Chuyển tới nội dung
Trang chủ » Blog » THƠ VĂN CÚNG DƯỜNG BỒ TÁT

THƠ VĂN CÚNG DƯỜNG BỒ TÁT

Bồ Tát Quán Thế Âm có nhân duyên sâu rộng với chúng sanh ở quả đất này nên thơ văn ca ngợi Ngài rất nhiều, và bài nào cũng hay cả về ý nghĩa lẫn văn chương. Nhiều bài được đưa vào Nghi lễ Phật giáo tán, tụng rất trang nghiêm thành kính. Nghi thức Khai Kinh Bạch Phật “Kinh Ngũ Bách Danh Quán Thế Âm Bồ Tát” mở đầu với bài “tán” Dương Chi:

Cành dương nước tịnh

Rưới khắp tam thiên

Tánh không tám đức độ nhân thiên

Pháp giới sáng rộng thêm

Diệt mọi oan khiên

Biển lửa nở hoa sen.

Phiên âm Hán Việt:

(Dương chi tịnh thủy

Biến sái tam thiên

Tánh không bát đức lợi nhơn thiên

Pháp giới quảng tăng diên

Diệt tội tiêu khiên

Hỏa diệm hóa hồng liên).

Dương chi là cành dương liễu, loại cây vừa dẻo vừa mềm, gặp gió mạnh thì uốn mình theo chiều gió, gió dừng là trở về vị trí cũ. Cành dương liễu tượng trưng cho đức nhu hòa nhẫn nại của Bồ Tát Quán Thế Âm. Bình nước cam lộ là biểu tượng của lòng từ bi ban vui cứu khổ cho tất cả mọi loài. Vậy khi làm việc thiện, giúp đỡ người khác, quý đạo hữu cũng nên học theo hạnh Bồ Tát mà mềm mỏng, nhẫn nhịn, đôi khi làm ơn mà phải mắc oán!

Sau bài tán Dương Chi là bài ca ngợi hình ảnh Bồ Tát đứng yên trên sóng sạch trần ai. Sóng tượng trưng cho phiền não sanh tử ở đời, ba chìm, bảy nổi, chín lênh đênh. Bồ Tát đã thanh tịnh sáu căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, nên khi tiếp xúc với sáu trần là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, Ngài không bị ô nhiễm, như hoa sen gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn. Nhờ vậy Ngài mới đem lại lợi ích cho chúng sanh nhưng lúc nào Ngài cũng lặng yên trong đại định:

Trí tuệ bừng lên đóa biện tài

Đứng yên trên sóng sạch trần ai

Cam lộ chữa lành cơn khổ bệnh

Hào quang quét sạch buổi nguy tai.

Liễu biếc phất bày muôn thế giới

Sen hồng nở hé vạn lâu đài

Cúi đầu ca ngợi dâng hương thỉnh

Xin nguyện từ bi ứng hiện ngay.

(Trí huệ hoằng thâm đại biện tài

Đoan cư ba thượng tuyệt trần ai

Tường quang thước phá thiên sanh bịnh

Cam lộ năng trừ vạn kiếp tai.

Túy liễu phất khai kim thế giới

Hồng liên dõng xuất ngọc lâu đài

Ngã kim khể thủ phần hương tán

Nguyện hướng nhơn gian ứng hiện lai).

Bài tán trên đây có thể thay thế bằng bài ngợi ca Phổ Môn sau đây, cũng thật tráng lệ:

Phổ Môn vọng tiếng triều dâng

Bé Thơ xuất hiện giữa lòng đóa sen

Cam lộ một giọt tưới lên

Xuân về trên khắp mọi miền núi sông.

(Hải chấn triều âm thuyết Phổ Môn

Cửu liên hoa lý hiện đồng chơn

Dương chi nhất đích chơn cam lộ

Tán tác sơn hà đại địa Xuân).

