Chuyển tới nội dung
Trang chủ » Blog » Phóng Sanh

Phóng Sanh

                                                                                                                                                                     Kính Mừng Phật Đản lần thứ 2631, Phật lịch 2551

Lúc học lớp Ba trường Bồ Đề thành Nội người viết bài nầy nghe Sư Cô Thích Nữ Diệu Tấn kể câu chuyện như thế này: Ngày xưa có một nhà Sư có tài xem tướng. Một hôm Thầy gọi người đệ tử trẻ đến nói rằng, con xa gia đình đã lâu, nay Thầy cho về thăm nhà một tháng. Chú tiểu mừng rỡ, thu xếp khăn gói từ giã Thầy xuống núi. Thực ra, với tài xem tướng chưa hề sai lệch, người Thầy quan sát thần sắc gương mặt u tối của chú tiểu, biết chú sẽ chết trong vòng 10 ngày, nên Thầy thương tình cho về thăm quê để qua đời bên cạnh gia đình.

Thế nhưng một tháng sau, vị Thầy vô cùng ngạc nhiên thấy chú tiểu lù lù trở lại, mặt mày vui vẻ, khí sắc tươi tắn như nắng xuân. Sau ba ngày quan sát, Thầy kêu chú tiểu lại hỏi: Khi con về nhà có việc gì lạ xảy ra không? Chú tiểu thật thà đáp, dạ không có gì lạ cả. Cha mẹ và các anh chị em con đều khoẻ mạnh, làng xóm vẫn bình thường, ai cũng mừng cho con tu học có tiến bộ. Nguời Thầy gặng hỏi, thế trên đường đi có xảy ra chuyện gì lạ không? Người học trò vẫn đáp không. Hồi lâu, chú chợt nhớ ra và nói: A! Trên đuờng về nhà gặp trời lụt, trong khi lội qua cánh đồng, con thấy một bầy kiến đang bu quanh một cành cây dập dềnh trên sóng nước. Con thấy tội nghiệp nên lấy vạt áo dài đùm bầy kiến đem bỏ trên gò đất cao rồi mới đi tiếp.

Người thầy à lên một tiếng lớn và nói “phải rồi”! Trước sự thắc mắc cuả chú tiểu, thầy mới nói thật lý do. Thầy cho chú về nhà để chết bên cạnh gia đình, nhưng nhờ công đức cứu bầy kiến mà cải mạng sống của chú. Nay không những chú thoát nạn chết yểu, mà còn thọ đến 80 tuổi, căn cứ vào thần sắc của chú bây giờ thật sáng. 

Hồi ấy tôi chỉ thấy câu chuyện cảm động như biết bao chuyện cổ tích khác. Nhưng nay qua câu chuyện ấy tôi hiểu rằng những khổ, vui của đời người có thể thay đổi do tác động của thiện nghiệp hay ác nghiệp của chính bản thân đương sự. Câu chuyện này cũng minh chứng cho lợi ích của “phóng sanh”. Phóng sanh là cứu các sinh vật khỏi nguy cơ cái chết và trả chúng về với môi trường sống thích hợp.

Hôm nay nhân mùa Phật Đản, chúng ta suy gẫm lại sự kiện thái tử Tất Đạt Đa bảo vệ con chim bị mũi tên của Đề Bà Đạt Đa bắn trọng thương, chăm sóc cho nó, rồi thả chim về với đồng loại và đất trời cao rộng. Trên đường tìm đạo, sa môn Tất Đạt Đa đã cứu 500 con cừu khỏi bị giết đồng loạt trong lễ tế thần cầu trường thọ cho vua Tần Bà Sa La. Khi thành đạo quả, Đức Phật chế định giới luật cho hàng Phật tử xuất gia cũng như tại gia, giới đầu tiên vẫn là không sát sanh.

Không sát sanh, theo Hồng Danh Bửu Sám có ba ý: một là không tự mình giết hại, hai là không sai người khác giết, ba là không thấy kẻ khác giết hại mà vui theo. Kinh Dược Sư nhấn mạnh hơn, đã không sát sanh mà còn phóng sanh. Phóng sanh chính là thể hiện đức từ bi của đạo Phật và phù hợp với đức hiếu sinh của trời đất.

