Kinh Địa Tạng, sách Liễu Sanh Thoát Tử, Tạng Thư Sống Chết và nhiều Pháp thoại của các bậc Thầy cao đức đã nói rõ về cách giúp cho người vừa qua đời.
Theo Phật giáo, nếu chưa phải là bậc Giải thoát như Phật, A La Hán, Bồ Tát, thì sau khi chết, mọi người đều phải tái sanh để tiếp tục chuỗi luân hồi bất tận. Cảnh giới tương lai của người mất là kết quả của những nghiệp lành hay dữ do chính người đó tạo ra trong đời sống này cũng như của các kiếp trước. Thành thử, nhìn vào cuộc sống trong đời vừa qua của người quá cố, có thể thấy được hướng thác sanh đời kế tiếp của người mất. Cũng chỉ quanh quẩn trong sáu cảnh giới. Ba cảnh giới lành là trời, người, quỷ thần a tu la; ba cảnh giới dữ là loài vật, quỷ đói, địa ngục.
Từ khi trút hơi thở cuối cùng nơi trần thế cho đến khi tái sanh vào cảnh giới mới, Thần thức người mất ở trong giai đoạn chuyển tiếp gọi là Trung Ấm thân (trung là giữa, giai đoạn chuyển tiếp). Vì thân Trung Ấm được cấu tạo bằng những nguyên tử rất nhẹ nên di chuyển cực nhanh, thích tìm đến các nơi trước đây hay lui tới, thường quanh quẩn bên người thân, nghe được lời cầu nguyện hay khóc than của người thân. Thần thức của thân Trung Ấm hay đụng chạm, hay nói chuyện với người dương thế, nhưng vì người thân không biết, không trả lời nên họ trở nên giận dữ.
Thân Trung Ấm thường tồn tại trong thời gian 49 ngày. Cứ đến ngày thứ 7 kể từ khi mất, Thần thức của thân Trung Ấm lại tái hiện những đau đớn, khổ não, mờ mịt như trước giây phút bỏ thân mạng, vì thế dễ bị sa vào cảnh giới dữ. Vì vậy mới có Pháp cúng Tuần để trợ giúp cho người mới qua đời. Sau ngày thứ 7 đó thì Thần thức tỉnh trở lại. Cứ như vậy lập lại trong 7 tuần. Cách tính ngày làm Tuần: ngày mất kể là 1 + 6 = 7. Ví dụ mất ngày thứ Ba thì làm Tuần ngày thứ Hai.
Trong thời gian này, Thần thức người quá cố thường xuyên nhớ lại và vui buồn với chuyện quá khứ như một cuốn phim thoáng nhanh, mà Kinh Địa Tạng hình tượng hóa là “ở tại các ty sở để biện luận về nghiệp quả”*. Vì thế dễ sinh ra đau khổ, vì chuyện đời khổ nhiều hơn vui. Những cảnh quá khứ nào người quá cố ưa thích nhất, tham đắm nhất, lập lại nhiều lần nhất lúc sanh tiền sẽ dẫn Hương Linh tái sanh lại cảnh giới ấy. Ví dụ lúc sinh tiền thích đi chùa, thích bố thí, thì cảnh giới tương lai sẽ có duyên với Phật pháp. Ngược lại, nếu thích đánh bài, thích rượu thịt thì tái sinh vào cảnh giới sa đọa. Còn nếu độc ác quá thì sẽ sinh vào địa ngục cực kỳ thống khổ.
Thời gian tái sanh có thể là vào tuần thứ nhất, thứ hai… sau khi chết, chứ không đợi đủ 7 tuần. Vì chúng ta không biết chắc là Thần thức đã tái sanh chưa, cho nên cứ tụng Kinh 7 tuần cho chắc chắn. Tuy nhiên, có một số trường hợp, sau 7 tuần, thần thức của thân Trung Ấm vẫn không siêu hóa được. Lý do là vì quá tham đắm, quá bám víu vào cái thân ở dương thế, tức là họ không biết rằng họ đã chết. Ngược lại, họ vẫn tưởng nhớ và hành động như đang sống cuộc đời vừa qua. Chính đó là điều đau khổ nhất, vì Thần thức không thể đầu thai, cứ vất vơ vất vưởng rất tội nghiệp. Đó chính là cảnh giới của Cô hồn Ngạ quỷ đói khát, cô độc, thèm muốn đủ thứ nhưng không bao giờ được thỏa mãn. Trường hợp này thường xảy ra cho các vị chết bất đắc kỳ tử (còn gọi là chết oan) như đụng xe, bom đạn, chìm xuồng, tự tử, chết trẻ…
Khi chúng ta hiểu trạng thái này của thân Trung Ấm thì có thể trợ giúp người qua đời một cách tích cực và hữu hiệu bằng cách làm các việc lành như: niệm Phật, lạy Phật, tụng Kinh, trì Chú, ăn chay, phóng sanh, cúng dường Tam bảo, ấn tống Kinh, bố thí, cư xử hiếu thuận với người thân v.v… Nếu ngày nào cũng thực hành như vậy thì thật quý hóa, nếu không thì ít nhất là vào ngày cúng Tuần. Trước khi thực hiện các việc thiện đó, chúng ta xướng tên họ, Pháp danh người quá cố để tùy hỷ công đức với điều mình sắp làm. Sau khi thực hiện xong, cũng lập lại tên họ, Pháp danh để hồi hướng công đức.
