Chuyển tới nội dung
Trang chủ » Blog » Giúp Nạn Nhân Bão Hayan Tại Tacloban, Phi Luật Tân

Giúp Nạn Nhân Bão Hayan Tại Tacloban, Phi Luật Tân

“Chúng tôi nghe nói quốc tế cứu trợ nạn nhân bão Yolanda, Philippines, nhưng chờ hoài chẳng thấy. Chúng tôi nghe nói nhiều đoàn cứu trợ đến Tacloban, nhưng quà cứu trợ chỉ đủ cầm hơi. Chúng tôi đã mỏi mòn trông đợi đến mất hết hy vọng. May mà hôm nay quý vị đến tặng cho chúng tôi những món tiền lớn, và niềm hy vọng lại bắt đầu vươn lên”!

Đó là cảm tưởng của vị Trưởng làng tại Tanauan, thành phố Tacloban, nói với đại diện HTBQTA chúng tôi khi đến trợ giúp nạn nhân bão Yolanda, Phi Luật Tân. Lời phát biểu bằng tiếng Anh được đạo hữu Andy Chương Lê quay video tại chỗ. Tại Phi Luật Tân, bão Haiyan hay Hải Yến được gọi là Yolanda Typhoon.

Yolanda Typhoon đổ bộ vào Phi Luật Tân ngày 08/11/2013 trên một diện rộng đến hằng chục cây số, tốc độ gió 350 km / giờ. Vùng trung tâm bão đi qua là thành phố Tacloban thuộc tỉnh Leyte, miền Trung Phi Luật Tân, nằm về phía nam thủ đô Manila. Từ trên máy bay nhìn xuống, cả một vùng dân cư rộng lớn mênh mông bị bão tàn phá, nhà cửa sụp đổ hoàn toàn, cây dừa gãy đổ ngổn ngang. Phi trường Tacloban cũng hư hoại nặng, mới được khôi phục lại trong 2 tuần qua. Cơn bão xoáy làm hải triều dâng cao lên 5 mét, bất ngờ phủ trùm lên quần đảo trong 2 tiếng đồng hồ rồi rút nhanh ra khơi, cuốn theo vô số nhân mạng, tài sản trôi ra biển và làm nhiều nhà cửa, cây cối sụp đổ theo. Số người chết và mất tích ước tính trên 10.000 nhưng cũng khó chính xác, vì nhiều người từ các nước khác đến mua bán làm ăn mà không khai báo với chính quyền sở tại, trong đó có rất nhiều người Việt Nam! Đi về phía trái của phi trường Tacloban là hải cảng, nhiều tàu lớn và xà lan neo đậu. Khi hải triều dâng cao, tàu, xà lan đứt dây neo nghiêng ngửa, các kiện hàng rớt xuống biển. Đến lượt các tàu, xà lan và các kiện hàng theo bão dạt vào bờ, càn qua quét lại, càng làm nhà cửa tan nát thêm.

Đoàn cứu trợ HTBQTA chúng tôi đến giúp nạn nhân sống sót sau cơn bão tại Tanauan, cách thành phố Tacloban nửa giờ lái xe. Đây là Ngôi Nhà thờ Thiên Chúa giáo đã được dùng làm nơi tạm trú cho cả trăm gia đình trong vùng. Vì không có đất nên sân trước nhà thờ được làm nơi chôn cất tập thể của trên 250 người chết, trong đó 50 thi hài chưa có thân nhân. Khi chúng tôi đến, dân làng đang mai táng 2 thi hài phụ nữ vừa được tìm ra! Thật đau thương khi thấy các em bé 8, 9 tuổi, mất cha mất mẹ, mất anh chị em, chỉ mặc chiếc quần xà lỏn buồn bả đi quanh khu mộ! Thật nghẹn ngào khi nói chuyện với người đàn ông ngồi thất thần bên mộ người vợ! Thật thê thảm khi thấy tấm bảng ghi ngôi mộ chung của 24 người chết trong cùng một gia đình!!!

