Chuyển tới nội dung
Trang chủ » Blog » THEO DẤU CHÂN BỒ TÁT

THEO DẤU CHÂN BỒ TÁT

1. Mắt thương nhìn cuộc đời

Danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm có ý nghĩa rất hay và đẹp khi dịch ra tiếng Việt. Thế âm (世 音) là tiếng kêu ở đời; quán (觀) là nhìn sâu vào lòng sự vật để hiểu và thương đúng như thật; Bồ Tát (菩 薩) là bậc giác ngộ đang hóa độ chúng sanh, khi công hạnh viên mãn là thành Phật. Thầy Nhất Hạnh dịch Bồ Tát Quán Thế Âm là “Người Lắng Nghe Tiếng Kêu Thương Của Cuộc Đời” (1).

Bồ Tát Quán Thế Âm là phiên âm chữ Phạn Avalokiteśvara Bodhisattva. Bodhi là giác ngộ; sattva là hữu tình; hai từ bodhi và sattva ghép lại thành bodhisattva, Bồ Tát. Từ Avalokiteśvara được Chư Tôn đức dịch là Quán Tự Tại trong các Kinh sách theo hệ Hoa Nghiêm và Bát Nhã, nhưng được Ngài Cưu Ma La Thập dịch là Quán Thế Âm trong các Kinh như Pháp Hoa, Di Đà (2). Như vậy, Bồ Tát Quán Thế Âm cũng chính là Bồ Tát Quán Tự Tại, hay nhân gian Việt Nam thường gọi là Quan Âm hoặc Phật Bà Quan Âm.

Bồ Tát Quán Thế Âm luôn luôn có mặt bên cạnh mọi khổ đau, dùng trí tuệ để quán chiếu tiếng kêu cầu của chúng sanh mà cho vui, cứu khổ. Rất nhiều người thành tâm trì niệm danh hiệu Ngài cảm ứng được sự gia hộ mà tai qua nạn khỏi, tật bệnh tiêu trừ, mọi mong cầu đều như ý nguyện.     

Mỗi năm có ba ngày Vía Bồ Tát đều nhằm vào ngày 19 âm lịch (3):

          – Đản Sanh 19 tháng Hai

          – Xuất Gia 19 tháng Chín

          – Thành Đạo 19 tháng Sáu

          – Không có ngày Nhập Diệt, có nghĩa là Bồ Tát Quán Thế Âm vẫn đang có mặt ở đời.

2. Tùy thuận chúng sanh

Niềm tin Bồ Tát Quán Thế Âm xuất phát từ Ấn Độ, rồi được lưu truyền rộng rãi qua các nước theo truyền thống Phật giáo Đại thừa như Tây Vực, Trung Hoa, Việt Nam, Đại Hàn, Nhật Bản, Tây Tạng, Hoa Kỳ, Canada, Úc Châu, Âu Châu, Phi Châu và khắp nơi trên thế giới.

Từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ IV, Ngài được thờ phụng qua hình tướng nam. Đến thế kỷ thứ XII, hình tướng nữ của Bồ Tát Quán Thế Âm đã phổ biến rộng rãi tại Trung Hoa, Việt Nam, Đại Hàn, Nhật Bản. Tại đây, Ngài thường được trình bày dưới dạng thân nữ mặc y phục màu trắng. Đặc biệt tại Việt Nam có rất nhiều tượng Bồ Tát được xây dựng lộ thiên. Riêng Tây Tạng, hình tượng Bồ Tát cho đến nay vẫn là thân nam (4).

Trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, phẩm Phổ Môn, đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni dạy rằng Bồ Tát Quán Thế Âm dạo đi khắp cõi Ta Bà, tùy căn cơ chúng sanh mà hiện ra các thân tướng thích hợp để giáo hóa. Trong 32 ứng hiện thân, Ngài có thể ứng hiện thân Phật: “Nếu có chúng sanh trong quốc độ nào đáng dùng thân Phật được độ thoát, thời Quán Thế Âm Bồ Tát liền hiện thân Phật mà vì đó nói pháp” (5). Sở dĩ Bồ Tát có thể đóng vai Phật vì Ngài là một vị Phật trong quá khứ. Nếu chưa từng thành Phật, Ngài không thể mạo nhận vai Phật.

Ngoài ra, phẩm Phổ Môn cũng dạy rằng Bồ Tát Quán Thế Âm có thể hiện ra thân phụ nữ để hóa độ chúng sanh. Chính lời dạy nầy đã giúp cho việc chuyển hình tượng Bồ Tát từ thân nam sang thân nữ mà không gây trở ngại cho niềm tin của người Phật tử (6). Hình tướng phụ nữ rất phù hợp với đức nhu hòa nhẫn nhục, từ bi hỷ xả của Bồ Tát như người mẹ hiền thương con, chứ Bồ Tát thì không còn vướng mắc vào hình tướng nam hay nữ (7).

Vì ứng hiện nhiều thân nên Ngài có nhiều tên gọi khác nhau như Thánh Quán Âm, Mã Đầu Quán Âm, Thập Nhất Diện Quán Âm, Phật Mẫu Chuẩn Đề Vương, Như Ý Luân Quán Âm, Bất Không Quyên Sách, Quán Tự Tại, Tiêu Diện Đại Sĩ, Từ Hàng Đại Sĩ, Sư Tử Hống Quán Tự Tại. Kinh Ngũ Bách Danh Quán Thế Âm Bồ Tát liệt kê đến 500 danh hiệu của Ngài.

Đặc biệt là tượng Quán Thế Âm 1.000 tay, trong mỗi bàn tay có một con mắt mà Kinh Đại Bi Tâm Đà Ra Ni tán dương là Thiên Nhãn Chiếu Kiến, Thiên Thủ Hộ Trì. Một ngàn mắt tượng trưng cho trí tuệ siêu việt để quán chiếu tiếng kêu cầu của chúng sanh. Một ngàn tay tượng trưng cho năng lực mầu nhiệm của Ngài có thể phân thân cứu độ khắp mọi nơi trong cùng một lúc. Được như vậy là nhờ Ngài luôn luôn an trú trong định “Hiện Nhất Thiết Pháp Thân” (8). Hình tượng ngàn tay ngàn mắt biểu thị lòng từ bi và trí tuệ vô cùng rộng lớn của Ngài.