Phổ Môn là cánh cửa mở rộng cho mọi loài đi vào, đó chính là công hạnh Đại Từ Bi tâm của Bồ Tát. Bé Thơ là Thiện Tài Đồng tử đến tham bái Bồ Tát Quán Thế Âm, một trong 53 vị thiện tri thức để cầu Pháp tu tập. Chỉ cần Bồ Tát nhỏ một giọt nước cam lộ là cả đất trời đều tươi tắn như cảnh sắc mùa Xuân. Thật không có hình ảnh nào đẹp và hoành tráng hơn hai bài thơ trên đây. Tiếp theo là bài văn ca ngợi Bồ Tát thật mầu nhiệm:

            Cung kính nghe rằng:

            Đức Giáo Chủ Viên Thông dung mạo như mặt nguyệt tròn đầy.

            Làm thị giả Đức Phật A Di Đà nơi cõi Tây Phương Cực Lạc

            Hỗ trợ Đức Phật Thích Ca nơi cõi Ta Bà.

            Thường ở trong núi báu lưu ly

            Ngồi trên tòa sen hồng ngàn cánh.

            Quá khứ là Đức Phật Chánh Pháp Minh

            Hiện tiền là Bồ Tát Quán Tự Tại.

            Đủ ba mươi hai ứng thân rộng độ quần sanh

            Bảy nạn, nhị cầu ứng hóa mười phương

            Diệu lực thù thắng, xưng tán không cùng.

            Cúi mong đức cả từ bi, trông xuống rũ lòng soi xét.

            (Cung văn,

            Viên Thông Giáo Chủ, mãn nguyệt kim dung.

            Thị Di Đà ư Cực Lạc quốc trung, trợ Thích Ca ư Ta Bà giới nội.

            Cư lưu ly chúng bảo chi sơn, xử thiên diệp hồng liên chi tọa.

            Quá khứ Chánh Pháp Minh, hiện tiền Quán Tự Tại.

            Tam thập nhị ứng, quảng độ quần sinh,

            Thất nạn nhị cầu, đa phương ứng vật.

            Thù thắng diệu lực, tán mạc năng cùng

            Ngưỡng khấu hồng từ, phủ chương động giám). 

Sau đó là bài kệ tẩy uế, mô tả dòng nước cam lộ của Bồ Tát Quán Thế Âm thật là ngọt mát, êm dịu, nhưng cũng tròn đầy từ bi, trí tuệ và hùng lực. Lời kệ thật u huyền, thanh cao, uyển chuyển, tùy duyên mà bất biến, đẹp như rồng bay phượng múa giữa đất trời lồng lộng:

            Cầm nhành dương liễu, rưới lên nước cam lộ

            Trừ nóng bức làm mát mẻ nhân gian.

            Lắng tai nghe mà tìm tới với chúng sanh

            Đem pháp nhiệm trừ khổ đau cho muôn loại.

            Tâm từ bi kiên cố, tướng tự tại đoan nghiêm

            Có cầu là có ứng, không nguyện nào không thành.

            Giờ đây đệ tử chúng con thành tín tĩnh tâm

            Trì tụng chân ngôn, gia trì nước tịnh.

            Thứ nước này: vuông hay tròn tùy theo đồ chứa đựng

            Thấp hay cao là theo tiết theo thời.

            Mùa Xuân loãng mà mùa Đông đặc cứng

            Gặp thuận đi mà gặp chướng lại ngừng.

            Mênh mông thay, tìm nguồn thiêng khó thấy

            Mầu nhiệm thay, dòng chảy tới vô chung.

            Trong khe biếc dấu chân loài rồng chúa

            Nơi đầm sâu ôm vầng sáng trăng thu.

            Dưới ngọn bút quân vương, biến thành ơn mưa móc.

            Trên cành liễu Đại Sĩ, trở nên nước cam lộ thanh lương

            Chỉ cần một giọt nước từ bi này thôi là mười phương đều trở nên thanh tịnh.                                                                                                  

            (Thùy dương liễu nhi biến sái cam lộ

            Trừ nhiệt não dĩ giai đắc thanh lương.                                 

