bác Siêu mất.  Nghe câu chuyện nầy nhiều người tin rằng Bác Siêu đã được vãng sanh Cực Lạc. Bác xứng đáng hưởng quả lành đó do cái nhân lành suốt đời làm từ thiện và khuyến khích người khác làm việc thiện, trường trai, thọ trì Bồ tát giới, tinh tấn hành thiền, tụng kinh, lạy Phật và niệm Phật.   

Thưa Bác Phạm Đăng Siêu,

Con may mắn gặp Bác khi còn học lớp đệ Tứ Trường Quốc Học (1967). Vào cái tuổi hay thắc mắc về ý nghĩa cuộc đời, lứa tuổi hay tìm kiếm cho mình một lối sống giữa đường đời vạn nẻo, Bác đã như ngọn hải đăng giữa biển khơi tăm tối, như ánh đuốc giữa đêm đen soi tỏ cho con một lối đi về. Bây giờ hơn nửa đời người ngồi ngẫm nghĩ lại, con thấy Bác đã ảnh hưởng sâu đậm vào cách sống và tâm nguyện của con. Cách sống đó là vào trong cuộc đời để góp bàn tay xoa dịu nỗi thương đau của những con người nghèo khổ. Tâm nguyện đó đôi lúc con đã men được đến gần, nhưng nhiều khi cũng đã lãng quên vì những đua tranh trong cuộc đời đầy ánh hào quang.

Hồi ấy con ở lại nhà người anh ruột Trần Duy Tý ở Bãi Dâu, cách nhà Bác một đoạn đường ngắn nên con thường đến chơi và trò chuyện với Bác. Bác nói về triết học Tây phương, Đông phương, về Khổng Tử, Lão Tử, Trang Tử, Mạnh Tử, Bergson, Darwin, Chúa Jesus, Cao Đài, Hòa Hảo và nhiều nhất là về đạo Phật, trích dẫn làu làu nhiều câu tiếng Pháp, chữ nho, thiền ngữ một cách uyên bác. Bác thường nhấn mạnh đến các điểm chung giữa các tôn giáo và triết học đông tây kim cổ. Lối nói chuyện của Bác thật sống động, nhiều khi đang ngồi Bác bổng nhiên đứng dậy đi tới đi lui diễn tả rất hào hứng.

Sau nầy con học ban Triết Trường Đại học Văn khoa Huế, có nhiều giáo sư khoa bảng tốt nghiệp từ Âu Mỹ trở về dạy dùng từ thật đao to búa lớn nhưng con nghiệm ra mức độ thâm sâu nhiều khi còn thua Bác. Với kiến thức, kinh nghiệm sống và sự hành trì của Bác, Bác thừa khả năng để giảng về tríết học và tôn giáo tỉ giảo tại các trường đại học. Vì thế càng gần Bác, con càng được tăng trưởng về trí tuệ và huân tập nhiều hạnh lành. 

Vào những năm 1967-1969, con hay đi từ thiện với Bác. Vừa đến từng nhà nhận tặng phẩm, vừa thăm viếng, tặng biếu cho “bạn nghèo”, hay đi cúng dường các chùa nhỏ, xa và ít an ninh vì chiến tranh lan rộng ở vùng lăng Tự Đức, Ba Đồn, núi Ngự Bình, núi Thiên Thai. Khi thì giúp lợp nhà, có khi tụng kinh, nhiều lần cúng lễ đám tang rồi gánh đám đi chôn cất luôn vì tang gia không có tiền mướn âm công. Cũng có lúc được đãi tiệc chay, ăn giỗ, mạn đàm Phật pháp. Những mẫu chuyện đạo, những bài Pháp ngắn hợp tình hợp cảnh đi vào tâm thức con qua những bước chân từ thiện nhẹ nhàng như vậy.

Cũng nhờ đi từ thiện mà con sớm được tiếp xúc thực tế với đủ hạng người trong xã hội, từ nghèo khổ tật nguyền đến giàu sang quyền quý. Đặc biệt là được thân cận với các thiện hữu tri thức học và hạnh đi đôi với nhau, được gần gũi các bậc đạo cao đức trọng mà cuộc sống thật thanh đạm, cư xử bình dị, lời nói hiền hòa nhưng tâm nguyện độ sanh thật kỳ vĩ. Chính đạo phong của các Ngài đã giúp con giữ vững niềm tin không lay động vào Đạo pháp và Dân tộc trước bao phong ba bão táp của cuộc đời.