Vì Thần thức của Trung Ấm thân chỉ cảm bằng Tâm, cho nên chúng ta phải chí thành chí kính mới có kết quả. Lễ phẩm tùy theo hoàn cảnh gia đình chứ không quá nhiều, quá ít, vì quá nhiều thì sinh tiếc tiền, còn quá ít là thể hiện cái tâm keo kiệt của mình. Những biểu hiện của người thân lúc đó, Thần thức của Trung Ấm thân đều cảm nhận được hết.
Xin nhớ chuyện kể về Lương Hoàng Sám Pháp: Bà Hy Thị, vợ Vua Võ đời nhà Lương bên Tàu, thuở sinh tiền vì làm nhiều ác nghiệp nên khi chết đọa vào thân rắn hôi hám ngứa ngáy khổ sở. Một đêm, Lương Võ đế ngồi trong hậu cung, đang lúc mơ màng, chợt nghe tiếng than khóc bên ngoài. Rồi tiếng bà Hy Thị kêu cầu Vua nghĩ tình phu thê mà thỉnh Cao Tăng tụng kinh siêu độ cho Bà. Lương Võ đế nói: Ủa, lạ chưa! khi Hoàng hậu qua đời thì Trẩm và quần thần tổ chức tang lễ trọng thể, thỉnh chư Tăng tụng kinh cầu siêu cho Hoàng hậu nhiều ngày, sao bây giờ còn cầu tụng kinh nữa?!
Hy Thị nói rằng, tuy có các lễ đó, nhưng trong khi quý Thầy tụng kinh ngoài Đàn tràng thì Vua ngồi đánh cờ tướng với các quan trong cung, có thành tâm đâu mà Hậu cảm nhận được. Lương Võ Đế giật mình, nghĩ lại quả đúng như vậy. Vua hối hận, thỉnh Cao Tăng trong nước về triều hợp soạn ra bộ Lương Hoàng Sám Pháp, gồm 10 cuốn, trước để Cúng dường Tam bảo, sau là cứu độ chúng sanh, trong đó có Hoàng hậu Hy Thị. Sau khi soạn xong, Vua và Chư Tôn đức thành tâm bái sám. Mới lạy đến cuốn thứ 5, trên không hiện ra thiên nữ dung nhan xinh đẹp, nói rằng mình chính là Hy Thị trước kia. Nhờ đức lành soạn Sám Pháp và tâm thành thọ trì của Vua và Chư tôn Thiền đức mà nay được thác sanh về cõi Trời.
Người đời thường nói chính người sống mới phải tiếp tục cưu mang những gì người chết để lại, chứ người chết là hết chuyện. Dưới ánh sáng Phật pháp thì chết không phải là hết, trái lại, là bắt đầu một dạng sống mới. Khởi điểm của dạng sống mới chính là thân Trung Ấm. Vì vậy, chúng ta vẫn có thể giúp cho người vừa qua đời những trợ duyên tốt lành trong giai đoạn đầy hốt hoảng, xao xuyến, cô độc, bơ vơ, lạc lỏng, mê mờ, dễ sa vào ác đạo đó. Thay vì khóc than, sầu thảm, tiếc nuối, hoặc có khi hờn giận, tất cả chỉ làm cho Thần thức người chết thêm vướng lụy, chúng ta có rất nhiều cách thực tế, đơn giản, đúng Pháp để giúp cho người thân vừa qua đời. Thành kính cầu nguyện người mất kẻ còn đều lợi lạc.
Chân Mật Tướng
* Kinh Địa Tạng, Phẩm 7, Lợi Ích Cả Kẻ Còn Người Mất
“Con quỷ dữ vô thường không hẹn mà đến, thần hồn vơ vẩn mịt mờ chưa rõ là tội hay phước, trong 49 ngày như ngây như điếc, hoặc ở tại các ty sở để biện luận về nghiệp quả, khi thẩm định xong thời cứ y theo nghiệp mà thọ lấy quả báo. Trong lúc mà chưa biết chắc ra làm sao đó thì đã nghìn muôn sầu khổ, huống là phải bị đọa vào các ác đạo… Thần hồn người chết đó khi chưa được thọ sanh, ở trong 49 ngày, luôn luôn trông ngóng hàng cốt nhục thân quyến tu tạo phước lành để cứu vớt cho”.