            Tầm thanh cứu khổ ư tứ sinh, thuyết pháp độ thoát ư lục đạo. 

            Bẩm từ bi kiên cố chi tâm, cụ tự tại đoan nghiêm chi tướng.

            Hữu cầu giai ứng, vô nguyện bất tòng.

            Cố ngã truy lưu, đoan bỉnh tịnh quán

            Thành tụng mật ngôn, gia trì pháp thủy.

            Thị thủy giả, phương viên tùy khí,

            Doanh hư nhậm thời, Xuân phán Đông ngưng, khảm lưu cấn chỉ.

            Hạo hạo hồ diệu nguyên mạc trắc, thao thao hồ linh phái nan cùng.

           Bích giản tàng long, hàn đàm tẩm nguyệt.

            Hoặc tại quân vương long bút hạ, tán tác ân ba.

            Hoặc cư Bồ Tát liễu chi đầu, sái vi cam lộ.

            Nhất trích tài triêm, thập phương câu tịnh).

Rồi vị chủ lễ nâng tách nước trong ngang ngực, tay phải cầm cành hoa, vừa viết giữa không trung 3 lần chữ ÁN LAM (chữ Hán) hoặc chữ “KHÔNG” (chữ Việt), vừa “thán” bài tẩy trần sau đây:

Đầu cành dương liễu vương cam lộ

Một giọt mười phương rưới cũng đầy

Bao nhiêu trần lụy tiêu tan hết

Đàn tràng thanh tịnh ở ngay đây.

(Bồ Tát liễu đầu cam lộ thủy

Năng linh nhất đích biến thập phương

Tinh chuyên cấu uế tận quyên trừ

Phổ sái đàn tràng tất thanh tịnh).

Sau bài “thán”, đại chúng trì tụng chú Đại Bi hoặc một bài chú có công năng tẩy uế. Trong khi đó, chủ lễ chậm rãi di chuyển, rảy nước tẩy trần để kiết giới thanh tịnh đạo tràng.

Các bài tán và kệ tụng tuyệt vời trên đây nguyên tác chữ Hán, không rõ tác giả. Thiền sư Nhất Hạnh chuyển ngữ sang tiếng Việt cũng rất hay, in trong Nghi Thức Tụng Niệm Đại Toàn bằng quốc văn. Các bài thơ, bài văn sau đây, nếu không ghi tên tác giả, xin hiểu là khuyết danh.

Trở lại với nguyên văn Kinh Ngũ Bách Danh Quán Thế Âm Bồ Tát còn có những lời tán dương hùng vĩ như sau:

Nhân tu sáu độ, quả chứng một thừa

Thệ nguyện rộng sâu như biển lớn mênh mông không thể đo lường.

Từ Bi cao lớn tợ trời xanh che trùm chẳng thấy ngằn mé.

Cúng thân bất hoại, rộng phát mười hai nguyện đẹp

Trải vô lượng kiếp, linh ứng Năm Trăm Tên Lành.

(Nhân tu lục độ, quả chứng nhất thừa

Thệ nguyện hoằng thâm, như đại hải chi uông dương bất trắc

Từ Bi quảng đại, nhược trường thiên chi phú đảo vô ngân.

Hiến bất hoại thân, quảng phát thập nhị nguyện

Lịch vô lượng kiếp, linh cảm Ngũ Bách Danh).

Câu “linh cảm Ngũ Bách Danh” là chi tiết quan trọng giúp các nhà nghiên cứu xác định Kinh Ngũ Bách Danh đã có từ đời Trần. Lời ngợi ca Bồ Tát càng trở nên linh hiển khi đi vào những công hạnh cứu nhân độ thế trong đời sống hằng ngày. Ví dụ:

– Quan Âm Bồ Tát thánh linh thiêng

Nhiều kiếp tu nhân đạo quả viên

Muôn xứ tín cầu muôn xứ ứng

Sông mê qua lại một từ thuyền.

