Chuyển tới nội dung
Trang chủ » Blog » Lượm Lon Là Một Cách Tu Tập

Lượm Lon Là Một Cách Tu Tập

Dự trại Relay for Life cùng cộng đồng đa chủng tộc Hoa Kỳ tại Consunes River College, California. Trần Thị Khành Hiền là “Captain”.

Kính lạy Bồ Tát Quán Thế Âm,

Hôm ấy là một sáng mùa đông lạnh giá tại Elk Grove năm 2007. Bầu trời xám xịt, báo hiệu những cơn mưa còn tiếp diễn. Đã hơn 9 giờ mà con vẫn còn nằm trùm chăn trên chiếc giường êm ấm, nhưng đầu óc lại cứ băn khoăn, rằng có nên ra con mương gần nhà lượm lon chai recycle hay không?! Hai hôm trước đây đi bộ qua khu vực đó, con tình cờ thấy cả mảng lon chai nằm la liệt dưới mương nước, bên cạnh bụi lau um tùm che khuất.

Đã nhiều tháng qua, anh Tôn Thất Hoàng đề nghị anh chị em HTBQTA thu nhặt lon chai để gây quỹ giúp các cháu khuyết tật mồ côi tại quê nhà. Con và mọi người đều hăng hái lượm lặt từ trong nhà ra đến ngoài đường, bãi đậu xe, công viên, nhưng con chưa thấy mảng lon chai nào nằm dồn đống như vậy. Hôm ấy nằm trên giường mà đầu óc cứ tính toán mãi. Làm việc cả tuần nhọc mệt, được buổi sáng nghỉ ngơi thư dãn, lại trong thời tiết giá lạnh, mưa bay lất phất nầy mà ra công viên lượm lon thì ngán ngẩm quá! Chưa kể chạy xe phải tốn tiền xăng, thời gian đi về, bòn vớt đồ phế thải dưới mương nước dơ bẩn cũng phải 1, 2 tiếng đồng hồ. Rõ ràng “thu nhập” không tương xứng với công sức bỏ ra. Nếu dùng thì giờ đó mà đến văn phòng ấm áp làm overtime, tiền lương tăng 50%, rồi dùng tiền đó tặng từ thiện thì giá trị gấp mấy chục lần đi lượm lon! Đó là lý của “kẻ mạnh”. Còn lẽ của “người yếu”: Muốn làm overtime cũng phải được supervisor chấp thuận trước và đâu phải lúc nào cũng có việc. Vả lại, tiền overtime đã trở thành income, muốn chi cho từ thiện cũng phải… “cân đối” với ngân sách gia đình. Còn lượm lon chai recycle chỉ là việc làm thêm, nhiều ít gì cũng được, làm cho vui, cũng là cách giảm stress, cũng là cách thêm “hương vị” cho cuộc sống. Vậy là con vùng dậy… “xuống đường”!

Đậu xe bên lề đường, con lấy ra nào là cào, cuốc, bao, mang đến bờ mương. Thấy mảng lon chai còn đó, lòng mừng khấp khởi. Nhưng lối đi xuống mương dốc đứng, đá lởm chởm, con phải bò xuống từng bước, hèn gì mà không ai thèm lượm. Thì ra, đó là chỗ ống cống từ trường tiểu học Irene B. West chảy ra, mùi xú uế bốc lên khó chịu. Không có bao tay, con phải lấy bao nylon quấn vào tay, rồi lượm và bươi mót từng cái lon, cái chai chìm một nửa dưới lớp bùn đen lầy nhầy trông muốn ói.