Dù theo truyền thống văn hoá Đông phương hay Tây phương, con cháu vẫn thường tổ chức trang trọng các lễ mừng sinh nhật hoặc lễ chúc thọ ông bà cha mẹ, cầu nguyện các bậc tôn trưởng phước thọ tăng long. Đó là một nghĩa cử cao đẹp nói lên lòng biết ơn các bậc sinh thành. Khoa nghi Phật giáo về lễ phóng sanh có thể áp dụng vào trường hợp này với lời chúc nguyện: Nam Mô Trường Thọ Vương Bồ Tát. Thật ý nghĩa và cảm động biết bao nếu vào ngày sinh nhật, các cụ già tự tay mình phóng sanh từng con chim, con cá, tự mình cảm được niềm vui cứu mạng các sinh vật yếu ớt hơn mình. Nhờ niệm lành đó mà tuổi già được yên ổn, bình an, phước thọ cũng theo đó mà tăng thêm lâu dài.

Nên chăng vì cầu hết bệnh, cầu khỏi nạn, cầu bình an, cầu sống lâu cho người thân mà chúng ta thực hành phóng sanh? Người nào đã từng lâm vào cảnh bệnh hoạn, lao lý, tù đày mới cảm thông được thân phận cá chậu chim lồng, mới thấu cảm được những lo sợ về cái chết luôn luôn rình rập, đe dọa từng giây từng phút, ăn không ngon, ngủ không yên, và mới cảm nhận hết những giây phút hạnh phúc tuyệt vời của tự do, được trở về từ cõi chết, trở về với sự sống, trở về với đất trời lồng lộng, với người thân và xã hội.

Tất nhiên, để phù hợp với môi trường sinh thái đa dạng trên một diện tích trải rộng đến hơn 3.5 triệu dặm vuông tại Hoa Kỳ, người phóng sanh cũng cần xem xét đến địa điểm và chủng loại sinh vật được thả để bảo đảm an toàn cho sinh vật, cũng như theo những quy định của luật pháp để tránh gây ô nhiễm môi sinh. Đây là vấn đề kỹ thuật có thể tìm hiểu, ứng dụng và vuợt qua. Điều then chốt là chúng ta có phát tâm phóng sanh hay không? Nếu gia đình nào cảm thấy e ngại tự mình không làm đuợc thì có thể cúng dường vào qũy phóng sanh của các chùa hoặc gởi về quê nhà nhờ thực hiện.

Trước khi phóng sanh, các loài vật được làm lễ quy y Tam Bảo để gây duyên lành về thiện nghiệp. Nghi thức phóng sanh có những lời kệ thật cảm khái: Các loài súc sanh nhiều tình ít trí là do cái nhân xưa kia mê mờ, không tu chánh niệm. Nay phải chịu cảnh mang lông, đội sừng, vi vảy, lưu lạc trên không, dưới nước, đất liền, mạng sống bị đe dọa vì lưới, vì câu, bẫy sập, lò than, dao bén. Nay duyên may gặp được người có lòng lành cứu mạng, trong vạn đường chết có một đường sống, lại được đưa về chốn an toàn, nên hãy phát tâm sám hối, làm các nghiệp lành.

Trước khi đọc bài chú phóng sanh “Án linh cảm ứng tóa ha”, người phóng sanh nguyện nhờ Phật lực mà các lớp lưới giăng trên không dưới nước đều trở thành tấm áo từ bi của chư Phật.  Bốn vị Hộ pháp hỗ trợ phóng sanh giúp cho các loài chim, loài thú trở về với núi rừng yên ổn, các loài cá, tôm trở về với dòng nước trong lành. Nếu còn con vật nào chưa thoát được nạn thì nhờ thần núi, thần sông giúp phóng thả.

Đi đôi với phóng sanh là bảo vệ loài vật, ăn chay, chọn các nghề không sát sanh hại vật. Theo thống kê thì hiện nay tại Hoa Kỳ có trên 12.5 triệu người ăn chay. Tuy nhiều người ăn chay chỉ vì lý do sức khoẻ, nhưng đó cũng là bước đầu thanh lọc thân tâm. Nếu vì lòng thương muôn vật mà ăn chay thì nguyện lực và hiệu quả sẽ kiên cố mạnh mẽ hơn, không những lợi lạc trong hiện đời mà còn cho các đời sau. Hệ quả của ăn chay do tâm từ bi sẽ thúc đẩy việc không sát sanh mà phóng sanh, và tìm những việc làm không liên hệ đến nghiệp sát như lời cổ đức nói: “Nhất thiết chúng sanh vô sát nghiệp, hà thời thế giới động binh đao”.

