Chuyển tới nội dung
Trang chủ » Blog » Lạy Phật

Lạy Phật

Tôi theo mẹ đến chùa lạy Phật từ khi còn là một cậu bé tám, chín tuổi. Hồi ấy gia đình tôi ở quận Thành Nội, Huế. Bác Cửu Bốn và các bác trong xóm hay rủ mẹ tôi đến Khuôn Tịnh Bình lạy sám hối vào mỗi tối mùa hè. Đường không xa lắm, nhưng đi bộ đến nơi cũng mất hơn nửa giờ. Tôi nghe nói lạy sám hối nhưng không biết lạy thế nào, chỉ nghe bác Chủ sám tụng kinh một hồi thì lạy Phật, rồi tiếp tụng kinh, rồi lạy tiếp. Tôi chẳng hiểu lời tụng có ý nghĩa gì, nghe lâu quá thì buồn ngủ. Còn lạy nhiều thì mỏi, mong mau hết cho rồi. Thế nhưng không khí trang nghiêm, Phật điện sáng rực, hương trầm thơm ngọt, ngôi chùa đầy chật người mà im lặng thành kính làm tôi không dám ho he. Và rồi các buổi kế tiếp tôi cũng hăng hái đến chùa lạy Phật, nghe kinh. 

Cái duyên với Đạo được gieo trồng nhẹ nhàng như vậy từ thuở còn thơ dại, cộng thêm mỗi tuần học một giờ Phật pháp tại trường Bồ Đề từ lớp Ba đến lớp Nhì đã gieo vào tâm thức tôi một tấm lòng mến Đạo, kính Phật, trọng Tăng tự bao giờ. Những năm trung học tôi còn nhiều dịp khác sinh hoạt với các đơn vị Học Sinh Phật Tử, Gia Đình Phật Tử và công tác từ thiện xã hội với quý Thầy Cô, các cư sĩ đạo hạnh nên hạt giống Phật được nẩy mầm, tưới tẩm. Những chất Phật nhẹ nhàng đó không dè có một nội lực hùng hậu giúp tôi vượt qua những gian truân vất vả mà nhiều khi tưởng không thể chịu đựng nổi trong cuộc đời.

Từ ngày kết duyên lành với Nhóm Học Phật Lộc Uyển, việc học tập Phật pháp của tôi trở nên đều đặn siêng năng hơn. Tôi không ngả về một Pháp môn riêng biệt nào. Trái lại, việc thực hành nhiều cách khác nhau, vừa thờ Phật, lạy Phật, cúng Phật, tụng kinh, nghe Pháp, vừa trì chú, niệm Phật, thiền tập, ăn chay, làm việc thiện, ấn tống kinh sách, giúp đỡ người gặp khó khăn v.v… giúp tôi hiểu “chúng sanh đa bệnh” nên “Phật pháp đa phương”, lời của Phật có thể áp dụng bất cứ tình huống nào trong cuộc sống muôn màu muôn vẻ.

Cũng thật là lạ, Đức Thế Tôn chỉ nói đến đạo Như Thật, tức là đạo đúng với sự thật chứ không vẽ vời gì cả. Ngài chỉ tùy căn cơ người nghe để hướng họ đến Giác ngộ, Giải thoát. Thế nhưng phần đông đệ tử Ngài cứ ưa phân tích những lời dạy đó thành từng hệ thống khác biệt rồi sinh ra cãi cọ, khích bác nhau. Phải chăng chúng ta nên nói là điều kiện tôi, sức khỏe tôi, hoàn cảnh tôi thích hợp với lối tu này hơn, còn hoàn cảnh bạn khác nên bạn chọn lối tu khác là việc tự nhiên.  Thế là khỏe ru, và mình sẽ thấy rằng việc tu học chính bản thân mình cũng cần phải uyển chuyển cho phù hợp với điều kiện cá nhân. Khi trẻ tu khác, khi già tu khác, lúc bận công ăn việc làm tu khác, khi thanh nhàn tu khác, miễn sao tâm hướng Phật ngày một tỏ rạng là quý rồi.