Thỉnh thoảng con phải đứng dậy, ngửa cổ lên trời hít vào một hơi dài không khí trong lành bên trên, rồi ngồi xuống thở ra thật nhẹ, vừa tiếp tục “công tác”, vừa nhập từ bi quán để thắng lướt mùi hôi. Con “thấy” con là một học sinh đang đi xe đạp dưới chân đồi Quảng Tế, Huế, ngang qua một bãi rác Mỹ khổng lồ. Đó là một buổi trưa hè năm 1968, mùi hôi nồng nặc bốc lên cả một góc trời. Nhiều em bé và người lớn mặt mày lem luốt, áo quần dơ dáy, đang bươi xới bãi rác để tìm đồ hộp, tìm vật dụng đem về dùng hay bán lại. Các em cười vui bên đống rác, ăn uống cũng đó, nghỉ ngơi cũng đó. Các em đang độ tuổi đi học, nhưng phải ở nhà giúp cha mẹ kiếm sống.

Con lại “thấy” các bà mẹ mặt mày nhem nhuốc, đi lượm mót chai, bao nylon, dép đứt nơi các lùm cây hoặc bụi tre làng. Mỗi lần thấy như vậy, con lấy làm ái ngại, nhỡ các bác lượm mẻ chai đứt tay, nhiễm trùng sâu uốn ván thì nguy khốn! Làng con cũng có một người kiếm sống cách đó. Chồng đi lính đánh trận xa nhà, vài tháng mới về một lần. Vợ ở nhà nuôi ba con gái nhỏ, lương lính không đủ tiêu, phải cù đày làm thêm nhiều việc nặng nhọc với tấm thân gầy yếu!

Ôi! Cuộc sống người dân nghèo thời nào, ở đâu, cũng lao đao lận đận! Ngày nay thoát được cảnh nghèo, con tự nhủ nên làm chút gì để chia sẻ với những mảnh đời còn trong vòng khốn khó! Những giọt lệ cảm thương lăn dài trên má. Con không còn thấy hôi hám hay xú uế, mà chỉ thấy nguyện lực giúp đời dâng cao. Cái cào, cái cuốc đem theo thật tiên dụng. Con có thể vói tay ra xa cào xới những cái lon, cái chai mà khỏi phải lội xuống vũng bùn lạnh ngắt mà chắc chắn là rất ngứa.

Mang 3 bao nhôm nhựa ra xe, về đến nhà lại phải mất nửa tiếng đồng hồ xối nước rửa sạch. Vòi nước lạnh ngắt, nhưng lần nầy phải dùng tay không mà rửa từng cái lon, cái chai nên hai bàn tay tê cóng. Nhìn lại sản phẩm đã vào bao sạch sẽ, tuy không nhiều như con nghĩ ban đầu, nhưng lòng thấy vui và ấm áp vì đã chiến thắng được chút vị kỷ bản thân. Cũng mất hết một buổi sáng, nhưng là một buổi sáng với tâm tình hiến dâng chứ không phải nằm dài đọc truyện.

Niềm vui thật giản dị

Từ dạo đó, con lượm lon chai rất thành thạo, nhìn đâu cũng thấy lon chai! Cái khó là dám cúi xuống lượm cái lon, cái chai, nhiều khi nằm bẹp dí giữa đường, trong khi có nhiều người đứng bên cạnh. Lúc đầu con cũng thấy ngượng ngùng, lảng tránh. Con cũng là công chức như họ, cũng tay xách cặp, áo quần tề chỉnh đến văn phòng. Không ai lượm lon, mà mình con làm thì kỳ quá! Rồi con lại nghĩ, ngày nay nhiều văn phòng có thùng nhận recycle để phụ thêm chi phí cho các sinh hoạt tập thể, lễ, tết. Rồi chính supervisor hăng hái chở chai bao recycle đó đi bán! Con gặp những cặp vợ chồng người Mỹ trẻ tuổi mà cũng lái những chiếc xe cáu cạnh đi bán lon chai. Nhờ nghĩ như vậy nên con trở nên mạnh dạn, cúi xuống, lòng thầm nghĩ: “Vì chúng sanh con lượm cái lon này”.

