Chuyển tới nội dung
Trang chủ » Blog » Giá Trị 1 Cái Vỏ Beer

Giá Trị 1 Cái Vỏ Beer

Vì chúng sanh con lượm cái lon này

Giờ giải lao buổi sáng, tôi ra khỏi văn phòng, vừa đi chậm rãi, vừa theo dõi hơi thở vào ra nhẹ nhàng trên bãi xe rộng mênh mông. Đến cuối bãi, tôi thấy một cái vỏ lon beer bẹp dí nằm lẫn lộn giữ đống lá mục. Mọi khi thì tôi đã cúi xuống lượm, nhưng qua mấy hôm trời mưa, cái lon rất dơ dáy nên tôi làm biếng bỏ qua, quay trở lại chỗ làm.

Đi được một đoạn, tôi chợt nhớ bài viết “Huế Thương Quán Chay” mà Ni trưởng Thích Nữ Như Minh vừa email sáng nay. Quán chay phục vụ sinh viên mỗi bữa ăn trưa, ăn tối chỉ trả 5.000 đồng tiền Việt, quy ra tiền Mỹ là 22.7 xu hay 0.227 Mỹ kim, thế mà có vài em vẫn không có tiền để trả! 

Mỗi cái lon nhôm bán recycle được 5 xu. Nếu có 5 cái lon như vậy là bán được 25 xu, tức là có thể giúp một em học trò nghèo có một bữa cơm ngon lành gồm 5 món, vừa rẻ, vừa ngon miệng, vừa bổ dưỡng, vừa hợp sức khỏe, vừa gieo duyên với ăn chay!

Tôi liền quay lại, xúc động nhặt cái vỏ lon bia có một giá trị mới mà tôi vừa “khám phá”! Trên lối về, tôi vòng sang hướng khác, và tìm thấy 3 cái vỏ nhôm nước ngọt nữa, nhưng mỗi cái lớn gấp đôi lon beer. Như vậy, tuy chỉ có 4 cái lon, nhưng vẫn có thể giúp người học trò có duyên một bữa ăn chay!

Thử làm một bài toán: giá mỗi bữa ăn $0.227, mỗi ngày 2 bữa, mỗi tuần 6 ngày, mỗi tháng 4 tuần, vậy tiền ăn của người bạn trẻ mỗi tháng là bao nhiêu?

Giải: $0.227 x 2 x 6 x 4 = $10.90.

Đáp số: Tiền ăn trưa và tối cho bạn trẻ này là 10.90 Mỹ kim mỗi tháng (Chủ nhật và các ngày lễ khác, cùng bữa ăn sáng thì bạn trẻ tự lo liệu hoặc… “khắc phục”.)

Tôi rất vui mừng, thấy làm việc thiện dễ quá, chỉ cần một chút hiểu và thương là làm được ngay. Thuở còn cắp sách đến trường ở quê nhà, tôi cũng đã trải qua vài đêm bụng đói cồn cào khó ngủ vì không có gì cho vào bụng trong khi ở xa nhà, không một đồng dính túi. Nhờ thế, tôi sớm “biết lễ độ” với lưng chén cơm hay nửa ổ bánh mì. Ăn gì cũng được, miễn no bụng là quý! Giờ đây, tôi thật thông cảm với những em học trò nghèo đang phấn đấu với cái ăn, cái mặc, chỗ ở, tiền trường, phương tiện đi lại, sách vở để đi học, để thực hiện hoài bão “Ngày nay học tập, ngày mai giúp đời”.

Tôi tự hứa sẽ giúp các em có những bữa ăn như vậy. Khi tôi chuyển lá thư Huế Thương Quán Chay đến email Hội Từ Bi Quán Thế Âm, liền có ngay những tấm lòng cảm ứng. Cháu Trương Anh Tài, anh Trương Thanh Nhạc, chị Trương Nguyễn Thị Hạnh liền gởi về Ni trưởng Như Minh mỗi tháng $70 Mỹ kim. Chị Vinaco cũng hứa vận động con cháu và thân hữu giúp hằng tháng 100 Mỹ kim. Tin tưởng sẽ có thêm nhiều tấm lòng thương tưởng đến nữa.

Việc lớn trong thiên hạ không còn với tay tới được, thôi thì vui lòng với những việc nho nhỏ như thế cho cuộc đời thêm tin yêu hy vọng. Rất mong bạn đọc để dành cho những cái lon, cái chai đầy ắp tình thương cảm để giúp các em khuyết tật, mồ côi, cùng các em học trò nghèo thời nào cũng có! Mong lắm thay!!!

Trần Duy Phô, Đầu Xuân 2016

Huế Thương Quán Chay

Niềm tin vào đời cho sinh viên nghèo xứ Huế

Điểm ăn miễn phí cho người bán vé số dạo                 

 Địa chỉ: 96 Bà Triệu, thành phố Huế. Điện thoại: 054-352-5711

Từ đầu năm 2013, Quán chay Sinh viên Huế Thương ra đời bởi một ý tưởng của Đại đức Thích Từ Thông ở chùa Từ Hiếu. Thầy từng chia sẻ rằng: “Mục đích của Quán chay Huế Thương là để đầu tư cho giới sinh viên, tương lai của dân tộc”. Đầu tháng 9 năm 2014 vì nhu cầu của Phật sự, Thầy Từ Thông phải rời Huế, Quán chay Huế Thương được chuyển giao cho Ban từ thiện Giáo Hội Phật giáo tỉnh Thừa Thiên Huế, do Ni trưởng Thích Nữ Như Minh Trú trì chùa Pháp Hỷ, Trưởng ban Từ thiện GHPG tỉnh Thừa Thiên Huế làm cố vấn, Ni sư Thích Nữ Diệu Đàm, Trưởng ban điều hành Nhà dưỡng lão Diệu Viên đồng cố vấn và Sư Cô Thích Nữ Phước Thiện, Trưởng ban điều hành Cô nhi viện Ưu Đàm trực tiếp điều hành Quán chay.