Hai năm trở lại đây, tôi trở nên thuần thành với việc lạy Phật. Lạy chậm rãi, nhẹ nhàng, điều hòa hơi thở với thân tâm. Thở ra khi cúi xuống, hít vào khi đứng dậy, thở vào thở ra một hai hơi thật dài khi cúi đầu sát đất, hoặc chú tâm suy xét ý nghĩa danh hiệu Phật, Bồ tát. Tôi nhận ra những phẩm chất của Phật và Bồ tát vẫn có nơi mình và nguyện làm sáng tỏ những phẩm chất quý báu đó. Trong khi lễ lạy, cả ba nghiệp đều hướng về đức Phật: thân lạy Phật, miệng xưng tán danh hiệu Phật, ý suy xét ý nghĩa danh hiệu Phật. Lạy Phật còn có cái lợi như một cách tập thể dục thư giãn.

Càng lạy Phật, tôi càng huân tập được tính khiêm hạ, thấy mình nhỏ nhoi trước đức độ kỳ vĩ của chư Phật, Bồ Tát, Chư tôn Thiền đức, ngay cả những phẩm chất tốt đẹp của những người chung quanh. Nhờ thế, cái ta hay chướng được hạ thấp xuống dần dần. Càng ở chỗ thấp, mình càng nhận được nhiều. Lời giảng của thầy Chơn Quang thật hay: Nước chảy về chỗ thấp, nơi thấp nhất là nơi nhận nhiều nước nhất, trái lại càng cao chừng nào càng nhận ít chừng ấy. Cho nên càng ít quyền lực, địa vị, giàu sang, ít nổi tiếng, bớt chức vụ càng dễ tu hơn. 

Gia đình tôi cùng một số đạo hữu hay lạy Từ Bi Thủy Sám Pháp, Lương Hoàng Sám Pháp, Ngũ Bách Danh Quán Thế Âm Bồ Tát Kinh, vừa để tịnh hóa thân tâm, vừa nguyện cầu âm siêu dương thái. Cụ bà Quảng Tâm An 87 tuổi mà lạy 200 lạy một buổi chiều vẫn dẻo dai như các cháu nhỏ. Có dịp lạy chậm và chiêm nghiệm lời kinh, tôi dần dần nhận ra nhiều ý kinh thiết tha gần gũi mà sâu xa vi diệu hơn khi mình tụng lướt qua.

Phật Học Phổ Thông định nghĩa: “Sám là ăn năn lỗi trước, còn hối là chừa bỏ lỗi sau …. Sám hối là ăn năn chừa lỗi” (Tr. 94).  Lời Thủy Sám Pháp nghiêm từ như lời mẹ khuyên con: “Phiền não con người quả thật quá nặng, ai mà không tội, ai chẳng lỗi lầm? Phàm phu ngu muội, vô minh khuất lấp, thân gần bạn xấu, phiền não loạn tâm, bẩm tính si mê, buông thả tự thị. Không tin Phật đà, không tin Phật pháp, không tin Thánh Tăng, không hiếu cha mẹ, họ hàng bà con. Tuổi trẻ phóng túng, tự kiêu tự thị. Đối với tài sản, ca nhạc nữ sắc, lòng sinh đam mê, ý nổi phiền não … Tội lỗi quá khứ, cũng như ác nghiệp trong đời hiện tại, chúng con ngày nay chí thành sám hối, những điều chưa phạm nguyện không dám làm” (Trang 32).

Có một sự ngược chiều về “cái ta” (Ngã) giữa con đường thế tục và lối trở về tu học. Càng tranh đua với đời chừng nào, “cái ta” càng được tô đắp to lớn thêm chừng ấy bằng kiến thức, bằng cấp, địa vị, giàu sang, nhà to, xe đẹp, con cái thành đạt, gia đình danh giá, cộng đồng oai phong. Những giá trị đó do mình tạo ra, nhưng một khi mình không làm chủ được chúng thì mình trở thành kẻ nô lệ cứ bị chúng xỏ mũi kéo đi mãi. Càng sống già dặn ở đời, cái ta càng to tổ bố, cho nên ai đụng vào một tí là sấm sét đùng đùng.