Ngày Tết năm Kỷ Sửu (2009), HTBQTA tham gia Hội Chợ Tết Cộng Đồng Việt Nam tại Sacramento. Buổi chiều, mọi người rủ nhau đi lượm lon. Tay con cầm tấm bảng ghi: “Recycle giúp các em khuyết tật”. Bên cạnh là các anh Bá, Nhạc, Hoàng, tất cả đều đang mặc áo vét, đeo cà vạt, dàn hàng ngang tiến bước, theo sau là các chị Đôi, Đông, Mừng, Quảng Trợ, đi quanh khu vực Hội Chợ để kiếm “tình thương”. Nhiều bà con vui vẻ đem lon chai trong gian hàng của mình ra bỏ vào bao bị của Hội. Mấy nhân viên security và police người Mỹ vẫy tay chào thân ái! Đây là một công mà hai việc vì giúp làm sạch sẽ khu vực. Đến một bàn nhậu của nhiều chủ doanh nghiệp đồng hương, sau khi con nói ít lời về mục đích lượm chai, ai cũng vui vẻ giúp thu nhặt các vỏ chai bia trên bàn, còn dưới sân thì la liệt vỏ chai Heineken, tha hồ mà lượm. Một người trẻ tuổi trong bàn đứng dậy nói vài tiếng, thế là nhiều cánh tay đưa tiền ra, người bạn trẻ nhanh nhẹn thu gom, cuốn các tấm giấy bạc thành một cuộn tròn rồi trao cho con! Đây là một việc thật bất ngờ nên con chẳng biết nói gì hơn ngoài hai chữ cảm ơn, bỏ tiền vào bọc áo, rồi tiếp tục công việc vì khí thế đang lên! Chiều tối trước khi ra về, anh chị em khui thùng donation, con mới sực nhớ đến cuộn tiền do người bạn trẻ trao hồi chiều, lấy ra đếm được $157. Thật là một món tiền lớn, nhiều hơn tất cả lon chai bán được trong dịp Tết!

Điều rất vui là cả nhà con đều hồ hởi cùng đi lượm lon: cháu An Như, Quang, Hiền, Hạnh và con. Công việc recycle đều được mọi người trong Hội và nhiều thân hữu hưởng ứng: Cô Diệu Ngọc, gia đình chị Quảng Diệu Huệ, các chị Thới, Hồng, Kim Phương, Lan Phương, Liên, Yến; các anh Cương, Rong, Huấn, Bồng, Thanh, Trung, Dụng; các em Vui, Thi; các cháu Nga, Thủy, Mai, Hương, chị em Trương Diễm; cùng nhiều thân hữu đem lon chai đến tặng tại Hội Quán nhưng không cho biết quý danh. Chị Liễu là người thu gom nhiều nhất, kế đó là chị Quảng Trợ, chú Chính, anh Năm. Ba năm trước, anh Bá có viết một bài Lượm Lon rất ngắn, vui, và làm rung động lòng người, không những tại Hoa Kỳ mà còn lan đến cả Canada! Tổng thu reclycle trong 6 năm qua là $6,259! Một con số nói lên biết bao công khó và tấm lòng của những người thu nhặt. Tục ngữ thì nói “tích thiểu thành đại”, còn lời Phật dạy là “Đừng chê việc thiện nhỏ mà không làm”!

Chiếc xe van mới toanh 2003 của gia đình con, 5 năm đầu tiên chỉ chạy loanh quanh trong thành phố, chưa được 40,000 miles, nhưng đã được góp phần công đức chở vỏ bia, vỏ chai xì dầu, chai nước mắm, chai nhựa, lon nhôm, bình sữa đi bán hằng chục lần. Mặc dù đã được lót nylon cẩn thận nhưng vẫn không tránh khỏi nước dơ từ các bao chảy ra, hoen ố cả sàn xe và ghế ngồi. Nhất là mùi sữa chua lâu ngày lan nồng nặc trong xe, mở cửa xe cả 3 ngày cho gió thổi vào mà vẫn còn phảng phất mùi hôi.