3. Tìm dấu chân xưa

Mở đầu Kinh 500 Danh Hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm là câu tuyên dương Phật hiệu “Nam Mô Ta Bà Giáo Chủ Ngã Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật”, rồi sau đó mới liệt kê 499 câu Danh Hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm. Ngài là một Vị Phật đời xưa, vì bi nguyện cứu độ chúng sanh mà trở lại làm Bồ Tát nên mọi lời giảng nói, hành hoạt của Ngài đều dưới sự chấp thuận, chứng minh và hỗ trợ của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni (9)

Về mặt Bản môn, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cũng đã thành Phật từ vô lượng kiếp trước (10), vì cứu độ chúng sanh nên Ngài trở lại cuộc đời qua hình tướng Bồ Tát. Về phương diện Tích môn hay còn gọi là lịch sử, 26 thế kỷ trước tại Ấn Độ, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni Thành Đạo dưới cội Bồ Đề, rồi đến Lộc Uyển hóa độ cho năm người bạn cùng tu khổ hạnh trước đây là Kiều Trần Như, Ác Bệ, Thập Lục Ca Diếp, Ma Ha Nam Câu Ly và Bạc Đề. Đến đây mới hình thành Ngôi Tam bảo là:

          – Phật: Đức Phật Thích Ca Phật Mâu Ni;

          – Pháp: Bài Pháp Tứ Diệu Đế;

          – Tăng: Ngài Kiều Trần Như và 4 Vị trên đây.

Sau đó Đức Phật hóa độ thêm Thầy Da Xá và 54 người bạn, tổng cộng 60 Vị, tất cả đều chứng đắc quả vị A La Hán sau một thời gian tu tập tinh chuyên. Rồi Đức Phật khuyến hóa 60 Vị A La Hán đầu tiên, mỗi Vị đến một vùng để thuyết Pháp độ sanh (11). Như vậy các Vị A La Hán đã hoàn tất phần “tự giác”; nay hoằng Pháp độ sanh là “giác tha”, tức là đang thực hành hạnh Bồ Tát; và trải qua nhiều kiếp tu hành nữa mới được “giác hạnh viên mãn” tức là thành Phật như Đức Phật Thích Ca, Phật A Di Đà, Phật Dược Sư.

Bậc A La Hán cũng có 2 đức lớn như Chư Phật là Giác ngộ và Giải thoát. Giác ngộ: thấy biết và hành động đúng như thật. Giải thoát: không còn bị ràng buộc trong vòng luân hồi sống chết nữa. Khi xả báo thân, các Ngài có thể ở yên trong Niết Bàn, hoặc nguyện trở lại cuộc đời qua một thân tướng nào đó, tự tại đến và đi tùy nguyện lực, tức là các Ngài làm các việc thực tế ở đời thường nhưng không rời Niết Bàn. Vì vậy, Đức Phật cũng được gọi là Vị Đại A La Hán.

Đức Phật cùng các đệ tử đi bộ, chân trần, hoằng Pháp khắp miền Trung Ấn Độ, chung quanh lưu vực sông Hằng và các vùng phụ cận, độ cho vô số người thấm nhuần Phật pháp. Có đến 1250 Vị đắc quả A La Hán (12), còn các quả vị A Na Hàm, Tư Đà Hàm, Tu Đà Hàm càng nhiều hơn. Số lượng Phật tử tại gia thì không thể kể xiết, bao gồm vua, quan cho đến thứ dân, không phân biệt giai cấp, nam nữ, giàu nghèo, già trẻ, trí thức hay không biết chữ. Về sau, Phật giáo được truyền bá khắp nước Ấn Độ rộng lớn và đến các nước khác, theo hai hướng phía nam và phía bắc của miền Trung Ấn. Hướng nam gọi là Nam phương Phật giáo hay Phật giáo Nguyên thủy, hướng bắc gọi là Bắc phương Phật giáo hay Phật giáo Đại thừa (13).

Danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm đã được nhiều bản Kinh Đại thừa đầu tiên như Bát Nhã, Duy Ma Cật, Bảo Tích đề cập đến, nhưng chưa nói đến bản duyên và sự tích của Ngài. Đến khi Kinh Pháp Hoa ra đời mới có phẩm Phổ Môn trình bày rõ ràng về hạnh nguyện lợi sanh của Bồ Tát ở cõi Ta Bà. Kinh Pháp Hoa có 28 phẩm, trong đó Phổ Môn là phẩm thứ 25.

Các nhà chú giải đề nghị xếp các phẩm của Kinh Pháp Hoa thành ba phần (14):

          – Phần Tích môn: nói về những gì xảy ra trong thời Đức Phật Thích Ca còn tại thế mà người trần mắt thịt thấy được, gồm 14 phẩm đầu.

          – Phần Bản môn: cho thấy Phật trên bình diện khác, vượt thoát thời gian và không gian, là Phật của Pháp thân, là Phật bất sanh bất diệt. Ví dụ phẩm Như Lai Thọ Lượng, Hiện Bửu Tháp.

          – Phần Hạnh môn: nói về diệu dụng của Bản môn và Tích môn trong đời sống hằng ngày, tức là hành động cụ thể của các Bậc Bồ Tát như Thường Bất Khinh, Dược Vương, Diệu Âm, Quán Thế Âm, Phổ Hiền. Nhờ vào tính cách đại chúng và thực tiễn nầy nên Kinh Pháp Hoa được nhiều người đọc tụng và thực hành, nhất là phẩm Phổ Môn Quán Thế Âm.

Các nhà Phật học cũng đề nghị phân chia thực tại thành ba khía cạnh khác là Thể (Bản chất của sự vật), Tướng (Hình thức, hiện tượng), và Dụng (Áp dụng vào đời sống) (15). Nơi đây, Bản môn thuộc về Thể, Tích môn thuộc về Tướng, Hạnh môn thuộc về Dụng.   