(Quan Âm Bồ Tát diệu nan thù

Thanh tịnh trang nghiêm lụy kiếp tu

Thiên xứ hữu cầu thiên xứ ứng

Khổ hải thường tác độ nhân chu).

– Quán Âm Đại Sĩ,

Xưa hiệu Viên Thông.

Mười hai nguyện lớn thệ rộng sâu

Biển khổ độ bờ mê

Cứu khổ tầm thanh

Không đâu chẳng hiện thân.

(Quán Âm Đại sĩ

Phổ hiệu Viên Thông,

Thập nhị đại nguyện thệ hoằng thâm.

Khổ hải phiếm từ phong,

Phổ tế tâm dung,

Sát sát hiện vô cùng).

– Kính lạy Đức Đại Bi Quán Âm

Nguyện lực rộng sâu, thân tốt đẹp

Ngàn tay trang nghiêm khắp độ trì

Ngàn mắt sáng ngời khắp soi xét.

(Khể Thủ Quán Âm Đại Bi chủ,

Nguyện lực hồng thâm, tướng hảo thân

Thiên thủ trang nghiêm phổ độ trì

Thiên nhãn quang minh biến quang chiếu).

– Phổ Môn thị hiện khắp mười phương

Cứu khổ tầm thanh độ thế gian

Một niệm từ bi năng thuyết pháp

Vớt người thoát khổ chốn mê tân

Tùy cơ cảm ứng, thân hình hóa

Tứ hải chúng sanh tận độ an

Ách nạn khổ nguy thường cứu giải

Đời đời chẳng vướng tám tai nàn.

(Phổ Môn thị hiện

Cứu khổ tầm thinh

Từ Bi thuyết pháp độ mê tân

Phó cảm ứng tùy hình

Tứ hải thanh ninh

Bát nạn vĩnh vô xâm).

Ngoài ra, cổ văn còn có bài ca ngợi Bồ Tát Quán Thế Âm rất cô đọng, tuy ngắn nhưng nhiều chi tiết về diệu dụng ứng hóa thân vô cùng vô tận:

            Nhất thiết cung kính:

            Viên Thông Giáo Chủ, Chánh Pháp Đạo Sư

            Cư miền Thiên Trúc, trụ núi Bổ Đà

            Hiện làm Tăng già, hóa thân Đạt ma

            Biến thành Ngàn Tay Ngàn Mắt, đầy đủ sáu món thần thông.

            Nét ngài đầy đặn trăng non, mắt đọng sao rơi tỏa sáng.

            Tóc biếc rũ ba xuân dương liễu

            Dáng hồng khơi chín hạ hoa sen.

            Áo lục thù khoác lên màu rực rỡ

            Mũ thất bảo điểm tô hoa tráng lệ.

            Tìm tiếng kêu cứu khổ cứu nạn

            Phát nguyện lớn lợi vật lợi người.

            Cúng dường Quán Âm phước được hà sa

            Tán lễ Đại Sĩ tội tiêu trần kiếp.

            Chứng minh công đức nầy, viên mãn các nguyện tâm.

            Chúng con chí thành nhất tâm đảnh lễ.

                      (Quảng Minh dịch, Kinh Ngũ Bách Danh Quán Thế Âm)

            (Nhất thiết cung kính:

            Viên Thông Giáo Chủ

            Chính Pháp Đạo Sư

            Cư Thiên Trúc, trụ Bổ Đà

            Hiện Tăng Già, hóa Đạt Ma

            Biến Thiên Thủ Nhãn cụ lục thần thông.

            Mi hoành tân nguyệt loan loan, mục động lưu tinh xán xán.

            Thúy phát bố tam xuân chi liễu

            Hồng nhan khai cửu hạ chi liên.

            Hà y quải lục thù, hoa quan trang thất bảo

            Tầm thanh nhi cứu khổ cứu nạn

            Phát nguyện nhi lợi vật lợi nhân.