Anh Phô tu mà chiếc xe cũng tu luôn

Anh Bá có lần tán dương: “Anh Phô tu mà chiếc xe cũng tu luôn”! Quả thật chiếc xe không chỉ dùng cho việc chở recycle, chở rùa, ếch đi phóng sanh, mà còn chở các đạo hữu đi chùa, đi tụng kinh, nghe Pháp, đi dự Buffet, đi làm từ thiện. Khi lên xe mọi người thường trì tụng chú Đại Bi, niệm A Di Đà Phật, Quán Thế Âm Bồ Tát. Riêng về chú Đại Bi thì chiếc xe cũng có duyên lành được nghe trên 6,000 biến, vì mỗi ngày đi làm con vừa lái xe vừa tụng chú Đại Bi. Có lẽ nhờ vậy mà qua 9 năm và 110,000 miles phục vụ, xe chưa bị tai nạn gì xảy ra.

Qua 6 năm cùng gia đình và anh chị em kham nhẫn thu lượm, phân loại, chuyên chở, và bán lon chai giúp quỹ từ thiện, con nghiệm ra rằng đây cũng là một cách tu tập có hiệu quả.

(1) Khi biết tận dụng từng cái lon, từng cái chai recycle, con càng tiết kiệm hơn các chi tiêu cho bản thân để giúp từ thiện. Chẳng hạn cái áo len từ Việt Nam qua đây đã 15 năm mà con vẫn còn mặc; chỉ bỏ đi một năm nay khi áo đã xơ, không còn giữ được hơi ấm. Áo quần, giày, cặp đi làm của con là chính hiệu là hàng… “garage sale”! Đây là cách thực tập tâm ít muốn và biết đủ.

(2) Khi con cúi xuống lượm lon giữa chốn đông người mà không cảm thấy xấu hổ, ngại ngùng, không mặc cảm tự ti, là con tập được tâm khiêm nhường.

(3) Khi con ngồi xuống lượm một cái chai với niệm tình thương thì tất cả ý niệm về cái ta, kiêu hãnh, hơn thua, hào nhoáng, vai vế, đều bặt dứt. Ngay lúc đó con thể nhập vào tâm vô vi, không chấp ngã, chấp nhân, chấp tướng.

(4) Lượm lon chai quăng liệng khắp nơi là con đang giúp làm sạch môi trường sống, có ý thức không xả rác bừa bải, có trách nhiệm với đất đai, cây cỏ và mọi sinh vật cùng sống trên quả đất nầy. Lúc đầu con lượm lon vì mục đích kiếm tiền thêm giúp các cháu khuyết tật, nhưng sau một thời gian, con nghiệm thấy đây là một cách hữu hiệu để điều phục tâm và nuôi dưỡng lòng từ bi, biết  đồng cảm với những cảnh ngộ khốn cùng, biết nỗ lực làm một cái gì thiết thực để xóa đi nỗi khổ niềm đau chứ không phải hý luận suông. Một cái lon nhôm giá 5 xu có thể giúp một người đói có củ khoai, củ sắn. Vài cái lon nhôm có thể giúp em bé mồ côi có một chén cơm rau!

 (5) Một hôm, con chợt “thấy” rằng cái lon, cái chai trong thùng rác mà con còn biết trân quý nhặt lên, huống chi là một người thân trong gia đình, một người bạn, một đồng hương, một con người, hay một ếch, con rùa. Vậy mà con vẫn hay chấp trách những thiếu sót của họ để trở nên giận hờn, xa cách. “Thấy” như vậy nên con nguyện thay đổi thái độ sống của mình hơn là chờ người khác thay đổi. Đó là con đang thực hành tâm cung kính, tâm vô kiến thủ.