Trong Kinh Quán Âm Tam Muội, Đức Phật Thích Ca kể rằng vô lượng kiếp về trước, Ngài Quán Thế Âm đã thành Phật hiệu Chánh Pháp Minh Như Lai. Khi còn tu hạnh Bồ Tát, tiền thân Đức Phật Thích Ca đã trợ duyên cho vị Phật này (16). Vì tình thương rộng lớn, Đức Chánh Pháp Minh Như Lai không an trụ Niết Bàn mà trở lại thế gian với vai trò Bồ Tát, vừa trợ hóa cho Đức Phật A Di Đà ở cõi Tây Phương Cực Lạc, vừa trợ giúp Đức Phật Thích Ca ở cõi Ta Bà. Sự hỗ trợ lẫn  nhau giữa Chư Phật, Chư Bồ Tát không thể nghĩ bàn, như lời xưa nói: “Nhất Phật xuất thế, thiên Phật hộ trì”.

Kinh Đại Bi Tâm Đà Ra Ni cũng ca ngợi Bồ Tát Quán Thế Âm là một vị Phật đời xưa có tên là Chánh Pháp Minh Như Lai, nay ứng hiện ra đời làm vị Bồ Tát. Bồ Tát Quán Thế Âm xác nhận đức Phật A Di Đà là Bổn Sư của Ngài (17).

Đức Phật A Di Đà

Trong Kinh Bi Hoa, Đức Phật Bảo Tạng thọ ký rằng, về tương lai, sau khi Đức Phật A Di Đà nhập diệt, Bồ Tát Quán Thế Âm sẽ thành Phật kế vị Phật A Di Đà. Lúc bấy giờ cõi nước đổi tên là Nhất Thiết Trân Bảo Sở Thành Tựu, danh hiệu Ngài là Biến Xuất Nhất Thiết Quang Minh Công Đức Sơn Vương Như Lai (18).

Trong Kinh Địa Tạng, Đức Phật Thích Ca khen ngợi Bồ Tát Quán Thế Âm (19): “Ông có nhân duyên lớn với chúng sanh trong cõi Ta Bà. Những hàng trời, rồng, hoặc nam tử, nữ nhân, hoặc thần, hoặc quỷ, cho đến chúng sanh mắc phải tội khổ trong sáu đường, nếu kẻ nào nghe danh hiệu của ông, thấy hình tượng của ông, hay mến tưởng đến ông cùng khen ngợi ông, thì những chúng sanh ấy đều ở nơi đạo Vô Thượng Chánh Giác quyết chẳng còn thối chuyển, thường được sanh vào cõi người, cõi trời hưởng đủ sự vui vi diệu, khi nhân quả sắp thành thục liền được Phật thọ ký cho”.

Kinh Lăng Nghiêm chép lời Bồ Tát Quán Thế Âm bạch với Đức Phật Thích Ca Mâu Ni: “Con nhớ từ hằng hà sa số kiếp về trước, có Phật ra đời, tên là Quán Âm. Con đối trước Phật Quán Âm phát tâm Bồ Đề. Ngài dạy con từ nơi nghe rồi nhớ và tu mà được vào chánh định” (20). Đức Phật Quán Âm còn cho Bồ Tát danh hiệu là Quán Thế Âm.

Bồ Tát Quán Thế Âm do chuyên tu pháp môn nhĩ căn viên thông mà chứng quả (21):

          1. Bắt đầu từ khi cái nghe đối với thinh trần, không khởi phân biệt theo thinh trần, nên thinh trần tự vắng lặng; song còn cái “nghe”.

          2. Ðến giai đoạn thứ hai cái nghe (năng, sở) cũng hết, song còn cái “hết”.

          3. Ðến từng thứ ba không chấp ở nơi hết, song còn cái “biết hết”.

          4. Ðến từng thứ tư là “cái biết” đó cũng không, song còn cái “không”.

          5. Lên đến từng thứ năm là cái “không” đó cũng không còn. Lúc bấy giờ các vọng niệm phân biệt chấp trước đều hết, thì chơn tâm thanh tịnh tự hiện bày; cũng như các cặn đục đã hết thì tánh nước trong tự hiện.

Nhờ vậy, Ngài có thể nghe, hiểu rõ, và cảm ứng tiếng kêu cầu của chúng sanh ở khắp mọi nơi, từ thành thị đến thôn quê, ở bệnh viện hay chốn ngục tù, nơi rừng sâu núi thẳm hay giữa biển cả mênh mông, giữa chiến trường hay chốn biên địa hạ tiện, nơi có Phật pháp hay nơi chưa từng nghe đến danh từ Phật.

Trong Bát Nhã Tâm Kinh, Bồ Tát Quán Thế Âm có tên là Bồ Tát Quán Tự Tại. Ngài thực hành “Trí Tuệ Ba La Mật Thâm Sâu”, giác ngộ các pháp là “đương thể tức không”: Tất cả sự vật trong vũ trụ đều do nhiều yếu tố khác nhau kết hợp lại nên không có một cái gì riêng biệt, không có một cái gì gọi là tự thể cố định. Tất cả sự vật, từ vật chất đến tinh thần, từ nhỏ như hạt bụi cho đến lớn như dải ngân hà, đều nương tựa vào nhau mà sinh, trụ, dị, diệt, thay đổi, chuyển dịch không ngừng:

“Cái nầy có nên cái kia có,

Cái nầy không nên cái kia không

Cái này sinh thì cái kia sinh

Cái này diệt nên cái kia diệt” (22).

Nói cách khác, “không” chính là vô ngã, vô thường, duyên sinh, tương tức (23).

4. Có cầu là có ứng

Theo Kinh Hoa Nghiêm, Bồ Tát Quán Thế Âm cư trú tại núi Bổ Đà Lạc Ca, hoặc còn gọi là Phổ Đà Lạc Gịa, tiếng Phạn là Potalaka, một hải đảo nhỏ ở gần bờ biển phía nam của nước Ấn Độ. Chính tại nơi đây, Thiện Tài Đồng Tử đã đến tham bái Ngài để cầu đạo Bồ Đề (24). Cũng chính tại đây là nơi Đức Phật Thích Ca giảng Kinh Đại Bi Tâm Đà Ra Ni.