Thỉnh thoảng Bác cũng cho con vài thứ. Có lần đến nhận gạo tại nhà hộ sinh Cô Lành, cô nói may áo cho con trai còn thừa xấp vải lam, xin gởi Bác. Khi ra ngoài đường Bác cầm xấp vải trao cho con bằng cả hai tay và nói xin biếu em. Con rất ngạc nhiên vội thưa Bác không dám nhận, xin để tặng người khác. Bác từ tốn nói em cứ tự nhiên, đừng ngại ngùng chi cả, việc thiện là rứa. Con cảm động nhận xấp vải Bác cho nhưng mãi đến ba năm sau mới may áo vì… không có tiền may! Quả thật hồi đó con rất nghèo, áo quần bạc thếch, nhưng con còn cảm thấy may mắn hơn những người nghèo khác nên vẫn biết đủ, ít muốn, biết vui trong cuộc sống. 

Sau này bận học hành thi cử, bận sinh hoạt với Liên đoàn Học Sinh Phật Tử Thừa Thiên (HSPT), tham gia cứu trợ với Đặc ủy Xã hội Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Tỉnh Thừa Thiên, nên con không còn nhiều dịp để đi với Bác, nhưng hạnh lành của Bác vẫn soi sáng cho việc làm của con. Áp dụng phương pháp của Bác, con và các Huynh trưởng, đoàn sinh Chi Đoàn HSPT Quốc Học, rồi sau đó nhân rộng ra toàn Liên đoàn thực hiện Xuân Tình Thương, kêu gọi phụ huynh bỏ gạo hũ, tiền, áo quần cũ, thuốc men giúp người nghèo.  Tuy mỗi năm chỉ làm một lần vào dịp Tết nhưng cũng gợi được cho các em đoàn sinh một tâm niệm lành.

Mùa hè đỏ lửa 1972 con vào lính, rồi đi cải tạo “mút mùa lệ thủy”. Cuối năm 1981 trở về làng quê với thân phận một phó thường dân đầy bất trắc. Ngoài giờ đồng áng, con và bạn bè cùng nhau củng cố sinh hoạt ngôi chùa làng Phước Linh. Con đề nghị đạo hữu làm việc thiện như Bác. Mặc dù hồi đó nhiều người ăn độn thay cơm nhưng tâm niệm thật thuần thành. Hạt gạo tình thương cũng sưởi ấm được chút tình người ở quê nghèo và các vùng phụ cận.

Một trong những điển hình “bạn nghèo” của chúng con là gia đình anh Sỏ, nhà ở cửa Nhà Đồ. Anh tuổi đã già yếu, người vợ hơi bị tâm thần nhưng đã qua đời, có sáu người con. Người con gái đầu đã có chồng ở tận miền Nam. Người con gái út tên là Bé, 14 tuổi, thường qua nhà hàng xóm giúp việc lặt vặt để kiếm thêm miếng ăn cho gia đình. Còn giữa là bốn người con trai. Người đời thường nói sinh bốn con trai liên tiếp là tứ quý, tức là nhiều may mắn. Nhưng sự may mắn đó không đến với các cháu này mà ngược lại, cả bốn cháu đều bị bệnh tâm thần. Các cháu tuổi trên dưới 20, thường ngày chỉ biết cười khan, đòi ăn như sáo, đôi khi đi tiêu đi tiểu bừa bãi làm cho người cha già và em gái phải khổ tâm lau dọn.   

Một chiều mùa đông mưa lạnh, con và cháu Bạch Thị Vân đạp xe từ làng lên phố thăm và biếu gạo. Nhà anh Sỏ như cái chòi rách tả tơi. Gọi cửa thì mấy cháu vui mừng chống tấm liếp làm cửa lên. Trời chiều lạnh, cả nhà đi ngủ sớm cho ấm. Con hỏi các cháu:

– Ăn tối chưa?

Cả bốn cháu trai nhanh nhẩu trả lời:

Ăn rồi.

Con hỏi tiếp: Ăn cơm ngon không? 

Chưa ăn.

Con lấy làm lạ, hỏi lại: Các cháu ăn tối chưa? Đáp: 

  • Ăn rồi. 
  • Ăn chi?
  • Ăn bầu. 

