Chuyển tới nội dung
Trang chủ » Blog » Mái Ấm Gia Đình

Mái Ấm Gia Đình

Lập gia đình

Tôi lập gia đình lúc 36 tuổi âm lịch, ngày 8/8/ Giáp Tý (3/9/1984). Hiền nội là Ngô Thị Hạnh, Pháp danh Quảng Minh, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế, cựu Giáo viên cấp 3 Trường Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Quê làng Thanh Thủy Thượng, xã Thủy Dương, huyện Hương Thủy, nhưng nhà là tiệm Hòa Mỹ đường Phan Đăng Lưu (Phan Bội Châu cũ).

Nam thì ở nông thôn, nữ thì ở thành thị, lại chưa từng quen biết, vậy mà thành gia thất thì ắt là có duyên nợ. Và, cũng nhờ “Bà mai” thời hiện đại là chị Bùi Thị Phương Hương mát tay giới thiệu cùng chú Bạch Ngọc Thưởng làm Chủ hôn đúng bài bản “Thọ Mai Gia lễ”.

Họ nhà trai đem sính lễ đến nhà gái từ sáng sớm

Chủ hôn khấn vái trước Bàn thờ Ông tơ Bà nguyệt
Hai bà Mẹ cùng hành lễ
Cô dâu lễ Gia Tiên để về nhà chồng
Lễ rước dâu

Đám cưới chúng tôi đông đủ bà con hai họ nhà trai nhà gái và bạn bè phương xa về đoàn tụ. Vui nhất là tứ thân phụ mẫu còn an khang và đều có mặt trong ngày vui con cái.

Lễ rước dâu vể đến nhà đúng giờ lành, ngày tốt, tháng tốt
Ba của Cô dâu (mặc áo vét) ngồi trước mặt Ba của Chú rễ (đội khăn đóng, 87 tuổi)
cùng các bậc Tôn trưởng hai Họ
Thím Thể, o Bồng, Mẹ của Cô dâu…
Hàng bên trái: o Gái, o Bồng, Mẹ của chú rễ
Hàng bên phải: Anh Phước, chị Phương Hương (Bà mai), Hóa, chị Nhỏ, Bảng…

Niềm vui con cái

Gia đình Hòa Mỹ, đường Phan Đăng Lưu, Huế

Nhờ thuận vợ thuận chồng và chịu khó làm ăn nên gia đình chúng tôi nhanh chóng vượt qua khó khăn kinh tế bước đầu, sớm ổn định cuộc sống cả tinh thần lẫn vật chất. Không những thế, chúng tôi đều nhiệt thành tham dự các sinh hoạt tại địa phương như việc xóm, việc họ, việc làng, việc chùa nên có rất nhiều thân hữu thiện tâm thiện chí hết lòng hỗ trợ.

Chúng tôi sinh con gái đầu lòng là Trần Thị An Như ngày 6/12/1985 tại nhà hộ sinh Cô Lành, Huế. Hai cháu Trần Duy Quang và Trần Thị Khánh Hiền cũng sinh tại thành phố Huế nên hộ khẩu các con đều ở thành phố (hồi đó nhập hộ khẩu thành phố rất khó).

Tại nhà Ngoại (Tiệm Hòa Mỹ)
Tại nhà
An Như, Duy Phô, o Nhớ, anh Lộc, anh Trưởng Trần Duy Tý
Bàn thờ Phật tại ngôi nhà xưa
Tất niên Nhóm Từ thiện điện máy, Huế
Thăm viếng Sài Gòn

Định cư tại Hoa Kỳ

Ngày 15/3/1996 gia đình chúng tôi đến Hoa Kỳ theo diện H.O. Trong danh sách hồ sơ có Mẹ tôi vì cùng chung hộ khẩu, nhưng Mẹ tôi dứt khoát không muốn đi và phỏng vấn cũng không được. Trước ngày rời quê hương, gia đình chúng tôi thành tâm cung thỉnh Chư Tôn Thiền đức trang trọng cử hành lễ Trai Đàn Cầu nguyện Âm siêu Dương thái (Xin xem trang Trai đàn, Mục Quê hương).

