Chuyển tới nội dung
Trang chủ » Blog » Lời Tựa Bộ Nhất Thống Chính Biên Đại Tộc Phổ Họ Trần Duy Làng Phước Linh

Lời Tựa Bộ Nhất Thống Chính Biên Đại Tộc Phổ Họ Trần Duy Làng Phước Linh

Bộ Nhất Thống Chính Biên Đại Tộc Phổ Họ Trần Duy

Thường nghe: Dòng Họ có Tộc Phổ cũng như nước nhà có quốc sử. Nội dung của Tộc Phổ là ghi chép rõ ràng, chính xác những phần chính của từng người trong gia tộc và thứ tự truyền thừa từ đời này qua đời khác theo nguyên tắc “trưởng” trước, “thứ” sau.

Nhờ sự ghi chép này mà đời sau mới biết được công lao khó nhọc của Tiền Nhân, con cháu mới cảm nhận được công đức sâu dày của Tiên Tổ. Càng về lâu dài, Tộc Phổ càng trở nên một gia sản văn hóa vô cùng quý báu, có thể làm căn cứ cho các công trình nghiên cứu về lịch sử địa phương và quốc gia dân tộc.

Ôi! Cảm khái biết bao!
"Thủy chi thiên lưu vạn phái nguyên tất viễn
Mộc chi thiên chi vạn diệp bổn tất thâm".
(Nước chảy khắp trăm sông ngàn nhánh thì biết có nguồn rất xa; 
Cây sinh ra ngàn cành vạn lá là nhờ gốc rễ sâu dày). 
CỘI NGUỒN chính là uyên nguyên của trời đất, là dấu xưa của dòng họ, là nơi phát tích của đời người.

Họ TRẦN DUY chúng ta khởi nguồn từ ngài Trần Quý Công, vị Khai Canh thứ nhất làng Phước Linh. Theo bản TỘC PHỔ xưa truyền lại, ngài Trần Quý Công cùng ngài Nguyễn Quý Công “tự Bắc nhi Lai” đến nơi đây khai phá đất hoang, chen vai thích cánh cùng với các bậc hào kiệt đương thời rạch định cương thổ, thu phục nhân tâm, chiêu dân lập ấp, biến mảnh đất hoang vu này thành xóm làng yên ổn. Lúc ban sơ làng có tên là Mục Linh thuộc tổng Đường Ba, huyện Phú Vang, phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hóa, là vùng cai quản của các Chúa thời Nguyễn Sơ nhưng vẫn trực thuộc vua Lê.

Lăng Ngài Đệ Nhị thế họ Trần Duy làng Phước Linh, chức vụ Tướng Thần, tước A Đức Nam, tại Diên Đại, Phú Vang, Thừa Thiên

Sau khi ổn định vùng đất tại Phước Linh, hai ngài Trần Khai Canh và Nguyễn Khai Canh lại cùng nhau về khai thác thêm hằng trăm mẫu đất tại huyện Phú Lộc, lập thành Phước Linh hạ phường, hay còn gọi là Tộc Bức. Về sau vì không đủ nhân khẩu để lập làng nên phải sáp nhập vào làng Bàng Môn, nay thuộc xã Lộc An, huyện Phú Lộc.

Lăng hai Ngài Trần Khai Canh và Nguyễn Khai Canh làng Phước Linh tại Tộc Bức, huyện Phú Lộc

Để truy tặng công nghiệp lớn lao của hai Ngài, Nguyễn Triều sắc phong Trần Đại Lang và Nguyễn Đại Lang tước vị “DỰC BẢO TRUNG HƯNG LINH PHÒ CHI THẦN”.

Giữa tẩm thờ Từ Đường họ Trần Duy làng Phước Linh có viết hai chữ HỘI NGUYÊN, nghĩa là đứng đầu hội. Hội Nguyên là Họ đứng đầu trong các Họ của làng, là Họ Khai Canh.

Ôi! Tổ Tiên đã trải qua bao gian lao nguy hiểm, đem máu xương, mồ hôi, nước mắt để khai phá, gầy dựng nên giang sơn thổ vũ nầy. Các thế hệ cha ông nối tiếp nhau đã bồi đắp nên cơ nghiệp rạng rỡ ngày nay. Dòng Họ nay đã trải qua trên 400 năm, kế thế đã đến đời thứ 14. Suốt dòng lịch sử truyền lưu, Dòng Họ đã phát xuất nhiều bậc Tài Cao Đức Rộng, văn học, võ nghiệp hiển vinh.

Bề dày lịch sử là minh chứng hùng hồn cho sức sống mãnh liệt của Dòng Họ. Với thời gian hơn bốn thế kỷ, đất nước biết bao nhiêu biến đổi, thay chủ đổi ngôi, bao cuộc chiến tranh long trời lở đất, bao cuộc đại nạn của thiên tai, hỏa hoạn, nghèo đói, loạn ly. Nhưng Phước Linh vẫn còn đó, vững vàng giữa non sông, họ Trần Duy vẫn còn đây, sắc son trang lịch sử.