            Cúng dường giả phúc đẳng hà sa, tán lễ giả tội tiêu trần kiếp.

            Chứng minh thử công đức, viên mãn chư nguyện tâm.

            Chúng đẳng kiền thành nhất tâm đảnh lễ).

Thơ văn tán dương Ngài còn có nét đặc thù là gắn liền với Khoa nghi Du già Thí thực, tức là bố thí thức ăn cho Pháp giới Tam thập Lục bộ Hà sa Nam nữ Vô tự Âm linh Cô Hồn. Đặc thù ở chỗ chính Bồ Tát Quán Thế Âm là khởi duyên của lễ cúng này. Theo Kinh Diệm Khẩu, vào một đêm khuya, ngài A Nan trong khi đang ngồi tu tịnh tại chỗ vắng, bỗng thấy một con quỷ gọi là Diệm Khẩu, miệng đỏ rực như lửa, thân hình quái dị ghê gớm, bảo A Nan ba ngày nữa ngài sẽ chết. Nếu muốn kéo dài mạng sống thì phải làm phước bố thí vô số thức ăn cho các âm linh cô hồn nhiều như cát sông Hằng.

Sáng hôm sau, tôn giả A Nan trình thưa với đức Phật Thích Ca Mâu Ni xin cứu giúp. Bằng Phật nhãn, đức Phật biết “con quỷ đó” chính là Bồ Tát Quán Thế Âm ứng hiện để cầu phép bố thí thức ăn cho âm linh cô hồn. Nhân đó, đức Phật nói ra Khoa nghi Du già Thí thực, sau này gọi là Mông Sơn Thí thực, hoặc ngắn gọn là Cúng thí thực, dùng các câu thần chú để chuyển hóa thức ăn, biến ít thành nhiều, giúp cho các Cô hồn được hưởng thọ đầy đủ. Đây chính là ý nghĩa bài “tán trạo”:       

Sửa soạn trai diên

A Nan nhân duyên khởi

Quán Âm cứu khổ

Thị hiện Tiêu Diện tướng

Niệm Phật tuyên dương

Bí mật công đức lực

Cứu giúp cô hồn

Về nhận cam lồ vị.

(Tu thiết trai diên

A Nan nhơn duyên khởi

Cứu khổ Quán Âm

Thị hiện Tiêu Diện Quỷ

Niệm Phật tuyên dương

Bí mật công đức lực

Bạt tế cô hồn

Lai thọ cam lồ vị).

Cô hồn là thần thức những kẻ đã qua đời nhưng tham chấp vào thân mạng đời trước, cứ nghĩ mình đang còn sống nên không siêu hóa được. Vì thế mà lưu lạc bơ vơ, thiếu vắng cảm thông, mong mỏi tình thương, đói khát thức ăn, nước uống, vô cùng đau khổ.

Cúng Cô hồn là một pháp làm phước bố thí cho kẻ âm. Rất mong quý đạo hữu cảm thương chư vị Cô hồn mà phát tâm cúng thí thực, trong đó có thể có bà còn nhiều đời trước của người cúng. Cúng lớn thì có Khoa nghi Trai đàn Chẩn tế, cúng nhỏ thì một bát cháo thánh hay nắm gạo, nắm muối, miếng bánh, ly nước trong cũng tốt. Điều cần nhất là có lòng thành kính thiết tha tưởng niệm đến.

Khoa nghi Trai đàn Chẩn tế rất long trọng, trang nghiêm, thiết trí đúng Pháp đàn tràng mạn đà la. Có 6 Kinh sư và một Vị Gia trì sư đạo cao đức trọng. Sau khi thể hiện các nghi thức, ấn chú đầy đủ, Vị Gia trì sư nhiếp tâm vào định, và được coi như hóa thân của Phật, thay Ngài thuyết giới cho chúng hữu tình. Phần nghi lễ mở đầu có bài tán dương:

Mở hội Mông Sơn tối thắng duyên

Giác Hoàng thương xót lợi nhân thiên

Nói kinh mật ngữ qua khốn khó

Giảng Pháp chân thừa cứu đảo huyền

Nan Đà tôn giả đang thiền định

Quán Âm cứu khổ hoá Diện Nhiên

Từ tâm cứu tế tam muội thật

Cảm quả ân sâu vạn kiếp truyền.