Ồ! Thì ra không có gạo, cả nhà ăn canh bầu trừ cơm! 

Con đổ gạo ra cái rá, thấy các cháu xúm lại bốc từng nắm gạo đưa lên cao rồi cho gạo chảy xuống một cách sung sướng như trẻ em chơi cát mà ứa nước mắt. Đói, lạnh, làm sao cả nhà ngủ được qua khỏi đêm dài rét mướt, rồi ngày mai ra sao? Khi ra khỏi cửa ngõ, con nói với Vân, bây giờ chắc các cháu đang đong gạo nấu cơm.

Chiều 30 Tết năm đó con trở lại thăm gia đình này, biếu một ít tiền tiêu tết. Không thấy cháu Bé, con hỏi thì ba cháu nói nó nằm cả buổi chiều nay. Con bước ra sau tấm gót làm phên che chỗ nằm, thấy cháu trùm cái mền rách, hỏi không nghe trả lời, con kéo cái mền khỏi đầu thì thấy cháu đang khóc. Con chợt hiểu. Chiều cuối năm, thiên hạ xôn xao đón Tết, nhà cửa trang hoàng đẹp đẽ, pháo nổ tưng bừng, bàn thờ hương trầm trang trọng lễ cúng gia tiên. Còn nhà cháu thì trống vắng lạnh tanh, làm quần quật suốt năm mà vẫn không có tấm áo lành lặn mặc Tết. Ba cháu đã già, các anh cháu không biết gì nên cũng yên phận, còn riêng cháu có chút trí khôn thì làm sao mà không cảm thấy tủi thân?! Cháu Bé đó bây giờ tội nghiệp lắm. Ba cháu đã mất, một mình cháu lo cho cả bốn anh, còn tương lai của cháu thì sao?  

Bác Siêu ơi!  Đó là một trong những mảnh đời “bạn nghèo” mà con đã gặp. Còn biết bao nhiêu người đang chờ đợi những tấm lòng nhân hậu, những bàn tay xoa dịu vết thương đau?!

Gần 8 năm qua, con và một số thân hữu góp tay nhau mỗi tháng $3, tượng trưng cho niệm kính tin Ba Ngôi báu Phật, Pháp, Tăng, để gởi về giúp các em cô nhi, các em bé khuyết tật, các cụ già neo đơn, những người nghèo khổ ở Huế. Sở dĩ chúng con chỉ gởi về cố đô vì tài hèn sức mọn, khả năng chưa thể ôm đồm địa bàn rộng lớn được. Còn biết bao việc cần làm khác như giúp người mù thấy lại được ánh sáng, các lớp học tình thương ở vùng xa xôi hẻo lánh, lớp dạy nghề với bữa ăn trưa miễn phí cho các em nghèo, ấn tống kinh tiếng Việt, phổ biến sách học Phật căn bản và băng giảng Phật pháp về các vùng thôn quê và rừng núi xa xôi, đào tạo Tăng tài v.v… Con biết từ tâm có sẵn nơi mọi người, chỉ cần được khơi dậy thì việc thiện nào cũng làm được. 

Giúp quý Cụ bà tại Nhà dưỡng lão Tịnh Đức

Hôm nay mùa Xuân dân tộc trở về nơi chốn tha hương, con lại nhớ về những Xuân Tình thương mà Bác và anh chị em chúng con đã thực hiện để giúp “bạn nghèo” có được nụ cười vào lúc năm hết Tết đến. Bác ơi! Con đã “thấy” được rồi: Xuân đến Xuân đi là việc của đất trời, nhưng Xuân qua rồi mà Hoa Xuân vẫn còn mãi là việc của lòng người. Hoa Xuân này là niềm tin yêu hy vọng, trong đó có tình thương yêu nhân loại và chúng sanh. Con cảm nhận rằng Bác không đơn thuần làm việc thiện như một cách cứu tế xã hội, mà việc thiện của Bác là một Pháp môn tu. 

Thâm tạ tấm lòng của Bác đã nhen nhúm cho con chút hơi ấm Tình thương. Con nguyện tinh tấn làm theo hạnh lành của Bác, sống mãi với Xuân Tình thương để cho tâm Từ, Bi, Hỷ, Xả đơm hoa góp phần tô đẹp cuộc đời.

Trần Duy Phô