Con đường tu học, ngược lại, buông bỏ dần các vỏ bọc trên đây. Có hạ bớt cái ta thì mới có thể giảm bớt tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến cho đến khi đạt đến “Vô ngã là Niết Bàn”. Chỉ khi nào mình thành khẩn thấy thiếu sót của mình, mình mới chịu quay về tu học. Chỉ khi nào mình thiết tha quỳ xuống sám hối tội lỗi của mình, cửa giải thoát mới thật sự mở ra. Còn không thì mãi hoài chìm đắm trong dòng sông kiêu căng si mê tự đắc. Một khi kiêu mạn nổi lên cũng là lúc tuột dốc bên bờ sanh tử. Tôi hiểu tại sao trong các mùa An cư Kiết hạ, chư Tôn đức thường lạy Lương Hoàng Sám và Từ Bi Thủy Sám Pháp.

Sám hối, theo Thủy Sám Pháp, trừ được ba chướng ngại: phiền não, ác nghiệp và khổ báo. Để cho sự sám hối có hiệu lực, người lễ bái cần vận dụng bảy tâm chí: (1) Hổ thẹn, (2) sợ hãi, (3) chán bỏ, (4) dũng mãnh phát Bồ Đề tâm, (5) quan niệm thân thù bình đẳng, (6) thiết tha nghĩ báo ơn Phật, (7) quán sát tội tánh vốn không.

Tại sao hổ thẹn đưa lên hàng đầu? Kinh Thủy Sám dạy thật hùng hồn: “Thứ nhất hổ thẹn, là tự nghĩ rằng chúng ta cùng với bổn sư Thế Tôn đồng là phàm phu, vậy mà ngày nay Thế Tôn thành đạo trải qua kiếp số quá hơn cát bụi, còn chúng ta đây đam mê lục trần, lưu chuyển sinh tử, chưa thấy giải thoát. Điều ấy mới thật đáng xấu hổ nhất” (Trang 40). Cái kỳ vĩ ở đây là hãy tự mình so sánh với Phật. Chao ôi! Chưa có tôn giáo nào khuyến khích tín đồ mình so sánh với vị giáo chủ, tức nâng mình lên ngang với bậc thầy cao nhất để thấy cho được cái hay cái dở của mình mà sửa đổi. Tôi thật xúc động với đoạn kinh văn nầy. Ôi!  Đạo Phật sao mà bình đẳng thân thương quá!

Lạy sám hối dài nhất là Bộ Lương Hoàng Sám gồm 10 cuốn. Cháu Quang và Hiền cẩn trọng đếm số lạy trong Bộ sám nầy như sau:

Cuốn 1: 52 lạy

Cuốn 2:180 lạy

Cuốn 3: 168 lạy

Cuốn 4: 114 lạy

Cuốn 5: 156 lạy

Cuốn 6: 94 lạy

Cuốn 7: 144 lạy

Cuốn 8: 291 lạy

Cuốn 9: 298 lạy

Cuốn 10: 175 lạy

Tổng cộng: 1672 lạy.

Lương Hoàng Sám không những khuyên bản thân mình thành tâm sám hối tội lỗi từ vô lượng kiếp cho đến nay mà còn nguyện sám hối thay thế chư Thiên long bát bộ, các hàng Vua quan, dân dã, Cha mẹ, các bậc Tôn sư, các loại quỷ thần, súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục. Thường thì mình chỉ lạy sám hối thay thế cho người thân hoặc con cái mình chứ đây còn nguyện sám hối thay thế các bậc cao hơn thì thật là một tâm lượng rộng lớn. Trong những người lạy, chị Nguyên Mai Ngô Thị Lê đã thấy đầu tiên những ý tưởng kỳ diệu nầy. Bình thường chị Nguyên Mai ít luận đàm Phật pháp, nhưng cái thấy của chị qua Lương Hoàng Sám thật sâu sắc.

Ai có đọc tụng lễ bài Lương Hoàng Sám Pháp rồi mới thấy tội lỗi mình dẫy đầy như núi và sâu xa tận nhiều đời nhiều kiếp. Nhưng ước vọng giải thoát không nhắm riêng cho cá nhân mà còn cho tất cả chúng sanh. Như lời nguyện Bồ tát Địa Tạng:

Chúng sanh độ tận phương chứng Bồ Đề,

Địa ngục vị không thệ bất thành Phật.

(Cứu độ hết thảy chúng sanh rồi mới chứng quả,

Địa ngục chưa dứt thề không thành Phật).

