Hơn một năm nay tôi có niềm vui nho nhỏ là lắng nghe các bài Pháp thoại hoặc đọc sách Phật qua băng cassette. Buổi sáng thức dậy sớm, tôi ngồi ngay ngắn trên gường theo thế bán già, thở nhẹ và sâu, rồi mở băng nghe Pháp. Nhờ chuyên tâm lắng nghe, thân tâm tôi trở nên yên tịnh. Thời gian đầu ngồi thấy đau chân nhưng lâu rồi cũng quen.
Chị Như Liên có lòng tốt sang nhiều băng giảng tặng cho tôi đã lâu mà chưa có dịp nghe vì bận rộn quá. Vừa đi làm full time, vừa cắp sách đến trường, vừa chăm sóc gia đình, vừa sinh hoạt với các em đoàn sinh vào những ngày Chủ nhật, lại còn tham dự tiệc tùng xã giao. Nay có dịp ngồi lại lắng lòng nghe, tôi khám phá ra nhiều điều kỳ diệu. Như mảnh vườn tâm đã được vun xới cẩn thận, giờ đây những bài học căn bản về Tam Quy, Ngũ Giới, Nhân Quả, Luân Hồi, Tứ Diệu Đế, Lục Độ Hạnh; những phương pháp thực tâp quán niệm hơi thở, kinh hành, niệm Phật; các chia sẻ về kinh nghiệm đối trị niềm đau, nỗi khổ trong cuộc sống gia đình v.v… đi vào tâm thức tôi như dòng nước ngọt mát có tác dụng làm vơi nhẹ những phiền muộn trong cuộc đời.
Các băng tôi thường nghe do quý Thầy Minh Hiếu, Chơn Quang, Tịnh Từ, Nhất Hạnh, Thanh Từ, quý Ni sư Như Thủy, Như Đức giảng. Mỗi vị có một nghệ thuật nói Pháp riêng, một phương pháp hướng dẫn tu tập đặc thù, nhưng tất cả đều hoằng dương giáo pháp Như Lai nhằm đem lại cho người học đạo niềm an vui ngay trong cuộc sống hiện tại này cũng như làm tư lương cho cuộc sống mai sau.
Tôi cũng được nghe các băng đọc cuốn Đường Mây Trên Đất Hoa; Đường Mây Trên Xứ Tuyết kể laị hành trình tìm hiểu về Phật giáo Tây Tạng; Hành Trình Về Phương Đông kể lại những khám phá về đạo học Đông phương của các học giả Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Anh Quốc; Ngọc Sáng Trong Hoa Sen kể laị quá trình tìm về đạo Phật của một nhà trí thức Thiên Chúa giáo Anh quốc… Các băng nầy do giọng đọc rõ ràng, truyền cảm của cô Tâm Kiến Chánh diễn đạt. Tôi chưa đọc cuốn Ngọc Sáng Trong Hoa Sen, nhưng nhà tôi vừa đọc sách vừa nghe băng thì thấy rằng băng đọc rất chính xác, đầy đủ.
Nhờ nghe băng, tôi có thể biết được nhiều cuốn sách hay về đạo Phật. Thú thật đến cái tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh” như tôi, lắm lúc thật lười đọc sách, hoặc đọc thì hay buồn ngủ. Cho nên tôi thấy rằng cái Pháp môn nghe băng cassette coi bộ thích hợp với tôi quá, vì thế mà trên xe lúc nào cũng có sẵn băng. Nhiều khi đến sở làm hay về đến nhà rồi mà tôi vẫn ngồi nán lại ít phút để nghe cho hết một đoạn băng lý thú. Tôi không vội nghe nhiều băng mà thường nghe lại vài ba lần một cuốn băng hay, càng nghe càng thấm sâu hơn.
Bộ băng gây nhiều cảm xúc nhất cho tôi là Đường Mây Trên Đất Hoa. Tôi đã nghe bộ băng 6 cuốn nầy nhiều lần mà lần nào cũng xúc động vì những kinh nghiệm chứng đắc và những tao ngộ kỳ diệu trong cuộc đời tu học, hành đạo của Cố Đại lão Hòa thượng Hư Vân, người Trung Hoa, thọ 120 tuổi. Xin tóm tắt vài sự kiện như sau:
1. Thực hành đốt hương đi ba bước lạy một lạy từ núi Phổ Đà biển Nam đến núi Ngũ Đài phía Tây Trung quốc. Ròng rã vừa đi vừa lạy như vậy trong ba năm trời, chịu biết bao gian lao, nguy hiểm đến tánh mạng để cầu nguyện cho cha mẹ siêu sanh Lạc quốc.