Giã từ Đất Mẹ 15/3/1996
Ngày đặt chân đến Hoa Kỳ. Anh chị Đệ đón & đưa về nhà nơi vùng đật mới: Sacramento.
Em Trần Minh giới thiệu Trần Hùng tặng chiếc xe Cressida Toyota vô cùng quý giá

Nguyên chúng tôi có nhờ em Trần Minh, Cựu đoàn sinh Liên Đoàn Học Sinh Phật Tử Thừa Thiên bảo trợ khi qua Hoa Kỳ. Vì không cư trú tại Sacramento nên Minh đã nhờ bạn thân là anh Nguyễn Văn Liêm đứng tên bảo trợ để sắp xếp việc thuê nhà và các chương trình phúc lợi xã hội khác. Anh Liêm đã nhờ người thân là anh chị Đệ đón chúng tôi tại phi trường.

Tết đầu tiên tại xứ người
Hoạt cảnh Holoween tại nhà
Lần đầu đến chùa Diệu Quang, được gặp Ni sư Thích Nữ Diệu Từ
Chùa Diệu Quang
Vườn trồng bắp, đậu, cà, cải, cà chua, rau muống, bí ngô
Ngày Quang được cấp chứng chỉ hoàn tất tiếng Anh Trung học
Cả ba chị em đều được Công đồng Việt Nam tặng phần thưởng học sinh giỏi năm 2000 &
các năm kế tiếp
Chúc mừng An Như tốt nghiệp Lớp 12 (Chương trình giáo dục đặc biệt)
Thiền hành tại Tu viện Lộc Uyển
Cơ quan Make Wish tặng An Như & Gia đình chuyến thăm Disneyland 4 ngày miễn phí,
kể cả ăn ở, khách sạn và di chuyển
Sinh nhật Khánh Hiền, có gia đình Suyền tham dự
Về thăm quê hương, Đại nội, Huế
Thăm gia đình chú Trần Duy Hà tại Hà Nội
Lễ Chúc mửng Thượng thượng thọ Anh chị Trưởng Trần Duy Tý
Hội làng Phước Linh Hải ngoại nhóm họp tại nhà
Tốt nghiệp Thạc sĩ Xã hội Trường Đại học California State University, Sacramento, 2005
Chào mừng chị Lộc, cháu Chi, Tú & HIệp đến Califhornia
Tiệc tất niên
Những ngày xưa thân ái
Ni sư Thích Nữ Như Minh đến Hoa Kỳ, ghé thăm nhà & nói chuyện với đạo hữu
Cám ơn anh chị Nguyễn Văn Liêm bảo trợ gia đình qua Mỹ
Ngày Út Hiền Tốt nghiệp Bác sĩ Y khoa Trường Đại học University of Wisconsin Madison, 2019
Con trai Tốt nghiệp Thạc sĩ Xã hội Trường Đại học California State University, Sacramento, 2020

Xuất gia

Theo luật vô thường, tứ thân phụ mẫu của chúng tôi lần lượt ra đi, con gái đầu lòng Trần Thị An Như cũng chuyển qua một đời sống khác. Xét nghĩ trong Chi tộc của tôi có nhiều Vị sinh tử không bình thường, dù vì ngoại duyên là chiến tranh, thiên tai bão lụt, dịch bệnh hay các nhân tố khác, nhưng chính yếu cũng do nghiệp duyên. Theo lời Phật dạy, chỉ có tự mình thành tâm sám hối và xin nguyện sám hối thay thế cho người khác, đồng thời làm mọi việc lành để hồi hướng mới mong chuyển hóa được nghiệp xấu đó.