Lương Hoàng Sám Pháp cũng khuyến tấn: “Lại nguyện xin xả thân này, không mong giải thoát, sinh vào địa ngục, tự biết đời trước của mình, giáo hóa những người đồng khổ sám hối tội lỗi phát tâm Bồ Đề” (Trang 333). Nhiều người chia sẻ cảm tưởng chung nhất khi thọ trì Thủy Sám và Lương Hoàng Sám là cảm động, tha thiết và ăn năn.

Tôi thấy mình đặc biệt có duyên với việc lễ lạy Kinh Ngũ Bách Danh Quán Thế Âm. Mỗi khi có việc gì quan trọng hoặc bất an, tôi thường phát nguyện lạy 500 danh hiệu Ngài, và đôi khi được cảm ứng một cách kỳ diệu. Nội dung kinh này là đảnh lễ từng công hạnh của Bồ tát như diễn tả trong Kinh Phổ Môn, Kinh Lăng Nghiêm. Bản kinh cho thấy Bồ Tát Quán Thế Âm là một vị Phật đời xưa tên là Chánh Pháp Minh Vương Như Lai. Nay vì hạnh nguyện độ sanh, Ngài ứng thân Bồ Tát để trợ giúp cho Đức Phật Thích Ca hóa độ tại cõi Ta Bà này. Về tương lai, Ngài sẽ thành Phật tại cõi Cực Lạc của Phật A Di Đà.

Nhiều ghi chép khẳng định tụng niệm hay lễ bái danh hiệu Bồ tát Quán Thế Âm đều có linh ứng, và tôi tin rằng mọi người đều đã được Ngài ứng thân cứu giúp mà mình không hay biết. Nhưng sau khi chúng ta được cứu giúp như tránh khỏi tai nạn thảm khốc, qua được bệnh tật hiểm nghèo, chúng ta lại tiếp tục gây ra những khổ nạn khác, rồi lại xin Ngài cứu giúp, cứ thế mà lăn lộn mãi trong ba cõi sáu đường. 

Ví như nguyên tắc bình thông nhau trong vật lý học, mực nước hai bình cao thấp khác nhau, nhưng một khi được thông với nhau bằng một ống nối thì mực nước hai bên sẽ tự động cân bằng. Cũng vậy, lúc mới lễ lạy, người lạy và đức Phật là hai thực tại khác nhau, cao thấp khác nhau. Sau đó người lạy nhận ra rằng bản thân mình cũng có những phẩm chất từ bi hỷ xả và những đức tính quý báu khác như đức Phật. Nói cách khác, mình với Phật có một mẫu số chung là Phật tánh, vì thế có thể phản ánh lẫn nhau như các tấm gương trong một phòng hớt tóc.  Đó là mặt diệu dụng. Còn về mặt bản thể thì tất cả mọi pháp đều trống rỗng, không có cái ta riêng biệt, cho nên các pháp đều có thể giao thoa với nhau, cảm ứng lẫn nhau không có gì ngăn ngại. Kinh Hoa Nghiêm dạy:

Năng lễ sở lễ tánh không tịch

Cảm ứng đạo giao nan tư nghì.

Hòa thượng Thiện Siêu dịch:

Phật, chúng sanh tánh thường rỗng lặng

Đạo cảm thông không thể nghĩ bàn.

Năng lễ là người lạy, sở lễ là đối tượng của người lạy, tức là chư Phật, Bồ Tát.  Người lạy và đức Phật vốn tánh rỗng lặng như nhau. Xưa nay tánh Phật vốn thanh tịnh sáng suốt, chỉ vì vô minh dấy lên mà vọng động làm chúng sanh, ví như đám mây che khuất mặt trăng. Một khi trí tuệ sáng suốt hiện bày (minh) thì từ mê tức khắc chuyển thành ngộ, chúng sanh chuyển thành Phật, như mây mù xua tan thì mặt trăng vằng vặc hiện bày. Tóm tắc, mê là chúng sanh, hết mê là Phật. Mê và hết mê không phải là hai thực thể khác nhau. Khi mê là chúng sanh, hết mê chính là Phật. Con đường đạo rõ ràng như vậy, có quyết tâm bước đi hay không là việc của mình.

Lạy Phật như vậy không phải chạy theo ảo ảnh bên ngoài mà là quay trở về soi sáng vị Phật nơi tự tâm mình. Thơ Vua Trần Nhân Tông:

Bụt ở trong nhà

Chẳng phải tìm xa

Nhân khuấy bổn nên ta tìm Bụt

Chỉn mới hay chính Bụt là ta.