(Hội khởi Mông Sơn tối thắng duyên

Giác Hoàng thùy phạm lợi nhân thiên

Kinh tuyên bí điển siêu đồ thán

Giáo diễn chân thừa cứu đảo huyền

Nan Đà tôn giả nhân tập định

Cứu khổ Quan Âm thị Diện Nhiên

Hưng từ tế vật chân tam muội

Cảm quả thao ân vạn cổ truyền).

Bồ Tát Quán Thế Âm từ đỉnh núi Potalaka, vì lòng thương chúng sanh khi còn sống gây nhân cố chấp, tham lam bỏn xẻn, nên khi chết phải chiêu cảm quả báo đọa vào quỷ đói (ngạ quỷ) nên tìm phương tiện cứu giúp:

Trên đỉnh Phổ Đà thường nhập định

Tùy duyên phó cảm mặc nơi đâu

Tầm thanh cứu khổ độ quần mê

Nên gọi tên là Quán Tự Tại.

(Phổ Đà Lạc Già thường nhập định

Tùy duyên phú cảm mỵ bất châu

Tầm thanh cứu khổ độ quần mê

Thị tắc danh vi Quán Tự Tại).

Ngài quán xét tâm lý giới cô hồn là cố chấp, ngang bướng, khó điều phục, vì đói khát mà tranh giành lẫn nhau. Vì vậy Ngài phải hiện ra thân tướng dễ sợ, đầy uy mãnh là Diệm Khẩu Quỷ Vương, hai bên còn có hai thần tướng dữ dội là Ngưu Đầu, Mã Diện mới có thể tập họp giới cô hồn vào hàng lối, nhận thức ăn có trật tự, không rơi vải, nhất là bình đẳng, ai cũng có phần thọ hưởng cam lồ pháp vị đầy đủ. Vì vậy, trên các bàn cúng thí thực thường thiết trí tượng Diệm Khẩu Quỷ Vương, chứ thật ra, Diệm Khẩu Quỷ Vương chính là hóa thân của Mẹ Hiền Quán Thế Âm!

Quan Âm Bồ Tát Diện Nhiên Vương

Thống lãnh cô hồn đến đạo tràng

Hỷ xả từ bi thường cứu khổ

Hà sa ngạ qủy thảy siêu thăng.

(Quan Âm Bồ Tát Diện Nhiên vương

Thống lãnh cô hồn phó đạo tràng

Hỷ xả từ bi thường cứu khổ

Hà sa ngạ qủy tận siêu thăng).

Nghi thức Cúng Thí Thực có câu:

Trì chú linh thiêng vào lễ cúng

Biến ít thành nhiều đều sung mãn.

(Gia trì chú thực diệu dà dà

Biến thiểu thành đa giải bảo mãn).

Nam Mô Xả Xan Tham Bồ Tát Ma Ha Tát.

Xả xan tham là dứt bỏ tâm tham lam, bỏn xẻn, thay vào đó là rộng mở vòng tay thương yêu, giúp đỡ người khác. Khi chuyển tâm được như vậy rồi là liền ra khỏi cảnh bơ vơ, đói khổ, vì lẽ “tất cả đều do tâm mà ra”. Thành thử nghi thức Thí thực không phải chỉ cúng thức ăn, mà quan trọng hơn là khuyên các vong thức chuyển hóa tâm để sanh vào đường lành.