Tự xét bản thân đã vào hàng thất thập cổ lai hy, các việc ở đời đã làm hết sức trong khả năng của mình, nay đến lúc dừng lại để tu tập cho bản thân, đồng thời cũng hồi hướng đến gia đình, chi tộc, dòng họ, pháp giới chúng sanh được âm siêu dương thái. Ý niệm xuất gia từ lúc còn là học sinh trung học nay đã chín muồi. Tôi đã nhiều lần bàn bạc việc xuất gia này với hiền nội và các con, đồng thời xác định rằng tuy xuất gia nhưng không quên nghĩa vụ gia đình; trong trường hợp hiền nội bị bệnh nặng thì sẽ xin xả giới để về nhà chăm sóc. Hiền nội và các con cũng đã tùy hỷ với tâm nguyện của tôi.

Ngày 10/10/2017, tôi được Hòa thượng thượng Thái hạ Siêu, Trụ trì chùa Đại Bảo Trang Nghiêm, cho cạo tóc xuất gia, Pháp tự là Thông Đạo, và thọ giới Sa di tại Đại Giới Đàn Trúc Lâm Đại Đăng ngày 18/11/2017. Hòa thượng Đàn đầu là Hòa thượng Thích Đắc Huyền. Ngài dành 2 tuần vào mỗi tối để giảng dạy cho Tăng Ni và Phật tử về thiền học và luôn nhấn mạnh: “Kiến tánh” rồi mới khởi tu. Kiến tánh là đã đi được một nửa đường, còn không kiến tánh thì không bao giờ vào được đạo.

Dù đã hơn nửa thế kỷ tu học nhưng tôi rất mù mờ về hai chữ “kiến tánh”. Sau này đọc cuốn Kiến Tánh Thành Phật của Thiền sư Chân Nguyên do Hòa Thượng Thích Thanh Từ giảng giải, tôi mới sáng ra: “Kiến tánh là thấy biết tường tận xưa nay không một vật”. Từ đó việc tu tập của tôi tăng tiến rõ rệt.

Ngày tháng ở chùa đang sung mãn thì tôi bị heart attack, phải vào bệnh viện Kaiser tại Freemont cấp cứu, đặt 2 stents vào mạch máu trong tim. Hòa thượng Tôn sư cho về nhà chữa bệnh. (Xin mời đọc bài “Tu Tập & Chữa Trị Heart Attack” trên trang web này, mục Tu tập).

Nhờ sự chăm sóc tận tình của hiền nội, sau một năm, sức khỏe hồi phục. Tôi trở về chùa tu tập và công quả vì chùa đang sửa chữa. Nhưng mới được 4 tháng thì tôi lại bị nghẽn mạch máu tim, lại phải thông tim và đặt stent thứ ba vào mạch máu trong tim, lại phải về nhà chữa trị và tham dự chương trình HALT, ăn uống rất kiêng cử của bệnh viện Kaiser tại Sacramento. Sau khi sức khỏe khá hơn, tôi tiếp tục trở lại chùa.

Chánh điện chùa Đại Bảo Trang Nghiêm, Hayward, CA

Rồi dịch bệnh covid-19 lan tràn, bác sĩ lưu ý những người có bệnh nền về tim mạch và lớn tuổi như tôi có nguy cơ cao nhất về lây nhiễm covid-19. Vả lại, tôi thấy sức khỏe mẹ các cháu đã kém, không còn lái xe được, các bệnh tiểu đường, huyết áp tăng cao, đáng ngại nhất là chứng “nhà cửa xoay tròn” rất hay xảy ra, nếu đang đi hoặc nấu ăn mả bị như vậy rất dễ bị té, thật nguy hiểm. Một buổi sáng, sau thời công phu tại Chánh điện, tôi đảnh lễ Hòa thượng Tôn sư trình bày hoàn cảnh, xin xả giới Sa di để danh chánh ngôn thuận về nhà tu tập và giúp đỡ mẹ các cháu. Hòa thượng nghiêm từ dạy: “Tiến tu mới khó, rút lui thì rất dễ. Thôi, khỏi cần xả giới, cho về nhà tu tập, khi nào thuận duyên thì trở lại”.