 (6) Lượm cái chai trong thùng rác là con đang thực tập “rác là chai, chai là rác”. Chai và rác có thể chuyển hóa vai trò lẫn nhau, làm duyên cho nhau, vì chúng là những hợp thể, chứ không có tự thể cố định. Ngày mai đây, các mảnh chai thủy tinh uế tạp đó sẽ được nấu chảy và tôi luyện để tạo ra những sản phẩm tinh khiết, đẹp mắt. Đó là con đang thực hành tâm không quán.

(7) Đồng tiền kiếm được từ recycle tuy không nhiều, nhưng khi tặng vào quỹ từ thiện, thì giá trị cũng bằng các đồng tiền lớn, vì đó chính là TẤM LÒNG. Mà tấm lòng thì không thể đo lường tính toán được, đó chính là tâm bình đẳng cúng dường.

(8) Dù kiếm đồ recycle ở những nơi xú uế nhưng vẫn không làm con phiền não, dù lời khen, tiếng chê về công việc chỉ dành cho dân homeless nầy cũng không làm con lay chuyển tâm nguyện, đó là con đang thực tập tâm vô nhiễm.

 (9) Trong khi lượm mót đồ phế thải mà tâm con vẫn an tịnh, biết rõ việc con đang làm, thân và tâm có mặt cùng một lúc, đó chính là tâm vô tạp loạn. Phải chăng đây cũng là một cách thiền tập: thiền lượm lon?!

(10) Kinh Kim Cang dạy: “Tất cả mọi hành hoạt giữa đời đều là Phật pháp” (Nhất thiết pháp giai thị Phật pháp). Cùng một ý nghĩa như vậy, Kinh Hoa Nghiêm nói rằng “Tâm như họa sĩ, có thể vẽ nên tất cả thế giới”. Vì vậy không nên dính mắc vào hình tướng trong sự tu tập, mà nên chú trọng vào cái tâm. Nếu lượm lon mà có thể phát khởi tâm từ bi, tâm bình đẳng, tâm vô vi, tâm vô nhiễm, tâm không quán, tâm cung kính, tâm khiêm nhường, tâm vô tạp loạn, tâm vô kiến thủ, thì việc lượm lon đó chính là tâm vô thượng bồ đề, vừa cầu Phật đạo vừa cứu giúp chúng sanh. Với những người mới thực hành phép lượm lon nầy, muốn mau có hiệu quả, nên tinh tấn quán chiếu ba tâm hành: tâm khiêm nhường, tâm từ bi, và tâm không quán.

Kính lạy Bồ Tát Quán Thế Âm,

Khi tụng đọc câu “Pháp môn vô lượng thề nguyện học”, con cảm động thấy đạo Phật thật uyển chuyển, tùy duyên mà bất biến. Tu bất cứ cách gì cũng được, miễn rằng thật sự là “tu”. Trong cuộc sống hằng ngày, luôn luôn phải ứng phó với mọi tình huống thuận nghịch ở đời, không phải lúc nào con cũng giữ được an lạc. Chỉ khi nào con thực sự quay về với mình, quay về với từng hơi thở ra vào nhẹ nhàng, sâu lắng, khinh an, không vướng bận một ý niệm nào, lúc đó con mới thật là đang có mặt với chính mình. Con vui mừng khi nhận ra rằng, thỉnh thoảng con cũng có được những giây phút quý báu đó, không những trong khi thiền tập, tụng kinh, trì chú, niệm Phật, lạy Phật, Pháp đàm, mà còn trong mọi sinh hoạt hằng ngày, kể cả khi con lượm lon chai recycle. Vì vậy con xin mạo muội gọi tên bài chia sẻ kinh nghiệm nầy là “Lượm Lon Là Một Cách Tu Tập”. Nếu có điều gì sơ suất, xin Bồ Tát từ bi điểm hóa cho con.

                                                                                       Mùa Phật Thành Đạo, Phật lịch 2556

Nguyên Thành Trần Duy Phô