2. Kinh nghiệm chứng đắc. Vào một tối toạ thiền, Ngài mở mắt ra thấy mọi vật rõ như ban ngày, nhìn xuyên qua tường đá thấy chư Tăng phòng bên cạnh, nhìn xa hơn ra dòng sông thấy một chiếc ghe đang bơi, hai bên bờ sông cảnh vật rõ ràng. Trong một buổi thiền trà Ngài lở tay đánh rơi ly nước. Nghe tiếng ly vỡ thì căn nghi Ngài bặt dứt, tâm chợt ngộ đạo như vừa tỉnh giấc mơ.
3. Lành bệnh nhờ niệm Phật. Bản thân Ngài nhiều lần mắc bệnh thập tử nhất sinh, nhờ chí thành niệm danh hiệu Phật, Bồ Tát mà được hồi phục sức khỏe.
4. Linh ứng của việc lập đàn tràng. Trong Lễ tang bổn sư Ngài là Hòa thượng Diệu Liên, khi đại chúng cúng Ngọ tụng đến chú Biến Thực (Nam mô tát phạt đát tha…) thì một trận gió nổi lên cuốn cả 100 mâm thức ăn lên không. Cùng lúc đó từ kim quang cố Hòa thượng, một luồng ánh sáng màu đỏ bay lên nhập vào tháp của Ngài.
5. Cảm ứng. Vị thần cây Lan phía sau chùa hóa hiện thành một thầy tu đến xin thọ giới tỳ kheo, nhưng đến lễ cấp phát giới điệp thì vắng mặt. Hôm sau, trong buổi tọa thiền, Hòa thượng Hư Vân thấy vị thầy này đến xin nhận giới điệp. Vị thầy này kể rằng trong buổi lễ có vô số chư Phật, Bồ Tát, Hộ pháp long thiên vào trong chánh điện chứng minh nên ông không dám vào.
6. Hóa độ cả loài vật: Hòa thượng Hư Vân đã làm lễ quy y cho một con gà trống hung dữ, một con chim két nói được tiếng người, một con bò đang bị người đồ tể rượt giết, một con cọp trong rừng. Con gà này sau đó trở nên hiền dịu, vào điện đi nhiễu Phật theo quý Sư, khi mất thì đứng thẳng đến ba ngày mà màu sắc không thay đổi. Con két khi bị diều hâu bắt bay lên không vẫn còn nghe tiếng niệm Phật. Còn con bò thì chạy đến quỳ trước Ngài chảy nước mắt. Con cọp trở nên hiền lành không còn hại người nữa.
Những câu chuyện cảm ứng như vậy về Hòa thượng Hư Vân được kể với thời gian, địa điểm, nhân chứng cụ thể càng tăng thêm niềm tin tưởng nơi tôi về Phật pháp nhiệm mầu. Có thể có người cho đó là huyễn hoặc hay là phản khoa học, nhưng những ai đã trải qua những kinh nghiệm ngàn cân treo sợi tóc hẳn công nhận rằng lý trí và khoa học nhiều khi phải nhường chỗ cho đức tin. Cách đây gần 26 thế kỷ, nhiều người cũng hoài nghi lời Phật dạy khi Ngài nói rằng có vô số sinh vật trong một bát nước, hoặc ngoài thế giới nầy còn có vô số thế giới khác. Ngày nay, bằng kính hiển vi hoặc phim ảnh, các em học sinh tiểu học cũng hiểu được rằng những sự kiện Đức Phật nói trên đây đều đúng sự thật chứ không có chi là huyễn hoặc cả.
Kinh Di Đà mô tả cõi Tịnh độ có các giống chim “Bạch hạc, khổng tước, anh võ, xá lợi, ca lăng tần gia, cọng mạng ngày đêm sáu thời kêu tiếng hòa nhã. Tiếng chim đó diễn nói những Pháp như Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Bồ Đề Phần, Bát Thánh Đạo Phần v.v… Chúng sanh trong cõi đó nghe tiếng chim xong thảy đều niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng”. Hơn một năm qua, tôi rất vui được hưởng một phần an lạc này của cõi Tịnh độ ngay trong cuộc sống thường ngày. Tôi vừa lái xe đi làm, đi học, đi chợ, đi chơi, nhưng tâm tôi vẫn hưởng được niềm vui Pháp. Thay vì chim thì đây là máy cassette nói Pháp, và những bài Pháp này luôn nhắc nhở tôi nhớ về Tam Bảo.
Nguyên Thành