 – Theo các kinh A Di Đà, Vô Lượng Thọ, Quán Thế Âm Thọ Ký, thì Bồ Tát Quán Thế Âm thường cư trú tại thế giới Cực Lạc (25). Ngài cùng Bồ Tát Đại Thế Chí trợ hóa Đức Phật A Di Đà tiếp dẫn chúng sanh ở cõi Ta Bà về thế giới Cực Lạc, cho nên được tôn xưng là “Tây Phương Tam Thánh”.

– Ở Ấn Độ: Bồ Tát Avalokitésvara đã được tôn kính trong suốt những thế kỷ hoàng kim của trường đại học Nalanda. Đại Đường Tây Vực Ký chép, vào thế kỷ thứ VII, Ngài Huyền Trang từ Trung Hoa qua Ấn Độ thỉnh kinh, đi qua một nước tên là Ma Ha Sách Trạch thuộc miền nam Ấn. Nước nầy có ngôi chùa cũ, bên trong có một tượng Bồ Tát Quán Tự Tại bằng đá rất linh hiển, khi nguyện cầu có nhiều kết quả (26). Thời cận đại lại phát hiện ở Ellora, Kenheri, và Lộc Dã Uyển (Mrgadāva) có rất nhiều tranh và tượng Quán Thế Âm.

– Ở Nepal: Bồ Tát Avalokitésvara được tôn kính qua danh hiệu Karunamaya, Bậc Đại Từ Bi. Dân chúng tin rằng khi trời hạn hán làm đất đai khô cằn nứt nẻ thì Bồ Tát sẽ tạo ra mưa. Vị vậy Ngài được xưng tán là Thần Mưa, Thịnh Vượng, Trường Thọ và An Lành. Vào thế kỷ XV và XVI, niềm tin vào Ngài Karunamya phát triển sâu rộng như là Vị Bồ Tát cứu khổ độ sanh (27).

– Ở Tây Vực (xưa): Là vùng rộng lớn phía Tây Bắc Trung Hoa bao gồm các nước như Đại Nguyệt Thị, Ca Thấp Di La (Kế Tân), Quy Tư, Vu Điền, An Tức, Khương Cư, Thiên Trúc. Phật giáo Đại thừa phát triển rất mạnh tại khu vực nầy hơn 1.000 năm, từ đó truyền sang Trung Hoa, Cao Ly v.v… Do đó, Bồ Tát Quán Thế Âm rất được kính ngưỡng (28).    

– Ở Trung Hoa: Niềm tin vào Bồ Tát Quán Thế Âm phát triển rất sớm và ảnh hưởng đến các nước lân cận. Đặc biệt là góp vai trò quan trọng trong việc chuyển hình tướng Bồ Tát từ nam sang nữ (29) qua rất nhiều sáng tác văn học, nghệ thuật như tranh, tượng, văn, thơ, phiên dịch và chú giải kinh điển. Phật tử Trung Hoa thường gọi Ngài là Kwan Yin và tin rằng núi Phổ Đà tại tỉnh Chiết Giang là nơi cư trú của Ngài (30).

– Ở Đại Hàn: Từ Trung Hoa, Phật Giáo Đại thừa được truyền vào Cao Ly (Đại Hàn) vào năm 384 và được vua, quần thần, dân chúng tiếp nhận rất nhanh. Năm 520, một số Tăng sĩ Đại Hàn lên đường đi Nhật Bản để truyền bá đạo Phật. Năm 668, triều đại Shilla có công thống nhất đất nước, Phật giáo cũng trở thành quốc giáo qua nhiều thế kỷ. Thành tựu lớn nhất là bộ Đại Tam Tạng Kinh Đại Hàn đã được hoàn thành vào thế kỷ thứ XI (31). Niềm tin vào Bồ Tát Gwan-eun (Quán Thế Âm) phát triển sâu rộng.

– Ở Nhật Bản: Phật Giáo Đại thừa truyền vào Nhật Bản từ Đại Hàn vào thế kỷ thứ VI và Bồ Tát Quán Thế Âm được biết qua danh hiệu Kwannon. Năm 704, khi bản Hiến Pháp 17 điều đầu tiên của Nhật Bản do Thái tử Thánh Đức (Shòtoku) soạn thảo được ban hành thì Phật Giáo được xem là quốc giáo. Điều thứ hai của Hiến Pháp ghi: “Thành kính đối với Tam bảo. Tam bảo tức là Phật, Pháp, Tăng. Đây là chung quy của tứ sinh, là cực tông của vạn quốc. Đời nào người nào mà không theo pháp ấy? Người ta ít lầm lỗi tội ác, có thể dạy bảo cải tạo. Nếu không quy y Tam bảo lấy gì làm rõ thẳng cong”? (32) Người dân đất nước Phù Tang tin rằng Thái tử Thánh Đức là hiện thân của đức Quán Thế Âm (33).

– Ở Tây Tạng: Phật giáo được truyền bá rộng rãi tại nước nầy vào thế kỷ thứ VII nhờ công đức của Vua Songtsan Gampo cùng hai bà Hoàng hậu Bhrikuti Devi và Văn Thành. Sau đó phát triển mạnh nhờ hai Tăng sĩ nổi tiếng từ Ấn Độ sang: Ngài Liên Hoa Sanh (Padmasambhava) và Ngài Tịch Hộ (Santarrksita) (34). Ngay từ đầu, Bồ Tát Avalokitésvara rất được tín mộ, và câu Chú OṂ MA-NI PAD-ME HŪṂ được phổ biến rộng rãi nhất. Trải dài hơn mười mấy thế kỷ, đạo Phật là quốc giáo. Người dân Tây Tạng tin rằng các đức Đạt Lai Lạt Ma đều là hiện thân của Bồ Tát Quán Thế Âm. Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 hiện nay vừa tròn 81 tuổi (2016), nhưng nếu cộng tất cả những lần tái sinh được nhận biết, tuổi thọ của Ngài là 626 (35)! Cung điện nơi Đạt Lai Lạt Ma làm việc xây cất vô cùng nguy nga hùng tráng, đặt tên là điện Potala.

