Là nhà Sư Phật giáo Nam tông nhưng tôi luôn luôn tôn trọng và sùng kính Bồ Tát Quán Thế Âm. Từ khi lớn lên ở Sri Lanka, tôi biết rằng Bồ Tát Quán Thế Âm là hiện thân của Đức Di Lặc, vị Phật tương lai của chúng ta theo hiểu biết của chúng tôi. Bồ Tát Quán Thế Âm đã hoàn toàn viên mãn tất cả các hạnh tu Ba La Mật và đang ngự ở cõi Trời Đâu Suất, khi hội đủ Nhân duyên Lớn ở cõi người thì Ngài hạ sanh thành Phật. Vì lý do này, tôi luôn chuyển ngữ danh hiệu Avalokiteśvara là “Bậc Sắp Đến hoặc Bậc Nhìn Rõ”.
Qua bản chuyển ngữ tiếng Anh của Sa di Thông Đạo, lần đầu tiên tôi có thể đọc hết Năm trăm Danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm. Mặc dù ấn bản được gọi là Ngũ Bách Danh, thực sự đây là một tuyển trạch các công hạnh và phước đức của Đức Viên Mãn Báo Thân; Ngài sẽ thị hiện thành Bậc Chánh Đẳng Chánh Giác (Samyak Sambuddha) giữa cuộc đời này trong tương lai không xa. Những công hạnh này được các Phật tử theo truyền thống Đại thừa truyền tụng, nghiên cứu, quán chiếu và thực hành qua nhiều thế kỷ bằng chữ Hán, chữ Việt, chữ Nhật, chữ Đại Hàn, chữ Tây Tạng và các ngôn ngữ khác. Bằng cách tu học như vậy, họ đã thể hiện lòng sùng kính vô lượng đối với Bồ Tát Quán Thế Âm. Tôi tin rằng họ thật có phước được gieo nhân duyên thù thắng để gặp Đức Đương lai Hạ sanh Di Lặc Tôn Phật.
Tôi tán dương Sa di Thông Đạo đã chuyển ngữ Năm Trăm Danh Hiệu này sang tiếng Anh. Chú đã góp phần tạo cơ hội cho thế hệ trẻ Việt Nam lớn lên ở Hoa Kỳ và nhiều người không biết tiếng Việt hiểu được công đức rộng lớn của Bồ Tát Quán Thế Âm. Thật là một phước báo lớn để thực hiện và ấn tống ấn bản này với ba ngôn ngữ: Việt, Anh, Hán. Mong ước chân thành của tôi là, bằng cách đọc, trì tụng và thực hành những công hạnh này, nhiều người hiện nay có thể huân tập công đức để bản thân cũng có những tánh đức quý báu như vậy, và từ đó giúp thế giới trở nên một nơi sinh sống hạnh phúc hơn nhiều.
Bên cạnh Năm Trăm Danh Hiệu, ấn bản còn có phần chú thích đầy đủ, rõ ràng từng câu. Những chú thích này đặc biệt lợi lạc cho bất kỳ ai, dù họ là người mới bắt đầu học Phật hay là một Phật tử lâu năm. Tôi thành tâm đề nghị ấn bản này được sử dụng cho tất cả các lớp của các Trường Phật học, đặc biệt là trong các chương trình Phật Pháp tại nhiều Chùa Việt Nam ở Bắc Mỹ hiện nay.
Tôi vô cùng cảm kích về thời gian, nỗ lực và sự cống hiến của Sa di Thông Đạo trong việc cúng dường Pháp thí tuyệt vời này, chắc chắn chú cũng huân tập được rất nhiều công đức. Nguyện công đức này đem lại cho chú Thông Đạo, quý Pháp hữu trợ duyên và gia đình sự an lạc tối thượng của Niết Bàn.
Trân trọng,
Hòa thượng Madawala Seelawimala Mahathera
Viện trưởng Tu viện Phật giáo Hoa Kỳ
Giáo sư tại Viện Nghiên cứu Phật học và Cao học Theological Union, liên kết với Trường Đại học California, Berkeley