Chuyển tới nội dung
Trang chủ » Blog » Về Quê

Về Quê

Tác giả Nguyễn Thị Nguyệt, quàng khăn len màu xám

Tôi là người Sài Gòn chính cống. Tôi được sinh ra và lớn lên trong lòng phố Sài Gòn. Lúc nhỏ tôi theo anh trai tôi rong chơi khắp cùng những con hẻm lớn nhỏ vùng Tân Định. Tôi bẻ trái, bắt bướm, hái hoa, đổ dế ở mọi ngõ ngách. Tôi tắm mưa rào tháng sáu. Sài Gòn vẫn còn có những khoảng trời cao để tôi thả diều vào những ngày lộng gió với bạn bè trang lứa. Tôi sống cái sống Sài Gòn. Tôi thở nhịp thở Sài Gòn. Sài Gòn vui tôi vui với, Sài Gòn buồn tôi buồn cùng. 

Qua thời bắt bướm hái hoa của những năm học trò tiểu học, bước vào trung học và ngưỡng cửa đại học, tôi có dịp quen biết với nhiều bạn bè khắp nơi. Sài Gòn là nơi tập họp của người tứ xứ. Cũng có nhiều người có gia đình gốc từ các tỉnh miền đông, miền nam đến Sài Gòn sinh sống lập nghiệp. Mỗi lần nghỉ Tết nghỉ hè, trong số bạn bè lúc nào cũng có người về quê. Đối với nhiều người có gốc gác từ nơi khác thì Sài Gòn chỉ là nơi sinh sống, làm ăn còn quê hương là nơi khác, là nơi chôn nhau cắt rún, là nơi có họ hàng thân thích, có ông bà cha mẹ, có ruộng vuờn, có mồ mả tổ tiên.  

Riêng tôi, bên nội chỉ còn có ông chú ở Cầu Kho, bên đường Trần Hưng Đạo. Bên ngoại chỉ có ông cậu và bà dì bà con xa có nhà vòng vòng  bên quận 10 và quận 3. Gia đình ba má tôi ở Tân Định. Sài Gòn như quê hương lâu đời của tôi. Tôi không có quê theo cái nghĩa của các bạn học có gốc gác đến từ các tỉnh đến sinh sống tại Sài Gòn. Tôi chỉ có mỗi một Sài Gòn, vừa là nơi chôn nhau cắt rún, vừa là chỗ để lớn lên và trưởng thành. Hai từ “về quê” đối với tôi chỉ là sách vở, là tiểu thuyết văn thơ. 

Cho nên khi bạn bè ở trung học mong mỏi ngày về quê, tôi không có cái rạo rực, háo hức của nguời học trò tỉnh lẻ trước những ngày năm học sắp tàn. Nào là “Chín mươi ngày nhảy nhót ở miền quê. Ôi tất cả mùa Xuân trong mùa Hạ”, nào là “Chờ đêm nay, sáng sớm bước lên tàu.  Ăn chẳng được lòng nôn nao khó ngủ”, hoặc “Rương chật rồi, khó nhốt cả niềm vui”. Bài thơ hay thật nhưng tôi không cảm thông được những nỗi lòng của người học trò sắp được về quê, sung sướng bỏ lại “sách bài giấy cũ” đàng sau để nhìn lại “trên đường làng huyết phượng nở thành bông”. 

Vậy mà, lạ thay, những xúc cảm về quê thực sự có được trong tôi khi tôi di trú ở Hoa Kỳ. Tất cả quê hương của tôi đều xoay quanh nơi bà mẹ. Chỉ có má tôi là quê hương. Tôi sống xa đại gia đình vì phải theo gia đình riêng về miền bắc bang California sinh sống. Từ chỗ tôi ở đi về thăm gia đình nơi má tôi sống với các anh chị em tôi mỗi chuyến mất gần trọn một ngày, cho nên mỗi năm tôi chỉ có thể về thăm mẹ một hai lần. Về quê đối với tôi bây giờ là về với má tôi, vớí gia đình, người thân, nơi mọi người trông chờ mình, và mình cũng nao nức trong lòng mong gặp lại. Tôi thường về thăm má tôi vào những ngày hè hay vào dịp Tết nên cái hương vị về quê ngọt ngào thân thương và rất gần gũi.

Những lần về quê của tôi không có hình ảnh của con đò nhỏ, cầu tre lắc lẻo, con đê dài theo từng thửa ruộng, dòng sông êm đềm trôi, uốn khúc quanh co, để lặn hụp tắm sông, bắt cá, đuổi bắt từng con bướm như những thước phim tôi đã xem, những thơ văn tôi đã đọc qua cái thời xa xưa của tuổi học trò. Thời gian đã làm cho tôi già nua, thay đổi. Những lần về quê của tôi cũng không có những háo hức mừng rỡ của người học trò trong bài thơ của Xuân Tâm.  

Nhưng hình ảnh “về quê” nơi California đã tạo trong tôi đầy ắp những cảm xúc thật dạt dào. Hình ảnh cầu tre, sông nước, phượng đỏ bây giờ được thay thế bằng những hoa vàng hoang dại nở vàng chạy dài theo xa lộ, một chân trời tím magnolia “Anh sẽ đưa em về…”, những thảm cỏ xanh non mượt mà ngút ngàn trải dài từ lũng thấp đến núi đồi cao dọc con đường thiên lý bắc nam, những hàng cây trụi lá nhưng nở đầy hoa ngọc lan trắng xóa hay tím hồng, những thảm cỏ xanh rì khéo chăm sóc trước sân nhà cửa dọc những con đường thành phố. Tường rào nhà ai rực đỏ thảm hoa mười giờ, những cây cành sai oằn hoa trái, thơm ngọt cam chanh…Từng khúc phim thời thơ ấu  quay chầm chậm trong tôi! Đất nước quê người đã tạo ra trong tôi  hương vị “về quê” mà tôi chưa hề cảm nhận ở nơi chôn nhau cắt rún trên quê hương thật sự của tôi ở Sài Gòn.