– Ở Mông Cổ: Vào đầu thế kỷ thứ IV, Phật giáo được truyền vào Mông Cổ từ Ấn Ðộ và Trung Á bằng con đường tơ lụa qua các nhà buôn người Ấn (36). Sau đó có nhiều đợt truyền giáo của Phật giáo Tây Tạng và Trung Hoa, nhưng Phật giáo Tây Tạng chiếm ưu thế và ảnh hưởng mạnh mẽ vào đời sống của người dân Mông Cổ. Ðỉnh cao của sự phát triển nầy là Ðức Ðạt Lai Lạt Ma thứ IV vốn người Mông Cổ (1588). Như người Tây Tạng, Phật giáo là máu, là thịt, là hơi thở của người Mông Cổ, và Bồ Tát Quán Thế Âm rất được kính ngưỡng.  

– Ở Sri Lanka: Phật giáo Nguyên thủy từ Ấn Độ truyền về hướng đông nam, trước tiên là đến nước Sri Lanka. Vào đầu thế kỷ thứ III trước dương lịch, Vua A Dục đã phái con trai là Tỳ Kheo Mahinda và một đoàn Tăng Sĩ đến truyền bá đạo Phật tại đảo quốc nầy. Trong thời gian 2000 năm, Phật giáo thường là quốc giáo. Giữa thế kỷ thứ III, Phật giáo Đại thừa hưng khởi và niềm tin Bồ Tát Quán Thế Âm rất được ngưỡng mộ với tên là Natha Deviyo. Nhiều người tin rằng Bồ Tát Quán Thế Âm cũng chính là Bồ Tát Di Lặc (37).

– Ở Miến Điện: Tương tự Sri Lanka, Miến Điện đã đón nhận Phật giáo trực tiếp từ Ấn Độ vào đầu thế kỷ thứ III trước dương lịch. Vào triều đại Pagan (1044-1287), Bồ Tát Quán Thế Âm rất được dân chúng sùng bái mặc dù họ theo Phật giáo Nguyên thủy (38).

– Ở Campuchia: Phật giáo Nguyên thủy truyền đến rất sớm, nhưng sự thờ phụng Bồ Tát Quán Thế Âm vẫn được ngưỡng mộ. Vua Jayavarman VII (1181-1201) là một trong những vị vua xuất sắc nhất của thời kỳ văn minh Angkor. Sau khi giành lại độc lập từ quân xâm lược Champa vào năm 1181, ông xây dựng một vương quốc của lòng từ bi, tôn thờ Phật giáo Đại thừa, xây dựng nhiều tượng Phật và Bồ Tát Quán Thế Âm khắp các ngôi đền linh thiêng trên toàn quốc (39).

– Ở Nam Dương, Mã Lai, Phi Luật Tân, Thái Lan: Hiện nay vẫn còn nhiều bức tượng về Bồ Tát Quán Thế Âm, chứng tỏ Ngài đã được người dân địa phương tôn kính trong thời quá khứ (40).

– Ở Việt Nam: Trong Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, Nguyễn Lang viết rằng các thương gia Phật tử Ấn Độ đến buôn bán tại Giao Chỉ từ thế kỷ thứ I đã đem sinh hoạt Phật giáo đến với Tổ Tiên người Việt. Những chuyện linh ứng về Bồ Tát Quán Thế Âm đã đến với Việt Nam từ dạo xa xưa đó (41).

Khi nghiên cứu Lục Độ Tập Kinh, Tiến Sĩ Lê Mạnh Thát tìm thấy rằng trước năm 190, Thiền sư Khương Tăng Hội đã dùng tiếng Việt để ghi chép ba bộ Lục Độ Tập Kinh, Tạp Thí Dụ Kinh, và Cựu Tạp Thí Dụ Kinh (42). Như vậy lý tưởng Bồ Tát đã được phổ biến rất sớm tại Việt Nam qua ba bộ kinh trên đây. Ngài Khương Tăng Hội là một Bậc Danh Tăng sinh trưởng và tu học Phật pháp tại Việt Nam, cha là người Khương Cư, mẹ là người Việt. Sau đó, vào năm 247, Ngài Khương Tăng Hội qua Đông Ngô truyền dạy Phật pháp vào thời Tam Quốc. Ngài được vua Ngô là Tôn Quyền tôn làm Quốc sư, hết lòng yểm trợ, cho xây chùa Kiến Sơ làm trung tâm hoằng pháp, cho phép tổ chức giới đàn, độ người xuất gia. Đây là lần đầu tiên tại Trung Hoa người bản xứ được xuất gia (43).

Theo Lịch Đại Tam Bảo Ký, bộ Kinh Pháp Hoa Tam Muội đã được Ngài Chi Cương Lương Tiếp cùng với Đạo Thanh (người Việt Nam) dịch ra chữ Hán tại đất Giao Châu vào năm 260 (44). Qua Kinh Pháp Hoa, niềm tin vào Bồ Tát Quán Thế Âm của Tổ Tiên người Việt càng thêm vững chãi.

Sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép vào năm 1049, vua Lý Thái Tông một đêm mộng thấy đến trước Đức Quán Thế Âm ngồi trên tòa sen. Do giấc mộng nầy mà nhà vua kiến lập chùa Diên Hựu (nay là chùa Một Cột) phụng thờ Bồ Tát Quán Thế Âm tại kinh đô Thăng Long (45). Năm 1069, Vua Lý Thánh Tôn thân đi đánh Chiêm Thành, Nguyên phi Ỷ Lan ở nhà giúp việc nội trị, lòng dân cảm hóa vui vẻ, trong cõi yên tịnh nhờ thấm nhuần Phật pháp, nhân dân gọi bà là Quán Âm (46). Cũng vào đời nhà Lý, hai Thiền sư Ma Ha và Từ Đạo Hạnh đã chứng được pháp Đại Bi Tâm Đà La Ni của Bồ Tát Quán Thế Âm (47).