Với những người vì kế sinh nhai mà phải liên hệ đến nghiệp sát thì nên hạn chế thấp nhất những giết hại không cần thiết, hoặc thỉnh thoảng nên phóng sanh để nuôi dưỡng tâm từ bi. Không có gì mâu thuẫn khi một người làm nghề chài lưới mà vẫn có thể phóng sanh, chẳng hạn trả về sông biển những chú cá còn nhỏ chứ không vất lăn lóc đâu đó.

Theo Phật giáo, chừng nào chưa giác ngộ giải thoát thì các loài hữu tình vẫn quanh quẩn lên xuống mãi trong sáu nẻo: trời, người, a tu la, súc sanh, quỷ đói, địa ngục, trong đó súc sanh là các loài động vật. Trong vòng luân hồi đó, chúng sanh từng là ông bà, cha mẹ, con cháu, bà con lẫn nhau. Vì thế sát sanh đôi khi giết nhầm người thân của mình trong quá khứ và phóng sanh là một cách để tạo duyên lành cho một vị Phật tương lai, vì mọi chúng sanh đều có Phật tánh.

Trong CD kể về cuộc đời Cố Hòa thượng Thiền Tâm, bậc Tôn sư xiển duơng Pháp môn mật tịnh song tu tại Đại Ninh, Việt Nam, tác giả Bảo Đăng có nhắc đến cư sĩ Minh Thiện trong Ban Trị sự chùa Phật Quang tỉnh Bến Tre. Đạo hữu Minh Thiện làm nghề buôn cá từ Biển Hồ về bán lại cho các vựa cá ở miền Nam. Khoảng năm 1967, vào một buổi sáng lúc 11 giờ đang làm việc tại văn phòng, Minh Thiện tự nhiên buồn ngủ. Vừa chợp mắt, ông thấy một đoàn hơn 20 người già trẻ nam nữ, mặc áo xanh lấm chấm vàng, trên đầu đội một cái mũ đỏ, mặt mày thiểu não, yếu ớt, dìu nhau bước vào văn phòng qùy xuống xin ông cứu mạng. Minh Thiện ngạc nhiên hỏi các vị là ai, làm sao cứu được. Một người thưa, chúng tôi là vợ chồng, cha mẹ, con cái trong một gia đình lỡ đi lạc nên bị nạn. Xin ông làm phước cứu cho để chúng tôi tiếp tục tu tập, chúng tôi suốt đời xin nhớ ơn. Minh Thiện bàng hoàng sực tỉnh, bước ra cửa đi theo hướng đoàn người lạ vừa đi ra. Đến chỗ nhân công đang đổ cá xuống thuyền, ông thấy trên 20 con cá màu xanh lấm chấm vàng, con lớn to bằng em bé hai tuổi, con nhỏ bằng bắp chân, trên miệng mỗi con có một vệt đỏ to bằng bàn tay trông giống cái mũ nhọn, mắt như đang nhìn cầu cứu đến mình. Minh Thiện thấy lạnh xương sống, mình nổi da gà, mồ hôi toát ra, ông chợt nghĩ rằng đây là những người mới đến xin mình cứu mạng, liền cho người đem thả xuống sông. Từ đó đạo hữu bỏ nghề buôn cá, dời nhà lên Đà Lạt làm nghề buôn rau trái.

Chư Tổ thường dạy: “Thật tế lý địa bất thọ nhất trần, phương tiện môn trung bất xả nhất pháp” (Ở cảnh giới chân thật cứu cánh dứt hẳn tất cả vọng kiến sai biệt thì một hạt bụi cũng không vướng, nhưng khi tu học hay làm Phật sự thì đừng bỏ sót một việc thiện nào cả). Theo lời giảng của Hòa thượng Tuyên Hóa, đạo Phật có đến 84,000 Pháp môn, Pháp môn nào cũng giúp hành giả chuyển hóa phiền não, đạt giác ngộ giải thoát. Phóng sanh là một trong các Pháp môn thù thắng đó, xin chớ coi thường.

Nam Mô Trường Thọ Vương Bồ Tát Ma Ha Tát.

          Nguyên Thành