– Mẹ ơi! Tới nhà ngoại rồi.

Mỗi lần về quê tiếng đứa con gái nhỏ gọi đã làm tôi tỉnh giấc. Xe vừa dừng trước cửa đã thấy má ngồi ngoài hiên nhà chờ tự bao giờ.  

– Sao má không ở trong nhà nghỉ ngơi ra ngồi đây chi cho mệt vậy?

Chị tôi trả lời thay má, “Biết em về, má cứ ra vô chờ em, nói cách mấy cũng không nghe”.

Ôi! Tình mẹ thật bao la như “biển Thái Bình rạt rào”! Cách nhà vài chục cây số, vậy mà lâu nay tôi cứ vô tình theo cái bóng ma chập chờn hơn cả đời người, bỏ má ơ hờ ở lại đàng sau mà không lo chăm sóc vỗ về má lúc xế chiều.

Rồi thì không lâu sau đó, nào là các món ngon vật lạ được bày biện ra cả nhà.  Má dặn chị tôi mua về để má tự nấu đãi cho gia đình tôi ăn. Má cứ nghĩ tôi vẫn còn nhỏ nhít như ngày nào nên sợ tôi không đầy đủ cái ăn cái mặc khi sống xa gia đình. Má muốn bù đắp lại cho tôi trong lúc bơ vơ nơi xứ lạ quê người.

Có lần má nói mà cả nhà nhìn tôi cười ngất, “Sao qua Mỹ rồi mà con còn đi ở chỗ nhà quê vậy, ở đây sầm uất, phố xá đông vui, người ta tràn ngập giống như Sài Gòn mà sao con không ở, lại đi ở chỗ xa xôi hẻo lánh như trên đó không biết nữa”. Má muốn tôi ở gần bên má, nên lúc nào má cũng nghĩ tôi sống ở một nơi khỉ ho cò gáy, “chim kêu vượn hú biết nhà má đâu”. 

Tôi ân hận đã không ở gần má, lo lắng cho má. Cái ân hận nó cứ âm ỉ đốt cháy trong lòng tôi. Đã có bao lần trong cuộc sống nghiệt ngã của gia đình, tôi quỵ ngã trong thế cô đơn độc, vậy mà tôi cũng không đủ can đảm giải quyết để được về sống gần bên má. Tôi hư thật. Mỗi người chỉ có một người mẹ, một người cha mà lắm khi mình chạy theo hư danh phù phiếm bỏ cha mẹ trong quên lãng hững hờ. Đến khi chợt nhận ra sự hờ hững của mình thì đã trễ. Tôi đã không còn cha mẹ ở bên cạnh để thăm hỏi, chăm sóc hay đôi khi cũng cần nũng nịu đòi bòng với cha mẹ cho dù mình đã bao nhiêu tuổi, cho dù tóc mình cũng đã pha màu. 

Các anh chị em tôi sống quây quần lân cận cũng lần hồi lục đục đến thăm tôi, căn nhà ba phòng vậy mà chứa đầy ắp người tụ họp. Từng nhóm con nít đùa vui thoả thích, người thân quây quần nói cười vui biết chừng nào. Và những ngày kế tiếp là những ngày vui chơi,  hạnh phúc ngập tràn cùng gia đình. Lúc nào tôi cũng thấy nụ cười thật tươi của má và tôi muốn có nụ cười đó còn mãi trên môi của má, “Ví mà con đổi thời gian được, đổi cả thiên thu tiếng mẹ cười”. Thế mới thấy cái hạnh phúc của hai tiếng “về quê” ở cái tuổi xế chiều của tôi.

Ở đâu mới thật sự là quê hương của mình? Có phải nơi chôn nhau cắt rún mới là chốn quê hương? Quê hương có phải là một thành phố miền nam tiểu bang California mà cứ mỗi lần chia tay là mỗi lần tôi phải che dấu những giọt nước mắt chảy dài trên suốt con đường về? Quê hương là hình ảnh má tôi và chị tôi vẫy tay liên hồi tiễn đưa tôi cho đến khi xe khuất bóng cuối đường? Bây giờ má không còn nữa, tôi vẫn về quê mỗi năm vài lần như trước để thăm viếng anh chị em. Mỗi lần về quê, không còn má ra hiên chờ đón, nhưng tôi chợt vỡ lẽ ra rằng, quê hương đâu phải là một nơi chốn nào khác hơn với tình trạng tâm thức trong lòng.

Nơi nào có người thân thương, nơi nào có nhiều kỷ niệm vui buồn tồn trữ, nơi nào cha mẹ tổ tiên có mặt thì nơi đó là quê hương. Tôi đã cất giữ tất cả những thứ đó trong lòng. Tôi mang quê hương ngay trong lòng mình. Nơi nào có tôi thì cũng có quê hương bên cạnh. Tôi với quê hương là một, đâu cần đi đâu mà tìm, đâu cần bôn ba nơi nào để kiếm. Chỉ cần một niệm khởi lên là tôi đã có sẵn một trời quê hương hiển bày trước mắt để sống, để nhớ, để vui. Má ơi, quê hương ơi, lúc nào con cũng đã “về quê” và cũng đang “về quê”.

Tịnh Nguyên, Tết Quí Tỵ