Thành tựu lớn nhất vào triều đại nhà Trần là sự đoàn kết từ vua, quan cho đến dân chúng nên mới có thể 3 lần đánh thắng quân xâm lăng của đế quốc Nguyên Mông hung bạo nhất thế giới. Các vua đầu nhà Trần tuy bận việc nước nhưng cũng là những người tu tập nghiêm mật, đã thực hiện thành công “Tam giáo Đồng nguyên” là Nho, Thích, Lão (48). Do ảnh hưởng lớn lao của Vua Trần Thái Tông và Tuệ Trung Thượng Sĩ, các thiền phái từ xưa tại Việt Nam đã hợp nhất thành một phái Thiền là Trúc Lâm Yên Tử, và đã có một nền Phật giáo Thống nhất (49). Trong Khóa Hư Lục, vua Trần Thái Tôn nhắc nhở hành giả kính lễ Phật A Di Đà cùng hai vị Bồ Tát là Quán Thế Âm và Đại Thế Chí. Niềm tin Bồ Tát Quán Thế Âm Ngàn Tay Ngàn Mắt đã phổ biến rộng rãi. Nhà nghiên cứu và dịch thuật Quảng Minh nghĩ rằng Kinh Ngũ Bách Danh Quán Thế Âm do một vị Cao Tăng Việt Nam biên soạn vào đời nhà Trần (50).

Hai tập truyện thơ trường thiên nhan đề Quan Âm Thị Kính và Quan Âm Nam Hải được các nghệ sĩ chuyển thể thành các vở chèo lưu diễn khắp nhân gian. Trong đó hình ảnh Phật Bà Quan Âm và Quan Âm Thị Kính luôn hiện rõ vai trò nhẫn nhục, từ bi, vị tha, cứu khổ. Bồ Tát Quán Thế Âm, qua hóa thân công chúa Diệu Thiện, đã tu hành đắc đạo tại động núi Hương Tích, miền Bắc Việt Nam (51). Ngài thường xuyên có mặt tại biển Đông để cứu người hoạn nạn.

Trong tác phẩm My Land And My People, Đức Đạt Lai Lạt Ma kể về việc trở lại cuộc đời của chư Phật một cách giản dị: “Các vị Phật tái sinh chỉ để cứu giúp người vì tự thân các Ngài đã đạt được quả vị  thực chứng cao nhất… Sự tái sinh xảy ra khi có đủ cơ duyên và không có nghĩa là các Ngài rời khỏi trạng thái Niết Bàn. Để hình dung, có thể nghĩ đến bóng trăng trên mặt hồ. Trăng vẫn là trăng trong vận hành bất tuyệt của nó trên bầu trời nhưng người ta chỉ thấy bóng trăng khi mặt hồ phẳng lặng, khi có điều thích hợp; và bóng trăng có thể được thấy nhiều nơi trong cùng một khoảnh khắc. Tương tự như thế, một vị Phật có thể đồng thời ứng thân thị hiện trong nhiều thân xác khác nhau” (52).

Về bản thân, Đức Đạt Lai Lạt Ma gián tiếp hé lộ: Sự tái sinh của riêng tôi là nhất định, nhưng người ta có nhận ra vị Dalai Lama kế tiếp hay không là tùy vào cơ duyên” (53). Như vậy, Bồ Tát Quán Thế Âm hay Chư Phật, Chư Bồ Tát, Chư Thánh Tăng vẫn có mặt khắp nơi, bất cứ lúc nào, nhưng cảm ứng được hay không là do tâm đức mỗi người.

5. Cánh tay nối dài của Bồ Tát

Bồ Tát Quán Thế Âm tượng trưng cho tinh thần nhập thế cứu khổ độ sanh của đạo Phật. Ngài là một trong những vị Bồ Tát Lớn vào hàng Đẳng Giác như Văn Thù, Phổ Hiền, Địa Tạng, Di Lặc sắp sửa vào quả vị Phật. Còn các hàng Bồ Tát khác, từ địa vị Thập Tín, Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Tứ Gia Hạnh, lên Thập Địa, còn trải qua 54 giai vị, số lượng nhiều không thể tính đếm được. Các Ngài đang thầm lặng cứu người giúp đời nhưng không hề nêu danh tánh.

Ngoài ra còn các “bồ tát vào hàng con, cháu, chắc, chiu”, là những Phật tử tại gia nhưng cũng xin nguyện thực tập theo Bồ Tát đạo. Hòa thượng Tuyên Hóa khai thị: “Bồ Tát luôn cứu giúp người. Nếu quý vị cứu giúp người, quý vị chính là Bồ Tát; nếu tôi cứu giúp người, tôi cũng là Bồ Tát” (54). Giúp nhiều hay giúp ít không quan trọng, điều quan trọng là phát tâm Bồ Đề, vì lợi ích an vui cho chúng sanh.

Giữa cuộc đời dẫy đầy truân chuyên khổ nạn, hình ảnh người con Phật có mặt bên cạnh những người bệnh tật, hoạn nạn, khổ đau là vô cùng thực tế và cần thiết. Đến bên cạnh để vỗ về an ủi, xoa dịu vết thương đau, gieo vào lòng người khốn khổ một niềm tin yêu hy vọng. Đôi khi chỉ cần một bát cơm no bụng, một cái nhìn trìu mến cảm thông, một lời nói ấm lòng, một bàn tay thân thiện đưa ra là có thể tạo nên những chuyển hóa mầu nhiệm, như giúp một người qua cơn tuyệt vọng, tạo dựng một niềm tin cho tương lai, hàn gắn mối quan hệ gia đình sắp tan vỡ.

Lời nguyện thứ 11 của Ngài Dược Sư khi còn tu hạnh Bồ Tát rất là thiết thực: “Với những kẻ bị đói khát hành hạ, vì cầu cái ăn mà làm mọi ác nghiệp, thì trước hết con làm cho họ no đủ cơ thể bằng thực phẩm tuyệt diệu, sau đó con sẽ đem cái vui cứu cánh của Pháp vị mà xây dựng cho họ” (55). Pháp vị đó chính là kinh nghiệm thực chứng của Bồ Tát Quán Thế Âm: “Phản văn văn tự tánh”, xoay cái nghe trở về tánh Giác, trở về chân tâm thanh tịnh của mỗi người.