Với một thông điệp: “Quán Chay Huế Thương không vì mục đích lợi nhuận, chỉ mong tạo thiện duyên cho thế hệ con em của chúng ta có thêm nhiều nhân lành, xây dựng một điểm ăn an toàn, rẻ và bổ dưỡng nhằm động viên tinh thần học tập cho các em Sinh viên nghèo xứ Huế và các em Sinh viên nghèo đến học tại Huế”.

•     Hiện nay, Huế Thương phục vụ bình quân khoảng 200 suất/ngày

•     Riêng những ngày chay như ngày 14, Rằm, 30 và mồng 1 khoảng 350 suất/ngày.

•     Người bán vé số dạo được phục vụ miễn phí, bình quân khoảng 20 suất/ngày.

•     Suất cơm 5.000đ, gồm có: Một đĩa cơm + 5 món thức ăn (nếu uống thêm sữa đậu nành, trả thêm 1.000đ)

•     Quán phục vụ 2 bữa/ngày, gồm bữa ăn trưa và tối, mở cửa từ thứ 2 đến thứ 7, nghỉ Chủ nhật và những ngày Lễ, vì sinh viên về quê.

 Phần thu:

Hoàn toàn nhờ vào sự đóng góp giúp đỡ của Quý Phật tử, các nhà Hảo tâm. Một số Phật tử đã đóng góp đều đặn giúp cho hoạt động của Quán hiện nay như sau:

– Phật tử Trần Kim Giao ở Mỹ ủng hộ 400kg gạo hàng tháng, nhưng chưa đủ, Ưu Đàm tiếp thêm 300kg mỗi tháng.

– Chị Nguyễn Thị Thủy, Mỹ,     100usd #             2.250.000đ

– Chi Xuân Hương, Hà Nội:     2.500.000đ

– PT. Diệu Lan, Huế                    500.000đ

  Tổng thu:  5.250.000đ

Thỉnh thoảng Huế Thương nhận được nhiều sự đóng góp giúp đỡ của Quý vị Phật tử do Ni Trưởng Cố vấn giới thiệu, cùng sự sẻ chia kịp thời của Tổ chức Mắt Thương Nhìn Cuộc Đời tại Canada, do chị Tôn Nữ Diệu Liên điều hành.

   Phần chi:

– Tiêu thụ 700kg / tháng ( tạm ổn )

– Trả tiền thuê nhà:   9.000.000đ

– Trả lương cho bếp chính và bếp phụ:                5.000.000đ

– Hỗ trợ 5 em Sinh viên phục vụ thường  trực:     2.500.000đ

  Tổng chi:  16.500.000đ

Thực khách thường xuyên của Huế Thương là các em Sinh viên nghèo đến từ những vùng sâu và xa như Phú Lộc, Nam Đông, Phong Điền, A Lưới, Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Nam và Quảng Ngãi… Phước Thiện không ít lần thắt lòng khi nghe các em tâm sự: “Đến ăn ở Huế Thương, mỗi tháng chúng con tiết kiệm cho gia đình được 600.000đ, thay vì ăn bên ngoài mỗi bữa ăn ít nhất cũng hết 15.000đ, nhưng ở đây chúng con chỉ tốn 5.000đ thôi. Bắt đầu năm học, mẹ con phải bán bất cứ thứ gì mà trong nhà đang có để cho chúng con đóng học phí, nếu hết cái để bán thì gia đình lại vay tiền Sinh viên.”

Gần đây nhất là trường hợp em Trần Thị Ly, đến từ huyện Phú Lộc, Sinh viên năm thứ nhất Trường Đại học Nông Lâm Huế. Sau vài lời trò chuyện, em tâm sự: “Mỗi tháng tiền ăn của con chỉ có 150.000đ, cho nên con chỉ ăn bữa trưa tại Huế Thương thôi, bữa sáng và bữa tối con nhịn đói.” Từ khi biết được hoàn cảnh em Ly đến giờ, Huế Thương đã miễn phí cho em 2 bữa ăn mỗi ngày.

Hằng tháng, phần chi phải giải quyết đều đặn. Tuy nhiên, phần thu hiện nay đang là vấn đề đáng quan tâm hàng đầu của Huế Thương, điều này đã làm cho Quý Sư Cố vấn và điều hành trăn trở và rất lo lắng.

Huế Thương đang cần lắm những tấm lòng sẻ chia! Ngang qua hoạt động từ thiện này, chúng ta góp phần giúp cho các em Sinh viên nghèo có cơ hội được viết tiếp những trang sách còn dở dang và mong cho các em sớm đạt được những ước mơ của mình.

Mong rằng, Tình thương mà hôm nay chúng ta trao gởi cho các em sớm được đơm hoa kết trái và lan tỏa!

(Thưa quý Thân hữu! Đã lâu rồi Thông Đạo không được liên lạc với Quán chay Huế Thương, không biết có gì thay đổi không? Nhưng tinh thần “đầu tư cho giới sinh viên, tương lai của dân tộc” sẽ còn mãi với núi Ngự sông Hương!).