Đạo Phật gắn liền với đất nước Việt Nam qua hơn 2000 năm lịch sử hộ quốc an dân. Hình ảnh từ bi cứu khổ độ sanh của chư Phật, chư Bồ Tát rất thiêng liêng nhưng cũng thật gần gũi với người dân Việt Nam. Vì vậy ca dao mới có câu:

Cha già là Phật Thích Ca

Mẹ già như thể Phật Bà Quan Âm

Nhớ ngày xá tội vọng nhân

Lên chùa lễ Phật, đền ơn sinh thành.

Tuệ Trung Thượng Sĩ trong bài thơ “Lui Về” đã viết:

Thẹn bao mình đục sinh thời đục

Nhờ chút lòng yên gặp nước yên

Đêm mộng Quan Âm vào cỏ nội

Sông thu trong vắt dáng sương huyền.

Trúc Thiên dịch, Bồ Tát Quán  Thế Âm Qua Thơ Ca Việt Nam)

(Đa tàm thân trọc phùng thời trọc

Tiểu lại tâm thanh ngộ quốc thanh

Dạ mộng Quán Âm nhập hoang thảo

Thu giang thô thiển lộ hoa hoành).

Đối với vua Trần Nhân Tông, tức Trúc Lâm đệ nhất Tổ, hình ảnh Bồ Tát Quán Thế Âm còn có thể tạo nên sức khơi gợi lớn giúp kẻ tu hành đạt đạo. Trong buổi tham vấn Thiền học tại chùa Sùng Nghiêm, một vị Tăng hỏi: “Bậc tu hành lớn còn có thể rơi vào vòng tròn nhân quả nữa chăng?” Điều Ngự Giác Hoàng đã đáp bằng bốn câu kệ:

Miệng tợ huyết hồng phun Phật, Tổ

Răng như gươm bén đốn thiền lâm

Sáng kia chết xuống A Tỳ ngục

Vội niệm Nam Mô Quán Thế Âm.

Năm 1049, vua Lý Thái Tông cho  xây dựng chùa Diên Hựu, còn gọi là chùa Một Cột, với hình ảnh một đóa hoa sen mọc từ dưới nước lên. Cuối thế kỷ XVIII, danh sĩ Trần Bá Lãm đã sáng tác bài thơ, không chỉ ca ngợi cảnh đẹp mà còn ngợi ca tính chất linh ứng của Bồ Tát Quan Thế Âm:

Xóm hoa trong thành, chùa trong xóm

Danh là Diên Hựu, Lý triều xây

Trong cung hòa hợp mộng hoàn tử

Bồ Tát Quan Âm mới linh thay.

Tính chất linh ứng của Bồ Tát Quán Thế Âm còn gắn liền với những sinh hoạt bình thường của người dân Việt Nam và cũng được nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp nhắc đến:

Mẹ bảo đường còn lâu

Cứ vừa đi vừa cầu

Quan Thế Âm Bồ Tát

Là tha hồ đi mau.

Hai tác phẩm thơ trường thiên viết về hóa thân của Phật Bà Quan Âm được truyền tụng sâu rộng trong dân gian Việt Nam là Quan Âm Nam Hải và Quan Âm Thị Kính. Quan Âm Nam Hải gồm 1426 câu thơ giới thiệu về nỗ lực cầu đạo của công chúa Diệu Thiện, con gái út của vua Trang Vương nước Hùng Lâm tại Ấn Độ, đã đến Việt Nam tu hành và đắc đạo tại chùa Hương Tích:

Đức Phật mới chỉ đường tu

Rằng có một chùa tại Hương Tích sơn

Gần biển Nam Việt thanh nhàn

Sang tu chốn ấy sẽ toan viên thành.

Còn tập thơ trường thiên Quan Âm Thị Kính gồm 788 câu lục bát viết về cuộc đời Thị Kính với đức tính nhẫn nhục, từ bi, và hiếu sinh, nhờ vậy mà tu hành đắc đạo:

Ai hay phép Phật nhiệm mầu,

Có khi nước Trúc ở đâu cũng gần

Giữa trời kết đóa tường vân,

Đức Thế Tôn hiện toàn thân xuống đàn.