Ngay khi trở về chân tâm là đã có giới và định. Và, tuệ giác cũng dần dần tỏa sáng, soi chiếu các pháp đều rỗng lặng, ngay cả chủ thể soi chiếu cũng lặng yên. Ngay khi đó chính là vô ngã, vô nhân, vô chúng sanh, vô thọ giả tướng, đạt được an lạc thảnh thơi trong từng sát na sanh diệt, tức là “vượt thoát tất cả mọi khổ đau ách nạn”. Đây chính là lộ trình tùng tướng nhập tánh, “nương nơi hiện tướng mà nhập được thể tánh chân như” (56), đi từ dễ đến khó, nương vào những việc làm cụ thể bên ngoài, để rồi quay vào bên trong, phát huy nội lực hùng hậu sẵn có nơi mỗi người để tự vượt qua biển khổ, đạt Giác ngộ Giải thoát, chấm dứt sanh tử luân hồi.

Nỗ lực tự vươn lên là chính, nhưng vẫn bao hàm sự trợ giúp của Bồ Tát Quán Thế Âm, của Chư Phật, Chư Bồ Tát, của pháp giới chúng sanh, vì không có một cái gì có thể tự đứng riêng một mình được. Ngay cả khái niệm bên trong và bên ngoài cũng chỉ là một cặp đối đãi như có và không, tự và tha, cao và thấp, khi tất cả đều liên hệ lẫn nhau, tác động qua lại lẫn nhau, hay nói theo Kinh Hoa Nghiêm: các pháp trùng trùng duyên khởi (57).

Nhiều người than thở đời “mạt Pháp” vì chỉ hiểu chữ “mạt” là tàn rụi; đúng hơn phải thấy “mạt” là phần ngọn, là nhánh lá bên trên của cây đại thụ Phật Giáo. Mạt là ngọn thì tất nhiên là xa bản là gốc, nhưng trăm cành, vạn lá cũng từ một gốc mà ra. Tộc Phổ các dòng họ Á Đông thường mở đầu bằng câu: “Nước chảy khắp trăm sông ngàn nhánh nhờ nguồn cội rất xa; Cây có ngàn cành vạn lá là nhờ gốc rễ sâu dày” (Thủy chi lưu vạn phái nguyên tất viễn; Mộc chi thiên vạn diệp bổn tất thâm).

Đức Đạt Lai Lạt Ma nói việc phân chia các thời kỳ Chánh pháp, Tượng pháp, hay Mạt pháp chỉ có tính cách tương đối. Theo Hòa thượng Tuyên Hóa, “Pháp” vốn không có “chánh, tượng, mạt”; nhưng tâm con người thì có sự phân biệt về “chánh, tượng, mạt”. Bất cứ khi nào còn có người dụng công tu hành, thì khi đó là Chánh pháp còn đang trụ thế.  Ngài phát nguyện: “Tôi nhất định phục hưng Chánh pháp. Tôi chỉ cho phép Phật giáo có Chánh pháp chứ không có Mạt pháp! Bất cứ nơi nào tôi đến, nơi đó sẽ có phước đức, trí huệ và được giảm bớt tai ương. Đây là nguyện lực của tôi. Do đó, không quản khả năng giới hạn của mình, tôi đi khắp nơi tuyên thuyết Chánh pháp và hành trì Chánh pháp” (58).  

Từ hạt giống Từ Bi Trí Tuệ Hùng Lực do Đức Phật Thích Ca Mâu Ni gieo trồng tại Ấn Độ 26 thế kỷ trước, giờ đây Ánh Đạo Vàng đã chiếu soi khắp nơi trên thế giới, thông tin về Phật Giáo thật muôn màu muôn vẻ cho những người có tâm nguyện tìm cầu. So với nửa thế kỷ trước, đạo Phật ngày nay đem lại sự hiểu biết và an lạc cho nhân loại gấp nhiều lần hơn, cống hiến những giải pháp an sinh xã hội và môi trường sống cho toàn cầu nhiều hơn. Liên Hiệp Quốc tôn vinh đạo Phật là đạo Hòa bình và cử hành lễ Phật đản hằng năm tại cơ quan quốc tế này. Thông Điệp Phật Đản năm 2002 của Ông Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh: “Trong thời đại bất trắc toàn cầu hôm nay, quan niệm về hòa bình và về tiềm năng cao cả nhất của con người mà Đức Phật đã chỉ ra, bỗng trở nên thích đáng hơn bao giờ hết. Thật vậy, nếu chúng ta muốn có cơ hội để khắc phục những thách đố mà chúng ta đối diện hôm nay – trong các lãnh vực hòa bình và an ninh, phát triển, và bảo vệ môi sinh toàn cầu – thì chúng ta phải thoát lên trên lối tư duy hẹp hòi và thiển cận vì tư lợi, và nâng chúng ta lên một tầm nhìn phổ quát hơn, trong đó phúc lợi của một cộng đồng nhân loại rộng lớn cũng quan trọng như phúc lợi riêng của chính mỗi chúng ta (59).

Khi nhìn lại 49 năm miệt mài đi chân đất đến với chúng sanh khắp lưu vực sông Hằng tùy bệnh cho thuốc, Đức Thế Tôn chỉ nói một câu giản dị: “Ta chưa từng nói một chữ” (60). Vậy thì những khái niệm bộ phái, Nguyên thủy, Tiểu thừa, Đại thừa, Nam tông, Bắc tông, bảo thủ, cải cách, hạ căn, trung căn, thượng căn, Chánh pháp, Tượng pháp, Mạt pháp, thịnh, suy v.v… chỉ là các hiện tượng bên trên của một dòng chảy thầm lặng nhưng hùng vĩ vô cùng tận của Bi nguyện Độ sanh. Hiện tượng là Tích môn, dòng chảy ngầm là Bản môn, và Bản môn, Tích môn cũng chỉ là một. Cõi Phật ở đâu và lúc nào cũng vô lượng công đức trang nghiêm thanh tịnh, chỉ do tâm chúng sanh bất tịnh nên mới thấy uế nhiễm mà thôi (61).

Bồ Tát Quán Thế Âm cũng như vô lượng Chư Phật, Chư Bồ Tát, Bích Chi, Duyên Giác, A La Hán đã đến và sẽ đến với cuộc đời này, bây giờ Quý Ngài đang ở đâu? Bức tranh cuối trong 10 bức tranh Chăn trâu Thiền tông chỉ rõ: Các Ngài đang “Thỏng tay Vào chợ” (62).