Tiếc thay, do hoàn cảnh lịch sử và bão lụt triền miên, các sắc bằng, chứng từ, sổ sách, tài liệu cổ vật bị thất lạc hầu hết. Bản Tộc Phổ của Họ do Ngài Trần Duy Thận đứng tên, phụng sao cách đây khoảng 170 năm, tuy còn rõ ràng nhưng chỉ chép ba đời đầu. Từ đời thứ tư trở về sau đều nằm phân tán từng Phái, từng Chi, có Dòng chỉ khẩu truyền chứ không ghi chép. Tình trạng thiếu sót tên tuổi, thất lạc mộ phần Các Vị Tiền Bối là điều chắc chắn xẩy ra, thậm chí rất nhiều. Hỡi ôi! Đau xót lắm thay! Các Phái, các Chi, các Dòng nửa chừng vô tự, hoặc tha hương biệt quán, hoặc quá xa đời, trong Hương Hỏa không ai nối dõi phụng thờ, ngoài nghĩa địa mộ phần suy tàn, thất tích.

Nay nhờ phúc ấm Tổ Tiên và sự đồng tâm hiệp lực của toàn Họ, công trình Sùng Tu, Hiệu Đính và Bổ Sung bộ ĐẠI TỘC PHỔ của Họ đã được tiến hành. Công trình gồm có bốn bản giá trị như nhau, ghi chép đầy đủ lịch sử truyền thừa của Họ, từ Ngài Khai Canh xuống đến miêu duệ hiện nay là đời thứ 14, quy các Chi, các Phái về một Nguồn Cội. Kèm theo bộ ĐẠI TỘC PHỔ nầy là Bảng Sơ Đồ Hệ Thống Truyền Thừa Họ Trần Duy, trình bày quan hệ huyết thống của toàn Họ để sáng tỏ chân lý là:

Dù con cháu nội ngoại lên đến hàng nghìn người, dù ở quê nhà hay lưu lạc khắp các phương trời xa lạ, dù sang giàu vinh hiển hay nghèo khó lưu đày, dù một thời đã ở bên này hay bên kia chiến tuyến thì tất cả cũng đều từ một Nguồn Cội sinh ra.

Bộ ĐẠI TỘC PHỔ là một gia sản văn hóa đồ sộ cả về tinh thần lẫn vật chất, kế thừa di sản Tổ Tiên để lại, là tổng hợp các công trình nghiên cứu trùng tu và cống hiến của các bậc tiền bối, đồng thời cập nhật các tên tuổi sau này.

Bộ ĐẠI TỘC PHỔ là giềng mối đạo đức cho các quan hệ trong Họ, là ngọn lửa hồng mãi mãi soi sáng cho các thế hệ mai sau. Để tương xứng với ý nghĩa lịch sử trọng đại, công trình được đặt tên: NHẤT THỐNG CHÍNH BIÊN ĐẠI TỘC PHỔ HỌ TRẦN DUY LÀNG PHƯỚC LINH.

Công trình được khởi công từ ngày 18 tháng 9 năm Tân Mùi (1991) trong một điều kiện vô cùng khó khăn về vật chất, kinh tế, thiếu sót tài liệu. Nhưng vì sự nghiệp lớn lao của Dòng Họ, tất cả mọi trở ngại đã vượt qua, công trình hoàn tất vào ngày Kỵ Ngài Khai Canh 16 tháng 6 năm Quý Dậu (1993).

Nhân dịp trọng đại này, Họ cung thỉnh Chư Tôn Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức Tăng tổ chức Đại Lễ Trai Đàn – Lạc Thành Tộc Phổ – Hiệp Kỵ – Giải  Oan Bạt Độ – Chẩn tế Cô Hồn – Cầu Nguyện Âm Siêu Dương Thái, kèm theo việc đắp năm nền Vọng Bái các mộ thất lạc tại 5 vùng mộ chính.

Giờ đây chiêm ngưỡng bốn bản ĐẠI TỘC PHỔ uy nghi như đỉnh núi, ai trong lòng chúng ta không cảm thấy xúc động, tự hào. Quá khứ, hiện tại, tương lai ẩn hiện trong từng trang Tộc Phổ. Giữa những thế hệ đã đi qua với cháu chắc hiện tại đã có một nhịp cầu.

Lời xưa từng nói: “Bà con mười đời chưa rời cánh tay”. Toàn thể con cháu Họ Trần Duy nguyện:

– Đời đời đoàn kết, gắn bó, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, giữ vững tôn thống, kỷ cương của Họ;

– Phát huy truyền thống đấu tranh kiên cường và nề nếp văn học của Tổ Tiên để vươn lên trong cuộc sống;

– Chăm lo sức khỏe, học hành cho thế hệ trẻ, giáo dục trình tự Dòng Họ, quê hương cho các cháu để từ Họ Trần Duy sinh ra nhiều bậc anh tài lỗi lạc, góp phần xây dựng đất nước ngày càng rạng rỡ vinh quang.

Viết tại Từ Đường ngày 16 tháng 6 năm Quý Dậu, nhằm ngày 03 tháng 8 năm 1993.

Ban Trùng tu Bộ Đại Tộc Phổ

Quý bác, chú, anh em & các cháu tại án thờ bên trái của Nhà thờ Họ Trần Duy làng Phước Linh
Nhà thờ Họ Trần tại Tôc Bức. Tuy là con cháu Ngài Trần Khai Canh làng Phước Linh, nhưng họ là Trần Viết chứ không phải Trần Duy