(Cư trần Lạc đạo phú)

Tuệ Trung Thượng Sĩ khai thị Thái tử Trần Khâm: “Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc” (Soi sáng lại chính mình là phận sự gốc, không từ bên ngoài mà được). Chính lời giảng dạy này un đúc nên bậc Minh quân Trần Nhân Tông.  Nhà Vua hai phen lãnh đạo quân dân Đại Việt đánh bại quân xâm lược Nguyên Mông hung hãn nhất thế giới lúc bấy giờ, bảo vệ giang sơn, đem lại thanh bình thịnh vượng cho dân tộc. Rồi Ngài từ bỏ ngai vàng dễ dàng như bỏ đôi dép cỏ, xuất gia cầu đạo, đắc ngộ đạo mầu, tổng hợp tinh hoa các phái Thiền trước đây để khai sáng nên dòng Thiền Trúc Lâm đặc biệt Việt Nam.

Từ hơn nửa đời loay hoay tìm kiếm, tôi vẫn mãi nghĩ rằng cái duyên đến với đạo Phật cho tôi cao lắm chỉ ở mức làm chút phước thiện và an phận với kiếp luân hồi, còn chuyện thoát vòng sanh tử hay thành Phật là chuyện của quý Thầy Cô, không phải việc của mình. Nhưng lời dạy của đức Từ phụ rõ ràng như 1+1 = 2, “Ta là Phật đã thành, các con là Phật sẽ thành”. Lời dạy của chư Tổ, ấn chứng trong kinh sách vẫn một ý như thế: “Bỏ đồ đao xuống tức khắc thành Phật”.

Lạy Lương Hoàng Sám Pháp tại nhà đạo hữu Quảng Diệu Huệ, 2009

Biết bao Phật tử tại gia trong lịch sử, thân mang trọng nhiệm nhưng tâm Phật vẫn tròn đầy. A Dục Vương (Ấn Độ), Lương Võ Đế (Trung hoa), Tiến sĩ Daisets Teitaro Suzuki (Nhật), và Tổ Tiên mình với Vua Lý Thánh Tông, Vua Trần Thái Tông, Tuệ Trung Thượng Sĩ, Vua Trần Nhân Tông, Danh tướng Lý Thường Kiệt, Khai quốc Công thần Nguyễn Trải chẳng phải là những cư sĩ đạo đời viên dung hay sao? Vậy chuyển mê khai ngộ không giới hạn một ai, xuất gia hay tại gia, mà cái chính là mình có dám vươn lên khỏi mặc cảm tự ti, hạ liệt, có dám buông bỏ những cố chấp, tham đắm, vị kỷ mà dũng mãnh phát Bồ Đề tâm hay không? 

Là người tại gia, chúng ta đều nếm trải những hương vị say đắm của ngũ dục: tiền tài, sắc dục, danh lợi, ăn, ngủ lu bù, nhưng đồng thời cũng thấy rõ mặt trái khổ đau phiền não của những đam mê đó. Chọn lựa là của chúng ta. Trách nhiệm là của chúng ta. Không ai tu thế cho mình được. Hãy nghĩ đến những người thân, những người bạn chúng ta đã lần lượt ra đi trong vài năm qua để thấy rằng thân mạng vô thường có thể xẩy ra bất cứ lúc nào. Xin hãy tinh tấn lên.

Trong tiến trình đi lên, chúng ta không hề lẻ loi. Chư Phật, chư Bồ Tát luôn gia hộ cho chúng ta. Một niệm chí thành, mười phương cảm ứng. Một niệm sám hội, ba nghiệp sạch không. Đó là lời khích lệ cho tôi trong việc lạy Phật. Trước thềm Năm Mới Bính Tuất, kính lạy chư Phật, chư Bồ tát gia hộ cho tất cả chúng ta, gia hộ cho những người thân cũng như không thân, cùng vô lượng chúng sanh đồng thành Phật đạo.

                                                                                      Nguyên Thành

Tham khảo:

Thủy Sám Pháp, Thích Trí Quang dịch, 1986, California.

Lương Hoàng Sám, Thích Viên Giác dịch, Hà Nội, 2002, Việt Nam.

Phật Học Phổ Thông, Thích Thiện Hoa, Hà Nội, 2002.