Chúng tôi đến Tacloban vào chiều 13/12/2013, 35 ngày sau khi bão Yolanda tàn phá mà quang cảnh vẫn còn hoang tàn đổ nát. Phần lớn dân chúng đều ở trong các căn lều bạt của quân đội Mỹ và UNICEF nằm rải rác bên đường. Chính quyền trung ương chưa làm được gì ở đây, ngoài việc di tản một số dân chúng về tập trung trong các trại tị nạn tại Manila. Chính quyền tỉnh, quận, thành phố gần như không kham nỗi trước hiện tình. Việc cần làm trước mắt là dọn dẹp những đống đổ nát mà dưới đó có thể còn nhiều thi hài! Nhưng câu hỏi quan trọng chưa có lời giải đáp là đổ các núi rác phế thải đó ở đâu?

Trước giờ bay sang Tacloban, chúng tôi còn nhận được những lời cảnh báo đáng lo ngại: nào là bão phá tan hoang các nhà tù nên tù nhân thoát ra ngoài trở thành những tên cướp nguy hiểm, có thể giết người cướp của, nhất là nếu biết những người ôm tiền đi cứu trợ; nào là khó tìm phòng trọ vì khách sạn bị hư hỏng; nào là không khí và môi trường ô nhiễm vì người chết chưa kịp chôn; nào là không có người hướng dẫn đáng tin cậy; nào là làm sao giữ gìn trật tự và an toàn khi phát quà, nhất là khi bì thư gần hết mà nạn nhân ùa đến giành giật thì thật nguy biến! Để đối phó với những tình huống bất trắc đó, chúng tôi đã định ra vài cách ứng phó khi xuống phi trường Tacloban.

Trên chuyến bay, chúng tôi nói chuyện với người phụ nữ Phi tên là Nenita D Maranita. Cô cho biết nhiều thông tin thiết thực như tình hình an ninh Tacloban đã được phục hồi, các trạm police và quân đội trang bị vũ khí được bố trí rải rác khắp nơi. Sáu khu vực bị tàn phá nặng nhất và người chết nhiều nhất là San Jose, Aribong, San Quan, Logan, Tanauan, và Naga-Xlaga.

Hòa thượng Thích Bổn Đạt đến từ Canada

Theo đúng kế hoạch đã định, xuống máy bay, chúng tôi tiếp xúc liền với nhân viên police tại phi trường và nhờ giúp đỡ việc cứu trợ; thuê chiếc xe taxi đáng tin cậy; tìm thuê được khách sạn. Trưởng police thành phố nhiệt tình cử một nhân viên mặc cảnh phục, mang theo súng là anh Joel Chiu cùng đi với chúng tôi, rồi chạy xe thẳng đến địa điểm có những ngôi mộ chôn tập thể. Chúng tôi chuẩn bị 131 bì thư, mỗi bì 2,000 đồng tiền Phi là pesos. Đến nơi, chúng tôi tìm vị Trưởng làng nhờ tập trung các nạn nhân, nhất là những người có thân nhân mất. Vì số người đến quá nhiều nên chúng tôi phải xé bì thư, lấy tiền mặt giúp mỗi người 1,000 pesos, tương đương 23.1 dollars Mỹ. Mỗi dollar bằng 43.3 pesos. Tiền công lao động bình thường chỉ có 50 pesos (1.2 dollars), nên số tiền 1,000 pesos rất giá trị. Số người được giúp là 262, sắp 2 hàng có trật tự chứ không chen lấn nhau. Chúng tôi phải rối rít xin lỗi khoảng 20 người không nhận được tiền, nhưng thấy họ vẫn vui vẻ nên cũng yên tâm phần nào.