Ào ào dạng bóng tường loan,

Tràng phan bảo cái giao quan âm thầm.

Truyền rằng nào Tiểu Kính Tâm,

Phi thăng làm Phật Quán Âm tức thì.

Lại thương đến đứa tiểu nhi,

Trên tay cho đứng liền khi bấy giờ.

Dòng thơ hiện đại cũng có nhiều bài thơ hay về Bồ Tát Quán Thế Âm. Xin trích dẫn vài bài để cúng dường lên Bồ Tát:

– Bồ Tát hiện nữ thân

Chúng sanh thường gọi Mẹ

Vẩy tịnh thủy trong ngần

Muôn nỗi khổ vơi nhẹ.

(Thơ Ngắn Ca Ngợi Bồ Tát Quán Thế Âm)

– Nửa vầng trăng khuya Quán Âm tọa

Đôi chân tận nước, biển mênh mông

Chư Thiên, Long Hải, người tôn kính

Gặp nạn niệm danh, Mẹ đến liền.

(Tỳ Kheo Thích Liễu Nguyên, Bán Nguyệt Quan Âm)

– Nhiệm màu đi giữa đầy vơi

Cam lồ rưới hạt bên trời xuân xanh

Trao về dưới thế bình an

Ngàn tay cứu khổ mắt ngàn trông xa!

(Tranh và Thư Pháp Minh Chiếu)

– Diệu trí quán dòng tử sanh

Nhìn chúng sanh mãi loanh quanh luân hồi

Mắt thương Ngài nhìn cuộc đời

Thường hằng bi quán vớt người trầm luân.

(Chùm Thơ Kính Dâng Bồ Tát Quán Thế Âm)

– Cành dương hóa hiện cõi nhân thiên

Cam lồ nước mát giải nghiệp duyên

Thần thông vi diệu ngời công hạnh

Cứu vớt nhân sinh tục lụy phiền.

(Minh Khôi, Bài thơ ca ngợi Bồ Tát Quán Thế Âm)

Trước khi tạm ngưng phần trích dẫn thơ văn ca ngợi Bồ Tát Quán Thế Âm, xin trở lại động Hương Tích để thưởng thức câu đối trước điện thờ Đức Quán Âm Diệu Thiện tại Chùa Hương, Việt Nam. Câu đối rất chỉnh về văn cú, ý nghĩa, vừa cao thâm vi diệu, vừa kết hợp tài tình nội dung Kinh Phổ Môn, Kinh A Di Đà với cảnh trí động Hinh Bồng tại Hương Sơn:

Diệu Âm Quán Thế Âm, tiện thị khê thanh, xuất quảng trường thiệt;

Hương động Hinh Bồng động, vô phi sơn sắc, khởi thanh tịnh tâm.

Bác Trần Trọng Khoái dịch ý như sau:

(Pháp âm của Đức Quán Thế Âm, âu là tiếng khe suối róc rách như phóng lưỡi dài thuyết Pháp, để cảnh tỉnh nhân tâm thế đạo;

Hương động Hinh Bồng động, là phương tiện giúp thế nhân sinh tâm thanh tịnh, khởi ý trang nghiêm hầu dũng tiến trên đường tu).

Cảm đức Từ Bi vô lượng của Bồ Tát Quán Thế Âm nên các nhà thơ, nhà văn đã có những sáng tác thật tuyệt diệu, nhiều bài đã trở thành những áng văn chương bất hủ vượt thời gian và không gian, nhiều bài đã trở thành một phần của Nghi lễ tụng niệm hằng ngày. Đệ tử chúng con xin thành tâm đảnh lễ tùy hỷ cúng dường.

Nam Mô Nhật Dạ Tự Thân Y Pháp Trụ Quán Thế Âm Bồ Tát.

Nguyên Thành Trần Duy Phô