Sư huynh Thông Tạng, Hòa thượng Tôn sư, Thông Đạo

Sau ngày Vía Bồ Tát Quán Thế Âm 19/2/Canh Tý đến nay, tôi về nhà tu tập. Hàng ngày tôi vẫn tinh tấn lạy 500 Danh Hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm, mỗi chữ một lạy. Đồng thời chuyên tâm đối chiếu kinh sách, đánh máy, sử dụng Adobe Indesign để hoàn tất bản Chuyển Ngữ & Chú Thích Kinh Ngũ Bách Danh Quán Thế Âm ba ngôn ngữ Việt, Anh, Hán. Ấn bản đã được trình lên Tôn sư đọc và sửa chữa 5 lần. Ngài khích lệ: “Tác phẩm của Thông Đạo tuy sinh sau đẻ muộn nhưng vẫn có giá trị của nó”!

Nhờ Chư Tôn đức và đạo hữu trợ duyên nên 1.000 bản đã được in màu offset và cúng dường tại Việt Nam, Hoa Kỳ và nhiều nước khác. Ngoài ra còn có 1.030 cuốn 500 Lạy Bồ Tát Quán Thế Âm thuần chữ Việt, chữ thật lớn để dễ lạy. Tổng cộng 2.030 cuốn, phân bổ như sau:

  • Việt Nam: 1.030 cuốn
  • Hoa Kỳ: 950 cuốn
  • Các nước khác: 50 cuốn
  • Ngoài chi phí in Kinh tại Việt Nam, vận chuyển về Hoa Kỳ, gởi bưu kiện cúng dường Kinh đến các chùa, thư viện các trường Phật học, thư viện đại học, thư viện công cộng tại Việt Nam, Hoa Kỳ và các nước khác, tịnh tài ấn tống Kinh còn có thể in thêm 2.000 tập Bông Hồng Cài Áo song ngữ Việt Anh tặng các bạn trẻ tại Hoa Kỳ vào dịp Vu Lan vừa qua. Bảng thu chi tài chánh xin được trình bày chi tiết trên trang web này, sau khi việc gởi kinh qua bưu điện hoàn tất.

Hơn một năm qua, tôi được sống trong từ quang của Bồ Tát. Ngoài thời gian ăn uống, nghỉ ngơi, lạy danh hiệu Ngài, còn sáng, chiều, tối, tôi đều ngồi trước computer, không một tạp niệm chi phối. Thỉnh thoảng tôi bất chợt ngưng làm việc để xem mình có bị vọng niệm dẫn đi hay không. Ngay lập tức, toàn thân thư dãn, nhẹ nhàng, lặng mà biết. Ngài Huệ Năng dạy: “Thấy tất cả pháp mà tâm không nhiễm trước ấy là vô niệm”. Tôi mừng là phần nào đã nếm được hoa trái vi diệu đó.

Giờ đây, tôi không còn đối lập giữa đường đờiđường đạo. Khi lặng yên mà biết rõ chính là đạo, khi không được như vậy chính là đời.

Thành kính Đảnh lễ Tri ân Vô lượng Phước duyên từ Đất, Trời, Sông, Nước, Không khí, Mặt trời, Mặt trăng, Tổ tiên, Cha mẹ, Thầy bạn, Tam bảo, Quốc gia, Xã hội, Nhân loại, Chúng sanh, Gia đình, Bà con, Thân hữu, Đạo hữu, Đồng hương, Đồng bào, Người bản xứ, Người còn, Kẻ mất, Thuận duyên hay Nghịch duyên, tất cả đều đã cho tôi được sống trong an lành, hạnh phúc, dâng tặng niềm vui cho người, giúp đời bớt khổ.

Nguyên Thành