Nguyên là, sau khi lạc quyên được $6,200, HTBQTA liền liên lạc với tòa Tổng Lãnh sự Phi Luật Tân tại San Francisco để gởi tiền. Tuy nhiên, tòa Lãnh sự Phi trả lời là không có chức năng nhận tiền cứu trợ và đề nghị Hội gởi tiền đến American Red Cross hoặc Philippines Red Cross hoặc bất cứ tổ chức từ thiện nào đó nhờ trao lại cho nạn nhân. Khi số tiền lạc quyên lên đến trên $13,000, Hội quyết định cử 2 thành viên là đạo hữu Trần Duy Phô và Andy Chương Lê trực tiếp qua Phi Luật Tân, đến tận nơi thăm viếng và trợ giúp.

Người mặc áo xanh, mang súng là police cùng di với nhóm cứu trợ

Trong khi đang tìm cách đi cứu trợ an toàn, HTBQTA có duyên lành được Thượng tọa Thích Nhật Huệ, Trụ trì chùa Duyên Giác, San Jose, giới thiệu với Phái đoàn chư Tôn đức Tăng Ni và Cư sĩ Phật giáo Việt Nam từ Úc châu, Âu châu, Canada, Hoa Kỳ cùng đi cứu trợ nạn nhân bão Haiyan tại Phi Luật Tân. Phái đoàn có 24 người gồm 13 chư Tăng, 1 Ni sư, 10 cư sĩ, do Hòa thượng Thích Nguyên Trí từ California làm Cố vấn và Hòa thượng Thích Quảng Ba từ Úc châu làm Trưởng đoàn. Nhờ việc tổ chức chu đáo và tận tụy làm việc suốt nhiều ngày đêm của Hòa thượng Thích Quảng Ba, việc đi lại của hai thành viên HTBQTA chúng tôi trở nên nhẹ nhàng, chỉ tốn tiền vé máy bay và khách sạn, tiết kiệm rất nhiều tiền ăn vì thường ăn… mì gói đem theo.

Phái đoàn Phật giáo Việt Nam Hải ngoại quyên góp được một số tiền lớn, gần 400,000 dollars. Khi liên lạc việc cứu trợ, chính quyền Phi tại Tacloban và 2 Quận hạt khác đều yêu cầu trích lại một phần lớn tài chánh để Quận sửa chữa các cơ sở phục vụ công cộng. Điều nầy thật trái với tâm nguyện trao quà đến tận tay nạn nhân nên Phái đoàn phải từ chối. Đến giờ phút cuối cùng mới được chính quyền thành phố Roxas đồng ý để Phái đoàn Phật giáo trao quà trực tiếp đến nạn nhân bão Yolanda. Tại Roxas, ngoài việc trao tặng trên 3,000 phần quà cho các nạn nhân, Phái đoàn Phật giáo cũng giúp cho 8 trường học và 1 cơ sở giáo dục sửa chữa và lợp lại phòng học cho học sinh từ tiểu học đến trung học.

Sau khi Phái đoàn Phật giáo hoàn tất việc cứu trợ tại thành phố Roxas và vừa xuống máy bay tại Manila, biết 2 chúng tôi tiếp tục bay qua Tacloban, Hòa thượng Thích Bổn Đạt và Thượng tọa Thích Trường Phước cùng cô Bác sĩ Trương Khánh Tiên cũng tình nguyện đi với chúng tôi. Thượng tọa Thích Tâm Phương cũng định đi Tacloban nhưng giờ bay trở về không kịp để bay về Úc châu. Như vậy là Đoàn Cứu trợ HTBQTA trở thành 5 người, cũng bớt cô quạnh giữa đất trời Phi Luật Tân lạ lùng, bỡ ngỡ. Chúng tôi vui mừng được gặp một đồng hương Việt Nam tại Tacloban là anh Nguyễn Phước, quê quán Tuy Hòa, Phú Yên. Anh Phước có vợ Phi và 3 con nhỏ. Anh Phước rất nhiệt tình giúp chúng tôi trong chuyến đi nầy. Ngoài số tiền 5,000 pesos của Hội tặng, mỗi người trong đoàn còn lấy tiền riêng tặng thêm vợ chồng anh Phước để làm vốn sinh nhai, trong đó đạo hữu Andy Chương Lê hào sảng tặng 100 dollars.