Thiền sư Liễu Quán

Đầu thế kỷ thứ XVIII, Tổ khai sơn chùa Ấn Tôn (nay là Từ Đàm, Huế) là Thiền sư Tử Dung nêu câu hỏi: ” Muôn pháp về một, một về chỗ nào” (Vạn pháp quy nhất, nhất quy hà xứ) (63)? Ngài Liễu Quán đã tham cứu công án đó 6 năm, đến năm 1708 mới tỏ ngộ. Từ đó, Thiền sư Liễu Quán đã Việt hóa thiền phái Lâm Tế để trở thành một dòng Thiền quan trọng tại miền Trung và miền Nam Việt Nam.

Trong lãnh vực khoa học, câu hỏi trên đây có thể trả lời bằng định luật bảo toàn năng lượng mà ý nghĩa không khác gì đạo lý duyên khởi của nhà Phật, rằng trong toàn vũ trụ, “Năng lượng không tự sinh ra cũng không tự mất đi mà chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác”. (Energy can neither be created nor destroyed; rather, it transforms from one form to another.) (64). Hay nói như phẩm Phổ Môn Quán Thế Âm Bồ Tát: “Vô sát bất hiện thân” (Chẳng nơi nào Ngài chẳng hiện thân) (65).

“Cảm đức Từ Bi, để nhiều kiếp nguyền cho thân cận” (66).

Nam Mô Tùy Sở Trụ Xứ Thường An Lạc Quán Thế Âm Bồ Tát.

Nguyên Thành

Chú thích Theo Dấu Chân Bồ Tát

(Các nguồn tài liệu sau đây chỉ viết ngắn gọn; xin xem đầy đủ chi tiết ở Mục Biên tập,  

Kinh Ngũ Bách Danh Quán Thế Âm chữ Việt, Anh, Hán)

        1. Sen Nở Trời Phương Ngoại, trang 242.

        2. Khái Niệm Về Bồ Tát Quán Thế Âm, trang 184.

        3. Đức Đại Bi Quán-Thế-Âm Bồ-Tát.

        4. Lịch Sử Phật Giáo Qua Tem Bưu Chính, trang 53.

        5. Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, trang 528.

        6. Bồ Tát Quán Thế Âm Qua Thơ Ca Việt Nam.

        7. Ý Nghĩa Hình Tượng Bồ Tát Quán Thế Âm  

        8. Sen Nở Trời Phương Ngoại, trang 255.

        9. Kinh Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Bồ Tát Quảng Đại Viên Mãn

            Vô Ngại Ðại Bi Tâm Ðà Ra Ni, trang 14.

      10. Kinh Diêu Pháp Liên Hoa, trang 395.

      11. The Buddha and His Teachings, trang 109.

      12. Kinh Vô Lượng Thọ & Kinh A Di Đà, trang 324.

      13. Phật Học Phổ Thông, Quyển 2, trang 23.

      14. Sen Nở Trời Phương Ngoại, trang 34 và 207.

      15. Phật Học Tinh Hoa, trang 163 và 168.

      16. Chú Giải Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh

            Bình Đẳng Giác Kinh, trang 766.

      17. Kinh Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Bồ Tát Quảng Đại Viên Mãn

            Vô Ngại Ðại Bi Tâm Ðà Ra Ni, trang 15.

      18. Kinh Bi Hoa, trang 197.

      19. Kinh Địa Tạng, trang 150.       

      20. Phật Học Phổ Thông, Quyển 2, trang 562.

      21. Phật Học Phổ Thông, Quyển 2, trang 563.

      22. Đường Xưa Mây Trắng, trang 176.

      23. Trái Tim Của Bụt, trang 389.

      24. Kinh Hoa Nghiêm, tập 4, trang 314.

      25. Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh,

            trang 207.

      26. Đại Đường Tây Vức Ký, trang 389.

      27. Remaking Buddhism for Medieval Nepal, trang 17.

      28. Nghiên Cứu Phật Giáo Tây Vực.

      29. Khái Niệm Về Bồ Tát Quán Thế Âm, trang 189.

      30. Phổ Đà Sơn Dị Truyện, trang 3.

      31. Lịch Sử Phật Giáo Qua Tem Bưu Chính, trang 165.

      32. Phật Giáo & Quốc Đạo Việt Nam, trang 66.

      33. Tịnh Độ Tông Nhật Bản, trang 33.  

      34. Lịch Sử Phật Giáo Qua Tem Bưu Chính, trang 212.

      35. Hài Đồng Lạt Ma, trang 199.

      36. Phật Giáo Tại Mông Cổ

      37, 38, 39, 40. Hình Tượng Bồ Tát Quán Thế Âm Tại Các Nước Châu Á.

      41. Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, tập I, trang 25.

      42. Lục Độ Tập Kinh Và Lịch Sử Khởi Nguyên Của Dân Tộc Ta, trang 354.

      43. Thiền Sư Tăng Hội, trang 13.

      44. Quán Thế Âm Bồ Tát, trang 3.  

      45. Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư, tập I, trang 312.

      46. Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư, tập I, trang 323.

      47. Nghiên Cứu Về Thiền Uyển Tập Anh, trang 262 & 271.

      48. Phật Giáo & Quốc Đạo Việt Nam, trang 78.

      49. Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, tập I, trang 257.

      50. Kinh Ngũ Bách Danh Quán Thế Âm, trang 1.

      51. Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, tập II, trang 102.

      52. Hài Đồng Lạt Ma, trang 204.

      53. Hài Đồng Lạt Ma, trang 207.

      54. Cha Đại Từ – Mẹ Đại Bi.

      55. Kinh Dược Sư, trang 25.

      56. Duy Thức Tam Thập Tụng Lược Giải.

      57. Vũ Trụ Quan Hoa Nghiêm và Thế Giới Hiện Đại.

      58. Chánh Pháp Là Gì?

      59. Thông Điệp Phật Đản Liên Hiệp Quốc Năm 2002.

      60. Thiền Uyển Tập Anh, trang 202.

      61. Cõi Phật.

      62. Tranh Chăn Trâu Đại Thừa và Thiền Tông.

      63. Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, tập II, trang 202.

      64. Định luật bảo toàn năng lượng.

      65. Kinh Phổ Môn, trang 48.

      66. Toàn Tập Trần Nhân Tông, trang 360.