Nỗi đau thương, điêu tàn và chết chóc do cơn bão Yolanda gây ra quá lớn cho Tacloban và các vùng lân cận. Cho đến bây giờ tâm trạng người dân và ngay cả chính quyền địa phương vẫn còn hốt hoảng, bàng hoàng, lo sợ, lúng túng. Không nhà, không điện, không chợ, không trường học, không có việc làm, vật giá đắc đỏ. Đa số người dân làm nghề đánh cá, nay thuyền  bè hư nát nên thất nghiệp. Tất cả nạn nhân bão Yolanda đều chỉ nhờ thực phẩm trợ cấp của chính phủ hoặc các cơ quan và nhóm từ thiện từ khắp mọi nơi đổ dồn về. Vì việc điều hợp không hữu hiệu nên quà cứu trợ có nơi nhiều nơi ít, như địa điểm HTBQTA đến giúp là nơi xa, ít được nhận quà. Mùa mưa lạnh lại sắp đến, tình cảnh người dân càng thêm khốn đốn. Rất mong có thêm nhiều nguồn tài trợ gởi về Tacloban, ít nhiều gì cũng được. “Miếng khi đói bằng gói khi no” chính là lúc nầy!

Đất nước và người dân Phi Luật Tân hiền lành, thân thiện, có nhiều Ân đức với những người tị nạn Việt Nam! Ân đức thì không biết làm sao đền đáp hết được, chỉ vào lúc khốn khó nầy, chúng ta mới có dịp đền ơn đáp nghĩa. Nhờ sự giúp đỡ của tất cả chư Tôn đức lãnh đạo Tinh thần các tôn giáo, các nhà hảo tâm, các cơ quan truyền thông, truyền thanh, báo chí khắp mọi nơi hướng về nạn nhân bão Haiyan nên HTBQTA mới có dịp đến Phi Luật Tân cứu trợ và cảm thông được những khổ đau không cùng tận. Có đến tận nơi mới chứng kiến và cảm nhận được những đổ nát, đau thương nhiều gấp ngàn lần hơn là các thông tin từ báo chí và Internet. Mức độ an ninh cũng không đáng ngại như những cảnh báo ban đầu.

Chuyến đi cứu trợ tại Phi Luật Tân từ ngày 8/12 đến 14/12/2013 đã hoàn tất như ý nguyện. Trong 1 tuần lễ, chúng tôi đã đáp 8 chuyến bay, thức dậy ra phi trường từ 3 giờ sáng, cộng thêm nỗi lo ngại phải đem theo nhiều tiền mặt đến nơi xa lạ. Đã trao 391 phần quà trị giá 12,125 dollars đến tận tay nạn nhân và các trường học bị hư hỏng. Hội cũng có buổi lễ Cầu Siêu chư Vong Linh Tử nạn về chốn Bình An Như ý nguyện và Cầu An cho những người sống sót mau phục hồi sức khỏe và cuộc sống an lành. Lễ cúng tuy đơn sơ qua nghi thức Mông Sơn Thí Thực nhưng chứa đựng tâm thành của biết bao TẤM LÒNG từ nửa vòng trái đất chuyển đến. Giờ đây, các Cộng tác viên của HTBQTA tại Tacloban đã được thiết lập. Hội xin nguyện tiếp tục làm cánh tay nối dài để chuyển tịnh tài của chư Tôn liệt vị đến những nạn nhân tại Tacloban. Xin được thay mặt những người khổ nạn tại Roxas, Tacloban, chân thành cảm tạ và tri ân tất cả chư Tôn liệt vị.

                                                                                 Thừa Ủy Nhiệm Hội Từ Bi Quán Thế Âm 

Trần Duy Phô và Andy Chương Lê (Manila, Philippines, 14/12/2013)